Tuy nhiên, thứ được sử dụng ban đầu là củ cải chứ không phải bí ngô và nó bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại xa xưa của người Ireland.
Theo The Guardian, ước tính có khoảng 10 triệu trái bí ngô được trồng tại Anh mỗi năm và 95% trong số đó được sử dụng vào dịp Halloween. Chỉ 5% còn lại là đi thẳng vào nhà bếp. Nhiều cửa hàng thậm chí còn ghi rõ “Bí ngô này chỉ dùng để trang trí” do đã can thiệp vào quá trình nuôi trồng để trái nhanh tăng trưởng và to đẹp nhưng không ăn được.
Một nông trại trồng bí ngô
Bí ngô được cắt tỉa sẵn được bán khắp nơi trong dịp lễ Halloween tại Mỹ
Ở bên kia đại dương, người Mỹ dự kiến chi đến 9 tỉ USD cho lễ Halloween năm nay. Và 576 triệu USD trong đó dùng để mua bí ngô cho mục đích trang trí. Chúng thường được cắt tỉa thành hình dạng mặt quỷ và được gọi dưới cái tên “Jack O’ Lantern”.
Vậy thông tục này có xuất xứ từ đâu và khi nào?
Nhiều người tin rằng Jack O’ Lantern bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại được truyền miệng từ thế kỷ 18 tại Ireland. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội Samhain – tiền thân của Halloween – nhằm tôn vinh những người đã khuất của người Gael.
Theo đó, Jack là một thợ rèn lười biếng bị dân làng ghét bỏ nhưng cực kỳ thông minh. Vào một ngày nọ, Jack lừa được quỷ Satan leo lên cây táo và đặt một thánh giá xuống gốc cây khiến quỷ không thể tụt xuống.
Có một dị bản khác. Đó chính là Jack đã uống rượu với Satan và lừa ông ta biến thành một đồng vàng để trả tiền cho chủ quán. Vốn sở hữu năng lực biến hình, Satan đồng ý và hóa thành một đồng vàng. Jack ngay lập tức bỏ vào túi và nằm bên cạnh đó là một thánh giá báo hại ông ta không thể quay trở lại nguyên dạng được nữa.
Trong cả hai câu chuyện, Jack đều đưa ra cùng một lời đề nghị là để đổi lấy tự do Satan không được cướp linh hồn của Jack. Ông ta đồng ý. Nhiều năm sau, Jack qua đời như bao người khác. Thế nhưng khi đặt chân đến cửa thiên đàng, anh ta bị Thượng đế từ chối vì đã sống một cuộc đời gian trá. Đến lúc vào cổng địa ngục, Satan tuân thủ lời hứa năm xưa cũng không thu nhận gã. Kết quả, Jack trở thành một hồn ma lang thang trên cõi trần và trước mặt gã luôn là một màn đêm tăm tối.
Satan thấy thương hại bèn quăng cho Jack một cục than nóng để làm ánh sáng dẫn đường. Sau đó, gã bỏ cục than vào một trái củ cải đã được cắt tỉa (món ăn ưa thích của gã) và sử dụng như đèn lồng. Kể từ đó, Jack được gọi là “Jack of Lantern” (Lantern: đèn lồng) hay “Jack O’ Lantern”.
Trang trí Halloween bằng bí ngô rất được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới
Người Ireland bản địa cho rằng chiếc đèn lồng Jack O’ Lantern sở hữu khả năng xua đuổi những vong linh tà ác trong lễ hội ma và họ đã mang theo phong tục này khi di dân sang Mỹ. Tại đây, nó trở nên phổ biến kể từ năm 1990 sau khi một tạp chí khuyến khích bạn đọc thắp sáng đèn Jack O’ Lantern cho lễ Halloween.
Tuy nhiên, thay vì củ cải, người Mỹ thích sử dụng bí ngô do nó to, dễ trồng và dễ cắt tỉa hơn.
Một bức tranh miêu tả lễ Halloween vào năm 1909
Jack O' Lantern đã trở thành biểu tượng chính thức của lễ Halloween
Mai Thảo