Tài chính cho mọi người - Lý giải vì sao bạn cần ghi chép chi tiêu mỗi ngày

MỸ HÒA15/05/2024 09:00
Tài chính cho mọi người - Lý giải vì sao bạn cần ghi chép chi tiêu mỗi ngày

Nếu bạn đang tìm cách kiểm soát và quản lý chi tiêu của mình thì cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân “Tài chính cho mọi người” sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và những bài học giá trị từ việc ghi chép chi tiêu mỗi ngày.

Ghi chép chi tiêu, nhật ký chi tiêu là gì?

Ghi chép chi tiêu, hay còn được gọi là nhật ký chi tiêu, là việc ghi lại tất cả các khoản thu chi hàng ngày của bạn. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để bạn có thể theo dõi các khoản chi tiêu và biết chính xác bạn đã tiêu tiền vào những gì. Vậy, việc ghi chép chi tiêu sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình tài chính của mình để từ đó đưa ra các quyết định thông minh về tiết kiệm và đầu tư.

Việc ghi chép chi tiêu, bạn có thể lựa chọn thực hiện hàng ngày hoặc hàng tuần tùy theo thời gian của bạn. Trong cuốn sách “Tài chính cho mọi người”, tác giả Paco de Leon - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cá nhân đã cho rằng việc ghi chép chi tiêu là điều tiên quyết mà bạn cần thực hiện nếu muốn cải thiện đời sống tài chính của bản thân.

Paco cho biết với thời gian tổng kết tài chính hàng tuần, bạn chỉ cần dành ra khoảng thời gian từ 30 phút đến 01 giờ mỗi tuần để tổng hợp, xem xét và chú ý về những khoản chi tiêu. Khi thực hiện điều này chính là bạn đang học cách xây dựng lòng tin về khả năng thay đổi của mình cũng như hình thành những thói quen mới.

Theo kinh nghiệm thực tế và trải nghiệm của chính tác giả thì khi dành thời gian cho đời sống tài chính, bạn đang cho nó một không gian để phát triển. Việc ghi chép nhật ký chi tiêu hàng ngày hay hàng tuần tưởng chừng đơn giản nhưng đó là một hành động nhất quán mang lại lợi ích kép theo thời gian. Bạn có thể thực hiện ngay lập tức phương pháp này nếu muốn cải thiện khía cạnh tài chính của mình trong cuộc sống.

“Tổng kết tài chính hằng tuần có thể nghe như một đề xuất đơn giản và ngớ ngẩn, nhưng thường thì những thứ hiệu quả nhất mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống đều có thể được chia nhỏ thành những công việc đơn giản và nhất quán trong một thế giới không chắc chắn và không thể kiểm soát.” (Tài chính cho mọi người - Paco de Leon)

Thói quen ghi chép chi tiêu hay tổng kết tài chính tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả

Tại sao phải ghi chép chi tiêu?

Ghi chép chi tiêu mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho việc quản lý tài chính cá nhân của bất kỳ ai, dù bạn đang là sinh viên, người đã đi làm hay một chuyên gia về tài chính…. Dưới đây là một số lý do mà bạn nên bắt đầu ghi chép nhật ký chi tiêu từ hôm nay:

Theo dõi chi tiêu

Việc ghi chép chi tiêu giúp bạn theo dõi và biết chính xác bạn đã tiêu tiền vào những gì. Từ các khoản chi tiêu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và theo dõi xu hướng chi tiêu của mình. Điều này giúp bạn nhận ra những khoản chi tiêu cực và có kế hoạch cắt giảm phù hợp .

Kiểm soát tài chính

Nhật ký chi tiêu giúp bạn kiểm soát tài chính cá nhân hiệu quả hơn bình thường. Bằng cách ghi lại các khoản thu chi, bạn có thể biết chính xác số tiền bạn đã tiêu và có thể đưa ra kế hoạch tài chính hợp lý. Bạn có thể xác định mức tiêu dùng hợp lý cho mỗi khoản thu nhập và đảm bảo rằng bạn không vượt quá ngân sách hàng tháng của mình.

Ngăn chặn sự lãng phí một cách kịp thời

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã có những hành động “chốt đơn” vào lúc 2h sáng. Tuy nhiên, khi bạn nhận được đơn hàng đó và khui hộp ra, có thể bạn sẽ thốt lên rằng “Tại sao lúc đó mình lại mua món đồ này vậy nhỉ?”. Điều này đã trở thành một “trào lưu mới” trên nền tảng TikTok trong thời gian gần đây. Vậy làm gì để cải thiện được tình trạng đó?

Câu trả lời đó chính là: Tổng kết tài chính - Ghi chép chi tiêu. Khi bạn ghi chép chi tiêu, bạn có thể dễ dàng nhận ra các khoản tiêu tiền không cần thiết hoặc lãng phí. Thông qua việc phân tích các mục chi tiêu, bạn có thể tìm cách cắt giảm hoặc loại bỏ những khoản tiêu dư thừa. Điều này giúp bạn tăng khả năng tiết kiệm và sử dụng tài chính một cách hợp lý hơn.

Tác giả Paco de Leon đã phân tích rằng: “Xét về mặt tâm lý, việc tổng kết chi tiêu hàng tuần cũng đồng nghĩa với việc bạn đang cam kết thực hiện điều gì đó mỗi tuần một lần, điều này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các cam kết hoàn thành những mục tiêu lớn lao hơn. Nếu bạn hoàn thành được việc tổng kết tài chính mỗi tuần thì kéo theo đó những việc khác sẽ dần được cải thiện”.

Một minh chứng dễ hiểu cho điều đó như sau: “Một lời khuyên phổ biến về tạo thói quen tập thể dục, đó là hãy cam kết thay quần áo chạy bộ và mang giày chạy bộ mỗi ngày thay vì cam kết chạy bốn ngày mỗi tuần.” Vì vậy, có thể thấy rằng, việc thay quần áo mỗi ngày là một cam kết dễ thực hiện hơn nhiều so với việc cam kết chạy bộ mỗi ngày. Hơn nữa, khi bạn đã bỏ thời gian để khoác lên mình một bộ trang phục chạy bộ như vậy thì bạn sẽ có cảm giác thôi thúc muốn ra ngoài chạy bộ, bất kể bạn có thích chạy hay không.

Khi bạn đã bỏ thời gian để khoác lên mình một bộ trang phục chạy bộ thì bạn sẽ có cảm giác thôi thúc muốn ra ngoài chạy bộ

Ghi chép nhật ký chi tiêu như thế nào?

Để thực hiện ghi chép chi tiêu, bạn có thể làm theo các bước sau:

Chuẩn bị một công cụ để ghi chép

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị một quyển sổ ghi chép/ứng dụng ghi chú trên điện thoại di động/máy tính hoặc sử dụng một số ứng dụng được tạo riêng để quản lý chi tiêu. Điều này giúp bạn dễ dàng ghi lại các khoản thu chi hàng ngày một cách nhanh gọn. Bạn có thể chọn sổ ghi chép vật lý nếu thích cảm giác viết tay hoặc sử dụng ứng dụng điện thoại di động để lưu trữ và sắp xếp thông tin thuận tiện hơn.

Ghi lại tất cả các khoản thu chi

Mỗi khi bạn có khoản thu hoặc chi, hãy ghi lại vào sổ ghi chú hoặc ứng dụng ghi chú của mình. Bạn nên ghi lại đầy đủ thông tin về số tiền, ngày tháng và mô tả chi tiết lý do phát sinh của khoản thu hoặc chi. Điều này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về các khoản thu chi của mình và dễ dàng tra cứu sau này.

Xem xét và phân loại các khoản thu chi

Việc xem xét và phân loại các khoản thu chi theo tính chất cũng giúp bạn dễ quản lý và kiểm soát tài chính hơn. Đơn giản nhất bạn có thể phân loại thành: Các khoản thu/chi định kỳ (hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm), Các khoản chi tiêu cơ bản (dùng cho các mục đích sinh hoạt hàng ngày) và Các khoản thu/chi phát sinh (những khoản phát sinh không nằm trong kế hoạch).

Một cách khác, bạn có thể sử dụng các mục phân loại như "tiền ăn uống", "tiền điện", "tiền đi lại" để tạo ra báo cáo chi tiêu chi tiết và biết được mình đã tiêu tiền vào những mục nào nhiều nhất. Điều này giúp bạn nhận ra những mục chi tiêu không cần thiết và tìm cách cắt giảm hoặc thay thế chúng bằng các khoản tiết kiệm hơn .

Ngoài ra, cũng còn một cách phân loại khác mà tác giả đã gợi ý cho người đọc trong Tài chính cho mọi người như sau: “Để lập được kế hoạch chi tiêu, bạn phải xem xét hoạt động chi tiêu của mình bằng cách phân loại các khoản chi tiêu thành Ba nhóm lớn: nhóm Hóa đơn & Cuộc sống cho những thứ thiết yếu, nhóm Giải trí & Hưởng thụ cho những thứ không thiết yếu, và cuối cùng là nhóm Tương lai & Mục tiêu cho tất cả các khoản bạn tiết kiệm để thực hiện những việc khác nhau – kể cả tiết kiệm để đầu tư.”

Việc phân loại chi tiêu thành ba nhóm chính như thế này sẽ giúp bạn biết được bạn cần bao nhiêu tiền cho những thứ thiết yếu (hóa đơn và cuộc sống), những thứ không thiết yếu nhưng có tác dụng tạo niềm vui cuộc sống (giải trí và hưởng thụ) và những thứ bạn sẽ cần trong tương lai (tương lai và mục tiêu). Paco khẳng định rằng việc phân loại này giúp bạn tạo một quy trình có thể lặp đi lặp lại để đảm bảo rằng các chi phí thiết yếu đã được tính đến, bạn đang tiết kiệm một phần trong số tiền bạn kiếm được và bạn có một số tiền để chi tiêu thoải mái.

Paco de Leon đã phân loại chi tiêu thành 03 nhóm chính như trên

Những bài học giá trị sau khi thực hiện ghi chép nhật ký chi tiêu

Sau khi thực hiện ghi chép chi tiêu trong một khoảng thời gian, bạn sẽ rút ra được rất nhiều bài học từ kinh nghiệm của chính bạn. Dưới đây là một số kết quả tích cực sau khi thực hiện ghi chép nhật ký chi tiêu:

Kịp thời nhận ra những khoản chi tiêu cực

Sau khi xem xét sổ ghi chú chi tiêu của mình, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những khoản tiêu cực đã làm lãng phí tài chính như thế nào. Bạn có thể thấy mình đã tiêu tiền vào những món đồ không cần thiết hoặc những hoạt động không mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống của mình. Bài học quan trọng ở đây là học cách đánh giá giá trị thực sự của mỗi khoản chi tiêu và chỉ tập trung vào những thứ thực sự quan trọng có thể mang lại hạnh phúc cho bạn.

Xây dựng nguyên tắc tiết kiệm

Ghi chép chi tiêu giúp bạn nhìn thấy rõ số tiền bạn đã tiêu và từ đó xây dựng được nguyên tắc tiết kiệm cho bản thân. Bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm hàng tháng và cố gắng tuân thủ nguyên tắc đó. Bằng cách xác định được những mục chi tiêu không cần thiết và cắt giảm chúng, bạn có thể để dành được nhiều tiền hơn để đầu tư hoặc tiết kiệm cho tương lai.

Hiểu rõ hơn về mình và tài chính cá nhân

Ghi chép chi tiêu giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và tình hình tài chính cá nhân của mình. Bạn có thể nhìn thấy các mẫu chi tiêu, xu hướng tiêu dùng và biết được mình nên điều chỉnh như thế nào. Điều này giúp bạn đưa ra các quyết định “lý trí” hơn về việc đầu tư, tiết kiệm và xây dựng mục tiêu tài chính cho tương lai.

Tóm lại, việc ghi chép chi tiêu hay tổng kết tài chính là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả được nhiều người áp dụng. Với kinh nghiệm thực tế trong việc quản lý và tư vấn tài chính của mình, tác giả Paco de Leon đã chia sẻ phương pháp này một cách chi tiết trong cuốn sách “Tài chính cho mọi người”. Bằng cách này, bạn có thể nhận ra những mục chi tiêu không cần thiết, xây dựng nguyên tắc tiết kiệm và hiểu rõ hơn về bản thân cũng nh tình hình tài chính cá nhân của mình. Hãy bắt đầu ghi chép chi tiêu tài chính ngay hôm nay để đạt được tự do tài chính như mình mong đợi.

Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về vấn đề quản lý và đầu tư tài chính cá nhân, bạn có thể tìm đọc các cuốn sách: Tài chính cho mọi người, Đầu tư thông minh, Đường đến tự do.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024