Trong mọi công việc từng làm, Gavin (người Anh, tên đã được thay đổi) đều hay trốn việc. Khi làm ở trung tâm tiếp nhận cuộc gọi, anh thường tắt điện thoại thay vì trả lời. Hay khi làm trong quán rượu, đôi lúc anh lẻn sang một quán khác để uống một chút.
Khi đại dịch bùng phát, Gavin (hiện là kỹ sư phần mềm) càng nhận ra niềm vui khôn xiết rằng mình có thể tiếp tục trốn việc và ở nhà một cách chính đáng. Anh bắt đầu làm từ 8 giờ 30 sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa. Để đối phó với việc bị cấp trên kiểm tra thông qua hoạt động của laptop, Gavin phát một video dài 10 tiếng để chiếc laptop không tắt màn hình.
Nhiều người coi Gavin là kẻ thất bại nhưng anh nhìn nhận cuộc sống theo cách của riêng mình. "Tôi làm việc để trả các hóa đơn và vẫn có nơi để ở, có đồ để ăn. Tôi không thấy bất kỳ giá trị hay mục đích nào trong công việc. Sếp của tôi hài lòng với việc tôi đang làm, hay chính xác là việc mà ông ấy nghĩ tôi đang làm", anh chia sẻ.
Vừa hay, công việc và đại dịch đã tạo điều kiện thuận lợi để anh tận hưởng thứ duy nhất quan trọng với anh trong cuộc sống: thời gian. "Cuộc sống ngắn ngủi nên tôi muốn tận hưởng thời gian mà mình có theo cách vui vẻ nhất có thể. Tôi đang hạnh phúc hơn bao giờ hết".
Theo Guardian, những người như Gavin được gọi là "triệu phú thời gian".
Được nhà văn Nilanjana Roy nêu ra lần đầu trong một chuyên mục trên tờ Financial Times năm 2016, các "triệu phú thời gian" đo lường giá trị của riêng mình không phải bằng yếu tố tài chính, mà theo giây, phút và giờ họ lấy được từ công việc để nghỉ ngơi và giải trí.
"Tiền bạc có thể đem lại sự thoải mái và an toàn nhưng tôi ước chúng ta được dạy phải coi trọng thời gian của mình như coi trọng tiền bạc bởi cách ta sử dụng từng giờ, từng ngày là cách sử dụng cuộc sống", tác giả viết.
Và đại dịch đã tạo ra một nhóm triệu phú thời gian mới. Anh và Mỹ đang chìm trong khủng hoảng lực lượng lao động. Thế nhưng, một khảo sát gần đây cho thấy hơn 56% người thất nghiệp không tích cực tìm việc mới. Nhiều người không quay lại làm công việc trước đại dịch, hoặc nếu có, họ yêu cầu làm việc tại nhà. Phần đông họ là những người chưa có con cái hay nhiều vướng bận về gia đình.
Thời gian ở nhà do đại dịch khiến không ít người đánh giá lại thái độ với công việc và xem liệu có thể sống cuộc sống với ít vật chất hơn nhưng hài lòng hơn không.
"Tuần trước, tôi lên tàu lúc 7 giờ sáng và một số người đàn ông xung quanh tôi bắt đầu giở laptop cùng giấy tờ ra. Chưa đến văn phòng mà họ đã làm việc, đó hẳn là điều quan trọng nhất với họ. Tôi cảm thấy tiếc cho họ", Samuel Binstead (29 tuổi) – chủ một tiệm cà phê tại Sheffield chia sẻ.
Binstead cũng từng là người nghiện công việc. Trước đại dịch, anh điều hành một quán rượu ở trung tâm Sheffield, làm việc từ 10 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau, 5 ngày/tuần. Ngày nghỉ, anh làm công việc liên quan đến giấy tờ.
"Tôi không nhận ra bản thân kiệt sức đến mức nào. Tôi dùng công việc để đối phó với công việc và đó dường như là lựa chọn duy nhất của tôi. Mẹ còn không buồn mời tôi đến bữa tiệc sinh nhật lần thứ 50 của bà vì biết rằng tôi sẽ bận", Binstead kể.
Khi đại dịch ập đến, Binstead cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. "Nó đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của tôi với tiền bạc. Với tôi, thời gian ở nhà quý giá hơn rất nhiều", anh nói.
Tháng 9/2020, anh đóng cửa quán rượu, chuyển sang kinh doanh nhỏ hơn là bán cà phê buổi sáng, đóng cửa vào giờ ăn trưa. Doanh thu giảm tới 75%. Vào các buổi chiều, anh tập chụp ảnh hoặc gặp gỡ bạn bè. Anh không còn mục tiêu nghề nghiệp.
"Tôi chỉ muốn tiếp tục những gì đang làm và sống cho hiện tại. Tôi đang hạnh phúc gấp 100 lần so với trước đây".
Tất nhiên, Binstead trở thành "triệu phú thời gian" từ điều kiện tài chính không tệ. Trong hoàn cảnh hiện tại, làm việc ít hơn, nhận lương ít hơn không phải lựa chọn dành cho người lao động có mức lương tối thiểu đang đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt hay những bậc cha mẹ đang phải vật lộn để nuôi con.
"Tôi 38 tuổi và không có con. Tôi hiểu thế nào là xa xỉ khi dành 3,5 giờ mỗi ngày để đi dạo", Isaac Fitzgerald một nhà văn ở New York cho biết.
Isaac tự gọi mình là triệu phú thời gian. Anh bắt đầu đi dạo sau khi nhận thấy dù đã sống tại New York 7 năm nhưng anh hầu như không biết gì về thành phố. Thời gian nghỉ trong đại dịch đã tạo cho anh cơ hội mới để khám phá. Trước đại dịch, Isaac thường làm việc 80 tiếng/tuần. Hiện anh giảm xuống còn 30 giờ, thu nhập giảm 50%. Thời gian là tài sản lớn nhất và được anh "bảo vệ" cẩn thận.
Lực lượng lao động ở Anh đang đối mặt với nhiều căng thẳng, làm việc quá sức và bị trả lương thấp. Họ làm việc nhiều giờ nhất ở châu Âu, tương đương 2,5 tuần không lương trong 1 năm. Tuy nhiên, lương của họ lại không theo kịp lạm phát.
Thế nhưng việc tách biệt giá trị bản thân khỏi tài khoản ngân hàng hay chức danh trên danh thiếp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đối với nhiều người, lòng tự trọng không cho phép họ làm điều đó.
Binstead nói: "Mọi người có nghĩ tôi lười biếng không? Xã hội chúng ta tôn vinh làm việc quá sức như biểu hiện của đạo đức tuyệt vời. Nếu không bận rộn hay cố gắng hết sức, bạn sẽ bị coi là người kém cỏi".
Theo thời gian, nhàn hạ đã trở thành thứ bị coi thường, đặc biệt là với người trong độ tuổi lao động. Thảnh thơi có lẽ là điều xa xỉ chỉ dành cho người đã nghỉ hưu hoặc trẻ em mà thôi!
Tuy nhiên, những lời kêu gọi chấm dứt tình trạng làm việc quá sức đang thu hút được sự chú ý. Cả Anh và Mỹ đều đã xuất hiện một số chiến dịch làm việc 4 ngày/tuần. Nhà văn Alex Pang cho biết ông ủng hộ một thế giới nơi công nghệ là động lực giải phóng sức lao động, cho phép con người lấy lại được nhiều thời gian hơn.
Nguồn: Guardian
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị