Sao ta làm điều ta làm - “Anh không còn bị cuốn vào công việc nữa”... 

Quin04/07/2023 08:00
Sao ta làm điều ta làm - “Anh không còn bị cuốn vào công việc nữa”... 

Tôi nhớ về một nhân viên kinh doanh cực kỳ thành công mà tôi sẽ gọi là Kevin Jacobs quãng giữa độ bốn mươi, ăn vận đẹp và khéo ăn khéo nói, là người chồng hạnh phúc viên mãn và là cha của ba đứa con tuổi thiếu niên. 

Cả gia đình anh có một cuộc sống đô thị hấp dẫn, các con được học trường tư và có mọi biểu hiện cho thấy họ đã chạm đến được phiên bản vừa phải của Giấc mơ Mỹ. 

Kevin tham gia trị liệu vì anh ngủ không ngon suốt vài tháng qua và cảm thấy những cơn co thắt khó chịu ở lồng ngực. Hàng loạt buổi khám cùng rất nhiều xét nghiệm lâm sàng cho thấy anh không có vấn đề gì về sức khỏe, thế nhưng tình trạng khó chịu vẫn không dứt.

Quá trình trị liệu cho Kevin bắt đầu một cách chậm rãi khi anh chia sẻ mọi thứ đang diễn ra với anh tốt đẹp như thế nào. Nhưng rồi đến một thời điểm, khi đang nói về con trai mình - đứa con giữa - anh bỗng tái nhợt. Mắt anh rơm rớm và anh không nói nên lời. Như thể nỗi phiền muộn sâu sắc bất chợt ập đến anh trong thoáng chốc. 

Anh lo lắng cực độ, nhưng rồi dần dần cũng có thể nói về dòng suy nghĩ vốn đã bắt đầu từ biến cố định mệnh đó. Khi đã bắt đầu cởi mở, nỗi lo âu liền tan biến và anh có thể bắt đầu lên kế hoạch cho những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống.

Ký ức đã kích hoạt toàn bộ chuyện này chính là về con trai anh. Năm sáu tuổi, cậu bé vào lớp một trường tư và tham gia một vở kịch ở trường. Cậu đã rất hào hứng và cả gia đình đều trông đợi sự kiện đó. Nhưng đúng buổi tối thứ Sáu, khi con trai anh đang đứng trên sân khấu, thì anh vẫn còn đang đổi chuyến bay ở sân bay O’Hare, trên đường trở về nhà sau một hội nghị kinh doanh. Ký ức đó là về nỗi thất vọng của con trai khi anh bảo cậu bé rằng có lẽ anh sẽ phải bỏ lỡ buổi kịch.

Ngày nay, những biến cố như vậy rất phổ biến, khi công việc có quá nhiều thứ buộc chúng ta phải rời khỏi thành phố và trói chân chúng ta đến tận tối mịt. Vốn chỉ là một biến cố mà thôi, rõ ràng nó không đến mức quá quan trọng như thế đối với Kevin và con trai anh. Nhưng nó lại không phải chỉ là một biến cố. Nó là biểu tượng cho việc Kevin đã dành ưu tiên hàng đầu cho sự nghiệp suốt 20 năm. 

Trong suốt 20 năm trời, anh dành nhiều tuần làm việc 60 đến 70 giờ đồng hồ để luôn là một trụ cột vững vàng, để cho gia đình anh một Giấc mơ Mỹ. Thế rồi đột nhiên, hóa ra anh (cũng như nhiều người cha khác trong những khoảnh khắc buồn bã vô cùng như vậy) không thật sự là một phần của gia đình trong suốt quá trình đó. Con của anh đều đến tuổi thiếu niên và anh ta đã không nhìn thấy chúng trưởng thành.

Trong những tháng ngày tiếp theo, Kevin đã thực hiện vài thay đổi. Anh sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của mình. Anh rút ngắn thời gian làm việc và để tâm vào việc vun đắp cho mối quan hệ với vợ và các con. Điều đó không hoàn toàn suôn sẻ nhưng đại để nó cũng là một kết cục có hậu. Anh không phải trải qua những chuyện như ly hôn hay vài sự kiện đau buồn khác - như rất nhiều người đã gặp phải - trước khi kịp nhận ra điều gì mới thật sự quan trọng với mình.

Giờ đây, các mối quan hệ của anh đang trở nên sâu sắc hơn, anh trải nghiệm sự thỏa mãn toàn diện hơn với nhu cầu được kết nối. Thêm nữa, anh cảm thấy tự chủ hơn, cảm thấy bản thân đang thật sự được tự lựa chọn nhiều hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Anh không còn bị cuốn vào công việc nữa…

“Sao ta làm điều ta làm”: “Ta phải là tác giả những hành động của bản thân”, là thuyền trưởng của chính mình trên con tàu của chính mình (thay vì chỉ là thuỷ thủ đoàn). Sách bàn về cách ta có thể giúp chính mình lẫn người khác sống và hành xử tự chủ, tự do, được-là-chính-mình trong một thế giới ưa chuộng sự kiểm soát.


Gửi bình luận
(0) Bình luận