Các bạn có nhớ hồi chúng ta còn bé không? Chúng ta tự phát làm những việc mình muốn làm. Chúng ta chả bao giờ băn khoăn “có sự tương quan thành tích tương đối giữa học bóng chày và bóng đá không nhỉ?” Bạn cứ thế chạy quanh sân bóng và chơi bóng chày hoặc bóng đá. Bạn xây lâu đài cát, chơi trốn tìm, hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn, và bắt sâu đuổi bướm hay đào đất lên trốn và giả vờ mình là những con quỷ từ đất chui lên.
Chẳng ai bảo chúng ta hãy làm những điều ấy, chúng ta chỉ làm một cách vô thức. Chúng ta chỉ đơn thuần bị sự tò mò và hứng khởi dẫn dắt mà thôi.
Và kết quả đáng yêu là, nếu bạn ghét bóng chày, bạn sẽ thôi không chơi bộ môn ấy nữa. Chả có sự ân hận nào xảy ra cả. Không có tranh cãi hay tranh luận. Bạn hoặc là thích hay ghét một thứ nào đó.
Và nếu bạn thích tìm hiểu sâu, bạn sẽ làm. Sẽ không có sự phân tích thứ cấp kiểu “Này, liệu đào sâu có thực sự là thứ mình định làm khi còn là trẻ con không? Không ai xunh quanh đào sâu cả, vậy nếu mình đào sâu thì có phải là mình có vấn đề không? Và việc đào sâu vào vấn đề thì ảnh hưởng gì đến các quan điểm của mình trong tương lai không?” Chả có câu hỏi vớ vẩn nào như thế nảy sinh cả, bạn chỉ làm điều mình thích làm.
Tính đến hôm nay tôi nhận được email thứ 11,504 của một người hỏi tôi rằng anh ta phải làm gì với đời mình? Và tương tự như nhiều người khác, người này hỏi tôi liệu tôi có ý tưởng nào về việc anh ta có thể làm? Nên bắt đầu từ đây? Và tìm đâu cho thấy “niềm đam mê” của mình?
Dĩ nhiên là tôi không buồn trả lời. Tại sao ư? Bởi vì tôi làm gì có đầu mối nào mà trả lời. Nếu chính bạn chả có ý tưởng nào về việc sẽ làm gì với đời mình, thì hà cớ làm sao mà một nhà văn trên mạng có thể trả lời câu hỏi ấy chứ? Quá tệ Jim, tôi chỉ là một nhà văn, không phải là thầy bói.
Quan trọng hơn là, tôi muốn nói với những người này: ý tưởng chủ đạo, ý tưởng chủ đạo của toàn bộ những băn khoăn này, là cuộc đời là KHÔNG BIÊT TRƯỚC, cứ làm đi thôi. Chẳng phải hầu hết các cuộc đời đều thế sao? Sẽ chẳng có gì dễ dàng hơn cho chúng ta nếu chúng ta tìm ra rằng chúng ta yêu công việc dọn bồn vệ sinh của mình hay cố đánh cược với công việc trong mơ để viết những kịch bản phim về nhà thám hiểm Indi.
Sự băn khoăn chung của những người này là họ cần tìm thấy “niềm đam mê” của mình
Tôi cho điều này là vớ vẩn. Các bạn đều đã tìm ra niềm đam mê của mình, các bạn chỉ lờ nó đi. Tệ hơn, các bạn thức 16h/ngày, vậy các bạn làm gì tới thời gian của mình? Các bạn đang làm một điều gì đó, chắc chắn là thế. Các bạn đang nói về thứ gì đó. Chủ đề hay hoạt động hay ý tưởng nào đó đang xâm chiếm hết thời gian của các bạn, các cuộc nói chuyện, các trang web tìm kiếm, và những thứ ấy xâm chiếm tâm trí bạn mà bạn thậm chí không hề nhận ra là mình cứ đang theo đuổi chúng.
Đam mê nằm ngay trước mắt chúng ta, chúng ta chỉ tránh né nó. Vì lý do nào đó, bạn cứ tránh né nó. Bạn tự nhủ: “Ôi chao, tôi thích truyện tranh nhưng cái này không tính, vì tôi không thể kiếm tiền với truyện tranh.”
Quá vớ vẩn, bạn đã bao giờ thử chưa?
Vấn đề không phải là thiếu niềm đam mê về thứ gì đó. Vấn đề là thứ đó có đem lại lợi nhuận hay không? Vấn đề là quan điểm, và vấn đề là sự chấp nhận.
Vấn đề là “đấy không phải là sự lựa chọn thực tế” hay “bố và mẹ sẽ mắng mỏ mình nếu mình thử làm điều này, họ muốn mình trở thành bác sĩ” hoặc “điều đó quá điên rồ, bạn không thể mua BMW với số tiền bạn kiếm được từ việc ấy.”
Vấn đề không phải là niềm đam mê, chưa bao giờ là nó.
Mà là sự ưu tiên. Bạn ưu tiên làm gì?
Và kể cả khi đó, ai nói rằng bạn cần phải làm ra tiền để làm những điều mình yêu thích? Từ khi nào mà mọi người lại cho rằng mình cần phải yêu từng giây phút chó chết trong công việc của mình? Thật thế sao? Có gì là sai trái khi làm một công việc tàm tạm với một số người bạn yêu mến, đồng thời theo đuổi đam mê trong thời gian rỗi thừa ra? Liệu thế giới có đảo lộn hay chỉ vì đấy chả phải là ý tưởng mới mẻ gì lắm với con người?
Đây, một cái tát nữa vào mặt các bạn: mọi công việc đều có lúc tệ hại. Chả có thứ gì đem lại niềm đam mê khiến bạn không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ stress, không bao giờ phàn nàn về nó. Thứ ấy không tồn tại. Tôi đang sống với công việc trong mơ (điều tự nhiên đến, nhân tiện, tôi chưa bao giờ trong một triệu năm lập kế hoạch điều này sẽ xảy ra: cũng giống như đứa trẻ chơi trên sân, tôi chỉ đơn thuần là làm nó), và tôi thường xuyên ghét 30% cái công việc trong mơ này, vào một số ngày không đẹp trời số phần trăm ghét còn tăng cao hơn thế.
Đời là thế mà.
Vấn đề chính yếu là sự trông đợi. Nếu bạn nghĩ bạn cần được làm việc 70h/tuần ngủ gục trên bàn làm việc như Steve Jobs và yêu từng giây phút của công việc ấy, thì rõ ràng là bạn đã xem quá nhiều phim vớ vẩn. Nếu bạn cho rằng bạn cần thức dậy mỗi ngày nhảy phắt ra khỏi bộ đồ ngủ bởi vì bạn cần đi làm, thì rõ ràng là bạn đã uống quá nhiều Kool-Aid. Cuộc đời không như vậy, như thế là phi thực tế. Có một thứ hầu hết chúng ta cần được gọi là sự cân bằng.
Tôi có một anh bạn, trong 3 năm vừa qua cố gắng xây dựng một doanh nghiệp trên mạng kiểu gì đó. Nhưng việc đó chả bao giờ thành. Vì anh ta chả bắt tay vào làm nó, không hề có hành động nào nữa ý. Qua năm tháng “làm việc’ và nói rằng anh ta chuẩn bị làm việc đó, không có gì anh ta thực sự bắt tay vào làm.
Việc được thực hiện là khi một trong số đồng nghiệp cũ của anh ta đến và yêu cầu anh ta thiết kế logo hay thiết kế một số thứ cho một sự kiện, Ôi ơn trời, anh ta nhiệt tình ngay với việc ấy.
Và anh ta làm quá tốt luôn. Anh ta thức đến 4h sáng và đắm chìm trong công việc và yêu từng giây phút khi làm nó. Nhưng rồi chỉ 2 ngày sau, sau khi việc đó hoàn thành thì lại là “bạn ơi, tôi không biết bây giờ tôi phải làm gì”
Tôi gặp quá nhiều người như thế. Anh ta đâu cần tìm niềm đam mê? Niềm đam mê đã tự tìm đến với anh ta đấy thôi. Anh ta chỉ lờ nó đi. Chỉ từ chối không tin vào sự tồn tại của nó. Anh ta lo sợ không dám “làm phép thử mà Chúa đã ban”.
Việc này chả khác nào một đứa trẻ đi vào sân chơi và nói “đúng là sâu thì thích thật đấy, nhưng làm cầu thủ của NFL sẽ kiếm được nhiều tiền, vậy mình nên bắt mình chơi bóng đã hàng ngày mới được,” và sau đó thì về nhà và phàn nàn là nó không thích giờ giải lao.
Thật quá vớ vẩn, ai cũng thích giải lao. Vấn đề là cậu bé tùy tiện chọn hạn chế bản thân mình bằng các ý tưởng vớ vẩn bị nhồi nhét vào đầu về thành công và cậu ta nên làm gì.
Một kiểu email nữa tôi hay nhận được từ những người hỏi tôi lời khuyên làm thế nào để trở thành nhà văn. Câu trả lời cũng giống như trên: tôi làm sao biết được.
Khi còn là đứa trẻ, tôi viết các truyện ngắn về căn phòng của tôi, viết cho vui. Khi lớn hơn chút nữa, tôi viết về nhạc, về các bài viết, viết về các ban nhạc tôi yêu thích và rồi khoe chúng với… không ai cả. Khi có internet, tôi dán chặt mắt nhiều giờ trên các trang mạng diễn đàn viết các thể loại chủ đề, từ mua đàn ghi-ta đến lý do của cuộc chiến I-rắc.
Tôi chẳng bao giờ nghĩ việc viết lách là một nghề. Tôi cũng chả bao giờ coi đó là một sở thích hay niềm đam mê. Với tôi, những chủ đề mà tôi viết mới là đam mê như: nhạc, chính trị, triết học,v..v Viết lách chỉ là một thứ tôi làm chỉ vì tôi thấy muốn làm.
Và đến khi tôi tìm kiếm sự nghiệp tôi yêu, tôi không cần tìm kiếm đâu xa. Thực tế, tôi chả cần tìm kiếm tí nào. Nó đã chọn tôi rồi, theo cách, là nó đã ở sẵn đó. Thứ tôi luôn làm hàng ngày, từ khi tôi còn bé, mà thậm chí không hề nghĩ là tôi đang làm nó.
Bởi vì một thứ có thể làm nhiều người khó chịu nữa là: nếu bạn phải đi tìm thứ gì bạn đam mê, thì có nghĩa là bạn chẳng đam mê thứ gì.
Nếu bạn đam mê thứ gì đó, thứ đó tự nhiên là phần gắn liền với đời bạn mà thường là mọi người sẽ bảo bạn đó là thứ không bình thường về bạn, rằng mọi người khác không làm điều đó hay hành động như thế.
Chả phải ngẫu nhiên hay làm cho vui khi tôi viết tới hơn hai nghìn bài viết cho các diễn đàn. Cũng chả phải ngẫu nhiên đối với bạn tôi việc thiết kế logo là thứ hầu hết mọi người chẳng dễ gì làm được hay chỉ làm cho vui. Với anh ấy, một cách hết sức tự nhiên anh ấy có thể làm nó mà không cần phải tưởng tượng nó sẽ khác đi. Và đó chính là thứ anh ý thực sự nên làm trong đời.
Đứa trẻ không đi đến sân chơi và tự hỏi “làm thế nào để tìm thấy niềm vui?” nó chỉ đơn thuần ra sân và vui chơi. Nếu phải tìm xem bạn thích thú điều gì trong đời, thì có nghĩa là bạn không thích thú điều bạn đang cố tìm ấy.
Sự thực hiển nhiên là bạn đang thích thú thứ gì đó rồi đó, bạn đang thích thú rất nhiều thứ, bạn chỉ chọn lờ chúng đi thôi.
Theo Mark Manson