Có một câu chuyện quen thuộc như sau: Trong một khu vườn của một lão nông nọ, những chùm nho tím kết quả sai mơn mởn, khiến bất cứ ai trông thấy cũng phải thèm thuồng. Tất nhiên, cái mỹ vị nhân gian này cũng không thể thoát được những chú cáo ở gần đó. Chúng sớm đã muốn hưởng thụ những chùm nho ngon miệng đó rồi.
Con cáo thứ nhất tới vườn nho
Nó phát hiện ra giàn nho cao hơn rất nhiều so với chiều cao của nó. Nó đứng phía dưới nghĩ ngợi một lát, nó không muốn từ bỏ vì đây là một cơ hội hiếm có. Nghĩ một lúc, nó phát hiện cạnh giàn nho có một chiếc thang, nó nhớ lại việc từng nhìn thấy bác nông dân dùng chiếc thang này. Vì vậy, nó cũng học theo bác nông dân trèo thang, thuận lợi hái được nho ăn.
Thứ con cáo thứ nhất sử dụng là phương thức giải quyết vấn đề. Đối mặt với vấn đề, nó không trốn tránh, cũng không từ bỏ. Nó học theo kinh nghiệm của người khác, lấy sở trường của người khác bù vào sở đoản của mình, cuối cùng, lợi dụng công cụ, giải quyết vấn đề.
Con cáo thứ 2 tới giàn nho
Nó cũng phát hiện dàn nho quá cao, nó không với được. Vì vậy, nó nghĩ, nho này chắc chua lắm, chả ngọt đâu, ăn vào cũng chẳng ngon, hay là thôi không ăn. Cứ như vậy, nó từ bỏ chuyện ăn nho.
Thứ mà con cáo thứ hai vận dụng là cái gọi là "hiệu ứng nho chua" trong tâm lý học, có nghĩa là đưa ra một lý do nào đó để hợp lý hóa cho hành động của mình, để dù có từ bỏ cũng sẽ không thấy áy náy hay tiếc nuối.
Kiểu tâm lý này khiến cáo mất đi cơ hội, đồng thời từ bỏ cơ hội giành lấy thứ gì đó có thể là tốt đẹp cho mình.
Con cáo thứ 3 tới giàn nho xum xuê
Nó vừa đọc được một cuốn sách truyền cảm hứng và vô cùng xúc động trước những lời lẽ trong sách. Nó trông thấy giàn nho cao vời, không muốn thỏa hiệp, nó nghĩ: mình có thể nhảy lên với, chỉ cần mình nỗ lực, mình nhất định có thể làm được. Ý nghĩ "có chí ắt làm nên" thúc đẩy nó không bỏ cuộc.
Nhưng thực tế lại khác xa so với tưởng tượng, nó nhảy ngày một thấp đi vì mệt. Cuối cùng nó chết dưới giàn nho vì đuối sức và trở thành chất dinh dưỡng cho giàn nho.
Hành vi của con cáo thứ ba, trong tâm lý học gọi là "cố chấp". Nó lặp đi lặp lại hành động vô ích, nó tự khiến mình mệt mỏi, không cho ra được hiệu suất cao, thậm chí không thu lại được gì.
Đôi khi chúng ta cũng gọi hiện tượng tâm lý này là ám ảnh cưỡng chế. Sự tồn tại của ám ảnh cưỡng chế nói lên một điều rằng: không phải mọi vấn đề đều có thể dùng một phương pháp để giải quyết, phải nhìn nhận thật nghiêm túc nhiều nhân tố liên quan như tình hình thực tế, năng lực của bản thân hay hoàn cảnh lúc bấy giờ…
Con cáo thứ 4 tới vườn nho
Vừa thấy giàn nho quá cao nó liền thất vọng, lớn tiếng mở miệng ra quát mắng. Nó phá hoại những cành nho mà nó với tới, vừa hay bị bác nông dân phát hiện và đánh chết.
Hành vi của con cáo thứ 4 được gọi là "công kích". Đây là phương thức không nên được áp dụng nhất. Vừa hại người vừa hại mình. Hơn nữa, trong vô hình, nó còn khiến bạn đánh mất đi thiện cảm trong mắt người khác, sau này muốn hợp tác với ai đó, e là đã khó càng thêm khó.
Con cáo thứ 5 tới vườn nho
Thấy chiều cao của mình quá khiêm tốn so với giàn nho, nó liền tủi thân bật khóc nức nở. Nó tủi thân vì sao mình lại bé nhỏ như vậy, nếu nó to như con voi, thì có phải là thích ăn gì thì ăn hay không. Nó buồn vì sao giàn nho lại cao như vậy, nó vất vả đợi suốt 1 năm để được ăn nho, ai dè vẫn không thu được kết quả gì.
Biểu hiện của con cáo thứ 5, trong tâm lý học, người ta gọi đó là "lùi bước". Cá nhân khi gặp phải khó khăn, anh ta sẽ rút lui từ giai đoạn phát triển nhân cách cao hơn xuống giai đoạn phát triển nhân cách thấp hơn, để giảm bớt sự lo lắng.
Người thường xuyên lùi bước dần dần sẽ trở nên yếu đuối, không thể làm gì, không thể ứng phó được với thách thức, việc thể hiện hay nâng cao bản thân sẽ ngày một trở nên khó khăn hơn.
Con cáo thứ 6 tới giàn nho
Trông thấy giàn nho cao, nó nghĩ, nếu mình đã không ăn được, vậy thì những con cáo khác chắc chắn cũng không ăn được. Nếu đã như vậy thì mình cũng chẳng có gì phải tiếc nuối, đằng nào thì mọi người cũng như nhau cả mà.
Hành vi của con cáo trong tâm lý học người ta gọi là "phóng chiếu". Nó phóng chiếu những mong muốn và động cơ của chính mình lên người khác, và khẳng định rằng những người khác cũng có động cơ và mong muốn đó.
Nhưng, có rất nhiều người và việc, thường vượt qua phạm vi hiểu biết của bạn, và càng có nhiều người, hoàn toàn không giống như trong tưởng tượng của bạn.
Con cáo thứ 7 tới vườn nho
Đứng dưới giàn nho cao vời vợi, tâm trạng của nó vô cùng không tốt. Nó nghĩ vì sao mình không ăn được, tại sao số phận của nó lại bi thảm như vậy, muốn ăn nho thôi cũng khó khăn, tại sao vận may của nó lại kém như vậy? Càng nghĩ càng buồn, cuối cùng nó chết trong sự đau thương.
Tình trạng của con cáo thứ 7 là một trong những biểu hiện của "bệnh trầm cảm". Đây là một chứng rối loạn thần kinh đặc trưng bởi chứng trầm cảm dai dẳng. Người bị trầm cảm sẽ mất đi động lực cầu tiến, không ngừng tấn công bản thân, tuyệt vọng như rơi vào vũng lầy đen, không thể đứng dậy, cũng không biết tại sao phải đứng lên.
Con cáo thứ 8 đến dưới giàn nho
Nó thử nhảy lên với nho nhưng không thành công. Nó thử bảo mình không nghĩ tới nho, nhưng nó không thể ngăn mình nghĩ tới nho, nó cũng thử vài cách khác nhưng cũng không có hiệu quả. Nó nghe tin con cáo khác ăn được nho, tâm trạng lại càng đi xuống, cuối cùng nó đâm đầu vào giàn nho và ra đi.
Kết cục của con cáo thứ 8 là do tâm lý không cân bằng tạo nên.
Trong hiện thực cuộc sống, chúng ta cũng thường gặp những hiện trạng như này, rất nhiều người ở một mình thì không sao, nhưng cứ so sánh với người khác xong là tâm lý sẽ bị mất cân bằng, và lựa chọn những phương thức không phù hợp lắm để đi ứng phó.
Con cáo thứ 9 tới vườn nho
Nó cũng không với tới được nho. Trong lòng nó nghĩ, mấy con cáo khác nói rằng mùi vị của nho cũng không khác chanh là bao nhiêu, nếu đã không ăn được nho thì mình ăn chanh, cũng không thể đứng chờ nho rụng được đúng không! Nghĩ vậy, nó hài lòng rời vườn nho.
Hành vi của con cáo thứ 9 trong tâm lý học gọi là "thay thế". Nó sử dụng phương thức lựa chọn thứ mình có thể với tới để thay thế cho nguyện vọng không được đáp ứng của mình.
Con cáo thứ 10 tới vườn nho
Nó trông thấy sự khác biệt giữa năng lực của mình và giàn nho cao trên kia, nó nghĩ rằng với năng lực hiện tại mà muốn ăn nho là điều không thể. Nghĩ vậy, nó quyết định trước tiên về nhà "sạc điện" trước, nó đăng kí một lớp học dạy về kĩ thuật hái nho. Cuối cùng, nó đã hái được nho.
Thứ mà con cáo thứ 10 sử dụng là chiến lược ứng phó theo định hướng vấn đề. Nó có thể phân tích chính xác quan hệ và tính chất giữa bản thân và sự việc, rồi tìm ra phương pháp giải quyết, đây là một phương pháp ứng phó khá hiệu quả.
Con cáo thứ 11 tới vườn nho
Nó cũng phải đối mặt với tình huống tương tự. Nó nhìn ngó xung quanh, rồi dụ mấy người bạn khác tới, nhân lúc chúng không để ý, nó đánh ngất mấy người bạn đó rồi xếp chồng chúng lên nhau, sau đó nó trèo lên và hái được nho.
Con cáo thứ 11 mặc dù cuối cùng vẫn giải quyết được vấn đề, nhưng nó lại giải quyết trên cơ sở làm tổn hại tới lợi ích của người khác, phương pháp ứng phó này không nên được sử dụng.
Con cáo thứ 12 tới giàn nho
Đây là một cô cáo vô cùng xinh đẹp và kiều diễm. Nó nghĩ mình là con gái, chân yếu tay mềm, có làm sao cũng không thể hái được nho, chi bằng dùng sức của người khác? Cứ như vậy, nó đi tìm một người bạn nam, chú cáo này đi mượn một chiếc thang để tặng cho nàng cáo món quà nàng yêu mến nhất.
Biểu hiện của con cáo thứ 12, trong tâm lý học gọi là "nguyên tắc bù trừ". Lợi dụng ưu điểm của đối phương để bù trừ cho thứ mà mình không có. Trong một số tình huống thì phương pháp này cũng có thể áp dụng.
Con cáo thứ 13 tới dưới giàn nho
Nó bất mãn với chiều cao của giàn nho, vì điều này khiến nó không thể ăn được những quả nhỏ ngon mọng, nghĩ vậy, nó trách tội giàn nho. Nó nói vì giàn nho quá cao, nói nội tâm của nho không hề đẹp như vẻ bề ngoài của nó. Sau khi "xả" xong, nó âm thầm rời đi.
Hành vi của con cáo thứ 13 gọi là "hiệu ứng bù đắp". Nghĩa là tham gia vào một hoạt động tượng trưng nhất định để bù đắp hoặc chống lại cảm xúc thực sự của bản thân.
Con cáo thứ 14 đến vườn nho
Phát hiện ra mình không thể ăn được những quả nhỏ mà mình muốn, nhìn thấy những quả nho hỏng rụng dưới sàn và vỏ nho mà những con cáo khác để lại, nó khinh khỉnh: "Thật là kinh khủng, ai lại ăn được những thứ này."
Hành vi của con cáo thứ 14 trong tâm lý học được gọi là là "tác dụng ngược". Đây là một cơ chế phòng vệ tâm lý, trong đó hành vi và động cơ sẽ hoàn toàn trái ngược nhau.
Con cáo thứ 15 tới vườn nho
Nó không lớn tiếng mắng, cũng không kiên trì trèo lên, mà cảm thán: Đôi khi những điều tươi đẹp luôn ở rất xa chúng ta nên cũng cần có một khoảng cách nhất định, vậy thì có gì sai khi để bản thân ảo tưởng một chút? Cứ như vậy, nó thả hồn trong vườn nho, và một tập thơ ra đời.
Hành vi của con cáo 15 trong tâm lý học gọi là "tác dụng thay thế". Nghĩa là dùng một tinh thần khác đi thay thế một tinh thần nào đó.
Con cáo thứ 16 tới vườn nho
Sau khi phát hiện ra chuyện không được như ý muốn, không lâu sau, tình trạng đau dạ dày, tiêu hóa không tốt xuất hiện trên cơ thể nó. Con cáo không hiểu, nó vốn là một người rất chú ý tới chuyện ăn uống, sao có thể xảy ra vấn đề về tiêu hóa cơ chứ.
Tình trạng của con cáo 16, trong tâm lý học gọi là "chuyển hóa". Nó chuyển những thất vọng về mặt tâm lý sang những bệnh tật về thể chất.
Con cáo thứ 17 xuất hiện trong vườn nho
Nó phát hiện ra vấn đề tương tự. Nó cong miệng nói: "Có gì to tác cơ chứ, họ cáo chúng mình cũng có con ăn được rồi, ai nói chỉ có khỉ mới ăn được nho, cáo cũng có thể ăn được!"
Lời nói và việc làm của con cáo thứ 17 là một phong cách đối phó theo hướng cảm xúc. Trong tâm lý học, chúng ta có thể gọi nó là "chức năng tương tự". Tức là khi giá trị bản thân thấp hơn giá trị của người khác, hãy tìm đến những người có quan hệ với mình để nhận ra giá trị của bản thân mình.
Con cáo thứ 18 tới vườn nho
Nó nghĩ, mình không ăn được, con cáo khác cũng sẽ không ăn được, vì sao mình không học tinh thần hợp tác qua câu chuyện "đàn khỉ câu trăng"? Trước đó có đàn khỉ câu trăng, giờ có đàn cáo hái nho, biết đâu lại được đi vào truyền thuyết thì sao! Vậy là, nó động viên những con cáo muốn ăn nho và ngỏ ý hợp tác, tạo thành một chiếc thang cáo, như vậy, ai cũng có thể ăn được nho.
Con cáo thứ 18 biết thế nào là đạo lý hợp tác, cuối cùng, không chỉ lợi mình mà còn lợi người.
Một người thu hoạch được gì, xuất phát từ hành động mà họ bỏ ra. Hành động mà họ bỏ ra, bắt nguồn từ quan niệm và tâm lý của họ.
Nói tới đây, có lẽ bạn đã vỡ ra được điều gì đó!
Có nhiều hơn một con đường dẫn đến sự giác ngộ và giải thoát, tất cả chúng ta cần khám phá và tìm ra con đường cho riêng mình. Ngay cả khi có được ai đó dẫn dắt, bạn vẫn cần phải dựa vào chính mình, không ngừng tự mình tìm tòi và rèn luyện.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị