Trong cuộc đời này, lời nói và việc làm của mỗi người ngày hôm nay đều có thể tác động đến tương lai mai sau, không chỉ đời này mà còn kéo dài từ đời này sang đời khác. Tích đức càng lớn phúc báo càng nhiều, tạo nghiệp càng nhiều, ác báo càng lớn. Đó chính là đạo lý "Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" ở đời mà chúng ta vẫn thường nghe.
1. Cha mẹ ở hiền để phúc cho con
Trong "Liễu phàm tứ huấn" có ghi lại một câu chuyện đó là "Họ Lâm luôn khai bảng".
Gia đình nhà họ Lâm thuộc huyện Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) có một lão trưởng bối rất thích làm việc thiện. Bà thường làm bánh bao đem phân phát cho người nghèo. Chỉ cần có người muốn ăn bánh bao bà làm là bà vui vẻ làm ngay, không hề cảm thấy mệt mỏi gì.
Có một vị tiên nhân đóng giả thành một đạo sĩ, mỗi ngày đều xin bà lão sáu, bảy cái bánh bao. Bà lão mỗi ngày đều đem cho ông, cứ như vậy 3 năm liền như vậy, vị tiên nhân đã khẳng định những việc thiện mà bà lão làm đích thực xuất phát từ tấm lòng chân thành.
Đạo sĩ liền nói với bà lão: "Tôi ăn của bà 3 năm bánh bao, vậy xin hỏi tôi phải đền đáp như thế nào mới đáng? Hay thế này đi, sau nhà tôi có một miếng đất tốt, sau này bà qua đời chôn cất ở đó, con cháu đời sau sẽ được làm quan to chức lớn."
Sau khi bà lão qua đời, con trai của bà đem chôn cất ở nơi mà Tiên nhân đã chỉ định. Quả nhiên con cháu đời đầu tiên của bà có 9 người làm tiến sĩ, các đời sau, người làm quan to càng ngày càng nhiều.
Ảnh minh họa.
Do đó, người Phúc Kiến mới có câu: "Họ Lâm luôn khai bảng" – ý muốn nói mỗi lần công bố danh sách thi đậu, người nhà họ Lâm luôn có mặt trong danh sách.
2. Cha mẹ làm điều đúng đắn, con cái được nhờ
Trong sách cổ đã từng ghi chép lại một câu chuyện:
Ở huyện Dư Can (Trung Quốc) có một vị lương y họ Trần tinh thông y thuật, ông đã từng chữa bệnh cứu giúp một bần sĩ. Bần sỹ rất cảm kích vị lương y họ Trần.
Một buổi tối nọ, lương y Trần ngủ tại nhà của bần sỹ, đúng lúc bần sỹ ra ngoài. Mẹ của bần sỹ nói với con dâu: "Chồng của con là ông ấy cứu chữa, hà cớ gì mà không chăm ông ấy một đêm coi như là báo đáp ân tình."
Con dâu chỉ biết vâng lời, đến phòng của lương y Trần đang ngủ. Ông vội từ chối nói: "Mẹ chồng cô chắc chắn không đồng ý cho cô làm như vậy đâu".
Cô con dâu nói: "Lương y Trần, ông yên tâm, đây là chủ ý của mẹ chồng tôi ".
Cô nói rất nhiều lần nhưng lương y Trần vẫn kiên quyết từ chối: "Không được, không thể được", ông ngồi trước bàn, cầm bút viết hẳn hai chữ "không thể".
Đến nửa đêm, lương y Trần gần như không thể chịu đựng được nữa, liền lớn tiếng nói "không thể, thật sự khó xử quá", sau đó chạy ra ngoài sân và đứng cho đến tận sáng.
Con trai của lương y Trần tham gia khoa thi, giám khảo đọc qua bài làm, quyết định không chọn cậu ta, vừa mới đặt bài thi của cậu ấy xuống thì nghe thấy có một âm thanh trong không trung truyền lại: "không thể" (ý nói không thể đặt bài thi của cậu ấy xuống).
Giám khảo lại xem lại một lần nữa, vẫn quyết định là không chọn cậu ấy, nhưng lại vẫn nghe thấy câu nói "không thể, không thể" vọng lại. Giám khảo xem lại một lần nữa vẫn không chọn, đột nhiên trong không trung vẳng lại một âm thanh vô cùng lớn "không thể, thật sự khó xử quá".
Giám khảo cuối cùng thuận theo ý trời, quyết định chọn bài của con trai của lương y Trần.
3. Giúp người chính là giúp mình
Có một thầy phong thủy nọ rất tài ba, nhờ ông mà nhiều người trở nên giàu có. Ấy vậy nhưng con cháu của ông ấy chẳng lấy gì làm khá giả.
Một hôm, con trai của ông mới hỏi cha rằng: "Cha là một thầy phong thủy nổi tiếng, vậy tại sao gia đình chúng ta lại không có ai làm quan vậy? Bố không thể xem xem làm thế nào để cho gia đình chúng ta trở lên giàu có và có người làm quan được à?".
Thầy phong thủy nói: "Có thể, nhưng bắt buộc là phải theo phương pháp mà ta nói. Chiều ngày mai là giờ đẹp, ba anh em các con đi đến bái phần mộ của ông nội, đem trấn vật này chôn ở bốn hướng đông tây nam bắc, trong một vài năm nữa có thể trở sẽ có chức sắc. Nhưng phải nhớ, kể sau khi chôn vật này xong, không được nói một câu một từ tục tĩu nào, cứ thế mà đi thẳng về nhà.
Chiều ngày hôm đó, ba anh em theo như lời của người cha dặn dò, đi đến phần mộ làm y như vậy. Sau khi xong xuôi, trên đường về nhà, họ bỗng gặp một người ăn mày. Người này mở lời: "Xin hãy cho tôi cái gì để ăn, xin hãy cho tôi một ít tiền".
Người anh cả đá chân người ăn mày một cái, quát: "Thật đen đủi, sao lại gặp một kẻ ăn mày ở đây chứ!"
Về đến nhà, người cha hỏi: "Sao, hôm nay đi trên đường có gặp ai không?" Các con có nói câu nào đen đủi không? Ba anh em đều gật đầu thừa nhận.
Thầy phong thủy tức giận nói: "Các ngươi thật không có tướng làm quan, dù ta có tinh thông pháp thuật, phong thủy đến mấy cũng không thể nào làm trái được ý trời. Vừa rồi chúng mày gặp người xin cơm, đó chính là linh hồn của ông nội các ngươi hiện về, các ngươi đối đãi với tổ tiên như thế thì làm gì có phúc phận làm quan cơ chứ!"
Lời bình
Giúp đỡ người nghèo mà không mong nhận báo đáp đó là tích đức. Tích đức càng lớn, phúc báo càng nhiều.
Gia đình nhà bà Lâm hay làm việc thiện xuất phát từ tận đáy lòng, chân thành cứu giúp Tiên nhân ba năm liền, tích được đức lớn, sau này con cháu được đền đáp trở lên giàu có, người làm quan nhiều vô kể, để rồi được ghi vào trong sử sách "Họ Lâm luôn khai bảng".
Lương y Trần kiên quyết từ chối báo đáp ân đức theo cách trái với đạo lý, nhờ vậy mà cậu con trai vốn dĩ không được nhận thế nhưng nhờ ông trời ban phước, cuối cùng cũng được nhận.
Lời nói và việc làm của chúng ta hôm nay có thể ảnh hưởng đến tương lai. Lời nói và việc làm lúc nào cũng tích đức, chẳng cần phải đi xem phong thủy, hành thiện tích đức, phúc báo sẽ tự đến.
Ngược lại, lời nói và việc làm không có đức, làm ra những việc thất đức, dù có đi cầu thần bái phật, xem phong thủy cũng không có ích gì.
Người trong thế gian này, tích càng nhiều đức, phúc báo càng lớn. Còn tạo nghiệp càng nhiều, ác báo càng nhiều. Đó chính là quy luật tự nhiên "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" không ai có thể thay đổi được.
Pháp luật & Bạn đọc