Sự lựa chọn không thể tránh khỏi
Đứng trước một quyết định thay đổi cuộc đời, cảm giác hoang mang và bất an là điều không thể tránh khỏi. Có nên kết hôn hay không? Có nên sống ở thành phố này nữa hay không? Có nên mua nhà hay không? Có nên đổi công việc hay không? Những vấn đề như vậy là quá nhiều để liệt kê.
Harvard Business Review đã gọi đây là chứng “tê liệt lựa chọn” (choice paralysis or decision paralysis). Thông thường, điều này xảy ra khi quá nhiều lựa chọn làm giảm chỉ số hạnh phúc của chúng ta trong cuộc sống. Triệu chứng này có thể xuất hiện cả trong các vấn đề nhỏ nhặt như là không biết nên mua loại kem nào, và trong những vấn đề hệ trọng như lựa chọn việc làm.
Mỗi sự lựa chọn đều có ưu và nhược điểm riêng. Ngoại trừ một bộ phận đặc biệt quyết đoán thì càng cân nhắc thì chúng ta càng cảm thấy rối bời, khó có thể đưa ra quyết định. Nếu bắt buộc phải đưa ra lựa chọn cấp bách, chúng ta luôn duy trì cảm giác hối tiếc và bất an dù quyết định cuối cùng là gì.
Với 3 phương pháp sau đây, người ta cho rằng, việc đưa ra các quyết định lớn sẽ trở nên khả thi hơn:
01. Quy tắc 51%
Quy tắc này đặc biệt thích hợp cho những người hay lo nghĩ.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta rất khó đưa ra quyết định vì không hoàn toàn chắc chắn đó có phải một lựa chọn chính xác hay không. Với những điều chưa biết và muốn biết rằng quyết định chúng tôi đưa ra là đúng 100%.
Lấy ví dụ như, bạn có nên nghỉ việc không?
Nếu có, bạn sẽ chuyển sang công việc nào? Công việc tiếp theo có chắc phù hợp với mình hay không? Môi trường làm việc và thu nhập mới có đảm bảo tốt hơn hay không? Mình có thể phát triển đi xa hay không?
Chỉ cần một trong số những câu hỏi này dẫn tới đáp án không chắc chắn, bạn rất dễ trở nên ngần ngại, trì hoãn việc đưa ra quyết định, thậm chí ôm tâm lý “lấy lùi làm tiến” mà từ chối thay đổi, tiếp tục yên vị trong vùng an toàn của mình.
Thế nhưng, thực tế là chúng ta sẽ không bao giờ có thể trả lời hết những câu hỏi này. Cũng như không bao giờ có thể giải quyết hết những vấn đề còn chưa hề diễn ra.
Tất cả suy tính đều nằm ở tương lai. Còn điều tuyệt vời của cuộc sống là trước khi chúng ta đi theo bất kỳ hướng nào, chúng ta sẽ không bao giờ biết nơi đó là tối hay sáng.
Đây là lúc quy tắc 51% phát huy tác dụng.
Hãy suy nghĩ về những quyết định bạn cần đưa ra, và tốt nhất là hãy suy nghĩ trong một môi trường yên tĩnh và không bị quấy rầy. Sau khi đưa ra quyết định, hãy tự hỏi bản thân: "Tôi có chắc chắn ít nhất 51% về tính đúng đắn của lựa chọn này không?"
Nếu câu trả lời là "có", bạn đã có lựa chọn.
Nếu câu trả lời là "không" hoặc "tôi không biết", bạn nên tìm hiểu thêm theo nhiều khía cạnh khác. Sau khi giành thêm thời gian nhất định để suy tính, hãy tự hỏi lại mình câu hỏi tương tự.
Đôi khi, nếu chúng ta cứ chờ đợi độ chính xác 100% hoặc 52%, chúng ta sẽ không ngừng rơi vào sự trì hoãn mà không thể đưa ra quyết định để thay đổi.
Theo phương pháp này, đảm bảo tối thiểu 51% chắc chắn là tất cả những gì bạn cần. Chỉ cần có thêm 1% cho với tỷ lệ 50 - 50 là bạn đã có một thay đổi đáng kể trong phương hướng phát triển của mình.
02. Phương pháp mở rộng và thu hẹp của Forleo
Phương pháp này xuất hiện trong cuốn sách bán chạy nhất của New York Times: "Everything Is Figureoutable", tác giả Marie Forleo.
Trong cuốn sách này, cách mà tác giả đưa ra quyết định trong cuộc sống luôn đề cao tầm quan trọng của việc khai thác "nhận thức" bên trong. Đôi khi, trong thâm tâm chúng ta đã có câu trả lời cho chính mình.
Đầu tiên, hãy tự hỏi bản thân. Bạn có thể chọn một nơi yên tĩnh phù hợp hoặc thực hiện điều này thông qua thiền định. Ví dụ, tác giả Marie Forleo đã chọn để thiền trong tủ quần áo của mình.
Thứ hai, bạn nên suy ngẫm về các lựa chọn bạn đang thực hiện và tìm ra câu trả lời bạn thích.
Cuối cùng, hãy phân tích cảm xúc của bạn. Nếu bạn có cảm thấy tâm thái của mình mở rộng thì quyết định đó là đúng. Ngược lại, nếu cảm thấy tâm thái thu hẹp, co rút, đó là bản năng cho biết bạn đang đi sai hướng.
Đến đây, nhiều người sẽ băn khoăn, làm sao để cảm nhận tâm thái rộng mở?
Theo tác giả, đặc điểm của tâm thái mở rộng là cảm giác cả người được thông suốt, tâm trí thoải mái rộng mở. Vai của bạn như được kéo căng, lồng ngực phấn khích. Nếu đâu đó có xen lẫn một chút sợ hãi thì đó không phải tác nhân nguy hiểm. Ngược lại, chúng là dấu hiệu tốt giúp bạn đột phá giới hạn.
03. Phương pháp tung đồng xu của Freud
Trong bài “Freud’s Decision Hack Will Change Your Life” (Bí quyết ra quyết định thay đổi cuộc đời của Freud) của tác giả Steven Gambardella trên trang Medium, phương pháp tung đồng xu được nhắc đến không vì mục đích cầu may, mà là để khai thác tiềm thức của mình.
Bạn chỉ cần ném một đồng xu. Đừng tập trung vào kết quả mà hãy tập trung vào tiếng nói bên trong của bạn và trả lời câu hỏi sau đây: Khi nhìn thấy kết quả cuối cùng, bạn cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn hay thất vọng và nuối tiếc?
Chỉ cần như vậy, bạn đã hiểu sâu sắc nội tâm của mình. Hành động tung đồng xu buộc bạn phải suy nghĩ về những cảm giác mà sự lựa chọn này mang lại cho bạn. Trên cơ sở này, bạn có thể hạ quyết tâm và đưa ra quyết định thích hợp nhất.
Điều này có phần tương tự với phương pháp của Marie Forleo khi nghe theo tiếng gọi của trực giác. Hai cách thức này giúp bạn tìm ra câu trả lời đã tồn tại sẵn trong tâm trí, tiềm thức mà bạn bỏ qua vì quá tập trung vào sự hoang mang, sợ hãi trước các sự lựa chọn.
Cuối cùng, phải nói rằng, dù bạn áp dụng phương pháp nào và đưa ra quyết định như thế nào đi nữa thì việc đối mặt với những khả năng nằm ngoài tầm kiểm soát do số phận tạo ra là một điều tất yếu của cuộc sống.
Bên cạnh đó, hãy tin vào não bộ của mình, một khi bạn đã tìm ra phương pháp, tốc độ xử lý cả quá trình này chỉ diễn ra trong 30 giây!
*Tổng hợp
Trí thức trẻ