Sao ta làm điều ta làm - Đồng tiền ‘bắt’ con người làm việc nhiều hơn một tháng mỗi năm

Quin03/04/2023 08:00
Sao ta làm điều ta làm - Đồng tiền ‘bắt’ con người làm việc nhiều hơn một tháng mỗi năm

Theo số liệu của Viện Chính sách Kinh tế (Mỹ) được dẫn ra trong cuốn “Sao ta làm điều ta làm”, vào khoảng năm 1995, thời gian làm việc trung bình mỗi năm đã nhiều hơn 158 giờ đồng hồ, tức hơn một tháng so với công việc toàn thời gian ở năm 1969. 

Thử tưởng tượng một vị vua nói với thần dân của mình rằng họ phải bắt đầu làm thêm 158 giờ mỗi năm. Chắc chắn sẽ có một cuộc đảo chính ngay tại cung điện, trừ khi quân đội của ông ta cực kỳ mạnh. Nhưng: Việc tăng giờ làm đó đã xảy ra trên thế giới mà KHÔNG HỀ có bất kỳ cuộc đảo chính nào cả! Thứ quyền lực khiến cho điều này xảy ra không phải là sự ép buộc - cũng chẳng phải là quân đội của nhà vua - mà chính là ông hoàng tiền bạc, cùng với những quá trình xã hội hoá đã giúp tiền bạc lên ngôi. 

Tiền quả thật là một kẻ quyến rũ. Việc kéo dài thời gian làm việc mỗi năm đã kéo theo vô vàn căng thẳng và những cái giá phải trả cho mỗi cá nhân. Các cuộc thí nghiệm của tiến sĩ Edward L. Deci, tác giả cuốn “Sao ta làm điều ta làm” đã cung cấp một phương tiện khoa học để trình bày tường tận, cụ thể những cái giá này. 

Cái giá đầu tiên và quan trọng nhất: Là con người mất đi niềm hứng thú trong nhiều hoạt động. Họ bắt đầu xem các hoạt động đơn thuần là công cụ để đạt được phần thưởng bằng tiền tài. Vậy nên họ mất đi sự hào hứng và sức sống mà họ từng dành cho những hoạt động đó.

Điều này có nghĩa rằng con người đang mất kết nối với bản ngã bên trong - khi họ dần bị những phần thưởng bằng tiền điều khiển. 

Khi người ta nói rằng đồng tiền tạo ra động lực, điều họ thật sự muốn nói là đồng tiền ĐIỀU KHIỂN con người. Khi điều đó xảy ra, con người trở nên tha hóa - họ từ bỏ phần nào con người chân thật của mình - và họ tự thúc ép bản thân làm những gì họ nghĩ là phải làm. 

Khi đó, con người dần mất kết nối với động lực nội tại của họ, với sức sống và sự hào hứng mà mọi đứa trẻ đều sở hữu, với việc thực hiện một hoạt động vì chính bản thân hoạt động đó, để tạo nên một trạng thái siêu việt, “cao hơn khoảnh khắc tồn tại thông thường” - thứ mà chúng ta vẫn biết đến với tên gọi “trạng thái dòng chảy” (flow). 

🍀 “Sao ta làm điều ta làm”: “Ta phải là tác giả những hành động của bản thân”, là thuyền trưởng của chính mình trên con tàu của chính mình (thay vì chỉ là thuỷ thủ đoàn). Sách bàn về cách ta có thể giúp chính mình lẫn người khác sống và hành xử tự chủ, tự do, được-là-chính-mình trong một thế giới ưa chuộng sự kiểm soát.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 27/03/2024