Vâng, người ta vẫn có thể tự hào về sự bất biến, dẫu nó có là sự trì trệ hay lạc hậu, dẫu nó có bị gọi là “lỗi mốt” chăng nữa. Đơn giản, vì người Nhật, hay người Trung Quốc, dĩ nhiên cả người Việt Nam ở thế kỷ 17 chưa hề có bất cứ ý niệm nào về “mốt thời trang” (fashion mode).
Phải nói, mốt thời trang là sản phẩm của phương Tây, nó có thể bắt nguồn từ trang phục được thiết kế cho diễn viên sân khấu từ giữa thế kỷ 14, nhưng nó chỉ thực sự được gọi là “mốt thời trang” từ thế kỷ 19, còn trước đó, nó chỉ được gọi chung là “kiểu dáng” hay “phong cách” (style) như “phong cách Tây Ban Nha” ở thế kỷ 17.
Qua thời gian miên viễn, nước trên dòng sông cứ chảy, sóng trên dòng sông lớp này vỗ tràn lên lớp khác, nhưng đáy sông sâu vẫn lặng lẽ. Thời trang cũng vậy. Khả biến và bất biến. Bây giờ, ở thế kỷ 21, mỗi năm chỉ riêng trang phục cho phụ nữ đã bao lần đổi mốt, theo thời tiết, theo thời cuộc, theo thời…trang.
Dường như nhiều khi ta thấy sự thay đổi chỉ với mục đích duy nhất là làm thỏa mãn chính nó, chính sự thay đổi. Không thể dùng bất cứ những lý do nào ngoài thời trang để giải thích cho sự đổi mốt, cho những khả biến trong thời trang.
Công nghiệp thời trang, những trường phái thiết kế, những tài năng thiết kế thời trang đã nổi bật lên trong sinh hoạt của thế giới. Có cảm tưởng những nghệ sĩ ở lĩnh vực này đang lấn át sự nổi tiếng của những nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật khác.
Mặc dù, theo tôi nghĩ, những “mốt thời trang” vẫn mang tính trình diễn nhiều hơn là nó thực sự “đi vào cuộc sống” và trở thành thời trang của đời thường.
Hoặc nó đi một cách chậm rãi hơn, nhiều đắn đo hơn so với những cuộc trình diễn thời trang như nấm mọc sau mưa khắp trên thế giới ngày nay. Tính khả biến của thời trang nhiều khi khiến người ta chỉ chú mục vào nó mà bỏ qua tính bất biến cũng trong chính thời trang. Thực ra thì thời trang - giống như dòng sông - vẫn có “đáy sông” của nó. Dĩ nhiên, cũng không tránh khỏi có “sóng dưới đáy sông”, nhưng nhiều hơn cả vẫn là sóng trên mặt sông.
Là người làm thơ, tôi có cảm giác thời trang và sự thay đổi mốt của nó rất gần với thơ, gần với những tìm tòi thay đổi trong hình thức thơ. Nhiều người không chịu được những thay đổi trong hình thức thơ theo kiểu “thay đổi thời trang”, nhiều khi chỉ cốt làm thoả mãn nhà thơ hơn là thỏa mãn người đọc. Thì đúng là như thế!
Nhưng cũng như thời trang, thơ hiện đại không chỉ chấp nhận mà còn yêu cầu những sự tìm tòi hình thức, những “đổi mốt” liên tục, kể cả đưa ra những hình thức “thơ trình diễn”, “thơ sắp đặt”, “thơ vision” với tất cả sự màu mè và rối rắm như ở các cuộc trình diễn thời trang hiện đại.
Tất cả, trước tiên, là để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm hình thức, nhu cầu được thay đổi của chính người nghệ sĩ. Sau đó mới hy vọng làm thoả mãn một bộ phận công chúng nào đó. Và cuối cùng, điều này quan trọng hơn, là những lượn sóng dù là lăn tăn như thế sẽ góp phần tạo nên những ngọn sóng lớn, tạo nên những chuyển dịch tận lòng sông.
Ngay ở thế kỷ 21, không phải mọi phụ nữ trẻ đều ăn mặc theo thời trang, theo “mốt”. Cũng như ở thế kỷ 21, không phải mọi nhà thơ trên thế giới đều làm thơ sắp đặt, thơ trình diễn, thơ video-art.
Nhưng hãy nhìn trang phục bình thường của họ: dấu ấn của thời trang hiện đại in rất rõ trong từng trang phục họ hàng ngày. Và xin hãy đọc thơ hiện đại: có bao nhiêu là khác biệt so với thơ cổ điển, dù bản chất của thơ - như đáy lòng song - cứ tưởng như không hoặc rất ít thay đổi. Thì có sao! Những kiểu “đổi mốt”liên tục trong thời trang cũng như trong thơ cuối cùng để tạo nên những dấu vết của sóng hằn in xuống đáy sông. Và đáy sông chính là nơi chắt lọc, sàng lọc, lưu giữ, nơi lặng lẽ đổi thay, lặng lẽ biến dịch.
Cũng như thơ, thời trang chấp nhận “chết đi sống lại”, chấp nhận kết thúc để tái hiện dưới những hình hài khác, tâm thế khác. “Ngàn con sóng chết cuối đêm/sinh ngàn con sóng trước thềm rạng đông” (thơ tôi). Chúng ta đã biết hiện tượng những con sông “đổi dòng” qua rất nhiều năm tháng. Sự biến dịch dù tiệm tiến, đã xảy ra. Trong thơ cũng vậy mà trong thời trang cũng vậy.
Nếu vị Tướng quân (Shogun) người Nhật từng đến làm khách ở Tây Ban Nha thế kỷ 17 kia được đầu thai ở thế kỷ 21 này, khi thiết chế Shogun đã mất từ quá lâu rồi ở đất nước “mặt trời mọc”, hẳn ông ta sẽ ngạc nhiên: trang phục “hàng nghìn năm không thay đổi” của người Nhật đã thay đổi đến không thể nhận ra.
Nhưng vẫn còn đó bộ kimono truyền thống của phụ nữ Nhật được dệt bằng tơ sợi lấy từ thân cây chuối đúng như thời ông còn là một Shogun, dù giá cả có thể khiến ông phải "sững sờ": 50.000 USD/bộ.
Ông cũng có thể phấn khởi vì thơ Haiku - một thể thơ có tuổi thọ ngang với kimono - vẫn được tôn vinh ở quê hương ông, và không chỉ quê hương ông, mà trên toàn thế giới. Có điều, thơ Haiku hiện đại cũng phảng phất “mốt” hiện đại. Dù số phận con người, tâm trạng con người thì không bao giờ có “mốt” và cũng chưa bao giờ “lỗi mốt”.