Trái ngược hẳn với sự nghiệp lẫy lừng, cuộc sống tình cảm của Quỳnh Dao lại là nỗi bất hạnh lớn. Bà trải qua ba mối tình lớn và hai cuộc hôn nhân. Hiện tại, bà sống cô độc một mình.
Quỳnh Dao, sinh năm 1938, có một niềm đam mê mạnh mẽ với sách và văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Bạn bè thường gọi bà là "Lâm Đại Ngọc", nhân vật chính trong tác phẩm kinh điển Hồng Lâu Mộng vì vẻ ngoài u sầu và tâm hồn mộng mơ.
Bà là "mẹ đẻ" của loạt tác phẩm nổi tiếng và được chuyển thể thành phim như Hoàn châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Một thoáng mộng mơ... Bà cũng là người phát hiện và nâng đỡ một loạt tài năng của điện ảnh như Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng, Tô Hữu Bằng, Tưởng Cần Cần…
Mối tình đầu ngang trái với thầy giáo hơn 25 tuổi
Tiểu thuyết của Quỳnh Dao tạo được tiếng vang lớn nhưng cũng gây không ít tranh cãi. Trong tác phẩm của bà, cảm tình là cảm tính, có thể vượt qua mọi giới hạn, định kiến để theo đuổi cái gọi là tình yêu. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm của bà thường có sự xuất hiện của "người thứ ba" và nhân vật luôn nhận được sự đồng cảm và bảo bọc của tác giả.
Khi còn bé, Quỳnh Dao là một cô bé nhạy cảm. Khi nhận thấy bố mẹ yêu thương em hơn, bà bắt đầu nghĩ bố mẹ thiên vị. Cả cuộc đời, bà luôn khát vọng được yêu thương, được quan tâm. Và chính sự thiếu thốn tình cảm khiến Quỳnh Dao nảy sinh tình cảm với thầy giáo dạy văn góa vợ bất chấp khoảng cách 25 tuổi giữa hai người. Đây cũng là mối tình đầu của bà.
Hai người bất chấp khoảng cách tuổi tác và định kiến xã hội để đến với nhau. Vì mải mê yêu đương, bà thi trượt đại học, chuyện hẹn hò bị bại lộ và người thầy phải chuyển công tác. Mối tình đầu của bà khép lại như vậy và sau này được bà đưa vào cuốn tiểu thuyết mang tên Song Ngoại của mình.
Cuộc hôn nhân đầu xuất phát từ niềm đam mê văn chương
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà bắt đầu bỏ học và dần chuyên tâm trong việc sáng tác văn học. Năm 20 tuổi, Quỳnh Dao gặp được người đàn ông thứ hai trong cuộc đời. Đó chính là Mã Sâm Khánh, một sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học và xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng có đam mê chung là văn chương.
Năm 1995, hai người kết hôn và có một đứa con chung dù bố mẹ Quỳnh Dao không ủng hộ mối tình này. Năm thứ 4 sau khi kết hôn, dưới sự ủng hộ của chồng, Quỳnh Dao đã cho ra đời tác phẩm mang tên Song Ngoại. Song, cuộc hôn nhân đầu tiên của Quỳnh Dao sụp đổ khi Song Ngoại ra mắt và thành công rực rỡ.
Mã Sâm Khánh cảm thấy xấu hổ khi câu chuyện tình của vợ và người thầy hơn 25 tuổi được mang ra bàn tán. Ông đã chỉ trích bạn đời ngay trên báo và đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân 5 năm của hai người.
Cha mẹ của Quỳnh Dao cũng không ủng hộ bà vì cho rằng, mối tình này là sai trái và không đáng để tạo thành tiểu thuyết. Năm 1964, Quỳnh Dao ly hôn, mẹ bà cũng tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ, khiến bà rơi vào trạng thái tồi tệ.
Cuộc hôn nhân thứ hai sau hơn chục năm làm "tiểu tam"
Cũng trong năm ly hôn Mã Sâm Khánh, Quỳnh Dao gặp tai nạn. Nhưng vụ tai nạn này cũng giúp bà gặp được người bạn đời sau này - Bình Hâm Đào. Khi đó, Hâm Đào đang làm việc tại một nhà xuất bản cao cấp và là người giúp Quỳnh Dao xuất bản cuốn Song Ngoại.
Mối quan hệ sai trái này khiến Quỳnh Dao nhận nhiều điều tiếng vì tổng biên tập Bình Hâm Đào lúc đó đã có gia đình và ba đứa con. Sau khi Quỳnh Dao ly hôn, mối quan hệ giữa hai người phát triển thêm một mức mới.
Sau hai năm lén lút qua lại với Bình Hâm Đào, Quỳnh Dao đề nghị chia tay với ông và chia sẻ việc bà sắp lên xe hoa với người khác. Vì ghen tuông, Bình Hâm Đào đã đề xuất ly hôn với vợ để danh chính ngôn thuận đến với nữ văn sĩ.
Vợ của Bình Hâm Đào - Lâm Uyển Trân đã ngậm đắng nuốt cay nhẫn nhịn để bảo vệ mái ấm cho các con. Hơn chục năm, bà Uyển Trân chấp nhận cho chồng có quan hệ ngoài luồng trước khi ký vào đơn ly hôn.
Nhiều khán giả cho rằng, các tác phẩm của Quỳnh Dao luôn có sự xuất hiện của người thứ ba và điều này cũng là tâm tư mà nữ văn sĩ muốn gửi gắm. Ví dụ, cuốn tiểu thuyết Tân một thoáng mộng mơ đề cập tới mối quan hệ anh rể và em vợ, trong khi Uyển Quân nói về chuyện tình giữa em chồng và chị dâu…
Năm 1979, sau 16 năm làm vợ "bé", Quỳnh Dao đã chính thức được ở bên người mình yêu. Khi đó, bà 41 tuổi. Cuộc hôn nhân thứ hai của Quỳnh Dao khá hạnh phúc vì bà và Bình Hâm Đào vốn là những tâm hồn văn chương đồng điệu.
Năm Bình Hâm Đào 90 tuổi, ông bị mắc chứng đãng trí, quên hẳn người vợ đầu ấp tay gối với mình hơn 30 năm. Bà bị con riêng của chồng cấm gặp gỡ, chăm sóc ông và buộc phải quay về cuộc sống một mình. Dù Quỳnh Dao trở thành vợ của Bình Hâm Đào nhưng các con của ông không chấp nhận, luôn xem nữ văn sĩ là người phá hoại hạnh phúc của bố mẹ họ.
Thời điểm Bình Hâm Đào bị bệnh nặng do tuổi già, Quỳnh Dao có ý định phát hành một cuốn sách về chuyện tình của hai vợ chồng nhưng lại bị con riêng của chồng phản đối kịch liệt. Con trai của Bình Hâm Đào thẳng thừng tuyên bố: "Nếu một mối tình đánh đổi bằng việc làm tổn thương người khác, bằng sự hy sinh của người phụ nữ khác, thì dù thế nào, tình yêu đó không cao đẹp, không đáng đem ra khoe khoang, ngợi ca".
Năm 2019, ông Bình Hâm Đào qua đời vì tai biến mạch máu não. Sau khi ông mất, cái tiếng "hồ ly cướp chồng" vẫn đeo bám dai dẳng Quỳnh Dao. Trong suy nghĩ của bà Lâm Uyển Trân - vợ cũ của Bình Hâm Đào, nữ văn sĩ luôn là kẻ thứ ba đáng bị lên án.
Mong muốn những năm tháng cuối đời giản dị, an yên
Năm bước vào tuổi 80, Quỳnh Dao từng công khai một bức di thư dặn dò người thân. Trong đó, bà dặn rõ, dù có bệnh tật nghiêm trọng cũng không được làm phẫu thuật, không đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, không sử dụng ống thở hỗ trợ, không miễn cưỡng áp dụng các biện pháp cấp cứu, chỉ cần để bà ra đi một cách không đau đớn là được.
Bên cạnh đó, Quỳnh Dao cũng nói rõ bà mong muốn tang lễ của mình diễn ra đơn giản, không tổ chức theo nghi thức, không đăng cáo phó, không tổ chức lễ truy điệu, tưởng nhớ, không đốt vàng mã, không lập linh vị, không cần cúng bái vào ngày giỗ, tiết Thanh Minh…
Năm 2020, bà tuyên bố chia tay mạng xã hội sau ba năm sử dụng vì nhận ra, những năng lượng tiêu cực trên mạng xã hội khiến Facebook trở thành "gánh nặng cuộc sống", làm bà trở nên mệt mỏi.
Ở tuổi 84, nữ văn sĩ nổi tiếng sống cô độc, mong muốn dành những ngày tháng cuối đời thật bình dị, yên ả và dồn tâm huyết cho việc sáng tác.