Một tiếp viên trong đoàn đã trở thành người hùng khi bất chấp tính mạng của mình để nỗ lực cứu sống đồng nghiệp.
Tiếp viên Nigel Ogden lúc ấy bất đắc dĩ đã trở thành người hùng.
Trước khi tai nạn xảy ra, Ogden bước vào buồng lái để mang trà cho 2 phi công. Ngay khi anh quay bước, chiếc kính chắn gió bị lỗi đã bung ra khỏi bu-lông, khoét một lỗ lớn trên chiếc máy bay đang bay với vận tốc 400km/giờ.
“Tôi vừa bước ra, khi tay tôi còn đang vịn tay nắm cửa thì có một tiếng nổ lớn. Cánh cửa bị thổi bay ra khỏi tay tôi”, Ogden nhớ lại.
“Tôi đã nghĩ: Chúa ơi. Đó là một quả bom!”
“Tôi xoay lại và nhìn thấy kính chắn gió phía trước buồng lái đã biến mất. Còn Lancaster thì bị kéo ra khỏi dây an toàn. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là chân anh ấy”.
Tiếp viên Ogden, lúc ấy 36 tuổi vô cùng hoảng sợ. Nhưng anh đã mạo hiểm mạng sống của mình để lao ra kéo chân cơ trưởng.
“Tôi nhảy qua cột điều khiển và túm lấy eo anh ấy. Chiếc áo của anh ấy bị bung ra phía sau. Cả cơ thể bị uốn cong lên, vắt lên đầu máy bay”.
Hai chân của cơ trưởng cũng bị mắc kẹt, làm mất kết nối của hệ thống lái tự động. Cửa máy bay lúc ấy đang nằm trên bộ điều khiển, khiến máy bay lao xuống với tốc độ 400km/giờ, xuyên qua một số khu vực có lưu lượng máy bay đi lại đông đúc nhất trên thế giới.
“Mọi thứ đều bị hút ra ngoài, thậm chí cả bình oxy cũng bay ra và suýt làm vỡ đầu tôi”.
Sau vài phút cố kéo chân của cơ trưởng lại, Ogden bắt đầu cảm thấy mình cũng có thể bị bay ra ngoài.
Lúc ấy, một tiếp viên khác đã chạy đến sau lưng anh, nắm lấy thắt lưng quần của Ogden để ngăn việc anh bị cuốn lên phía trên. Đồng nghiệp này cũng lấy dây thắt ngang vai của cơ trưởng để quấn quanh Ogden.
“Thật may mắn là cơ phó Alistar vẫn đang thắt dây an toàn. Nếu không thì anh ấy cũng sẽ bị cuốn ra ngoài”.
Khi Ogden bắt đầu kiệt sức, một tiếp viên khác đã chạy đến, ôm lấy chân cơ trưởng cùng anh.
Phần chân của cơ trưởng được gỡ ra khỏi bộ điều khiển, giúp bật lại chế độ lái tự động.
“Tôi vẫn ôm lấy Lancaster, nhưng rồi tay tôi yếu dần. Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ mất anh ấy, nhưng anh ấy vẫn gập người hình chữ U quanh cửa sổ”.
Máu từ mũi và một bên đầu của cơ trưởng Lancaster chảy ra vì mặt anh bị va chạm với cửa sổ. “Kinh hoàng nhất là đôi mắt của anh ấy mở to. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng đó cho đến khi tôi chết”.
Ogden kể, khi anh không thể cầm cự được nữa, một đồng nghiệp đã tới giúp. “Lúc ấy, có ai đó nói rằng ‘chúng ta phải để anh ấy đi’. Nhưng tôi đã trả lời ‘tôi sẽ không bao giờ làm điều đó’”.
“Tôi không thể đối mặt với gia đình anh ấy, đưa cho họ chiếc hộp và nói rằng: ‘Đây là những gì còn lại của chồng chị’”.
Vả lại, nếu Ogden thả trôi cơ thể của cơ trưởng, rất có thể nó sẽ làm mắc kẹt cánh hoặc động cơ máy bay.
Rất may mắn, đồng nghiệp của Ogden đã giữ được cơ trưởng Lancaster cho tới khi máy bay hạ cánh khẩn cấp ở Southampton.
Cơ trưởng Lancaster bị gãy xương nghiêm trọng và tê cóng cơ thể, nhưng anh vẫn sống sót sau thử thách kinh hoàng. Tất cả 81 hành khách đều không có ai bị thương. Sự cố kính chắn gió sau đó được xác định là do lỗi của công ty sản xuất ở Birmingham.
Sau tai nạn, Ogden xin nghỉ làm tiếp viên để làm việc cho một tổ chức xã hội chuyên đi làm từ thiện. Cơ trưởng Lancaster phục hồi sau chấn thương và vẫn tiếp tục bay 5 tháng sau đó.