Cuộc đấu giá có tên "20th and 21st Century Art Evening Sale" do nhà đấu giá Christie Hồng Kông tiến hành vào tối ngày 24/5 tới đây đang rất thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm hội họa tại Việt Nam, bởi có tới 4 tác phẩm của 3 danh họa Việt được đem ra rao bán.
Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Nguyễn Phan Chánh đều là những họa sĩ hàng đầu trong nền hội họa hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của họ đều đã xuất hiện trong top các bức tranh đắt giá nhất của hội họa Việt từng được đem ra rao bán tại các cuộc đấu giá quốc tế.
Hãy cùng chiêm ngưỡng 4 siêu phẩm hội họa Việt sắp "nổ giá", liệu có kỷ lục mới nào được xác lập? Hãy cùng chờ đợi...
Bức "Thiếu nữ choàng khăn" của danh họa Lê Phổ (1907-2001) có mức giá ước đoán do nhà đấu giá Christie Hồng Kông đưa ra ở mức 6,8 tới 8,8 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 20 tới 26 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa có kích thước 59.5 x 48.5 cm, được thực hiện vào khoảng năm 1938.
Năm 1938 là một năm đỉnh cao trong sáng tạo hội họa của Lê Phổ. Thời điểm này là lần thứ 2 ông quay trở lại Paris, sau lần đầu lưu lại hồi đầu thập niên 1930.
Những chuyến du hành tới nhiều nước Châu Âu, Châu Á trong giai đoạn trước đó đã đưa lại cho ông những trải nghiệm giá trị, với những tương tác thực tế với giới hội họa phương Đông và phương Tây, đặc biệt là giới họa sĩ tại Việt Nam và Pháp. Chính những cuộc tiếp xúc này đã truyền cảm hứng và để lại dấu ấn trong các tác phẩm của ông, từ cảm hứng sáng tạo tới kỹ thuật vẽ tranh.
Hình ảnh người phụ nữ Việt và chiếc khăn choàng là một hình ảnh trở đi trở lại trong tranh Lê Phổ, đó là nguồn cảm hứng bất tận của ông. Những ký ức về quê hương đưa lại cho ông những cảm hứng riêng độc đáo. không thể nào thay thế trong các tác phẩm hội họa.
Qua các bức họa của mình, Lê Phổ thể hiện rõ niềm nhớ thương quê hương và nguồn cảm hứng bất tận xung quanh hình ảnh người phụ nữ Việt.
Nhà đấu giá Christie Hồng Kông nhận định rằng bức "Thiếu nữ choàng khăn" là một tác phẩm xuất sắc của Lê Phổ với những nét riêng trứ danh thường xuất hiện trong tranh ông. Niềm thương nhớ quê hương được Lê Phổ thể hiện qua cách ông khắc họa rất chính xác các loại cây cỏ, thực vật đặc trưng của quê nhà dù đang ở đất Pháp.
Cách khắc họa cô gái trong tranh tựa như một đóa hoa vươn lên từ những cây lá xung quanh. Xúc cảm của người phụ nữ được đặc tả qua đôi tay tựa trên hàng rào gỗ, một đôi tay bày tỏ nhiều nét tư lự của nội tâm hay là chính nỗi nhớ thương quê nhà của họa sĩ.
Gương mặt cô gái nhiều hoài niệm, giàu xúc cảm, dáng điệu nhiều tâm tư, cô gái không chạm vào cây lá mà khẽ buộc lại nút thắt của chiếc khăn, tất cả động tác đều đậm tâm tư.
Tại Pháp, Lê Phổ đã sớm được biết tới từ đầu thập niên 1930, khi những tác phẩm đầu tiên của ông được đem trưng bày triển lãm tại đây, công chúng Pháp đã đón nhận nhiệt tình. Việc ông lưu lại đất Pháp không có gì khó khăn, nhưng chính trong hoàn cảnh không có gì khó khăn ấy, ông vẫn nặng lòng với quê hương, đó là điều khiến người yêu hội họa Việt càng trân trọng Lê Phổ.
Khi vẽ bức họa này, Lê Phổ là một thanh niên 31 tuổi, đầy tham vọng nghệ thuật, đầy tin tưởng vào năng lực bản thân, ông đã thực hiện bức họa đẹp đẽ này trong những năm tháng thanh xuân của cuộc đời mình.
Giới chuyên môn tin rằng Lê Phổ thường khắc họa người phụ nữ Việt nhưng ông lồng ghép tâm tư của mình vào nhân vật, tranh của Lê Phổ chứa nhiều ý tứ, tâm tư của tác giả. Trong tranh của ông, người phụ nữ luôn đẹp trang nhã, thuần khiết, chân thành. Ông luôn khắc họa những hình dung đẹp nhất về người phụ nữ Việt, để qua đó thể hiện niềm yêu mến, lòng ngưỡng mộ của chính mình.
Bức "Chiếc bát xanh" của danh họa Lê Phổ được ước đoán đạt mức giá từ 1,6 tới 2,6 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 4,7 đến 7,7 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 75 x 44.5 cm, được thực hiện vào năm 1930.
Đây là bức họa được Lê Phổ thực hiện trong năm ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương. Lúc này, tên tuổi của ông đã được giới hội họa trong nước biết đến, tác phẩm của ông được đem trưng bày tại Pháp và gây tiếng vang.
Ngoài hai tác phẩm của Lê Phổ, cuộc đấu giá "20th and 21st Century Art Evening Sale" do nhà đấu giá Christie Hồng Kông tiến hành vào tối ngày 24/5 tới đây còn rao bán hai tác phẩm của hai danh họa người Việt - Mai Trung Thứ và Nguyễn Phan Chánh:
Bức "Mona Lisa" của danh họa Mai Trung Thứ (1906-1980) có mức giá ước đoán từ 2,5 tới 3,5 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 7,4 đến 10,3 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 53.5 x 37.5 cm, được thực hiện hồi năm 1974.
Có thể hiểu rằng họa sĩ đã tới chiêm ngưỡng trực tiếp bức "Mona Lisa" của danh họa Leonardo da Vinci tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp, trong quãng thời gian nhiều thập kỷ ông định cư tại đây. Sau cùng, ông quyết định thực hiện một phiên bản "Mona Lisa" theo phong cách của riêng mình. Tại thời điểm thực hiện bức họa, họa sĩ 68 tuổi và đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp nghệ thuật của mình.
Bức "Thợ nhuộm" của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) có mức giá ước đoán từ 2 tới 3 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 5,9 tới 8,9 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa được thực hiện vào năm 1931, có kích thước 60.5 x 88 cm.
Bức họa đặc tả cảnh quần áo được đem ra nhuộm lại để chuẩn bị đón Tết. Một nét đời sống xưa cũ được khắc họa, một tác phẩm giàu hoài niệm, với những người phụ nữ mặc áo nâu, quần đen, đội khăn mỏ quạ... Đây là một khắc họa chân thực, mộc mạc, đối lập với những người phụ nữ Việt luôn được khắc họa qua lăng kính "thần thoại hóa" của Lê Phổ và Mai Trung Thứ.
Tác phẩm "Thợ nhuộm" của Nguyễn Phan Chánh mang những nét đặc trưng trong phong cách hội họa của riêng ông, đồng thời là những ký ức, xúc cảm khó quên về một tuổi thơ nghèo khó mà ông từng trải qua.
Trong 12 siêu phẩm hội họa đắt giá nhất của mỹ thuật Việt Nam hiện nay (những tác phẩm từng được đưa ra đấu giá công khai trên thị trường quốc tế), Lê Phổ hiện góp tới... 5 bức:
Bích Ngọc
Theo Christie/Sotheby