Tâm hồn giản dị - Nghệ thuật từ chối

26/07/2020 08:30
Tâm hồn giản dị - Nghệ thuật từ chối

Từ chối là một trong những việc thực tế nhất chúng ta có thể làm để có thêm thời gian cho những điều quan trọng nhất. Mặc dù chúng ta có thể thấy khó chịu hoặc lo âu khi từ chối, nhưng việc này vẫn rất quan trọng vì ta cần nhiều thời gian hơn mình tưởng.

          

Khi không gian trống và thời gian rảnh của bạn đều dành hết cho việc ganh đua, rượt đuổi, tái tổ chức và kiếm sống, đó không còn là khoảng thời gian tự do nữa. Nếu bạn muốn có thời gian rảnh - thật sự rảnh - hoặc nếu bạn thèm được ngủ đủ tám tiếng, được có giờ nghỉ trưa đúng nghĩa hay có tối thiểu hai mươi bốn tiếng đồng hồ được tránh xa đống e-mail của mình, bạn sẽ phải nói lời từ chối. Rất nhiều lần. Nói lời từ chối không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là với những tâm hồn hào hiệp, tử tế, với những ai muốn làm vừa lòng mọi người và với những ai quen nhận lời mọi việc.

Tất cả chúng ta đều đã từng nhận lời trong khi muốn từ chối. Dù là nhận lời vì áy náy, vì sợ bỏ lỡ hay muốn làm vừa lòng người khác đi nữa, điều quan trọng cần nhớ là việc nhận lời trong khi trái tim muốn từ chối không chỉ có hại cho bản thân mà còn cho những người mà bạn nhận lời giúp nữa. Nếu trái tim muốn từ chối, nó sẽ chống đối hành động nhận lời từ đầu đến cuối. Bạn sẽ không hào hứng góp sức. Bạn sẽ không cố gắng hết mình và có thể đâm bực với lời hứa hẹn của mình hoặc với người nhờ bạn giúp.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nói lời từ chối và bảo vệ thời gian của mình, hãy xem xét các kỹ năng của nghệ thuật từ chối sau đây:

1. Nói lời từ chối với sự biết ơn và nhã nhặn. Trong cuốn How to Live a Good Life: Soulful Stories, Surprising Science, and Practical Wisdom (tạm dịch: Làm thế nào để sống tốt: Những câu chuyện tâm hồn, khoa học phi thường và óc thực tiễn), Jonathan Fields cho rằng nên tập từ chối một cách tử tế. Anh khuyên là hãy tự hỏi bản thân: “Làm thế nào mình có thể tử tế và tôn trọng người khác mà vẫn kiên định với nhu cầu của mình? Phải nói như thế nào?”.

Anh đề nghị hãy tưởng tượng ra cảnh chúng ta dành hết thời gian rảnh để làm những việc thật sự quan trọng đối với mình trước khi từ chối. Hãy biết ơn khi được người khác nhờ vả, tôn trọng họ vì biết đâu họ đã phải mất nhiều thời giờ và lấy hết dũng khí mới dám mở miệng cậy nhờ, và hãy từ chối với sự nhã nhặn, tử tế.

2. Hãy nói thật rõ ràng. Những câu như “để tôi nghĩ xem đã” thường là chiến thuật trì hoãn. Khi bạn biết mình muốn từ chối, cứ nói lời từ chối. Nếu bạn muốn nhận lời nhưng thời điểm đó không thích hợp, hãy hẹn lần khác với thời gian cụ thể.

3. Hãy nói ngắn gọn. Tác giả Anne Lamott cho rằng: “Bản thân từ ‘không’ đã là một câu hoàn chỉnh”. Cứ giải thích khi cần, nhưng ngắn gọn thôi. Bạn có thể nói lời từ chối với lòng biết ơn trong vòng vài câu ngắn ngủi. Một câu như thế này: “Không được, cảm ơn cậu. Rất mừng là cậu đã nghĩ đến mình, nhưng mình có việc khác rồi” sẽ tốt hơn lời giải thích dài dòng rằng mình bận bịu và thấy áy náy ra sao.

4. Nói “Hết xảy!”. Khi thấy mình đang làm quá sức, Derek Sivers đã vận dụng biện pháp này: “Trong số các bạn, những ai thường làm quá sức hoặc thấy mất tập trung có thể thử tìm hiểu triết lý mới tôi đang áp dụng: Nếu có chuyện gì mà tôi không nói ‘HẾT XẢY’ được, vậy thì từ chối thôi. Tức là: Khi quyết định liệu có làm việc gì hay không, nếu không thể nghĩ ‘Chà! Sẽ tuyệt lắm đây! Chắc chắn rồi! Hết xảy!’ thì câu trả lời của tôi là không. Khi từ chối hầu hết mọi việc, cuộc sống của bạn sẽ có khoảng trống để thật sự hoàn toàn vùi mình vào điều hiếm hoi khiến bạn có thể nói ‘HẾT XẢY!’. Chúng ta ai cũng bận rộn cả. Ai cũng ôm đồm quá nhiều. Nhận lời ít lại chính là cách giải quyết”.

5. Thử kiêng việc nhận lời. Nếu bạn không thể từ chối, hoặc không biết khi nào phải từ chối còn khi nào thì nhận lời, thử kiêng việc nhận lời xem. Hãy cam kết từ chối mọi yêu cầu trong ba mươi ngày. Hãy tập từ chối thật tử tế hết lần này đến lần khác. Hãy chia sẻ thử thách của bạn với mọi người, không phải để lấy đó làm cớ, mà là để truyền cho họ cảm hứng tôn trọng thời gian của bản thân và cả những điều quan trọng với họ nữa.

6. Rũ bỏ cảm giác áy náy. Đương nhiên, bạn sẽ giúp người ta lúc họ cần được giúp, vậy nên hãy rũ bỏ cảm giác áy náy vì không nướng bánh quy, đi dự sự kiện hay đón ai đó từ sân bay vào lúc nửa đêm. Hãy tin vào chính mình và điều bạn biết là phù hợp nhất với cuộc sống của mình, và nói không với cảm giác áy náy.

7. Phải biết chuyện gì mới là quan trọng. Bạn phải đương đầu với vô số lựa chọn và quyết định, nhưng trong số đó chẳng có bao nhiêu chuyện quan trọng cả. Cứ tiếp tục đơn giản hóa cuộc sống và kiếm thêm thời gian cho bản thân, bạn sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với những điều quan trọng đấy.

Từ những khoảnh khắc bình thường, thầm lặng, bạn xây dựng được sức mạnh và sự bền bỉ để có thể cống hiến cho đời bằng nhiều cách ý nghĩa. Ngồi yên và đặt tay lên chỗ trái tim, bạn sẽ biết đâu là điều quan trọng nhất.

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Tâm Hồn Giản Dị" tại: https://bit.ly/tamhongiandi-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.

Theo Tâm hồn giản dị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025