Sức bật tinh thần - Biến khó khăn thành cơ hội giữa đại dịch

Trí Việt12/08/2021 08:30
Sức bật tinh thần - Biến khó khăn thành cơ hội giữa đại dịch

Sức bật tinh thần - Học cách xóa bỏ những bài học cũ và đón nhận cách hoạt động mới là rất cần thiết để tạo ra đột phá trong công nghệ, phát kiến hay phát triển sáng tạo trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Từ việc thành lập Viện Thất Bại

Dame Inga Beale, nữ giám đốc điều hành đầu tiên của công ty bảo hiểm Lloyd’s of London, mô tả một ngày vất vả khi điều hành một công ty tái bảo hiểm Thụy Sĩ.

“Tôi được bổ nhiệm để xoay chuyển tình thế của công ty, nhưng sau đó công ty bị đối thủ tiếp quản. Tôi đã rất tuyệt vọng - như thể bị mất đi đứa con của mình vậy. Sau khi nghe hung tin, tôi bị kích động gần như cả đêm, nhưng sau đó tôi đã đứng dậy, trang điểm, đi đến văn phòng và nói: “Được rồi, chúng ta sẽ chiến đấu”. Tôi để mình hoàn toàn đắm chìm trong cú sốc, sau đó tôi vực dậy tinh thần và vượt qua, và tôi đã không rơi thêm một giọt nước mắt nào nữa.”

Bà cũng chỉ ra rằng, việc ứng phó và vực dậy tinh thần là rất quan trọng đối với những người xung quanh bạn, những người luôn quan sát kỹ hành động của bạn và lấy bạn làm gương. Bà đã làm được việc này vì đã cho bản thân thời gian để chấp nhận và phản ứng với việc đã xảy ra - chứ không phải phớt lờ, sợ hãi hay né tránh cơ hội thất bại bằng cách từ chối nhiệm vụ khó khăn.

Bất kỳ ai từng phải thông báo với nhân viên rằng dự án đã thất bại, hay phải báo cáo với cấp trên hoặc các bên có liên quan rằng họ chưa đạt được mục tiêu, chắc chắn là người đầu tiên bị tổn thương bởi nỗi thất vọng và các hệ quả của sự thất bại đó. Do đó, một mặt chúng ta không nên chế giễu những người thất bại, và mặt khác, chúng ta cũng không nên cho rằng thất bại nhanh là một chuyện lúc nào cũng tốt hay dễ dàng.

Một số tổ chức đã có những buổi trò chuyện về sự thất bại. Mọi người được khuyến khích chia sẻ về sai lầm và thất bại của mình, để rút ra bài học và không còn xem đó là một vết nhơ. Thậm chí chúng ta còn có cả một viện nghiên cứu mang tên Viện Thất Bại. Viện này ra đời vì tình trạng thiếu các nghiên cứu về thất bại trong kinh doanh, trái ngược với những tài liệu đa dạng nói về thành công.

Mục đích của Viện Thất Bại là khuyến khích nghiên cứu về chủ đề này cũng như lợi ích của việc nghiên cứu thất bại đối với việc ra quyết định, chính sách và các bước phát triển kinh doanh trong tương lai. Những điều mà trước nay không thể đề cập đều được nêu ra, và mọi người được tự do chia sẻ câu chuyện thất bại của mình. Tất cả những điều này hoàn toàn không có nghĩa là văn hóa khởi nghiệp hay sự chào đón thất bại trở nên dễ dàng; đó là một việc khó khăn nhưng cũng là một phần của thế giới công việc, và chúng ta phải học cách chấp nhận nó.

Biết cách xoay chuyển trở ngại

Khi đối mặt với thất bại hoặc nỗi thất vọng, chúng ta có thể suy nghĩ như những người khắc kỷ (Stoic). Hãy nghĩ xem điều gì khác tồi tệ hơn có thể xảy ra. Chủ nghĩa Stoic dạy chúng ta rằng thế giới rất khó lường, cuộc sống rất ngắn ngủi, chúng ta nên phấn đấu trở nên mạnh mẽ và kiểm soát bản thân. Nó khuyến khích chúng ta vượt qua cảm xúc tiêu cực và suy ngẫm về những công việc và hành động mà chúng ta nên làm thay vì tranh luận.

Một trong những phương pháp của Stoic là làm quen với bất hạnh. Triết gia Montaigne sống ở thế kỷ 16 đã đưa ra một số lời khuyên vẫn còn thông dụng đến ngày nay. Ông kêu gọi chúng ta hãy sống hết mình ngay lúc này, bởi khi chúng ta qua đời thì mọi lựa chọn đều mất đi. Vì vậy, chúng ta nên nghĩ đến mọi tình huống xấu nhất mà mình lo ngại, như một cách kiểm soát nỗi sợ hãi và lo lắng. Để khi không phải tất cả những điều trên đều xảy ra, chúng ta sẽ cảm thấy biết ơn vì hầu hết những khó khăn đều là tạm thời hoặc có thể xoay chuyển được.

quote-suc-bat-tinh-than-mtg-1.jpg

Chúng ta cũng có thể tự rèn luyện để tránh suy nghĩ về chuyện tốt và chuyện xấu. Những người khắc kỷ thường sử dụng một bài tập có tên “Xoay chuyển trở ngại”, trong đó họ định hình lại một vấn đề sao cho tình huống khó chịu, khó khăn hay “xấu”, trở thành một tình huống tốt. Ví dụ, bạn đang giúp đồng nghiệp giải quyết một nhiệm vụ mà họ đang vất vả thực hiện, nhưng họ đáp lại bạn bằng thái độ nóng nảy, vô ơn và thô lỗ. Họ tỏ ra bất hợp tác và không muốn bạn giúp đỡ. “Xoay chuyển trở ngại” sẽ đòi hỏi bạn nghĩ về những phẩm chất mới mà đồng nghiệp này đang giúp bạn rèn luyện, chẳng hạn như tính kiên nhẫn, thấu hiểu hoặc cảm thông.

Biến khó khăn thành cơ hội mới

Đây chính là tư duy đằng sau thuật ngữ “những cơ hội học hỏi” mà Barack Obama vẫn thường đề cập. Trong quá trình tranh cử để trở thành tổng thống, Obama từng gặp rất nhiều trở ngại, nhưng ông đã đối mặt với nó, đặt tâm điểm tranh cử vào việc giải quyết tình huống và biến tình huống tiêu cực thành cơ hội giải quyết các vấn đề khó khăn. Đây chính là việc mà các doanh nhân rất thành thạo: tận dụng cơ hội - không phải theo nghĩa thông thường, mà là biến hoàn cảnh khó khăn thành cơ hội để cung cấp sản phẩm và dịch vụ mới, đặc biệt trong cơn đại dịch này.

Chẳng hạn, sau trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản vào năm 2011, những người trẻ tuổi và những nhà cải cách đã tham gia tích cực vào quá trình khôi phục bằng cách nhanh chóng tái xây dựng và đổi mới. Hay như ở Greenburg, một thành phố ở Kansas, Hoa Kỳ - sau khi bị bão tàn phá gần như hoàn toàn, nơi này đã gạt đi những suy nghĩ truyền thống để tái xây dựng một thành phố dẫn đầu thế giới về mức độ thân thiện với môi trường. Người theo chủ nghĩa Stoic biến mọi trở ngại thành cơ hội. Với họ, không có gì là tốt hay xấu, quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận tình huống, và chúng ta hoàn toàn kiểm soát được cách nhìn nhận của mình.

Tuy nhiên, chúng ta là những sinh vật dễ bị tổn thương hơn so với vẻ bề ngoài, nhất là khi thất bại xảy đến vào lúc cuộc sống chúng ta đang có những khó khăn và nỗi buồn khác. Quan trọng là hãy thừa nhận rằng có điều gì đó đã mất, một điều mà bạn đã dành rất nhiều hy vọng và ước mơ vào nó nhưng lại không có được kết quả như kỳ vọng.

Cách tôt nhất là hãy làm theo lời khuyên mà bạn thường dùng để động viên bạn bè. Thất bại một vài lần cũng không sao, bạn không cần nghĩ ngợi quá nhiều và phán xét bản thân. Dĩ nhiên, thất bại không phải là chuyện vui vẻ và rất khó để chào đón chuyện đau buồn, nhưng sau khi nhìn lại và chiêm nghiệm về những trải nghiệm thất bại đó, bạn có thể thông suốt hơn và học được rất nhiều điều hữu ích. Hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất, bởi tất cả chúng ta đều gặp thất bại.

Và khi chuyện này xảy ra, ta vẫn có lựa chọn. Ta sẽ tuyệt vọng và quyết định không bao giờ đón nhận bất kỳ thử thách nào nữa, hay ta quyết định sẽ thôi ủ dột để tiếp tục hành trình và hiểu rằng không nên lãng phí sức lực vào những việc nằm ngoài tầm kiểm soát? Chúng ta đang sống trong một thế giới công việc phức tạp và đầy tính cạnh tranh, vì vậy nếu ta bao dung với chính mình, biết chấp nhận và rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thất bại của bản thân, ta sẽ sống mà không hối tiếc. Có thể xem thất bại là điều kiện tiên quyết để thành công… Vì vậy nếu bạn muốn thành công nhanh chóng, hãy nhân đôi tốc độ thất bại.

Theo Sức bật tinh thần


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025