Từ khi thực hiện dự án đến nay, Kỳ Anh đã có gần 10 bộ ảnh về những người lao động nghèo trên đường phố Sài Gòn.
Bắt đầu tình yêu cuộc sống bằng chiếc máy ảnh, Kỳ Anh rong ruổi trên khắp các con phố ở TP Hồ Chí Minh để chụp lại những khoảnh khắc mưu sinh chân thực, bình dị của người lao động nghèo. Anh tận dụng tài khoản Facebook cá nhân với hơn 23.000 lượt theo dõi để đăng tải những bức ảnh đầy xúc động của những mảnh đời khó khăn kèm câu chuyện, địa chỉ của họ để kêu gọi mọi người giúp đỡ.
Tranh thủ những buổi cuối tuần và những ngày đi làm về sớm, Kỳ Anh dành thời gian rong ruổi trên những con phố, gặp gỡ trò chuyện và xin phép được chụp những bức ảnh về những người lao động nghèo, mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện đáng suy ngẫm đằng sau đó.
Đối với từng bức ảnh, Kỳ Anh trân trọng chỉnh sửa cẩn thận và ghi thông tin chi tiết địa chỉ của nhân vật với mong muốn sẽ có những người tới giúp đỡ cho họ. Chàng trai trẻ luôn mong đợi thông qua những bức ảnh, nhân vật sẽ được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong xã hội để mắt đến và chia sẽ bớt những khó khăn nhọc nhằn trong mùa dịch.
Chàng blogger quê Đồng Tháp bén duyên với nhiếp ảnh từ khi là sinh viên năm 2 đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của chàng trai 9X hiện lên đủ những gam màu của cuộc sống từ tươi sáng, rực rỡ đến trầm lặng nhưng tất cả đều toát lên nét dung dị trong cuộc sống lao động tại Sài thành, nơi anh cũng đang đồng hành mưu sinh cùng những con người lao động ấy.
"Tôi thường tan ca về muộn, trên đường về bắt gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, đặc biệt trong thời gian thành phố đang thực hiện lệnh giãn cách để phòng dịch. Vì vậy, sau giờ làm việc tôi cầm máy đi ghi lại những khoảnh khắc mưu sinh của người lao động tự do, sau đó đăng tải lên mạng xã hội với hy vọng sẽ được mọi người chung tay giúp đỡ để họ bớt khó khăn hơn", 9X chia sẻ.
Anh cho biết, để tiếp cận nhân vật, ban đầu anh sẽ tự bỏ tiền túi và dành tặng họ nhưng với lời nhắn "mạnh thường quân nhờ con gửi tặng tới cô, chú".
Sau đó anh xin phép chụp và rất may mọi người đều vui vẻ đồng ý, không ai nghi ngờ. Trước khi bấm máy, anh thường đứng từ xa để quan sát xem nhân vật đó chìm trong bối cảnh như nào, sau đó mình mới tính toán chụp toàn, trung, cận cảnh ra sao.
"Mình bấm được khoảnh khắc chú Ninh lấy tay gạt nước mắt khi nói thương vợ. Những người lao động nghèo mình bắt gặp, trò chuyện và chụp ảnh đều có một điểm chung là không bỏ cuộc, đầu hàng số phận, dù họ gặp khó khăn nhưng vẫn chăm chỉ lao động", Kỳ Anh trải lòng.
Chàng trai trẻ giàu tình yêu thương cho biết, anh rất tâm đắc và luôn ghi nhớ câu nói "ký ức trong những khung hình" mỗi khi bấm máy để không bao giờ nguôi đam mê này.
“Dự án này mình sẽ phát triển mảng hình ảnh trước, thời gian tới, sau khi dịch đi qua, Sài Gòn bình yên trở lại, mình sẽ thực hiện quay Video dạng cinemmatic, mang chất liệu điện ảnh hơn, cô đọng và nghệ thuật hơn.
Hiện tại, mình vẫn là một Travel Blogger, mình thường xuyên đi du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa, kiến trúc, xã hội ở nhiều tỉnh thành, các dự án về nhiếp ảnh sẽ thực hiện song song”, Kỳ Anh tâm đắc bày tỏ những dự định của mình.
Còn đây là chú Diên, thợ chụp ảnh tại Nhà thờ Đức Bà. Chú nói với Kỳ Anh: “Tấm ảnh sau này nó quý”.
Cô Đoàn “bánh kẹp mạch nha” là tên gọi Kỳ Anh đặt cho cô khi tác nghiệp tại phường Cầu Kho, Quận 1.
Chú Hùng cụt tay thường bán vé số trên đường Nguyễn Thị Thập, Quận 7.
Cô Ánh (phải) vừa bán dạo vừa chăm sóc người nhà, cô thường có mặt tại số 2 Vĩnh Khánh, Quận 4. Cô luôn hy vọng trời đừng mưa. Sài Gòn bị bệnh, đã buồn lắm rồi, Kỳ Anh nghĩ bụng.
Chú Minh chạy xe ôm tại trạm xe buýt Bến Thành, đường Hàm Nghi, Quận 1, buông lời ngao ngán với Kỳ Anh: “Nguyên ngày không có ai đi”.
Cô Đoàn dù bệnh tật vẫn bán chè tại số 41 Nguyễn Hữu Hào, Quận 4.
Trong mùa dịch, thật vất vả cho những cụ già như cụ Giàu: bán tăm bông dầu gió một ngày cũng không bao nhiêu tiền.
Những đồng tiền kiếm được mùa dịch trở nên quý giá với cô Hương. Thời gian giãn cách xã hội càng dài, cuộc sống phía trước với cô càng tối tăm.
Dù cuộc sống khắc nghiệt đến đâu, chú Minh, ngụ tại khu vực Nguyễn Văn Linh, Quận 7, rất thương người vợ của mình. Khi nghe chú nói “chú thương bả lắm”, Kỳ Anh càng đau đau phải thực hiện dự án của mình càng nhanh hơn và mong muốn các phương tiện truyền thông giúp lan tỏa dự án của mình để giúp những nhân vật trong dự án của anh được giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị