Sức bật tinh thần - Học hỏi từ thất bại, nhưng tại sao bạn cần nhanh chóng thất bại?

Trí Việt02/08/2021 08:30
Sức bật tinh thần - Học hỏi từ thất bại, nhưng tại sao bạn cần nhanh chóng thất bại?

Thất bại có thể đồng nghĩa với thất vọng, chậm trễ hay vỡ mộng - nhưng cũng có nghĩa là chúng ta đang khám phá sức mạnh của bản thân, biết mình nên tin vào ai hay cái gì. Nói cách khác, chúng ta phải biết cách học hỏi từ thất bại.

Thành công vì thất bại nhiều quá…

Siêu sao bóng rổ Michael Jordan kể: “Tôi đã ném trượt hơn chín ngàn lần trong sự nghiệp. Tôi đã thua gần ba trăm trận đấu. Có hai mươi sáu lần tôi được tin tưởng sẽ thành công với cú ném quyết định nhưng lại ném trượt. Tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác. Và đó là lý do tôi thành công.”

Để được phê duyệt một khoản tài trợ nghiên cứu hoặc xuất bản một bài báo, các học giả phải đối mặt với một quá trình đăng ký và xét duyệt khắt khe, với rất nhiều cảm xúc mỏi mệt và giận dữ. Giáo sư Dame Jane Francis cho biết: “Đến bây giờ thì mỗi khi bị từ chối tôi vẫn cảm thấy tức giận và nản lòng vì nỗ lực của mình trở thành công cốc.”

Chúng ta sẽ thấy đôi khi những người thông minh và tài giỏi cũng thất bại, và đôi lúc họ phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Dịch vụ truyền phát video theo yêu cầu từng là một khái niệm khá mới vào năm 2000, khi các giám đốc điều hành của Blockbuster từ chối cơ hội mua lại Netflix với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá trị hiện nay của nó.

Hay J. K. Rowling, một trong những tác giả nổi tiếng và thành công nhất thế giới, ban đầu cũng bị nhiều nhà xuất bản từ chối. Karl Lagerfeld từng cho rằng bán lẻ trực tuyến thời trang cao cấp là không hiệu quả và sẽ không ai chi nhiều tiền cho những bộ trang phục mà họ không được nhìn tận mắt trước khi mua. Và hiện tại chúng ta đều thấy tiềm năng và thành công đáng kinh ngạc của Netflix, Harry Potter và Net-a-Porter.

Dẫu vậy, chúng ta có thể học được gì từ những sai lầm này? Và làm thế nào để biến thua thành thắng? Thất bại có thể ngăn chúng ta áp dụng tư duy phản biện vào cơ hội kinh doanh tiềm năng kế tiếp, bằng cách khiến chúng ta tê liệt trong những sai lầm và nỗi thất vọng của mình. Làm thế nào để duy trì hy vọng sau một quyết định sai lầm hay một thất bại trong công việc?

Một người quản lý bất ngờ bị điều sang bộ phận khác. Thay vì nghi ngờ năng lực của mình ở vị trí hiện tại, người này xem xét các yếu tố khách quan: chẳng hạn như bộ phận hiện tại đang thừa nhân lực, nền kinh tế đang lao đao, anh được xem là người linh hoạt và có thể thích nghi với sự thay đổi. Rồi anh ta diễn giải tình hình theo hướng tích cực: chắc hẳn công ty cần người thật sự tài giỏi, và đó là lý do họ chuyển anh sang bộ phận kia.

Sự thay đổi này là một cơ hội, mở ra tiềm năng thay đổi và phát triển xa hơn nữa. Rõ ràng người quản lý này có khả năng bật dậy từ một sự phân công công việc mà bản thân anh không mong muốn, và anh tận dụng nó như cơ hội để phát triển, tạo dựng mối quan hệ và học hỏi.

Cũng trong tình huống này nhưng có người sẽ cho rằng mình bị bỏ rơi, bị cho ra rìa, bị xem thường. Tất cả những cảm giác này là nền tảng tiêu cực cho trải nghiệm thuyên chuyển công tác mà người này nhận được. Sự lạc quan giúp chúng ta có cơ hội tốt nhất để đón nhận sự thay đổi tích cực.

Niềm hy vọng lại đem đến một góc nhìn khác, đó là sự nhen nhóm quyết tâm và ý chí hướng tới thành công ngay cả khi gặp thử thách và trở ngại. Quá trình hy vọng giúp các cá nhân coi khó khăn hoặc rắc rối là cơ hội để học hỏi, hoặc là một thử thách mới. Sự hy vọng chú trọng vào khả năng tự định hướng.

Chính sức bật tinh thần giúp những cá nhân này nhận ra rằng sự thất bại, những biến cố lớn, dù tích cực hay tiêu cực, có thể hủy hoại cả những người vui vẻ và lạc quan nhất. Trong công việc, mọi người cần phục hồi từ những biến cố và tổn thương - họ cần bật dậy. Trong trường hợp này, thất bại có thể là bàn đạp cho sự phát triển.

quote-suc-bat-tinh-than-mtg-2.jpg

Thất bại nhanh đồng nghĩa với việc học hỏi nhanh chóng

Một số nhà tư tưởng, nhà văn, doanh nhân thành công nhất coi thất bại là cơ hội để tự do thử mọi thứ một lần nữa - để tiếp tục, điều chỉnh và tái phát triển. Thomas Edison từng tuyên bố: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách không hiệu quả”. Có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ. Có thể bạn sẽ thất vọng và bị tổn thất tài chính. Nhưng bạn cũng có sự tự do và cơ hội để bắt đầu lại theo một cách mới.

Dần dần, chúng ta bắt đầu ca ngợi những người dám mạo hiểm. Không phải những người khinh suất bỏ mặc con người và hoạt động kinh doanh, mà là những người tỉnh táo nhận ra đây là lúc dừng lại, xem xét những bài học kinh nghiệm có được, từ bỏ con đường cũ để tiến lên cùng vốn hiểu biết sâu sắc hơn, đồng thời nhận ra rằng sẽ còn những cơ hội khác cho họ theo đuổi.

Nếu chưa từng thất bại trong sự nghiệp, kinh doanh hay cuộc sống cá nhân, chúng ta có thể chỉ có được những trải nghiệm một chiều, thậm chí là những trải nghiệm nhạt nhẽo. Nếu không thử thì chúng ta sẽ không biết cái gì là hiệu quả, do đó chúng ta cần phát triển lối tư duy giúp chúng ta biết rằng mình có thể cố gắng hoàn thành mục tiêu, và nếu nỗ lực đó không thành công và chúng ta thất bại thì chúng ta có thể thử lại lần nữa... Thất bại nhanh chóng đồng nghĩa với học hỏi nhanh chóng.

Khi thất bại, chúng ta không nên chìm trong nỗi thất vọng mà hãy xem xét vấn đề nằm ở đâu, rút kinh nghiệm và nghĩ cách để vận dụng kinh nghiệm đó một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây chính là phương pháp khuyến khích chúng ta “trở lại yên ngựa” sau khi ngã và học được rằng lần sau chúng ta nên tránh chướng ngại vật đã khiến mình ngã ngựa.

Khi Bobbi Brown rời bỏ thương hiệu mỹ phẩm đình đám của mình, bà vừa cảm thấy phấn khích, vừa cảm thấy buồn bã và mất mát. Tại một bữa tiệc, bà tình cờ gặp một đầu bếp và nhận được lời động viên: “Này, cô sẽ làm được mà”. Sau này, bà sử dụng khẩu hiệu “Tôi làm được!” như một lời nhắc nhở và động lực tiến lên.

Theo Sức bật tinh thần


Gửi bình luận
(0) Bình luận