Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ trông ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng

31/08/2020 07:30
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ trông ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng

Thế giới của người trẻ - nơi sự sống tưởng như ngập tràn hoá ra lại là địa hạt u xám, tăm tối, có sự đứt gãy nhất định trong mối quan hệ với cha mẹ và xã hội.

Bằng cách ngồi xuống và lắng nghe những tâm tư của người trẻ, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã phác hoạ nên bức tranh thế giới hậu tuổi thơ với ngột ngạt cô đơn, tận cùng hoang mang và rất nhiều rạn vỡ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh và cùng nhìn tận sâu vào những bi kịch của người trẻ ấy.
 
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ bên ngoài trông hầm hố, cool ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng - Ảnh 1.

Tại sao anh dành nhiều quan tâm và nghiên cứu kỹ lưỡng về thế giới nội tâm của người trẻ đến thế?

Tôi thấy các bạn trẻ hiện nay không được ai quan tâm, không ai để ý tới. Chúng ta là những người lớn nhưng không biết gì, hiểu gì dù ở rất gần với họ. Bởi đó, tôi muốn ngồi cùng, hiểu xem các bạn ấy muốn gì, vũ trụ của các bạn ấy ra sao, các bạn ấy yêu thích gì, có sự hi vọng, tuyệt vọng gì, có những nỗi đau gì.

Anh có cách tiếp cận gì đặc biệt khiến nhân vật chia sẻ những câu chuyện nhạy cảm, gai góc, thậm chí đau đớn của họ?

Tôi chỉ có một cách là ngồi xuống và lắng nghe thật sự chăm chú. Tôi sẵn sàng dành thời gian cho các bạn ấy và tuyệt đối không đánh giá, phán xét những chia sẻ của các bạn ấy là hư hay ngoan. Có lẽ đó là điều mà các bạn ấy chưa bao giờ nhận được từ một người lớn, cho nên các bạn ấy đủ bình tĩnh ngồi xuống và kể cho tôi nghe rất nhiều từ trong thế giới nội tâm, bao gồm cả những đau khổ, những giấc mơ… mà chưa bao giờ người lớn, hay bố, mẹ được lắng nghe, hoặc đủ thời gian để ngồi xuống lắng nghe các bạn ấy.

Lạnh lùng. Đổ vỡ. Khước từ tình yêu. Chống chọi với cô đơn. Gánh nặng trách nhiệm – Đó là những gì anh dựng nên chân dung người trẻ hiện đại trong cuốn sách "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ". Quá bi quan, u tối và phiến diện không?

Tôi không nghĩ "lạnh lùng" là từ chính xác để mô tả về các bạn ấy. Thế giới của các bạn ấy không lạnh lùng. Có thể các bạn ấy cô đơn, bị thiếu vắng, có sự đứt gãy nhất định trong mối quan hệ với cha mẹ và bức tranh thế giới hậu tuổi thơ đáng tiếc là như vậy. Tôi ko có thổi phòng lên, hay tập trung vào những sướt mướt, uỷ mị mà đó là thế giới trần trụi của các bạn ấy.

Chúng ta bất ngờ thấy những người trẻ bên ngoài trông có thể hầm hố, cool ngầu, xăm hình, hút thuốc… nhưng bên trong lại có sự đổ vỡ, trống rỗng như vậy. Điều ấy càng chứng tỏ, chúng ta cần phải lưu ý, quan tâm nhiều hơn nữa thế giới nội tâm của những người trẻ đương đại.

 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ bên ngoài trông hầm hố, cool ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng - Ảnh 3.

 

Có ý kiến cho rằng anh đang "thương vay khóc mướn" cho người trẻ, dùng những câu chuyện lâm ly để đánh vào sự tò mò của độc giả. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Thế nào gọi là "thương vay khóc mướn"? "Thương vay khóc mướn" là khi chúng ta đc trả tiền để khóc lóc hộ người khác mà thực ra người ấy ko đau đớn gì cả. Đây là một nhận định sai lầm hoàn toàn!

Những người nói tôi "thương vay khóc mướn" là những người không chấp nhận người trẻ mang nỗi đau đớn ấy. Họ khước từ, chối bỏ, không muốn nhìn vào thế giới đau đớn, u tối, những góc khuất sâu kín của người trẻ. Đó chính là vấn đề của xã hội hiện nay, khi mà người lớn, thậm chí thầy cô giáo, cha mẹ… cho rằng người trẻ không có quyền được đau đớn, không có quyền được khổ sở mà luôn phải vui tươi, phải hớn hở sống. Họ cho rằng chỉ người lớn với những bộn bề, lo toan cơm áo gạo tiền mới có đặc quyền khổ sở, rối rắm. Đó chính là vấn đề lớn nhất của xã hội hiện nay!

Theo anh, người trẻ đang phải gồng gánh những trách nhiệm gì?

Trách nhiệm lớn nhất của người trẻ hiện đại là đang phải trở thành những người con ngoan. Ngoan được hiểu theo ý là phải nghe lời bố mẹ. Bố mẹ nói gì thì con phải nghe, phải làm theo: Học ngành nghề bố mẹ muốn, yêu và cưới người bố mẹ lựa chọn… Có nghĩa, người trẻ không được sống đúng với mong muốn của mình, không được sống đúng với bản thể, con người và thế giới mong ước của mình. Hiện tượng con ngoan, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy sẽ khiến người trẻ không được sống cuộc đời của mình mà mải miết, chật vật sống hộ cuộc đời của người khác. Và, như thế họ trở nên bất hạnh.  

Trong 16 câu chuyện đã kể trong "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ", câu chuyện nào khiến anh trăn trở nhất?

Mỗi câu chuyện có vấn đề riêng của nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Có câu chuyện các bạn được sống trong điều kiện rất đầy đủ, không thiếu gì, chỉ thiếu sự quan tâm, tình yêu thương của cha mẹ. Có chuyện bạn trẻ phải học cái này, cái kia không được sống theo sở nguyện của mình; có bạn không được sống theo bản năng tính dục của mình. Bi kịch nhất, một cậu bé tên Đan, ngoan theo đúng tiêu chuẩn của xã hội, nhưng vì đổi ngôi, đổi vai nên không được sống đúng cuộc sống thật của mình, và buộc phải trở thành partner (đối tác) của người mẹ.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ bên ngoài trông hầm hố, cool ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng - Ảnh 4.

 

Có những đứa trẻ như người vô hình trong gia đình khi thế giới tuổi thơ và thực tại của chúng vắng bóng nguời lớn, chẳng khác gì "cái cây không người chăm bón". Đến mức, có người trẻ "cảm giác mình không phải là người mà chỉ là bóng ma phản chiếu kỳ vọng của bố mẹ". Và cả tình yêu ngục tù của người lớn. Tình yêu đó đã bóp chết nhiều bản thể. 

Hành trang mang theo của người trưởng thành là những vết thương sâu hoắm và niềm tin cạn kiệt, họ lấy đâu ra sức lực để bước vào đời?

Làm thế nào họ có được sức mạnh trước gánh nặng trách nhiệm, kỳ vọng, áp đặt mà gia đình xã hội đặt ra cho họ? Bài toán này cần sự chung tay của cộng đồng, xã hội cùng giúp đỡ. Chúng ta có các không gian chia sẻ, địa điểm tin cậy để người trẻ tìm đến, sẻ chia, tâm sự. Tôi rất hi vọng cuốn sách phần nào giúp các bạn có niềm tin rằng mình là những người đàng hoàng, tử tế, có giá trị chứ không phải là những người vô dụng, những kẻ thừa thãi, những kẻ bỏ đi như cách các bạn ấy bị gia đình, mọi người quy chụp. Cũng có rất nhiều các lớp học yoga, thiền viện, những nơi tiếp năng lượng tích cực cho các bạn có sức mạnh, niềm tin đi tiếp thay vì chôn vùi bản thân trong vùng u tối của sự sỉ vả, lăng nhục trong gia đình.

Cảm xúc chính của anh sau khi nghe các bạn trẻ chia sẻ là gì?

Tôi thương cảm với các bạn ấy. Các bạn ấy là những người bị xã hội đánh giá là hư hỏng, hút cần, quan hệ tình dục sớm, nói tục chửi bậy… nhưng tôi nhìn thấy bản chất lương thiện, chất hướng thiện bên trong của các bạn. Nó rất đặc biệt, rất đáng quý.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ bên ngoài trông hầm hố, cool ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng - Ảnh 5.

Trong các câu chuyện, có những vấn đề xuất hiện như: Những đứa trẻ bị "phụ huynh hóa", là những trường hợp bố mẹ - con cái bị "rối loạn vai", là "sự tự lập cưỡng chế", là mẫu hình "cha mẹ xe ủi". Anh có thể cắt nghĩa rõ hơn về những vấn đề này?

"Cha mẹ xe ủi" thì khá dễ hiểu, đó là những người luôn luôn đi trước con vài bước để gạt hết những khó khăn trên đường của con, tạo ra con đường bằng phẳng cho đứa trẻ đi theo. Việc giúp con thái quá như thế khiến con không còn năng lực giải quyết vấn đề một cách tự lập nữa. Điều ấy tai hại quá mức nhưng phụ huynh mù quáng không nhận ra, bởi họ đã sản sinh ra những "cỗ máy" được lập trình sẵn, hoặc đứa trẻ sống mà được phụ huynh nhai sẵn, chúng chỉ việc nuốt thôi. Đây là hành vi dạy con rất có vấn đề và gây hậu quả xấu đối với hiện tại và tương lai của đứa trẻ.

"Phụ huynh hoá" là khi cha mẹ ko đủ khả năng có thể sống độc lập và có nhu cầu cảm xúc quá lớn mà bạn đời hoặc thế giới người lớn của họ ko đáp ứng đc. Lúc này họ quay sang đứa con, buộc đứa con sẽ phải trỗi dậy dù nó còn nhỏ và buộc trở thành người cung cấp, thoả mãn nhu cầu cảm xúc của cha mẹ với đầy đủ các trạng thái an ủi, bảo ban, tâm sự, tỉ tê… Chuyện đó khiến đứa trẻ không được sống trong thế giới tuổi thơ của nó mà phải gò mình sống trong thế giới người lớn, bất chấp bản thân nó chưa đc khám phá chính mình, chưa được khám phá thế giới và đủ trưởng thành trong suy nghĩ và hành vi.

Từ nỗi đau mà các bạn trẻ đã chia sẻ với anh, anh nhận thấy sai lầm lớn nhất trong việc định hướng và dạy dỗ con cái mà các bậc phụ huynh Việt mắc phải là gì?

Có rất nhiều sai lầm cha mẹ có thể mắc phải trong thế giới hiện đại.

Thứ nhất, cha mẹ đặt quá nhiều trọng tâm vào việc đi kiếm tiền với suy nghĩ gom góp, tích cóp tài chính cho con sau này và bỏ qua, hoặc lơ là cảm xúc của con cái. Họ không hiểu rằng thứ những đứa trẻ cần là sự quan tâm, tình yêu và thấu hiểu.

Sai lầm thứ hai là dạng "cha mẹ xe ủi", cho rằng mình cần giúp đỡ con nên làm sẵn mọi thứ cho con cái, khiến đứa trẻ mãi mãi không thể lớn lên được, vĩnh viễn chỉ là đứa trẻ to xác.

Sai lầm thứ 3, họ cho rằng mình rất gần với con cái, nhưng lại mong muốn đứa con trở thành bờ vai để mình tựa vào, an ủi, che chở mình. Vô hình cha mẹ thành con và đứa trẻ đóng vai cha mẹ của cha mẹ chúng. Đó là cách tương tác với con rất là độc hại.

Ngoài vấn đề gặp phải với cha mẹ, người trẻ hiện đại, theo anh đang gặp phải những vấn đề, khúc mắc nào khác?

Hiện nay trong giáo dục trong nhà trường chúng ta gặp phải những vấn đề tương tự, người trẻ không được lên tiếng, không được phản biện, không được tương tác một cách bình đẳng, không được tôn trọng cần thiết. Phần lớn nhiệm vụ của những đứa trẻ là ghi chép tất cả những gì giáo viên nói và không được phép cãi lại. Cái chữ "cãi lại" ấy rất nguy hiểm. Cho nên dù trong môi trường gia đình hay nhà trường, người trẻ ko có không gian để cọ xát, phát triển con người mình.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ bên ngoài trông hầm hố, cool ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng - Ảnh 6.

 

Làm thế nào để người trẻ có thể bước qua được những bế tắc, đau khổ ấy? Anh có gợi ý gì không?

Các bạn trẻ nên ý thức được rằng bạn có quyền đi tìm bản thân; có quyền được sống đúng với bản thể của mình. Bạn không có nghĩa vụ làm cho người khác hạnh phúc bằng việc sống cuộc đời mình theo mong muốn của người khác - Đó là cái quan trọng nhất. Và mình cần phải thương yêu chính bản thân, có sự trắc ẩn với bản thân, không nên dằn vặt, tra tấn chính bản thân mình.

Khi nghe cha mẹ nói bạn là kẻ vô dụng nhưng bạn có sự trắc ẩn với chính bản thân, hiểu bạn có quyền mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu được làm chính bản thân mình thì lúc ấy bạn sẽ có thể dần dần thoát ra khỏi tác hại của những cách dạy con thiếu hiểu biết, vô minh của cha mẹ và trở thành một con người khoẻ mạnh hơn về mặt tâm lý.

Anh nói về khả năng "Tự chữa lành" của người trẻ. Liệu họ có đủ sức mạnh, can đảm để tự làm hoà, tự vực dậy bản thân mình không? Vai trò của người lớn ở đâu trong cuộc "vượt thoát" ấy?

Đây là điều mà người lớn, cộng đồng cần phải hỗ trợ người trẻ rất nhiều. Không ai tự khỏi được! Như khi chúng ta bị đau, nếu là những vết xước nhỏ có thể tự khỏi, tự liền da, nhưng còn những vết thương lớn thì cần phải đến bác sĩ chữa trị, băng bó, thuốc thang…

Với các căn bệnh tâm lý cũng tương tự như vậy. Khi vết thương tâm lý lớn, thì chúng ta cần sự hỗ trợ của các chuyên gia, tập thể có năng lượng lành mạnh hỗ trợ trị liệu về mặt tâm lý. Còn chúng ta tự chữa thì mối nguy ấy rất lớn, bởi đó là những vết thương nằm sâu, nằm lòng ở trong lòng.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhiều người trẻ bên ngoài trông hầm hố, cool ngầu… nhưng bên trong đổ vỡ, trống rỗng - Ảnh 7.

Anh có gợi mở, định hướng nào đó giúp đỡ các bạn trẻ không?

Hiện nay có mạng lưới các chuyên gia tâm lý, các lớp thiền, yoga. Tôi cho rằng các bạn có thể tìm hiểu và lấy thông tin xem lớp nào, chuyên gia nào chất lượng, lớp nào chuyên gia nào đáng ngờ và qua đó sẽ tự tìm đến những địa chỉ cá nhân có thể giúp được mình.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Bài: Trang Đỗ
Thiết kế: CHAMA 
Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025