Thăng Fly 'cha đẻ' của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim

17/08/2021 11:00
Thăng Fly 'cha đẻ' của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim

"Mỗi hình ảnh đều tác động mạnh, in sâu vào tâm trí của mình. Mình chợt hiểu thế nào là "sinh lão bệnh tử". Khi "bệnh" và "tử" đến, tiền bạc, dự định, địa vị xã hội chẳng có nghĩa lý gì".

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 1

Xin chào Thăng Fly, các tác phẩm mang thông điệp cổ động phòng chống dịch bệnh, san sẻ yêu thương của bạn đang thu hút hàng triệu người theo dõi trên các trang mạng xã hội. Là một người làm nghệ thuật, động lực nào khiến bạn cho ra đời những tác phẩm này?

Đầu tiên mình vẽ là để thỏa mãn nhu cầu cần được kể chuyện của một người vẽ truyện tranh. Cảm giác khi mình biết một câu chuyện, kể ra, được mọi người phản hồi lại câu chuyện đó là một cảm giác gây nghiện, không có gì có thể so sánh được.

Nhà báo, nhà văn hay đơn giản những người thích viết status, khi dung nạp một thông tin nào đó, họ rất có nhu cầu được kể ra, gọi là "mắc viết". Game thủ khi nghĩ ra một chiến thuật mới sẽ "mắc chơi". Cầu thủ khi nghĩ ra một kỹ thuật sút bóng mới sẽ "mắc đá"... Họa sĩ cũng sẽ có một cảm giác là "mắc vẽ" tương tự. Không vẽ không chịu được!

Thăng muốn gửi gắm điều gì trong những tác phẩm của có chủ đề mùa dịch?

Là họa sĩ, tuy mình không đủ sức khỏe và trình độ để xông pha ra ngoài tuyến đầu như những người mà mình ngưỡng mộ. Điều tốt nhất mình có thể làm lúc này là vẽ những mẩu truyện tranh động viên đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên, bộ đội, công an, shipper hay bà con... đang ở các điểm nóng.

Trước khi dịch bùng lên lần này, mình đang vẽ chủ đề những khoảnh khắc, câu chuyện nhỏ trong đời sống người dân. Khi dịch bùng lên, mọi thứ ngừng lại hết, nhường chỗ cho các hoạt động chống dịch, cứu sống người bệnh. Hơn tất cả, mình chịu ảnh hưởng cảm xúc và đồng cảm đối với những người bệnh, người thân của bệnh nhân đang phải chịu khó khăn khi đối diện với sinh ly tử biệt.

Vì vậy, mình ngừng lại mọi đề tài khác, tập trung dồn lực sáng tác các tác phẩm mang chủ đề tình người, lòng yêu nước trong giai đoạn dịch bệnh.

Khi tranh vẽ của mình được mọi người đón nhận, người kể chuyện cho mình cũng có cảm giác được chia sẻ, người đọc truyện có cảm giác được đọc và chờ đợi, những người đang ở tuyến đầu có cảm giác được động viên... Thế nên ngoài việc vẽ để thỏa mãn bản thân, đối với mình, vẽ cũng trở thành một trách nhiệm. Cộng đồng đang cần chung tay, mình không thể ngồi chơi được.

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 2

Bạn nói mình đồng cảm với cảm xúc của người bệnh và người nhà bệnh nhân, phải chăng bản thân bạn cũng từng trải qua những khoảnh khắc đó?

Cách đây không lâu, mẹ của mình đã qua đời vì bệnh tật. Trước khi mẹ phát bệnh nặng, mình đang ở thành phố lớn nhất nước, với rất nhiều dự án và mưu cầu sự nghiệp, còn đầu tư cho tương lai, vừa mua nhà xong.

Để chăm mẹ, mình đột ngột bị lôi tuột ra sống vạ vật ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lao phổi, rồi Bệnh viện Bộ Công an... Mùa đông năm đó với mình rất lạnh, những ngày nằm co ro trên ghế xếp chờ ngoài cửa khoa huyết học rất dài...

Điều mình chứng kiến hàng ngày là bệnh tật, đau đớn, khổ cực của những người bệnh lẫn người nhà đi chăm. Mình cảm thấy bất lực khi ai đó ra đi, hay phải nhìn thấy những bệnh nhân còn rất trẻ mà đầu trọc lốc vì hóa trị.

Hai tháng này, mình cảm giác dài như hai năm. Mỗi hình ảnh đều tác động rất mạnh, in sâu vào tâm trí của mình. Mình chợt hiểu thế nào là "sinh lão bệnh tử". Khi "bệnh" và "tử" đến, tiền bạc, dự định, địa vị xã hội chẳng có nghĩa lý gì, có chăng chỉ kéo dài thêm thời gian.

Lúc mới đến bệnh viện chăm mẹ, mình bảo với gia đình: "Con có tiền, mình ăn ở tử tế một chút đi" nhưng khu vực bệnh viện đồ ăn chỉ có tạm bợ. Người nhà bệnh nhân chỉ lo ăn cho xong rồi còn vào chăm bệnh tiếp, chẳng mấy ai quan tâm tới ăn ngon, mặc đẹp nữa.

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 3

Em họ mình là Phó khoa của một bệnh viện mẹ mình từng nằm. Thậm chí, em ấy còn đi trước mẹ mình vì ung thư gan. Mình bị "ám ảnh bệnh viện", sợ xem các phim có chủ đề bệnh viện, sợ trong vô thức mơ lại những ký ức có không gian bệnh viện...

Trước khi mẹ mất. Mẹ để dành được một cuốn tiết kiệm, có hai căn nhà ở quê, khi về hưu rồi mẹ còn không chịu nghỉ ngơi ngay mà còn làm thêm bảo hiểm, làm hội phụ nữ lo các hoạt động của đoàn xã... Phải đến khi nằm trên giường bệnh, mẹ mới ngừng làm việc. Có lẽ đó là thói quen, có lẽ cái nghiệp mà những người phụ nữ thời của mẹ, sống trách nhiệm, lo toan, tiết kiệm... Khép lại một chuyến đi dài như vậy, mà không mang theo được gì.

Mình nghĩ, rồi ai sẽ không bệnh, ai rồi không qua đời một ngày?

Mình quay lại thành phố và tự đặt những câu hỏi cho bản thân: Có cần thiết phải vay tiền đầu tư cho dự án đang giữ, khi mà mỗi lần đến kỳ hạn là mỗi lần phải lo cuống quýt? Lãi thì chưa thấy nhưng nỗi lo thì hiện hữu? Có cần phải mỗi ngày ngồi nghĩ một chuyện gì đó hài hước để vẽ cho mọi người cười, trong khi bản thân đã phát chán với chuyện đó. Lòng không có gì vui, thì sao mà kể được chuyện cười? Có cần thiết phải tích lũy? Có cần thiết phải an toàn? Có cần phải quá lo cho tương lai? Khi mà trong hiện tại những thứ đó như những tảng đá đè nặng lên tâm trí...

Thế là mình buông bỏ từ từ, bán tài sản đang đầu tư, ngừng vẽ Pikalong, bỏ vài dự án khác mà mình không thấy thoải mái.

Xin chia buồn cùng bạn! Hiện tại, cuộc sống của Thăng đã ổn hơn chưa?

Thật may lúc gia đình tổ chức lễ trăm ngày cho mẹ thì dịch bệnh Covid-19 vẫn chỉ đang âm ỉ chưa bùng phát dữ như bây giờ. Xong hậu sự, mình vào lại Sài Gòn làm việc, em gái và cháu ra Hà Nội, còn bố vẫn ở quê. Rồi giãn cách xã hội xảy ra, cả nhà chỉ có thể gặp nhau qua những cuộc gọi video.

Mình vẫn ở luôn trong nhà khi mà ngay nơi mình sống liên tục có thêm những F1, F0. Lúc đầu cư dân ở đây cũng hoảng sợ nhưng dần dần phải quen.

Một hôm, chợt nhận ra nỗi lo lớn nhất là chỉ sợ dịch bệnh quá kéo dài, bọn mình không thể về quê thăm bố hay đón bố lên thành phố chơi được. Tâm nguyện lớn nhất của mình là khi vượt qua đại dịch này, phải khỏe mạnh để còn đón bố vào thăm nhà lần đầu, đưa cả nhà đi chơi.

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 4
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 5
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 6
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 7
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 8

Nói về nhân vật Pikalong, đây từng là một nhân vật truyện tranh "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội, gắn bó với tên tuổi của Thăng Fly. Bây giờ bỏ Pikalong bạn không nuối tiếc sao? Nhân vật này đã mang tới những gì cho Thăng?

Trước khi sáng tạo ra Pikalong, mình đang ở trọ ở Đà Nẵng, làm freelance, thu nhập bấp bênh, có tháng đen đủi có khi còn không kiếm ra đồng nào. Mỗi ngày, mình ăn 2 bữa cơm bụi, mỗi suất 15 ngàn đồng.

Có lần mọc răng khôn đau dữ dội, mình đi nhổ răng hết 2 triệu rưỡi tiếc đứt ruột. Tài khoản còn 30 triệu tiền tiết kiệm, mình để dành cho những lúc bệnh tật ốm đau như thế nhưng mỗi lần phải xén vào một ít thì rất xót.

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 9

Nhân vật Pikalong từng mang tới thành công đầu đời cho họa sĩ Thăng Fly.

Rồi Pikalong nổi tiếng, chỉ vài hợp đồng quảng cáo, mình đã kiếm đủ bằng số tiền tiết kiệm được trong những năm trước đó. Lần đầu tiên, mình được hưởng cảm giác ăn một bữa trưa 40 ngàn mà không thấy tiếc tiền là như thế nào, lần đầu tiên có khái niệm đi mua một đôi giày thể thao chính hãng. Và lần đầu tiên, mình nghĩ với số tiền này có thể đủ sống được ở nơi mình muốn đến từ rất lâu rồi: Sài Gòn.

Nhưng cũng là lần đầu tiên, mình biết được cảm giác có người khác ghen tị, lần đầu tiên có người bạn từng thân bỗng quay ra chỉ trích mình.

Trước đây, chả ai thèm chỉ trích một thằng nghèo và vô danh như mình làm gì. Mặt khác, việc kiếm được tiền nhiều và nhanh từ Pikalong cũng khiến mình mắc không ít sai lầm trong lối sống và cách hành xử, từ cảm giác mình luôn đúng, đến việc tự mãn và hoang phí.

Có khi, lúc đó mình xứng đáng nhận những chỉ trích thật. Đôi khi mình có cảm giác ghét con người của mình ở quá khứ.

Hiện tại bạn chỉ vẽ về những câu chuyện có thật phải không?

Đúng vậy, ngoài vẽ theo đơn đặt hàng, vẽ quảng cáo để mưu sinh, các tác phẩm sáng tạo của mình đều là những câu chuyện thật. Những câu chuyện về y bác sĩ cứu người, các chiến sĩ công an, những người lính ngày đêm trực chốt phòng dịch, hay các tình nguyện viên giúp đỡ người dân có miếng cơm manh áo trong giai đoạn khó khăn đều là những câu chuyện người thật việc thật.

Từ đâu bạn biết được những câu chuyện xúc động như vậy?

Ban đầu, cảm hứng vẽ tranh của mình đến từ những câu chuyện mà báo chí, truyền hình đăng tải. Mình cũng là một người dân, mình cảm thấy xúc động và cảm phục các y bác sĩ đang làm việc ngày đêm để cứu sống sinh mạng, cảm phục những người ở tuyến đầu chống dịch dám đương đầu với hiểm nguy, hi sinh cuộc sống riêng, nhiều ngày rồi không về nhà...

Sau khi mình cho ra đời những tác phẩm đầu tiên, đăng tải trên fanpage, không chỉ cư dân mạng bình luận tương tác mà các nhân vật được nhắc tới trong tác phẩm liên hệ bày tỏ tình cảm của họ. Rồi dần dần, càng ngày càng có nhiều người liên hệ với mình để kể những câu chuyện mà họ biết, hoặc chính họ trải qua trong những ngày dịch bệnh. Từ đó, mình có chất liệu và nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác.

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 10

Cảm xúc khi vẽ những câu chuyện có thật khác với vẽ về nhân vật do chính bạn tạo ra như thế nào?

Mình thường đọc tin nhắn mà mọi người gửi về vào buổi tối, tâm sự, xác minh và khai thác các câu chuyện vào buổi tối đó. Rồi mình xác định được cách kể chuyện và thể hiện nó vào sáng ngày hôm sau.

Đó chính là lý do mình hay đăng tranh vào lúc 11 giờ trưa.

Tuy đây là những câu chuyện có thật nhưng quy trình thực hiện không khác sáng tác là mấy. Chuyện mọi người kể về thường dài và dàn trải nhưng để vẽ truyện tranh một trang, mình phải rút gọn câu chuyện đó chỉ trong vài ba câu thoại và trong số phân cảnh ít ỏi đó phải có một điểm nhấn.

Fanpage của bạn có 1,4 triệu người theo dõi, bạn đều tự mình lắng nghe tất cả những câu chuyện mà mọi người chia sẻ với bạn hay sao?

Mình không thuê ai quản lý fanpage, chỉ có chính mình tương tác với khán giả, cộng đồng mạng mà thôi. Quả thật tự mình làm thì sẽ vất vả nhưng mình hiểu được cảm giác chờ đợi được trả lời tin nhắn, được lắng nghe của mọi người.

Hiện tại, không kể tới những tin nhắn có nội dung ngoài lề, chỉ những tin nhắn kể câu chuyện mùa dịch, mình nhận được mỗi ngày khoảng 10-20/cái. Mình cố gắng trả lời tất cả những người gửi câu chuyện cho mình, lắng nghe họ chia sẻ, tìm hiểu kĩ ngọn nguồn để kể lại bằng tác phẩm truyện tranh.

Mọi người gửi về rất nhiều và mình cũng không muốn phụ lòng mọi người nhưng không phải câu chuyện nào cũng kể được. Vì có nhiều câu chuyện khác nhau về nhân vật nhưng lại trùng nhau về hoàn cảnh. Ví dụ chuyện đôi lứa chia cắt vì một người phải ra tuyến đầu, mình cũng chỉ kể được một lần thôi.

Lắng nghe mọi người "dốc bầu tâm sự" trong tình hình có nhiều biến động như hiện nay không dễ. Vai trò của bạn, giống bác sĩ tâm lý?

Mình thường trò chuyện với mọi người để biết thêm những khía cạnh về cuộc sống của họ để gửi những lời động viên. Có những người dễ kể hết nỗi lòng với một người lạ như mình hơn là tâm sự với người thân quen. Quả thật, mình thấy có chút giống với bác sĩ tâm lý.

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 11
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 12
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 13
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 14

Phản ứng của cộng đồng mạng ra sao trước những tác phẩm có nội dung nhân văn mà bạn cho ra đời trong quãng thời gian dịch bệnh?

Phản ứng tích cực thì rất nhiều, tạo động lực rất lớn để mình làm việc tiếp, như mọi người cũng đã thấy. Nhưng mình đồng thời cũng nhận được kha khá phản ứng trái chiều. Vì chưa thực sự tu luyện đến cảnh giới đạt bình tâm nên mỗi lần bị phản ứng tiêu cực, mình vẫn bị bực dọc, khó chịu. 

Một buổi sáng ngủ dậy, vào phần tin nhắn, mình hoàn toàn có thể phải đọc một tin nhắn tấn công như: "Đồ bợ đỡ, bú fame, làm quá lên những câu chuyện nhân văn; Sao không vẽ về tiêu cực đi? Sống như vậy có hổ thẹn không? Suốt ngày vẽ truyện ăn theo chuyện có thật; Sao không giỏi làm hài như page khác đi? Đồ giẻ rách không có sáng tạo"...

Thăng Fly đã làm công việc "họa sĩ mạng xã hội" gần 10 năm nay, hẳn là đã quen đối phó với nguồn năng lượng tiêu cực này?

Hồi trước, mình vẽ truyện hài thì khá vô hại, trong mấy năm ít ai có ý kiến gì, chỉ vào "haha" rồi thôi. Vẽ nội dung đời sống xã hội thì gặp nhiều quan điểm trái chiều. Hầu như tuần nào, mình cũng phải nhận vài ba tin nhắn, bình luận từ trách móc đến chửi bới.

Đầu tiên, một số người quen với việc đọc chuyện cười giải trí thấy mình chuyển qua vẽ chuyện đời sống thì kêu khô khan quá.

Khi mình vẽ về những câu chuyện nhân văn thì họ bảo sao không kể chuyện tiêu cực. Khi mình vẽ lên án tiêu cực thì họ chửi là não tàn, chống phá...

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 15
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 16
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 17

Mình vẫn chưa thật sự bình tâm mỗi khi đối mặt với việc nhận chỉ trích. Mình đã và đang nghe rất nhiều các bài giảng của các thiền sư về làm chủ cảm xúc, về tha thứ, về luyện cho tâm trí tự bình an.

Cơn giận và sự khó chịu không biến mất hoàn toàn, chỉ là khoảng thời gian mình mắc kẹt với nó có ngắn dần đi. Hồi trước, mình có thể bực bội hai ngày, đến nay chỉ bực trong một buổi hay vài tiếng đồng hồ, tùy vào tính sát thương của nội dung tấn công.

Cuối cùng, mình cũng đâu thể vì những tấn công tiêu cực mà bỏ cuộc. Số lượng người yêu thích, số lượng các bác sĩ, tình nguyện viên gửi tin nhắn cho mình hàng ngày vẫn đông hơn nhiều. Mình còn phải vẽ cho đến khi mọi người không cần mình nữa, hoặc mình bế tắc mới thôi. 

Mình nghĩ, bản thân cũng đang đóng góp phần nào đó trong việc đưa những thông tin tích cực để đấu tranh với hàng ngàn thông tin tiêu cực trên mạng xã hội hiện nay. Đó là một phần động lực của mình.

Thăng đã có một kế hoạch dài hơi hơn cho các tác phẩm của mình hay chưa?

Mình có dự định kết hợp với doanh nghiệp xã hội chuyên hỗ trợ người khuyết tật để thực hiện một cuộc triển lãm sau đại dịch. Chị Thương - người quản lý của tổ chức này tìm tới và đề nghị mình cho phép những bạn ở trung tâm chị làm lại những bức tranh của mình thành tranh thủ công. Mình đồng ý ngay!

Họ là những người khuyết tật mà còn muốn làm sản phẩm đóng góp cho cộng đồng thì cớ gì mình không đồng ý. Mình sẽ vẽ thêm tranh trên toan để góp sức cùng với mọi người. Số tiền bán tranh sẽ dùng để ủng hộ những người khó khăn vì dịch bệnh.

Mình nói với chị Thương, tranh bán không cầu gây quỹ được nhiều hay ít. Chỉ cầu sự cho đi của mình có thể góp được một phần nhỏ trong việc thiện nguyện chung.

Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 18
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 19
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 20
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 21
Cha đẻ của những mẩu chuyện Covid-19 lay động hàng triệu trái tim - 22

Bài và thiết kế:Mai Châm

Tranh:Thăng Fly

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 20/04/2024