Cá tính Quảng trong Hoài Linh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng là hay cãi, ngông, hề, chơi, làm?

31/12/2018 17:01
Cá tính Quảng trong Hoài Linh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng là hay cãi, ngông, hề, chơi, làm?

Cá tính Quảng là “cãi, ngông, hề, chơi, làm” và nhiều khái niệm khác có đầy đủ trong những con người nổi tiếng như Hoài Linh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng…

Lần đầu tiên những con người của vùng đất cãi cọ, ba lơn, ngông và hài hước gồm: Phan Vũ, Bùi Văn Nam Sơn, Ý Nhi, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Anh Hùng, Hoài Linh, Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ…cùng “ngồi chung một chiếu” trong cuốn sách có tên Cá tính Quảng - Sách do một nhóm tác giả ở TP.HCM thực hiện, NXB Đà Nẵng ấn hành, sẽ ra mắt bạn đọc tại TP.HCM vào ngày 5.1.2019.

Dự kiến buổi giới thiệu sách sẽ có sự xuất hiện danh hài Hoài Linh, Mỹ Tâm và các nhân vật có mặt trong tác phẩm.

Danh hài Hoài Linh-một trong những nhân vật trong sách "Cá tính Quảng"

Cuốn sách xoay quanh 5 “đặc trưng” làm nên cá tính của người Quảng là: “cãi - ngông - hề - chơi - làm”. Cuốn sách không có ý đồ tập trung khai thác đời tư các nhân vật nổi tiếng trong làng showbiz Việt như Hoài Linh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh… để “câu view” như người ta nghĩ mà trong đó còn có cả những người rất bình thường như ông Đường gánh nước thuê ở Hội An, “diễn viên xích lô” Lê Văn Lộc và nhiều người Quảng đầy cá tính khác.

Mỹ Tâm xuất hiện trong sách với những câu chuyện "cười thả ga"

Nhìn vào đời sống người Quảng (bao gồm cả Quảng Nam - Đà Nẵng) ở quê nhà, hoặc nơi đất khách quê người, chúng ta dễ nhận thấy một vài nét đặc trưng như cãi, ngông, hề, chơi, làm… Các nhân vật trong mỗi chương không hẳn chỉ có một nét đặc trưng nào đó, mà phụ thuộc vào góc nhìn của người viết bài. Có nhân vật bao gồm cả 5 nét đặc trưng vừa kể, nhưng khi viết, tác giả chỉ tập trung một nét - chưa hẳn là ưu trội nhất - nhưng là nét mà người viết bài thích nhìn ngắm nhất.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thể hiện cá tính Quảng rất rõ nét trong mỗi tác phẩm của anh

Và đương nhiên, 5 nét đặc trưng này không thể bao quát toàn bộ cá tính người Quảng, cũng như không phải là đặc sản riêng của xứ Quảng. Ví dụ như ngông, nếu hỏi Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành thích ngông, chắc khó trả lời, vì quá nhiều, hoặc nói đúng hơn, gần như tỉnh thành nào cũng có lượng người chơi ngông đông đảo. Nhưng qua sách này, độc giả có thể thấy phần nào cái ngông của người Quảng - ở đây không bàn cao thấp, hay dở - là một nét riêng, đôi khi ngộ nghĩnh.

Xứ Quảng trong lịch sử đã là sự chung sống của Chăm - Việt, là cửa ngõ của giao thương quốc tế với nhiều bến cảng lớn như Hội An là thành phố toàn cầu từ thời phong kiến, nên tinh thần dân chủ, việc chấp nhận sự khác biệt đã thành bản sắc.

Như là một tiếp nối, các nhân vật trong sách này cũng được chọn lựa với tinh thần bình đẳng và dân chủ như vậy. Trong công việc riêng, mỗi nhân vật có những đóng góp, những gợi hứng đáng trân quý, các tác giả dựa vào đó để viết về họ, chứ không có ý phân “chiếu trên, chiếu dưới”.

Một lát cắt khác, rất nhẹ nhàng, nhưng vừa đủ để thấy cá tính người Quảng của ca nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý

Thật vậy, tự trong mỗi ngành nghề thì còn có thể bàn về chuyện cao thấp, lớn nhỏ, chứ cả một xứ sở, một vùng văn hóa, với lịch sử dài và phức tạp, đâu dễ để nhận định ai quan trọng ai tầm thường, ai lớn ai nhỏ. Mà nếu thật sự muốn phân cao thấp, thì tiêu chí nào có thể phù hợp và công bằng với các ngành nghề, các xuất phát điểm quá khác nhau. Chính vì vậy, khi đọc sách, nếu độc giả thích nhân vật A hơn B, hoặc thấy C lớn lao hơn D, ấy cũng là bình thường, là cảm nhận riêng, chứ tự cuốn sách không hướng đến điều đó.

Lê Kinh Tài là họa sĩ gây nhiều tranh cãi bậc nhất Việt Nam là… cãi!

Sách với bìa và trang vào chương do họa sĩ Lê Kinh Tài thiết kế, biến tấu từ hình tượng con tò he, khá phổ biến một thời tại xứ Quảng, ngày nay còn thấy nhiều ở Hội An và các chợ làng xã. Tò he có lẽ là sản phẩm đi cùng bước chân mở cõi vào Nam, mà xứ Quảng - với trắc trở của đèo Hải Vân và cuộc đối thoại trực tiếp với văn minh Chăm - là một cột mốc lớn. Nếu có một chút so sánh, có thể thấy tò he ở xứ Quảng có nhiều nét riêng so với tò he ở làng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) - vốn được cho là một trong những nơi phát xuất của nghề tò he. Tìm về cá tính Quảng, bản sắc Quảng… đôi khi cũng là tìm về nét riêng của những vật thể và phi vật thể như vậy.

Sách với bìa và trang vào chương do họa sĩ Lê Kinh Tài thiết kế

Cuốn sách Cá tính Quảng có thể làm hài lòng tất cả bạn đọc trừ... người Quảng ra. Bởi với với cá tính hay cãi của mình, chắc chắn họ sẽ dè môi mà nói rằng: “Ri mà là cá tính Quảng ư?” Hoặc sẽ đưa ra nhận định: “Viết như rứa mà cũng gọi là viết về cá tính Quảng”. Để "đề phòng" trường hợp cãi cọ với chính đồng hương của mình, nhóm tác giả viết trong lời nói đầu của sách: “Chúng tôi không có tham vọng đúc kết hoặc trả lời trực tiếp, mà chỉ gợi mở để người đọc tìm câu trả lời riêng cho mình, về cá tính Quảng”.

Vì sao “Quảng Nam hay cãi”?

“Quảng Nam hay cãi” đã thành phương ngữ nổi tiếng khắp cả nước. Chữ Nôm dùng chữ hoán (唤) của chữ Nho để đọc là cãi. Cãi được diễn tả bằng bộ khẩu (口): lời nói và chữ miễn (免): cởi, bỏ. Nghĩa là dùng lời nói, lý lẽ bào chữa, tranh biện để được thắng thế, miễn trừ, xóa bỏ điều gì đó.

Cãi chính là nền tảng đầu tiên của việc thiết lập bình đẳng theo hàng ngang, tức không phải tôn ti trật tự kiểu chiếu trên chiếu dưới theo hàng dọc của triều đình phong kiến, gia trưởng. Vượt qua đèo Hải Vân, cách biệt triều đình, người Quảng lại sống nơi biên ải, không cãi mới lạ.

Quảng Nam cũng nhờ cảng Hội An, là nơi giao lưu của nhiều giống người, nhiều truyền thống văn hóa, nên có tinh thần tranh luận, tranh đấu một cách dân chủ sớm hơn cả nước. Bằng chứng là phong trào Duy Tân (năm 1906) do Phan Châu Trinh phát động, hoặc cuộc biểu tình bất bạo động chống sưu cao thuế nặng (năm 1908) - Trung kỳ dân biến. Nhờ cãi mà tư tưởng của Phan Châu Trinh, Phan Khôi… đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, thậm chí trong vài khía cạnh, vẫn rất tiền phong.

Nguyễn Tiến Văn

Tiểu Vũ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025