Han Lay, đại diện Myanmar dự cuộc thi sắc đẹp Miss Grand International 2020 (Hoa hậu Hòa bình thế giới 2020), sẽ ở lại Thái Lan vì lý do an ninh sau khi giành được tràng pháo tay lớn vì đã sử dụng sự kiện này để lên tiếng về những hành động tàn bạo của quân đội ở quê nhà.
Không giành giải trong đêm chung kết Miss Grand International 2020 hôm 27.3 ở Bangkok, một Han Lay đầy nước mắt đã nhận được những tràng pháo tay khi hát Heal the World của Michael Jackson và cầu xin sự giúp đỡ, bỏ qua thông lệ của cuộc thi rằng các thí sinh vẫn phi chính trị.
“Những người dân nước tôi đã làm hết sức để tôi có thể đứng trên sân khấu đêm nay. Chính vì vậy mà họ muốn tôi thay mặt để nói về sự đau buồn và bất hạnh của những người đang phải gánh chịu tình thế hiện nay trên đất nước Myanmar yêu thương của tôi. Tôi vô cùng thương tiếc những người đã bỏ mạng trên đường phố.
Mỗi công dân thế giới đều mong muốn sự thịnh vượng và an bình cho quốc gia mình. Để được vậy thì giới lãnh đạo không nên sử dụng quyền lực và sự ích kỷ. Nếu có những thiếu nữ và trẻ em của một đất nước nào đó đang phải đánh đổi mạng sống mình thì người dân thế giới sẽ cố tìm kiếm giải pháp để giúp họ. Hôm nay trên đất nước Myanmar của tôi, trong khi tôi đang có mặt hôm nay thì có quá nhiều người đã ngã gục vĩnh viễn. Hơn 100 người đã chết hôm nay (27.3). Tôi rất đau buồn cho những người đã mất mạng. Người dân Myanmar xuống đường tuần hành cho dân chủ, và tôi cũng là người mang yêu cầu dân chủ đến sân khấu lúc này.
Cảm ơn ban tổ chức cuộc thi đã cho tôi cơ hội to lớn để nói lên những điều này đến cộng đồng quốc tế. Tôi chỉ muốn nói rằng, xin hãy giúp Myanmar. Chúng tôi cần sự giúp đỡ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế lúc này. Chúng ta hãy tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn với trách nhiệm cá nhân cho những thế hệ mới. Cầu xin an bình đến với Myanmar”, là nội dung bài phát biểu của nữ sinh viên kinh tế 22 tuổi đến từ Đại học Yangon khiến nhiều người xúc động.
Từng là cầu thủ bóng rổ ở trình độ đại học và thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Shan, Han Lay có lập trường trái ngược một số thí sinh đến từ các quốc gia khác, những người chủ trương rằng phụ nữ không nên nói về chính trị.
Năm nay 23 tuổi, Han Lay tốt nghiệp Đại học Yangon chuyên ngành Tâm lý học (Tư vấn lâm sàng), có thể nói tiếng Hàn và tiếng Anh. Cô đang học thêm tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha.
Mới đây, Han Lay nói với truyền thông Thái Lan rằng cô lo sợ cho sự an toàn của mình nếu trở về Myanmar sau khi quân đội ban hành lệnh bắt giữ các diễn viên nổi tiếng, nghệ sĩ giải trí và người mẫu ủng hộ những người biểu tình. Họ hiện phải đối mặt với án tù 3 năm.
Han Lay từng xuống đường, hòa mình với người dân Myanmar phản đối cuộc đảo chính.
Ông Nawat Itsaragrisil, Chủ tịch Miss Grand International, ủng hộ Han Lay.
“Cuộc đảo chính chỉ gây ra cảnh khốn cùng, đau khổ và khó khăn cho nhân dân. Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ của mình với cô ấy và sẽ giúp đỡ cô bằng mọi cách có thể”, Nawat Itsaragrisil viết trên mạng xã hội.
Sau cuộc thi, Han Lay sẽ ở lại Thái Lan trong 2 tháng tới theo gợi ý của ông Nawat Itsaragrisil.
Ông Nawat Itsaragrisil nói rằng nếu Han Lay quay về Myanmar thời gian này sẽ rất nguy hiểm bởi quân đội ngày càng mạnh tay đàn áp người biểu tình mà cô vừa lời kêu gọi hùng hồn trên sân khấu Miss Grand International 2020.
Ông trùm hoa hậu Thái Lan hứa rằng sẽ lo mọi thứ cho Han Lay, từ ăn ở đến tìm việc cho cô. Không những vậy, Han Lay còn được người Thái kêu gọi quyên góp ủng hộ nhưng cô từ chối và nói sẽ tự kiếm tiền bằng việc làm người mẫu quảng cáo.
Thaiger, cổng thông tin trực tuyến, cho biết ban tổ chức Miss Grand International 2020 sẽ xin giấy phép lao động cho Han Lay để cô có thể tiếp tục lên tiếng từ Thái Lan.
Sau đó, Han Lay có thể xin tị nạn ở Thái Lan với cuộc thi hỗ trợ chi phí cho cô.
Han Lay không đơn độc. Một số nhà ngoại giao Myanmar ở nước ngoài cho biết sẽ trung thành với Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh (CRPH), Quốc hội song song được công chúng Myanmar công nhận và thành lập bởi các nghị sĩ dân cử bị lật đổ trong cuộc đảo chính. Trong số đó có Kyaw Moe Tun, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc, người đã giơ ba ngón tay thể hiện sự ủng hộ với phong trào phản đối đảo chính.
Trong một bài phát biểu bất thường trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 26.2, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi các quốc gia thành viên khác "sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào" để hành động chống lại chế độ quân sự và bảo vệ người dân Myanmar, nói rằng "cuộc đảo chính phải thất bại".
Lãnh đạo quân đội sau đó tuyên bố sa thải Đại sứ ở Liên Hợp Quốc nhưng ông Kyaw Moe Tun không quan tâm và đến giờ vẫn đảm nhiệm chức vụ này.
"Tôi được chỉ định bởi chính phủ được bầu cử, vì vậy cách duy nhất có thể loại bỏ tôi là bởi chính phủ được bầu cử", ông Kyaw Moe Tun nói với trang Nikkei.
Mới đây, Kyaw Moe Tun thúc giục cộng đồng quốc tế, bao gồm cả một trong những nhà đầu tư lớn nhất Myanmar là Nhật Bản, nên ngay lập tức cắt đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á cho đến khi chính phủ dân cử được khôi phục. Xem chi tiết tại đây.
Hoàn cảnh của Han Lay, Kyaw Moe Tun nói riêng và người dân Myanmar nói chung đặt ra câu hỏi cho các chính phủ phương Tây, trong đó Mỹ và Anh đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt quân đội để phản đối cuộc đảo chính hôm 1.2 và giết hại hơn 540 thường dân trong các cuộc biểu tình đẫm máu.
Hoàn cảnh của Han Lay sẽ được theo dõi chặt chẽ sau khi biến sân khấu sắc đẹp - thường chỉ dành cho đồ bơi, khuôn mặt xinh xắn và tính cách bình thường - thành diễn đàn chính trị cho thảm kịch nhân đạo tiếp theo của Đông Nam Á.
Tình hình Myanmar đang bất ổn hơn với các cuộc nội chiến.
Nhiều nhóm nổi dậy, bao gồm cả Quân đội Arakan, đang bỏ qua các giao tranh trong quá khứ và tập hợp lại khi quân đội tiếp tục cuộc đàn áp tùy tiện và tiến hành các cuộc không kích, ném bom khiến hàng ngàn người dân tộc Karen chạy trốn qua biên giới Thái Lan.
Quyền tị nạn chính trị cần được cung cấp cho những người có nhu cầu và các dòng người tị nạn tiềm năng cũng cần được các quốc gia phương Tây giải quyết.