Trong hệ giá trị của người Israel, có một "báu vật" được xem là trung tâm, là khởi nguồn cho nhiều tính cách, giá trị khác - đó chính là Tinh thần Chutzpah.
Đối với Thompson, ngay trong chuyến đi đầu tiên đến công ty vừa mới bỏ rất nhiều tiền mua lại, ông đã thực sự bị chinh phục bởi nét văn hóa và tính cách đặc biệt của người dân nơi đây.
Tinh thần Chutzpah, theo mô tả của học giả Do Thái Leo Rosten: theo tiếng Yiddish, thứ ngôn ngữ Slavơ của người Đức đã thất truyền từ lâu, Chutzpah có nghĩa là "táo bạo, gai góc, trắng trợn, thần kinh, vô liêm sỉ mà không ngôn từ nào có thể miêu tả chính xác". Người nước ngoài sẽ được chứng kiến điều mà họ cảm thấy là "sự cả gan" đó ở bất kỳ đâu trên đất nước Israel.
Tuy nhiên, với người Israel, đây không phải "sự cả gan" mà lại là điều hết sức bình thường. Với họ, sự trầm lặng sẽ có nguy cơ bị tụt hậu, dù là ở nhà riêng, trên giảng đường hay trong quân đội.
Ai mới đến Israel có thể sẽ bị "sốc" khi thấy người bản địa tự nhiên, thoải mái hỏi về thu nhập của bạn, khoe mẽ số tiền họ kiếm được hay căn nhà họ mới mua. Thậm chí, khi ra đường, nếu thấy bà mẹ nào đó cho con mình ăn mặc không phù hợp với thời tiết, họ cũng không ngại lên tiếng.
Người Isreal có câu châm ngôn: "2 người Israel, 3 ý kiến" để nói về cá tính thẳng thắn thái quá đã khiến nhiều người không dễ có thiện cảm với họ. Tuy nhiên, những ai không câu nệ sẽ thấy ở họ sự chân thành khó kiếm được trên hầu hết các quốc gia khác.
Một ví dụ điển hình cho Tinh thần Chutzpah này là câu chuyện cuộc tranh luận kịch liệt, kéo dài nhiều tháng diễn ra tại Intel. Để tóm tắt về nó, Shmuel Eden - Phụ trách hoạt động của Intel tại Israel đã nói rằng: "Chúng tôi đã làm theo cách của người Israel, chúng tôi tranh luận đến khi nào thắng mới thôi".
Khái quát về Hệ giá trị Israel - Nguồn: Trung Nguyên Legend
Thực tế, lịch sử phát triển của ngành điện toán hiện đại, tốc độ xử lý dữ liệu - khoảng thời gian cần thiết để máy tính của bạn xử lý xong 1 thao tác - được quyết định bằng tốc độ của các chip bóng bán dẫn. Những bóng bán dẫn này hoạt động theo phương thức tắt-mở theo chu kỳ để tạo ra mật mã. Hàng triệu những lần tắt-mở sẽ cùng ghi lại và thao tác dữ liệu theo những cách vô tận. Các bóng bán dẫn tắt mở với tốc độ càng cao, phần mềm chạy càng nhanh. Intel đã rất thành công khi sản xuất ra những chiếc chip nhỏ gọn và có tốc độ xử lý nhanh.
Cuộc đua thu nhỏ con chip và nâng cao tốc độ tắt mở diễn ra trên quy mô toàn thế giới, nhưng đến năm 2000, nguyên lý của cuộc chơi đã thay đổi.
Cụ thể, chip càng nhỏ và nhanh hơn thì cũng sẽ tiêu thụ lượng điện năng lớn hơn, tỏa nhiều nhiệt hơn và trở thành vấn đề đáng quan ngại. Các chuyên gia trong ngành gọi vấn đề hóc búa này là "bức tường năng lượng". Những kỹ sư người Israel của Intel là những người đầu tiên nhận ra vấn đề này. Đội ngũ Haifa của Intel đã thức trắng nhiều đêm không ngủ với cafe và mì gói, hòng tìm ra giải pháp phù hợp.
Ronny Friedman - kỹ sư hàng đầu thời điểm đó đã cùng đội ngũ kỹ sư Israel ở Intel tìm ra giải pháp tương tự như quá trình sang số của xe hơi, người lái vẫn đảm bảo được tốc độ xe trong khi động cơ chạy chậm lại.
Trong một con chip, điều này được thực hiện theo cách khác: Phân tách các lệnh được gửi đến con chip, nhưng hiệu quả thì vẫn thế: Những bóng bán dẫn trong dòng chip tiết kiệm điện của nhóm Intel Israel không cần tắt mở quá nhanh nhưng với một quá trình xử lý tương tự như việc sang số xe hơi lên tốc độ cao hơn, chúng có thể xử lý phần mềm nhanh hơn.
Intel Israel
Hoàn thiện bản kế hoạch và đem trình bày nó với lãnh đạo Intel tại Santa Monica, nhóm kỹ sư Israel từng nghĩ các sếp của họ hẳn phải rất hào hứng. Nhưng không, sự thật là họ đã bị phản đối kịch liệt.
Thứ mà ban lãnh đạo Intel nhìn nhận như một tài sản chính là tốc độ tắt mở của các bóng bán dẫn, nó được xem như sức mạnh của động cơ. Giờ đây, lý thuyết mới của một nhóm kỹ sư Israel lại cho rằng, tạo ra những động cơ không đủ mạnh sẽ giúp tiết kiệm điện đồng thời tăng tốc độ xử lý phần mềm là điều khó tin nổi.
Học thuyết thông số tốc độ đã ăn sâu vào não ban lãnh đạo Intel và họ không có ý định tranh luận về việc này cũng như thay đổi điều đó.
Định hướng ấy đã khiến Trưởng bộ phận chip của Intel là Paul Otellini ra sức hủy toàn bộ dự án. Tuy nhiên, nhóm kỹ sư Israel vẫn không có ý định từ bỏ quan điểm và công trình nghiên cứu của mình. Họ đã nhìn thấy Intel đang tiến ngày một gần hơn tới bức tường năng lượng. Trước khi va vào nó, nhóm kỹ sư Israel muốn Otellini lùi lại một chút, loại bỏ những cách suy nghĩ thông thường để xem xét đến sự thay đổi mang tính căn bản trong chiến lược của Intel.
Để làm được điều đó, họ đã trải qua 20 chuyến bay giữa Tel Aviv và California, thường xuyên đến nỗi dường như họ có mặt ở khắp mọi nơi, dồn các CEO của Intel ở hành lang hay thậm chí trong nhà vệ sinh để tranh luận về trường hợp của họ.
Thành phố Tel Aviv
David Perlmutter - Giám đốc Intel Israel đã dành ra 1 tuần mỗi tháng để có mặt tại đại bản doanh Santa Clara và bỏ ra phần lớn thời gian để thuyết phục các sếp giữ lại dự án của nhóm kỹ sư Israel. Phía Israel cho rằng, dẹp bỏ học thuyết về thông số tốc độ giữ nhịp tuy rằng có rủi ro nhưng nếu không làm, cố giữ lại tư duy cũ sẽ còn gây nguy hiểm hơn nhiều lần.
Dov Frohman, người sáng lập Intel Israel cho rằng: "Nỗi sợ hãi mất mát luôn lớn hơn niềm hy vọng nhận được". Bản thân Dov Frohman đã cố gắng rất lâu để duy trì văn hóa tranh luận của Intel Israel và ông rất hy vọng, nét văn hóa này có thể ảnh hưởng tới Santa Clara.
Một CEO của Intel nhớ lại: "Mỗi lần xuất hiện, họ lại có những kết quả nghiên cứu và dữ liệu tốt hơn, thuyết phục hơn". Dần dần, họ đã đưa ra lập luận vững chắc về sự phát triển cho ngành công nghiệp này. Nhóm Intel Israel đã nói với các nhà lãnh đạo rằng: Hoặc là Intel đi theo hướng đó, hoặc là sẽ bị lỗi thời".
Cuối cùng thì Otellini với cương vị CEO cũng đã thay đổi ý định. Tháng 3/2003, dòng chip mới có mã là Binas - được đặt theo tên một dòng suối ở miền Bắc Israel, ra đời. Tốc độ giữ nhịp tắt mở của nó chỉ bằng một nửa dòng chip Pentium đang thống trị dòng máy tính để bàn với giá đắt gấp đôi, nhưng đã đem lại cho người dùng máy tính xách tay tính di động và tốc độ mà họ cần.
Thành công không chỉ dừng lại ở đó khi năm 2006, Intel tung ra dòng chip mới là Core Due 2, thế hệ tiếp theo của dòng Pantium. Đây là dòng chip áp dụng bước ngoặt khôn ngoan của nhóm kỹ sư Israel với một công nghệ mới cũng do nhóm này nghiên cứu là công nghệ lõi kép, giúp tăng hiệu quả của dòng chip mới mạnh hơn bao giờ hết. Cổ phiếu của Intel đã giảm 19% thì sau lễ công bố sản phẩm mới, vào tháng 7 năm đó, nó đã tăng thêm 16%.
Trên đà chiến thắng, Intel đã cho ra mắt liên tục 40 mẫu chip mới chỉ trong vòng 100 ngày tiếp theo, phần lớn trong số này là các nghiên cứu của nhóm kỹ sư Israel.
Những gì nhóm kỹ sư Israel làm là minh chứng hùng hồn cho tính công dân toàn cầu của họ. Với mong muốn không chỉ hoàn thành tốt công việc, họ đã lo nghĩ tới cả tương lai của công ty đa quốc gia. Cuộc chiến của họ không chỉ là khẳng định năng lực, vị thế của người Israel mà còn giúp Intel chiến thắng các đối thủ cạnh tranh.
Mặt khác, việc giải thành công bài toán năng lượng đã góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Sự thật, rất nhiều người đã nghĩ máy tính không tiêu hao nhiều điện năng và họ bật máy tính cả ngày nhưng một lượng lớn máy tính vẫn tiêu tốn điện. Bộ xử lý mới của nhóm kỹ sư Israel đã giúp tiết kiệm 20TW (terawatt) điện chỉ trong vòng 2,5 năm. Số lượng này đủ cho việc thắp sáng 22 triệu bóng đèn loại 100W trong vòng 24 mỗi ngày, bảy ngày 1 tuần trong suốt 1 năm liền.
"Chúng tôi đã tiết kiệm được 2 tỷ USD chi phí năng lượng. Số tiền này đủ để xây dựng một nhà máy nhiệt điện. Chúng tôi đã giảm được đáng kể lượng khí thải CO2 của công ty" - Skinner, CEO phụ trách công nghệ sạch của Intel công bố.
Nhìn lại thành công vang dội của nhóm kỹ sư Israel, ngoài sự sáng tạo, ngoan cố, không ngại tranh luận, họ còn có một thứ khác đó là Tinh thần Chutzpah - sự CẢ GAN đấu tranh không khoan nhượng, sẵn sàng đưa ý kiến lên cấp cao hơn thay vì ngoan ngoãn chấp nhận mọi mệnh lệnh từ trên truyền xuống.
Những hành động táo bạo và mạnh mẽ này khiến nhiều người Mỹ phải bất ngờ. Khi nhìn thấy người Israel bước ra từ phòng họp mà mặt ai cũng đỏ bừng vì la hét, người Mỹ đã cảm thấy sốc còn người Israel thì vui vẻ đáp: "Chẳng có gì hết. Chúng tôi đã đạt được vài kết quả tốt đẹp".
Ở Israel, trong doanh nghiệp không có chuyện nói xấu sau lưng vì những gì cần nói, họ đã nói thẳng trước mặt cả rồi. Bất cứ ai cũng luôn biết mình đang đứng ở vị trí nào và từ đó, tránh được việc mất thời gian cho những thứ nhảm nhí không cần thiết. Ở đất nước này, mọi chuyện đều dễ dàng hơn khi sự lịch thiệp trở nên không quá quan trọng.
Người dân Israel thậm chí không có văn hóa kỷ luật. Từ thưở sơ khai, họ đã được dạy phải nghi ngờ tất cả mọi thứ có sẵn, phải luôn đặt câu hỏi, tranh luận về mọi vấn đề và phải luôn sáng tạo.
"Quản lý 5 nhân viên người Israel khó khăn hơn 50 người Mỹ. Người Israel luôn thử thách bạn mọi lúc - bắt đầu bằng những câu hỏi như: Tại sao ông lại làm sếp của tôi, tại sao tôi không phải là sếp của ông" - David Perlmutter chia sẻ.
* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" của các tác giả Dan Senor & Saul Singer, và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
* Đón đọc bài tiếp theo: Báu vật thứ tư: Vì sao Israel trở thành Quốc gia khởi nghiệp?
T.N