Trong bài viết lần trước, chúng tôi có nhắc đến chính sách quân đội đặc biệt của Israel đã khiến người dân nước này được đặt trong những mối quan hệ thân thiết đến nỗi gần như, ai cũng biết nhau.
Ngày nay, Israel được xếp hạng một trong 10 quốc gia có sức mạnh quốc phòng lớn nhất thế giới nhưng ngân sách dành cho lĩnh vực này lại ở mức thấp nhất trong nhóm 10 quốc gia (chỉ 15 tỉ USD/năm). Hơn nữa, Israel đã thành công trong việc công nghiệp hóa, biến quốc phòng trở thành ngành đóng góp GDP cao khi sở hữu tới 3 công ty thuộc Top 100 công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Vì luôn sống trong tình trạng chiến sự, mối đe dọa đến từ khắp xung quanh biên giới nên Israel đã xây dựng thành công hệ thống đánh chặn tên lửa Mái Vòm (Iron Dome) ngăn chặn được tới 90% tên lửa của Hamas bắn sang và phá hủy gần 7.000 tên lửa của Hamas. Ngoài ra, Israel còn có Cơ quan Tình báo Mossad - mạng lưới hoạt động rộng rãi, bao quát và chính xác nhất thế giới hiện nay.
Vậy những thành tựu của Israel và cụ thể là trong lĩnh vực quốc phòng được bắt nguồn từ đâu? Ngoài tính chia sẻ, kết nối, nền quốc phòng với những chính sách đặc biệt đã giúp tạo cho người dân Israel những phẩm cách đặc biệt nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích 2 phẩm chất độc đáo khác được hình thành trong chế độ quân ngũ đặc biệt của Israel.
Nói về người Israel, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực sáng tạo và công nghệ hãng British Telecom - Gary Shainberg nói: "Có điều gì đó trong gen sáng tạo của người Israel mà ta không thể giải thích được". Tuy nhiên, chính ông cũng bắt đầu đưa ra một giả thuyết để lý giải tính sáng tạo ấy bằng sự trưởng thành bởi không ở đâu, người dân vừa làm việc trong môi trường công nghệ đầy biến động lại vừa tham gia nghĩa vụ quân sự như tại Israel.
Theo quy định, cứ đến 18 tuổi, người Israel vào quân đội tối thiểu từ 2 đến 3 năm. Nếu sau đó không tiếp tục tại ngũ, họ thường vào ĐH. Tỷ lệ người Israel vào ĐH sau khi giải ngũ rất lớn. 45% người Israel tốt nghiệp ĐH. Vào những năm 2000, con số này ở mức cao nhất thế giới. Đáng chú ý, việc học của người dân rất thực chất và Israel được đánh giá là quốc gia có môi trường giáo dục hiệu quả, đáp ứng hầu hết nhu cầu thị trường lao động. Khi sinh viên học xong ĐH, họ đã ở vào độ tuổi khoảng 25, một số đã có luôn bằng Ths và đa số đã kết hôn.
Có thể nói, độ tuổi kết hôn của người Israel khá sớm so với nhiều quốc gia phát triển. Tất cả điều này làm thay đổi năng lực và tinh thần của mỗi cá nhân. Họ trưởng thành hơn rất nhiều, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn và có nhiều cơ hội hơn để sáng tạo.
Tại sao lại nói như vậy? Bởi sự sáng tạo thường dựa vào việc có quan điểm mới mẻ. Quan điểm lại đến từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm thực tế lại thường đến với tuổi trưởng thành. Ở Israel, với việc tham gia quân ngũ, được rèn luyện trong chiến tranh và kết hôn sớm đã giúp người dân có được quan điểm, kinh nghiệm, sự trưởng thành ngay ở độ tuổi còn rất trẻ.
Khái quát về năng lực của dân tộc Do Thái - Nguồn: Trung Nguyên Legend.
Ngoài ra, cả xã hội Israel với đặc tính chia sẻ đã truyền cho họ rất nhiều kinh nghiệm, tri thức và vốn sống ngay từ khi họ vừa tốt nghiệp Trung học. Lên ĐH, đầu óc người trẻ Israel đã ở vị trí rất khác so với người Mỹ cùng tuổi.
Mỗi một người Do Thái đều trải qua 03 quá trình đào tạo:
GIA ĐÌNH: Chú trọng giáo dục sớm; Yêu thương con với tầm nhìn xa, trông rộng; Dạy làm việc nhà & quản lý tiền bạc khi còn nhỏ
TRƯỜNG HỌC: Trường học không cần sách giáo khoa. Học theo dự án; Trường phổ thông dạy HS theo kiểu Đại Học; Đề cao dân chủ phản biện
QUÂN ĐỘI: Vào quân đội trước khi học Đại học; Đề cao ứng biến hơn kỷ luật; Chất vấn cũng quan trọng như đánh trận - Nguồn: Trung Nguyên Legend.
Gary Shainberg chia sẻ: "Người Israel có quan điểm hoàn toàn khác về cuộc sống. Tôi nghĩ đó là nhờ giáo dục, kết hôn khi còn trẻ và trải nghiệm trong quân đội. Tôi từng phục vụ 18 năm trong Hải quân Anh nên tôi khá đồng cảm với những điều như vậy".
Trong quân đội, người Israel bị đặt vào môi trường buộc phải tự suy nghĩ, đưa ra những quyết định mang tính sống còn, phải học cách tuân thủ kỷ cương, rèn luyện trí não và thể chất để hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt khi họ đang ở tiền tuyến than gia hoạt động quân sự.
Sự trưởng thành này càng trở nên mạnh mẽ hơn kết hợp với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp dẫn ra hàng loạt những ví dụ về người Israel với tinh thần trách nhiệm, sự trưởng thành cực cao nhờ rèn luyện trong quân đội. Tiểu biểu có thể kể đến trường hợp của Brian Tice, sĩ quan bộ binh, từng là Đại úy trong lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Khi anh quyết định chuyển sang làm kinh doanh, Tice 30 tuổi. Ở độ tuổi khá trẻ này, anh đã hoàn tất 5 đợt triển khai quân - bao gồm các nhiệm vụ tại Haiti và Afghanistan - và đang thực hiện nhiệm vụ thứ 6 tại Iraq.
Người Israel kết hôn khá sớm.
Là sĩ quan chỉ huy hành quân trong một đơn vị có 120 lính thủy đánh bộ, Tice phải xây dựng một chương trình cho mỗi cuộc hành quân chống lại phiến quân và AL Qaeda. Các nhiệm vụ anh cần làm khá nhiều, bao gồm: Xác định hỏa lực cần thiết, tính toán xem cần bao nhiêu lính thủy đánh bộ và bao nhiêu yểm trợ từ không quân khi cần thiết.
Trong thời gian đó, Tice vẫn tranh thủ viết đơn xin nhập học chương trình MBA cho ĐH Stanford trên chiếc máy tính xách tay trong tòa nhà đang cháy dở tại Iraq. Ngay cả buổi phỏng vấn tuyển sinh của Tice cũng diễn ra rất đặc biệt khi nó được thực hiện qua điện thoại giữa các cuộc bắn tỉa và bắn vây ráp, trong khi anh đang đứng giữa sa mạc.
Tice kể lại, anh đã phải xin bộ phận tuyển sinh trường Stanford thứ lỗi vì tiếng ồn của máy bay trực thăng trên đầu và yêu cầu cắt ngắn buổi phỏng vấn vì tiếng súng cối rơi ngay bên cạnh.
Ở Israel có rất nhiều thanh niên nỗ lực hơn bình thường để đạt được mục tiêu. Những con người vừa học, vừa làm, vừa tham gia chiến đấu trong quân đội như Tice không phải là hạn hữu. Trong cùng một khoảng thời gian, họ được trải nghiệm nhiều vai trò, vị trí khác nhau. Đáng chú ý nhất là việc đưa ra những quyết định gắn với sinh tử của chính mình và đồng đội. Điều đó dường như thúc giục người trẻ Israel phải trưởng thành nhanh hơn với tinh thần mạnh mẽ và sáng tạo hơn.
Tại quân đội Israel, chỉ huy cấp Đại đội (quản lý 100 lính và 20 sĩ quan, hạ sĩ quan, 3 chiếc xe, 120 khẩu súng, súng máy, thuốc nổ, lựu đạn...) thường là những người trẻ, chỉ mới 23 tuổi. Đó là một trách nhiệm rất to lớn. Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, một thanh niên 23 tuổi lại phải gánh trên vai áp lực, trách nhiệm nặng nề như người Israel.
18 tuổi, cả nam hay nữ người Israel đều phải tham gia quân ngũ.
Gilad Farhi, một Thiếu tá 31 tuổi kể lại câu chuyện của cấp dưới mình - một Đại đội trưởng mới 23 tuổi. Trong chiến dịch quân sự ở thành phố Nablucs thuộc Bờ Tây, một binh sĩ trong Đại đội của anh bị thương và mắc kẹt bên trong ngôi nhà của một tên khủng bố. Lúc này, người chỉ huy tại hiện trường chỉ có 3 thứ: Một chú chó nghiệp vụ, các binh sĩ còn lại trong Đại đội và một chiếc xe ủi đất.
Người israel gọi tính trách nhiệm là tư duy rosh gadol - nghĩa đen là "đầu to". Cách tư duy này có nghĩa là vẫn làm theo lệnh cấp trên nhưng sẽ làm một cách tốt nhất có thể, vận dụng óc phán xét và vận dụng mọi nỗ lực cần thiết. Nó đề cao sự ứng biến hơn là kỷ luật cũng như thách thức lãnh đạo nhiều hơn là tôn trọng cấp bậc - Trích Quốc gia khởi nghiệp.
Tình huống càng nan giải khi tòa nhà mục tiêu lại có chung bức tường với một trường học của người Palestine, bên trong vẫn còn giáo viên và học sinh. Trên mái trường học, các phóng viên đang ghi lại toàn bộ sự việc, còn tên khủng bố vẫn xả súng vào cả lính Israel lẫn nhóm nhà báo.
Farhi cho hay, dù cố gắng chỉ đạo từ xa nhưng anh hiểu, phải giao cho cấp dưới quyền tùy cơ ứng biến. Sau khi cứu được đồng đội, vấn đề khác cần xử lý là tên khủng bố. Để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh Palestine, nhóm phóng viên, người Đại đội trưởng đó đã quyết định dùng lựu đạn hơi cay để xua người khỏi trường học. Sau đó, anh cho xe ủi phá dỡ căn nhà để buộc tên khủng bố ra hàng, rồi dùng chó để khống chế hắn. Bất ngờ, trong lúc phá hủy tòa nhà, một tên khủng bố khác xuất hiện bên cạnh trường học, nhưng liền bị nhóm binh sĩ đứng gác vòng ngoài tiêu diệt.
Toàn bộ chiến dịch kéo dài 4 giờ. Sau 4 tiếng mang tính bước ngoặt ấy, vị chỉ huy 23 tuổi được đồng đội nhìn với một ánh mắt khác và bản thân anh cũng trở thành một con người khác, một con người đứng ở tiền tuyến, chịu trách nhiệm cho sinh mạng của binh lính dưới quyền, của các giáo viên và trẻ em Palestine và cả những phóng viên quốc tế.
Người ta nói dân Do Thái có hai bản năng: thứ nhất là bản năng kiếm tiền; thứ hai là bản năng làm cho tiền đẻ ra tiền – họ là cha đẻ của thuyết lưu thông tiền tệ ngày nay chúng ta đều áp dụng với quy mô lớn - Nguồn: Trung Nguyên Legend.
Nếu không có những trải nghiệm khốc liệt trong quân đội, bị đẩy vào những tình huống sinh tử thì có lẽ, người trẻ Israel không thể trưởng thành mau lẹ đến như vậy. Ở độ tuổi 23, họ đã làm được những việc lớn mang tính đại sự. Sự trưởng thành đi đôi với tinh thần dám chịu trách nhiệm là một nét tính cách quan trong góp phần thúc đẩy tính sáng tạo, cống hiến hết mình. Trong quân đội hay trong kinh doanh, điều này không thay đổi và đó là lý do vì sao người ta thấy Israel là một xã hội minh bạch, không quan liêu.
Từ khi lập quốc, người Israel luôn cho rằng tương lai - dù gần hay xa - đều là dấu hỏi. Từ trước khi lập quốc, Israel đã phải đối mặt với nhiều mối đe dọa sự tồn vong. Bắt đầu từ những năm 1920, thế giới Ả-rập phản đối việc thành lập một quốc gia Do Thái ở Palestine rồi tìm cách đánh bại hoặc gây suy yếu cho Israel bằng nhiều cuộc chiến tranh.
Sau này, khi Israel tuyên bố trở thành quốc gia độc lập, chiến sự vẫn không hề chấm dứt. Để xây dựng quân đội hiệu quả, người Israel được rèn luyện tinh thần rosh gadol - tuân lệnh nhưng theo cách sáng tạo, nỗ lực và luôn luôn thách thức lãnh đạo.
Do Thái Giáo là chất keo bền chắc gắn bó cộng đồng, khiến dân tộc này giữ gìn được nguyên vẹn nòi giống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa. Có thể nói, nếu không có chất keo ấy thì từ lâu dân tộc Do Thái đã bị tiêu diệt hoặc đồng hóa và biến mất khỏi lịch sử - Nguồn: Trung Nguyên Legend.
Việc chất vấn lẫn nhau trong quân đội Israel cũng quan trọng như việc luyện tập hay đánh trận. Các buổi tranh luận nhóm không chỉ không kiềm chế mà còn để việc phê bình, tự phê bình trở thành một phương tiện giúp mọi người học hỏi từ sai lầm.
Buổi chất vấn trong quân đội Israel thường kéo dài 90 phút. Ai cũng phải tham gia. Đây là trải nghiệm khá khắc nghiệt. Cách mà người lính giao tiếp và phân tích sự bất đồng giữa những quan điểm khác nhau về sự kiện hay quyết định nào đó là một phần lớn trong văn hóa quân đội Israel. Nó trở thành loại hình nghệ thuật thách thức tất cả người lính phải vượt qua.
Ở Israel, thanh minh cho quyết định sai lầm là điều không thể chấp nhận. Biện minh cho việc đã làm cũng là điều không phổ biến. Nếu ai mắc sai lầm, việc của họ là chịu trách nhiệm và nêu ra những bài học để giúp người khác tránh được sai lầm ấy. Đất nước Israel không có sự bảo thủ, họ luôn sống với tinh thần cầu thị và sẵn sàng tiếp thu ý kiến, nhất là ý kiến của cấp dưới.
Điều này bắt nguồn từ đặc tính phân quyền mờ nhạt trong quân đội Israel. Quân đội nước này đặc biệt thiếu hụt sĩ quan cấp lãnh đạo. Cấp dưới có quá ít chỉ huy để báo cáo. Tất cả đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều sáng kiến đến binh lính cấp dưới.
Để chứng thực điều này, Edward Luttwak, nhà lịch sử quân sự kiêm chiến lược gia, tác giả của cuốn sách Lầu Năm góc và Nghệ thuật chiến tranh đưa ra so sánh khá thú vị với quân đội Mỹ. Theo đó, ở Mỹ cứ 5 binh lính thì có 1 sĩ quan còn ở Israel là trên 9 binh lính. Mặc dù lĩnh vực Không quân Israel lớn hơn cả Anh, Pháp nhưng cũng chỉ có 2 vị tướng hai sao lãnh đạo, cấp bậc thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của phương Tây.
Mức độ trao quyền hạn vượt cấp của quân đội Israel thậm chí từng làm lãnh đạo các quốc gia khác phải ngạc nhiên. Năm 1974, một nữ sĩ quan thuộc đơn vị tình bào 8200 (đơn vị tương đương Cục An ninh Quốc gia Mỹ - PV) trong quân đội Israel bị một nhóm khủng bố bắt cóc. Thiếu tướng Aharon Zeevi-Farkash, chỉ huy đơn vị 8200 đã kể lại rằng, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã vô cùng ngạc nhiên sau khi đọc bản tóm tắt những điều cô ta biết, ông đã thốt lên: "Làm thế nào một Trung sĩ lại biết quá nhiều bí mật quan trọng của nền an ninh Israel? Tại sao điều này lại xảy ra?".
Thiếu tướng Aharon Zeevi-Farkash
Theo Farkash, trường hợp của nữ hạ sĩ quan nêu trên không phải là cá biệt. Mọi sĩ quan trong đơn vị tình báo 8200 đều nắm được những dữ liệu tối mật bởi nếu giới hạn thông tin với họ thì sẽ không có nhân lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Khan hiếm nhân lực cũng là nguyên nhân góp phần tạo ra một tính chất độc đáo của quân đội Israel: Lực lượng dự bị được xem như xương sống của quân đội. Lực lượng này cũng chính là chất xúc tác cho sự sáng tạo của quốc gia Do Thái. Vì trong quân dự bị Israel, hệ thống thứ bậc bị xóa bỏ khi một tài xế taxi có thể ra lệnh cho các tỉ phú, còn các thanh niên có thể huấn luyện chú, bác của mình; hệ thống quân dự bị cũng giúp củng cố đặc tính hỗn loạn, chống lại phân cấp thứ bậc, vốn có thể tìm thấy trong mọi khía cạnh xã hội Israel, từ phòng tham mưu đến lớp học hay phòng họp của ban giám đốc.
Cấp bậc gần như vô nghĩa với quân đội Israel. Suốt thời gian phục vụ trong lực lượng dự bị, binh lính không cần chào hỏi bất kỳ ai. Cấp trên có thể đi pha cafe cho thuộc cấp và vui vẻ, nhận thấy đó là điều bình thường.
Giá trị của binh lính Israel không phụ thuộc vào quân hàm, mà được quyết định bởi năng lực của họ. Tất cả mọi ý kiến đều được tôn trọng, tiếp thu. Người Israel có khả năng làm việc vượt cấp, luôn thách thức lãnh đạo và có thể yếu cầu bãi miễn cấp trên bất cứ lúc nào thông qua bỏ phiếu lấy ý kiến. Bởi thế, nghệ thuật của lãnh đạo là phải có niềm tin ở cấp dưới, sẵn sàng lắng nghe, học hỏi cũng như đủ bản lĩnh để cấp dưới tin tưởng.
Đặc tính cởi mở, hỗn loạn này xuất phát từ tôn giáo Do Thái. Một người bảo thủ có lẽ sẽ không thể sống ở Israel. Ngay trong tôn giáo của họ, đạo Do Thái đã giống như một cuốn sách mở với ví dụ điển hình là cuốn Do Thái Talmud - tập ghi chép về cuộc tranh cãi bất tận trong giới giáo sĩ Do Thái về cách thức diễn giải và học tập theo Kinh Thánh. Thái độ luôn đặt câu hỏi đã đi từ cuốn sách ấy, trở thành văn hóa khắc sâu vào tín ngưỡng của dân tộc này - Trích Quốc gia khởi nghiệp.
Trong quân đội Israel, binh lính có nhiều cách cực kỳ độc đáo để thách thức chỉ huy của mình. Moshe "Bogey" Yaalon, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội trong cuộc chiến intifada lần thứ hai, kể lại: "Một đơn vị quân dự bị thực hiện một cuộc hành quân tại làng của người Lebanon ở Dabu. Chín binh lính cùng một sĩ quan đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, trong đó có cả người cháu của tôi. Toán lính sống sót sau đó đã chỉ trích viên chỉ huy tiểu đoàn về sự kém cỏi của anh ta trong quá trình điều hành chiến dịch. Các binh lính cấp đại đội lên gặp chỉ huy cấp lữ đoàn để phàn nàn về chỉ huy cấp tiểu đoàn... Dĩ nhiên, vị lữ đoàn trưởng phải tiến hành điều tra cẩn thận, nhưng cuối cùng viên chỉ huy tiểu đoàn buộc phải từ chức bởi chính quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm của binh lính dưới quyền."
Quân đội Israel sở hữu một phẩm chất rời rạc, ít kiểu cách nhưng bao dung hơn các nền quân đội khác. Đối với họ, việc cấp dưới nói với cấp trên rằng: "Ông đã sai" là điều rất bình thường. Định nghĩa hành động đó là sự quả quyết hay xấc xược, tầm nhìn sâu rộng hay kiêu ngạo là tùy mỗi người nhưng người Israel là như vậy, họ sẽ không bị những quan niệm số đông mà từ bỏ thói quen tranh luận, nghi ngờ và nổi loạn của mình. Mỗi công dân Israel đều không ngại nói thẳng, nói thật và cũng đòi hỏi ở người khác tinh thần tiếp thu thay vì tính bảo thủ và trù dập.
Sau mỗi cuộc chiến, quân đội Israel lại tiến hành tranh luận và cải cách một cách sâu rộng. Điều này cũng đã được nhà lãnh đạo Ben-Gurion quán triệt rằng, lão hóa tư duy là điều không thể chấp nhận trong quân đội. Dù thắng hay bại, họ cũng luôn tranh luận, tiếp thu học hỏi và cải tổ. Quả thực, cái mới không phải lúc nào cũng tốt hơn cũ, nhưng ít nhất dòng chảy của những ý tưởng tươi mới cũng giúp hạn chế tiến trình lão hóa tư duy - thường là cái giá đắt nhất cho chiến thắng và là nguyên nhân thất bại trong tương lai.
Văn hóa Israel không phân biệt tầng lớp. Đất nước này là sự hỗn loạn về trật tự thứ bậc. Tuy nhiên, họ có tính gắn kết rất cao. Như trong bài viết trước chúng tôi đã phân tích, mọi người trong lĩnh vực kinh doanh đều thuộc về những mạng lưới quen biết chồng chéo, được hình thành từ chế độ quân dịch bình đẳng, sự gần gũi địa lý và tính không câu nệ nghi thức.
Đặc thù của sự thân mật, kết nối cũng chính là nền tảng an toàn cho việc không ngại tranh luận, không sợ "sự thật mất lòng". Ở đây, ai là người có năng lực, chiếm được niềm tin kẻ khác, người đó là lãnh đạo. Và dù có ngồi ở trên cao, lãnh đạo cũng luôn luôn có nguy cơ bị lật đổ. Bởi thế, bản chất của người Israel là luôn học hỏi, trau dồi, tiếp thu ý kiến để không ngừng hoàn thiện.
Thành công trong lĩnh vực quốc phòng hay kinh tế Israel rõ ràng bắt nguồn phần lớn nhờ tư duy rosh gadol - dám chịu trách nhiệm, tuân lệnh cấp trên nhưng cũng không ngại đưa ra ý kiến phán xét cực đoan. Chủ nghĩa này đã phát triển đủ lớn mạnh để tạo ra chấn động tầm cỡ quốc gia và cả thế giới.
Tuy nhiên, ngần ấy vẫn là chưa đủ để nói về nguồn gốc sự thông minh, sáng tạo của người Do Thái cũng như nguyên nhân làm nên thành công của người Israel. Chúng tôi sẽ tiếp tục lý giải điều này qua bài viết tiếp theo liên quan đến cá tính thích nghi và tinh thần dân tộc của người Israel.
* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" của các tác giả Dan Senor & Saul Singer, và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
* Đón đọc bài tiếp theo: Báu vật thứ 9 và 10 của người Israel là gì?
T.N