Trong phiên giá tranh ủng hộ dự án 'Nhà chống lũ' tại TP.HCM, bức tranh Ngựa của Bùi Giáng đã được bán với giá 11.000 USD (khoảng hơn 255 triệu đồng).
Bức tranh Ngựa do Bùi Giáng vẽ
Đây là bức tranh được nhà thơ Bùi Giáng vẽ vào khoảng năm 1984, bằng mực tàu và bột màu trên chất liệu giấy. Bức tranh Ngựa của Bùi Giáng rất sống động bởi ý tưởng độc đáo thông qua những nét cọ phóng túng trên những mảng màu sáng tối đa sắc chồng lên nhau. Ngựa của Bùi Giáng vừa trừu tượng vừa siêu thực. Nhìn vào tranh, người thưởng lãm khó mà biết ông gửi gắm điều gì nhưng cũng hiểu một phần nào đó về một phong cách rất “cà rỡn” kỳ lạ bí ẩn như chính cuộc đời của ông.
Được biết, sinh thời thi sĩ Bùi Giáng vẽ rất nhiều tranh, số lượng tranh của ông vẽ tặng bạn bè cũng rất lớn. Tuy nhiên cho đến nay đa số đều bị thất lạc. Tranh của ông là một kiểu dạng thực hành nghệ thuật khác biệt so với sự nhìn nhận về thế giới của những người bình thường. Vì vậy từ phong cách thể hiện cho đến cách đặt tên tranh của Bùi Giang cũng rất khác thường, kiểu như Bò khát bia, Chó hút thuốc, Người say, Người cưỡi ngựa hộc máu, Chân dung người điên, Chân dung, Lão Từ Hải thất vọng...
Tranh Lão Từ Hải thất vọng của Bùi Giáng
Có thông tin cho rằng trước năm 1975, khi đang chuẩn bị triển lãm, vì một số ý kiến nhận xét tranh của ông quá phóng túng, Bùi Giáng đã giận dữ lấy xăng đốt toàn bộ tất cả những bức tranh định bày. Sau đó thi thoảng ông mới vẽ lại.
Theo họa sĩ Phạm Cung, sau này Bùi Giáng vẽ tranh từ năm 1982 đến khoảng năm 1994 trước lúc ông qua đời (1998). Thời gian này Bùi Giáng thường qua lại ăn ở tại nhà họa sĩ Phạm Cung. Lúc ngẫu hứng ông mượn cọ, xin màu, xin giấy rồi vẽ. Ông vẽ rất say mê, đến độ hết màu nước ông chuyển sang vẽ bằng bút bi. Có khoảng 20 bức tranh của Bùi thi sĩ được họa sĩ Phạm Cung lưu giữ đến ngày nay.
Theo lời kể của ông Bùi Vịnh, một người em của thi sĩ Bùi Giáng: "Năm 1950, Bùi Giáng đỗ tú tài 2 ban văn chương. Năm 1952 ông vào Sài Gòn dạy học, viết sách và vẽ tranh". Và một người thầy của Bùi Giáng là giáo sư Vũ Ký khi gặp lại ông ở Sài Gòn thời gian trên thì "Bùi Giáng đã nghỉ dạy học tư để cầm cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong căn nhà lụp xụp ở hẻm Trương Minh Giảng". Đặc biệt, giáo sư Ký còn tìm được rất nhiều tranh vẽ bằng mực tàu, bút bi khá độc của Bùi Giáng.
Năm 2016, tranh của Bùi Giáng lần đầu tiên được triển lãm tại TP.HCM cùng tranh của các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Lê Kinh Tài, Đinh Thị Thắm Poong, Lim Khim Katy, Nguyễn Thị Châu Giang..., tác phẩm Gửi đêm của Bùi Giáng (chất liệu mực tàu và gouache color trên giấy, sáng tác năm 1992) đã được mua với giá 27.000 USD (giá khởi điểm 2.500 USD).
Bức tranh Gửi đêm của thi sĩ Bùi Giáng
Bùi Giáng sinh năm 1926 (Bính Dần) tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học. Ngoài tên thật Bùi Giáng ông còn dùng các bút danh như Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng...
Ông là một nguời tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới. Bùi Giáng được giới văn chương gọi là "thi sĩ kỳ dị" bởi cách sống rất khác biệt của ông. Những tác phẩm đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, như Một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm...
Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là “trung niên thi sĩ” cùng hàng loạt biệt danh trào lộng: Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ…
Năm 1962, Bùi Giáng nổi tiếng trong giới văn chương Sài Gòn khi cho ra mắt tập thơ Mưa nguồn. Năm 1963, tên tuổi tài năng của Bùi Giang tiếp tục được khẳng định với tập thơ Lá hoa cồn. Ông được xem như một ngôi sao trên vòm trời văn hóa văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít độc giả xưng tụng là “thiên tài”, “bậc thượng trí”, là “đáng tiêu biểu hơn cả về thi ca bây giờ và có lẽ… vạn đại”. Nhiều người đã tôn ông làm thần tượng.
Gần đây, một số tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng được tái bản rộng rãi. Ông đã dịch nhiều sách Pháp, Anh, Hán văn như Hamlet của Shakespeare, Hoàng tử bé của Saint Exupéry, Ngộ nhận của Albert Camus, Khung cửa hẹp, Hòa âm điền dã của André Gide, Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh…
Ông đã biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như Tư tưởng hiện đại, Thi ca tư tưởng, Lễ hội tháng ba, Con đường ngã ba, Con đường phản kháng, Đi vào cõi thơ… Đặc biệt, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là những tập thơ của ông, từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn… đến Trăng châu thổ, Sương bình nguyên, Bài ca quần đảo, Rong rêu…
Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc.
Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng) ông qua đời lúc 2 giờ chiều 7.10.1998 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Tiểu Vũ