Quốc gia khởi nghiệp - Báu vật của người Do Thái: Hai thứ không tìm thấy trong trường hợp Singapore, Nhật, Hàn Quốc

10/09/2019 08:00
Quốc gia khởi nghiệp - Báu vật của người Do Thái: Hai thứ không tìm thấy trong trường hợp Singapore, Nhật, Hàn Quốc

Qua những trang sách tuyệt vời trong "Quốc gia Khởi nghiệp", các tác giả đã khắc họa 2 tinh thần, tính cách của người Do Thái khiến sự phát triển của họ rất đặc biệt, không tìm thấy điều đó trong trường hợp của Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây không nằm ngoài mục đích truyền tải đến quý độc giả một cách cô đọng về 10 BÁU VẬT - là trí tuệ và tính cách rất đặc trưng đã được người Do Thái vận dụng để tạo nên cuộc chuyển mình thần kỳ khiến thế giới muôn phần nể phục.

Vào những năm 2000, gần một nửa công ty công nghệ hàng đầu đã mua lại các doanh nghiệp mới thành lập ở Israel, hoặc mở các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại đây. Giải thích về điều này, Paul Smith, Phó chủ tịch Philips Medical (công ty thuộc tập đoàn đa ngành Hoàng gia Hà Lan Philips đứng đầu thế giới về chăm sóc sức khỏe - PV) phát biểu: "Chỉ hai ngày ở Israel, tôi đã nhìn thấy nhiều cơ hội hơn phần còn lại của thế giới trong một năm".

Người Israel được thế giới đánh cao về tính sáng tạo. Gary Shainberg, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực sáng tạo và công nghệ của hãng viễn thông British Telecom (tập đoàn viễn thông lớn của Anh - PV) nhận xét: "Israel có nhiều ý tưởng hoàn toàn mới, không phải loại ý tưởng bình mới rượu cũ, còn hơn cả Thung lũng Silicon. Sức sáng tạo của họ chưa có dấu hiệu dừng lại ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới".

Sức sáng tạo vô biên này khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Phó chủ tịch hãng NBC Universal (National Broadcasting Company, công ty chuyên về mạng lưới phát thanh và truyền hình thương mại Mỹ - PV) phải thốt lên: "Tại sao tất cả những điều này lại diễn ra ở Israel? Chưa ở đâu, sự hỗn loạn và sáng tạo lại tồn tại song hành như vậy!".

Nhiều người cho rằng nghịch cảnh (sự hỗn loạn) đã giúp người dân Israel phát huy tối đa tính sáng tạo. Khả năng của con người là vô biên và khi nó được thúc đẩy đúng cách sẽ có cơ hội tỏa sáng đến vô cùng. Đúng là nhiều quốc gia có diện tích nhỏ bé, bị đẩy vào nghịch cảnh cũng đã vươn lên mạnh mẽ như Singarpore, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng không một đất nước nào có thể sản sinh văn hóa kinh doanh chứ chưa nói đến là hàng loạt công ty khởi nghiệp như Israel.

Vậy thì những quốc gia khác có thể học được điều gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục giải mã điều này trong bài viết dưới đây.

Báu vật thứ năm: Tinh thần quốc tế

Vì sao chỉ duy nhất Israel nổi trội tinh thần này, còn Singapore, Nhật, Hàn Quốc đều không?

Để hiểu sâu sắc về nguồn cội sức sáng tạo vô tận, trong đó thể hiện tập trung cao nhất ở lĩnh vực công nghệ của người dân Israel, chúng ta trước hết phải nói đến tinh thần hướng ra thế giới của họ. Tinh thần rộng mở ấy được bắt nguồn từ hoàn cảnh bị trói buộc và nghịch cảnh khá đặc biệt mà có lẽ Israel là quốc gia duy nhất rơi vào.

Từ trước khi lập quốc, Israel đã bị cô lập. Cuộc tẩy chay kinh tế đầu tiên xuất hiện từ năm 1891 khi các nước Ả Rập xung quanh yêu cầu giới cai trị của nhà nước Ottoman Palestine ngăn cấm việc nhập cư và buôn bán đất đai của người Do Thái.

Năm 1992, trong phiên họp lần thứ 5 của Liên đoàn Ả Rập, Palestine đã kêu gọi tẩy chay toàn bộ hoạt động kinh doanh của người Do Thái. Năm 1943 (5 năm trước khi nhà nước Israel ra đời), chiến dịch tẩy chay chính thức diễn ra trên quy mô rộng lớn hơn khi Liên đoàn 22 nước Ả Rập cấm toàn bộ sản phẩm công nghiệp của dân Do Thái trên đất Palestine. Lệnh tẩy chay thứ cấp còn lan rộng tới tất cả những quốc gia có quan hệ mua bán với Israel.

Giới Ả Rập còn đưa tất cả công ty giao dịch với Israel vào danh sách đen. Điều này khiến những hãng xe hơi lớn ở châu Á như Honda, Toyota, Mitsubishi... đều không có xe xuất hiện trên đường phố Israel.

Để nghiêm túc thực hiện việc tẩy chay, Liên đoàn Ả Rập còn thành lập một văn phòng tẩy chay để giám sát các hành vi của những mục tiêu thứ cấp và cấp độ 3 cũng như nhận định nguy cơ mới khiến Israel có khả năng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cuộc tẩy chay triệt để mà Liên đoàn khởi xướng.

Cho đến những năm 2000, người Israel vẫn không thể du lịch đến các nước láng giềng, mặc dù các chính quyền Beirut, Damascus, Amman, Cairo đều cách Israel 1 ngày xe. Hiệp ước hòa bình với Ai Cập, Jordan cũng không giúp Israel thay đổi tình trạng này.

"Trong tất cả các cuộc tẩy chay hiện nay, cuộc tẩy chay của Liên đoàn Ả Rập chống lại Israel là hiểm độc nhất về tư tưởng, tinh vi nhất về mặt tổ chức, dai dẳng nhất về mặt chính trị và khiêu khích nhất về mặt pháp lý" - Christopher Joyner, giảng viên Trường ĐH George Washington, đánh giá.

Đáng chú ý hơn, chiến dịch tẩy chay còn nhắm tới cả vấn đề tôn giáo. Năm 1974, Liên đoàn Ả Rập đã đưa đạo Baha'i vào danh sách đen chỉ vì ngôi đền của tôn giáo này ở Haifa thu hút quá nhiều du khách, tạo thu nhập lớn cho Israel. Chính quyền Lebanon thậm chí còn tẩy chay gắt gao đến nỗi cấm chiếu phim Công chúa ngủ trong rừng ở nước họ chỉ vì một nhân vật của phim có tên Do Thái là Samon.

Vậy hoàn cảnh này đã tác động như thế nào đến tính cách hướng ra toàn cầu và trở thành nguồn động lực thúc đẩy tinh sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ của người Israel?

Giống như một người bị cầm tù luôn khao khát được bước chân ra thế giới, ngắm nhìn bầu trời rộng lớn, người Israel trong bối cảnh bị cấm vận mọi mặt, bị bao vây và cô lập, bị nhốt trong một đất nước nhỏ bé đã không ngừng cố gắng chứng minh khả năng vươn ra thế giới của mình. Và đó là lý do họ hướng đến các ngành viễn thông, máy tính, phần mềm, internet bởi trong những ngành này, các đường biên giới, khoảng cách và chi phí vận chuyển đã không còn là vấn đề đáng ngại.

"Viễn thông và công nghệ cao đã trở thành môn thể thao quốc gia giúp chúng tôi chống lại nỗi sợ chật hẹp, đó là cuộc sống trong một quốc gia bị kẻ thù bao quanh" - Orna Berry, nhà đầu tư mạo hiểm Israel.

Vì Israel buộc phải xuất khẩu sản phẩm đi rất xa (do sự thù địch của các nước láng giềng) nên họ dần trở nên ác cảm với những thứ to lớn, được sản xuất đại trà, giá trị gia tăng thấp trong khi chi phí vận chuyển đắt đỏ. Phần mềm hoặc các linh kiện nhỏ gọn trở thành sự lựa chọn bắt buộc chứ không phải là sở thích của người Israel.

Xuất phát từ mong muốn "nhảy cóc" khỏi vùng trũng Trung Đông, người Israel đã dùng công nghệ như một giải pháp hiệu quả để đi thật xa, đến bất cứ nơi đâu họ muốn. Qua thế giới mạng và viễn thông, ranh giới lãnh thổ quốc gia đã bị xóa mờ. Người Israel có thể giao lưu, xuất hiện trên toàn cầu. Và chính công nghệ cũng đã mở những con đường mới độc đạo giúp doanh nhân Israel thâm nhập sâu vào những thị trường mới, tìm cách vươn lên làm giàu.

Ở độ tuổi ngoài 20, những người Israel không chỉ trải qua các cuộc du lịch dài ngày nhằm phát hiện ra cơ hội kỳ lạ ở nước ngoài mà họ còn không ngần ngại dấn thân vào các môi trường xa lạ, đối mặt với những nền văn hóa rất khác biệt.

Sử gia quân sự Edward Luttwak ước tính đến tuổi 35 rất nhiều người Israel đã du lịch trên dưới 10 nước. Người Israel dấn thân vào các nền kinh tế mới nổi và các vùng lãnh thổ xa xôi một phần để theo đuổi những điều viết trong Quyển Sách - Tập hợp ghi chép, chia sẻ kinh nghiệm phượt bằng nhiều thứ tiếng được đặt tại El Lovo - nơi duy nhất bán đồ ăn Israel ở Bolivia.

Trích Quốc gia khởi nghiệp.

Có hai câu chuyện rất điển hình mà cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp đã dẫn chứng khi nói về tinh thần quốc tế của người dân Israel.

Câu chuyện đầu tiên là việc doanh nghiệp Israel tiếp cận và giành thắng lợi lớn ở những thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latinh.

Tại Trung Quốc, mọi công ty điện thoại lớn đều dựa vào phần mềm và thiết bị viễn thông của Israel. Ngay cả mạng xã hội trực tuyến lớn thứ 3 tại đây (thời điểm những năm 2000) đang phục vụ 25 triệu người trẻ tuổi cũng được phát triển trên nền tảng một công ty "khởi nghiệp" của Israel tên là "Koolanoo", trong tiếng Hebrew có nghĩa là "Tất cả chúng ta". Công ty này do một người Israel có gia đình nhập cư từ Iraq thành lập.

Từ một trang mạng xã hội của người Do Thái, sau khi được mua lại, Koolanoo đã lập tức chuyển toàn bộ lãnh đạo cao cấp đến Trung Quốc làm việc. Họ "chiến đấu" cùng những người bạn Trung Quốc, ngày đêm không ngừng sáng tạo và học hỏi với mong muốn không chỉ đem tiền về cho quốc gia mà còn cống hiến giá trị, sức sáng tạo của mình cho thời đại.

Thương hiệu lớn nhất toàn cầu về công nghệ tưới nhỏ giọt Netafim.

Câu chuyện thứ hai là về Netafim, doanh nghiệp cung cấp hệ thống tưới tiêu theo phương pháp nhỏ giọt lớn nhất thế giới. Ngày nay, nhắc đến Israel, thế giới sẽ nghĩ đến nền nông nghiệp với 95% yếu tố công nghệ và 5% sức lao động. Đó là một nền nông nghiệp sạch hiệu quả dẫn đầu toàn cầu. Cú nhảy vọt từ chỗ lạc hậu sang đỉnh cao nông nghiệp này không thể bỏ qua sự đóng góp của thương hiệu Netafim.

Công ty này do Simcha Blass sáng lập. Ông là kiến trúc sư của một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất được xây dựng trong những năm đầu của Nhà nước Israel - hệ thống đường ống và kênh đào dẫn nước từ sông Jordan và biển Galilee tới vùng Negev khô hạn.

Ý tưởng về công nghệ tưới nhỏ giọt đến với Blass khi ông quan sát một cái cây đang lớn trên sân nhà hàng xóm chỉ dựa vào rất ít nước rò rỉ từ lỗ thủng của ống nước ngầm. Sau khi nhựa trở nên phổ biến vào những năm 1950, Blass chính thức triển khai hệ thống tưới nhỏ giọt. Ông được cấp bằng sáng chế và ký thỏa thuận với Nông trang Hatzerim (hợp tác xã nằm ở vùng sa mạc Negev) để áp dụng công nghệ mới.

Công nghệ tưới nhỏ giọt đã làm tăng sản lượng cây trồng lên 50% trong khi giảm 40% lượng nước tưới tiêu. Sau khi thành công ở Israel, Blass đã nghĩ ngay đến việc xây dựng một nhà máy nông trang để xuất khẩu ra thế giới là điều mới lạ - những nông sản tươi ngon được trồng ở quốc gia 60% diện tích là sa mạc.

Bạn biết chưa?

Trong số 1.426 tỷ phú khắp nơi trên thế giới có 11,6% là người Do Thái và họ nắm giữ 3 vị trí quan trọng nhất của hệ thống tiền tệ, tài chính Mỹ hiện nay: Paul Warburg người viết đạo luật dự trữ liên bang, Emamuel Goldenweiser người đã điều khiển hoạt động của Cục Dự trữ liên bang (Fed) và Harry Dexter While người đã có công thành lập Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), không những thế hoạt động của Fed phụ thuộc chặt chẽ vào 8 ngân hàng của 8 gia đình Do Thái.

Với sức mạnh này nhóm Do Thái có thể gây sức ép trực tiếp lên bất cứ một chính quyền nào tới mức người Mỹ có câu nói "Tiền nước Mỹ nằm trong túi người Do Thái"

- Nguồn tư liệu: Trung Nguyên Legend.

Cũng vì tinh thần toàn cầu, những doanh nhân như Blass không chịu dừng lại ở việc chỉ quanh quẩn trong đất nước nhỏ hẹp. Họ không ngừng tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài, làm giàu không phải chỉ vì dân tộc mình mà còn cống hiến, đóng góp cho các nước khác. Kết quả là giờ đây, Netafim hoạt động ở hơn 110 quốc gia trên khắp thế giới.

Tại châu Á, Netafim có văn phòng ở Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tại Nam Mỹ là Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Peru... Công nghệ tưới nhỏ giọt của họ đã được nhân bản, giúp hàng trăm triệu nông dân trên toàn cầu tăng sản lượng, đồng thời tiết kiệm tài nguyên nước trên khắp hành tinh.

Phần thưởng quý giá nhất cho tinh thần cống hiến hết mình vì toàn cầu của doanh nhân Israel là vị thế của họ không ngừng được nâng cao trên phạm vi thế giới. Nhờ tính ưu việt trong công nghệ của Netafim, chính phủ của các quốc gia thù địch trước kia đã mở lại kênh ngoại giao. Netafim cũng có mặt tại các nước khối Hồi giáo ở Liên Xô cũ như Azerbaijan, Kazakhstan và Uzbekistan. Đồng thời, các nước này cũng đi tiên phong trong quá trình làm ấm lại quan hệ ngoại giao với chính phủ Israel sau khi Liên Xô tan rã.

Năm 2004, Bộ trưởng Thương mại Israel Ehud Olmert cùng đi với Netafim trong chuyến viếng thăm Nam Phi đã mang về cho công ty này hợp đồng trị giá 30 triệu USD, cùng một bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về nông nghiệp và phát triển những vùng đất khô cằn.

Cứ như thế, các doanh nhân và CEO người Israel còn tự gắn mình với nhiệm vụ ngoại giao tự phong để đại diện cho đất nước. Họ không chỉ truyền bá công nghệ mà còn tìm cách "chào bán" cả nền kinh tế Israel. Tinh thần thương mại toàn cầu và biết nhìn xa trông rộng, hướng đến quy mô toàn thế giới của người Israel dường như đã ăn sâu vào máu thịt họ.

Những doanh nghiệp mới thành lập của Israel sau khi được các tập đoàn lớn mua lại đã chuyển nhân sự đến nước khác làm việc đồng thời, những người Israel tại bản địa vẫn không ngừng nỗ lực cống hiến giá trị cho những doanh nghiệp lớn quy mô thế giới. Họ tham gia và đóng vai trò chủ chốt trong những "đế chế" kinh tế đa quốc gia, được thế giới nể trọng và đánh giá cao.

Biên giới Israel từ chỗ nhỏ bé đã trở nên vô lượng nhờ sự sáng tạo bất tận trong lĩnh vực công nghệ. Trong hành trình đi ra thế giới ấy, tinh thần công dân toàn cầu, dám đương đầu với thách thức, dấn thân vào thị trường nước ngoài, thậm chí chuyển tới nơi đó sinh sống, tinh thần lưu động, không ngại đi và học hỏi chính là khởi nguồn của sáng tạo, là bước đệm làm nên thành công của Israel.

Báu vật thứ sáu: Tính chia sẻ

Tính chia sẻ có quan hệ mật thiết với tinh thần quốc tế của người dân Israel. Có thể nói, nó là gốc gác của tinh thần công dân toàn cầu. Nếu chỉ là những con người ích kỷ, nghĩ đến tư lợi bản thân hoặc nghĩ hẹp cho gia đình, đất nước mình thì chắc chắn những nhân viên Intel Israel không cần ngày đêm tranh luận với lãnh đạo tập đoàn ở Mỹ để sản xuất cho kỳ được dòng chip mới tiết kiệm điện. Thế hệ chip mới với nguyên lý hoạt động đi ngược lại những lý thuyết thông thường đã không chỉ giúp Intel trụ vững, phát triển lớn mạnh hơn mà còn giúp tiết kiệm điện năng trên toàn cầu.

Và, nếu không có tinh thần chia sẻ công nghệ thì những thương hiệu lớn như Natafim không cần phải đem ý tưởng của họ đến những thị trường xa lắc lơ - nơi mà nhiều mảnh đất khô cằn rất cần hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất nông sản.

Những hình ảnh về Bolivia

Tính chia sẻ của người Israel được nhóm tác giả Dan Senor - Saul Singer khắc họa tuyệt vời qua câu chuyện về Quyển Sách được đặt tại El Lobo - Tổ hợp nhà hàng, khách sạn và là nơi duy nhất bán đồ ăn Israel ở Bolivia (quốc gia nằm giữa khu vực Nam Mỹ - PV).

Bạn biết chưa?

Nói về tinh thần của Quyển Sách, Tạp chí Outside (Mỹ) viết: "Người Israel đã hấp thụ được quy tắc phượt toàn cầu một cách quyết liệt hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đó là: Đi thật xa, ở thật lâu, và nhìn thật kỹ".

Trong hành trình phượt của mình, tất cả người Israel đến Bolivia đều ghé thăm El Lobo. Ngoài việc tìm thấy những giá trị thân thuộc với dân Israel (như ẩm thực, tiếng nói, văn hóa...), điều họ cố gắng muốn tìm là một "nhân vật" rất đặc biệt có tên là Quyển Sách.

Quyển Sách là một bộ sưu tập các mẩu nhật ký được chắp nối từ những du khách khắp nơi trên thế giới, trong đó tác giả và độc giả của nó chủ yếu đến từ Israel.

Quyển Sách đặt ở El Lobo được khai bút năm 1986, một tháng sau ngày khai trương nhà hàng này. Một nhóm 4 du khách Israel đã đến đây và đề xuất ý tưởng muốn có một thứ để ghi chép lại những lời khuyên và cảnh báo cho khách đến sau. Sau đó, chính nhóm khách ấy đã ra ngoài, mua một quyển sổ trắng và viết bằng ngôn ngữ Hebrew nói về một ngôi làng hẻo lánh trong rừng mà họ nghĩ là những người Israel khác sẽ thích.

Quyển Sách đã đi trước cả internet bởi phải đến những năm 1970 internet mới thực sự phổ biến ở Israel. Cho đến sau này, dù mạng internet phát triển, những bài review du lịch dễ dàng xuất hiện và lan tỏa đến mọi người thì Quyển Sách vẫn là thứ được du khách rất yêu thích. Mỗi khi đi ngang El Lobo, du khách lại nán lại viết nhật ký. Đó có thể là lời khuyên, cảnh báo hoặc đơn giản chỉ miêu tả, khen ngợi một điệu múa, một món ăn ngon ở nơi nào đó.

El Lobo nơi đặt Quyển Sách.

Đến nay, Quyển sách đã có 6 tập khác sau quyển sách gốc năm 1989, cùng với những quyển khác dành cho Brazil, Chile, Argentina, Peru và khu vực phía bắc của Nam Mỹ. Cuốn sách gốc chỉ được viết bằng tiếng Hebrew, các cuốn sách ngày nay được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Mặc dù đã được quốc tế hóa, Quyển Sách vẫn là một hiện tượng nguyên bản của Israel. Rất nhiều dân phượt trẻ tuổi người Israel chỉ đơn giản là đi theo Quyển Sách từ nơi này đến nơi khác, trôi theo dòng chỉ dẫn từ các nhóm phượt quốc tế, trong đó Hebrew là một trong các thứ tiếng phổ biến nhất.

Đó chính là tính chia sẻ trong hành trình du lịch và khám phá thế giới của người Israel. Họ đã đi thật xa (đến tận châu Mỹ), ở thật lâu, khám phá và chia sẻ tất cả những gì mình trải nghiệm. Họ muốn những người đi sau họ (dù là bất cứ ai, bất cứ quốc tich nào) cũng được trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất và mong muốn tránh cho người khác sự bực dọc, mất thời gian hoặc tốn kém tiền bạc.

Đức tính chia sẻ ấy cũng chính là bản chất của những con người Israel thẳng thắn, cởi mở. Có lẽ ít dân tộc nào có tinh thần chia sẻ mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng như người Do Thái Israel. Xét về sâu xa, mầm mống của nó có lẽ đã được ươm mầm bởi chính sách quân sự vô cùng đặc biệt.

Ở Israel, đủ 18 tuổi, bất kể trai hay gái đều phải gia nhập quân ngũ. Họ trải qua 20 tháng huấn luyện và được đào tạo bài bản với chất lượng ngang bằng các trường ĐH nổi tiếng như Yale, Harvard hay Princeton. Những người hoàn tất huấn luyện cùng nhau được duy trì thành một nhóm trong suốt thời gian 3 năm phục vụ ở quân đội hoặc quân dự bị. Đơn vị vũ trang chính là ngôi nhà thứ 2 của họ.

Tất cả người dân Israel sau khi hết thời gian nghĩa vụ vẫn sẽ tiếp tục phục vụ trong quân dự bị trước khi bước sang tuổi 40. Có nghĩa là các mối quan hệ của họ trong quân đội sẽ được duy trì suốt đời. Bởi thế, người dân có sự kết nối mật thiết với nhau.

Những người từng được đào tạo cùng nhau sẽ cùng làm việc trong hệ thống quân dự bị. Mỗi năm, họ gặp nhau 1 lần. Buổi "họp lớp" sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần, tại đơn vị mà mọi người đã chung sống suốt 3 năm trong quân ngũ. Thay vì ngồi nghe giảng, họ cùng nhau đi tuần tra biên giới. Điều này nuôi dưỡng mối quan hệ ràng buộc hoàn toàn khác biệt, kéo dài cả đời người.

Biên giới Israel vốn đã nhỏ bé, nay nhờ những mối quan hệ nảy nở trong quá trình quân dịch đã tạo nên những mạng lưới liên kết chặt chẽ. Điều này đã tạo nên tinh thần không ngại chia sẻ rồi từ đó giúp hình thành những lợi ích được hiện thực hóa bằng vật chất và tài sản trong địa hạt kinh tế.

Bạn biết chưa?

Người Do Thái mang một Tầm nhìn: "Ánh Sáng Cho Mọi Quốc gia" hay còn gọi là ánh sáng cho mọi dân tộc, ánh sáng cho chư dân, ánh sáng cho muôn dân do đó sách lược của họ tập trung vào 3 vấn đề chính:

- Nông nghiệp: Miệng ăn của thế giới.

- Khoa học: Công nghệ - tư duy của thế giới

- Tài chính: Túi tiền của thế giới

- Nguồn tư liệu: Trung Nguyên Legend.

Cụ thể như trường hợp của đại tá John Lowry - CEO của Harley-Davidson (hãng sản xuất ô tô, xe máy sang trọng, trị giá nhiều tỉ đô la) và cũng là người chỉ huy của hơn 1.000 lính thủy đánh bộ, di chuyển đến nhiều căn cứ dự bị trên khắp cả nước. Ban ngày, Lowry là CEO cấp cao nhưng khi đêm xuống, ông đào tạo lính thủy đánh bộ chuẩn bị đi nước ngoài. Lowry đã luân chuyển vị trí với 2 vai trò khác biệt rất nhịp nhàng.

Mạng lưới quan hệ trong binh chủng rất quan trọng với Lowry. Những đồng đội cũ cũng chính là Ban cố vấn có sẵn của ông. "Đó là một thế giới khác ngoài tình bạn. Nhiều người trong số họ đều có liên kết với mạng lưới kinh doanh của tôi", Lowry nói.

Đồng đội trong quân ngũ đến từ mọi tầng lớp trong xã hội. Quân đội chính là thể chế lấy yếu tố năng lực đặt lên hàng đầu. Và sau này, dù đi đâu, làm gì, người Israel cũng luôn đặt yếu tố năng lực lên vị trí đầu tiên trong các mối quan hệ.

Điều này đã sản sinh ra tính công bằng xã hội. Mọi người đều biết nhau và đánh giá đúng về nhau. Họ có sự thân mật đủ lớn để không ngại chia sẻ, không ngại nói thẳng giúp nhau cùng tiến bộ chứ không có chuyện nói xấu hay đâm thọc sau lưng.

Quân đội Israel.

Bạn biết chưa?

Mỗi người Israel đều có ít nhất một người bạn trong lực lượng quân dự bị. Việc cùng ngủ trong lều tạm, ăn chung thực phẩm nhà binh, cùng nhau không tắm trong nhiều ngày đã giúp lính dự bị - xuất thân từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau - trở nên bình đẳng. Israel là quốc gia có sự phân biệt giai cấp mờ nhạt nhất so với hầu hết các nước khác. - trích Quốc gia khởi nghiệp.

Ở một quốc gia mà mọi người đều "thân nhau" như vậy, người Israel đương nhiên không ngại chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, kiến thức. Hệ thống quân đội đặc biệt chính là nơi ươm mầm cho tính chia sẻ và đức tính ấy lại là tiền đề cho tinh thần công dân toàn cầu của người Israel.

Các mật mã thành công của người Israel được đan xen, chồng xếp lên nhau. Mỗi yếu tố đều có mối liên hệ mật thiết và trở thành giá trị bổ sung lẫn cho nhau. Tất nhiên, ở quốc gia đó, nhờ những điều kiện đặc biệt, các cá tính này có cơ hội phát triển và gần như, đã đạt đến đỉnh cao.

Tuy nhiên, chúng ta có lẽ sẽ học được nhiều điều hơn thông qua việc phân tích những đức tính tốt đẹp của người Israel.

Nguồn cội của sáng tạo vô tận và sự thông minh tuyệt vời của người Israel sẽ được chúng tôi giải mã trong những bài viết tiếp theo.

* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" của các tác giả Dan Senor và Saul Singer, và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.

* Đón đọc bài tiếp theo: Báu vật thứ 7 và thứ 8 của người Do Thái là gì?


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024