Trong căn hộ nhỏ ở Hà Nội của mình, nghệ nhân Ngọc thường xăm hình cho những phụ nữ trung niên, những người vừa trải qua ly hôn hay bệnh tật. Họ tìm cách chữa trị cho mình thông qua một loại hình nghệ thuật vẫn còn bị kiêng kỵ ở Việt Nam.
Mặc dù thái độ đang có phần thay đổi, xăm hình ở Việt Nam vẫn bị định kiến liên quan đến xã hội đen, mại dâm và tội phạm ngầm.
"Tôi đã gặp nhiều phụ nữ nói với tôi rằng họ yêu thích xăm hình nhưng thời đại này, không mấy ai ủng hộ họ", nghệ nhân Ngọc chia sẻ.
Nhưng một số người đang chọn cách chống lại những quan niệm cũ đó, coi nghệ thuật cơ thể là sự giải phóng khỏi một số định kiến xã hội cứng nhắc.
Ngọc, 28 tuổi, cho biết: Những người phụ nữ này thường chọn xăm trong một thời điểm quan trọng trong cuộc đời của họ.
"Họ đã vượt qua nỗi lo ngại về định kiến xã hội đó và có một mong muốn là làm mới bản thân... để mở ra một chương mới trong cuộc đời".
Có học thức và am hiểu kinh doanh, Ngọc đã bị chế giễu khi bắt đầu làm "thợ xăm" cách đây gần 10 năm - nhiều người cho rằng cô nên không theo đuổi ngành nghề này. Nhưng kể từ đó, cô đã xây dựng được một tập hợp khách hàng chủ yếu là phụ nữ.
"Là một thợ xăm, tôi đã phải chấp nhận thực tế rằng mọi người không thèm đếm xỉa khả năng của tôi, học vấn, cá tính của tôi... Họ nói: "Kẻ nào chọn làm nghề này chẳng qua không có tài làm việc khác".
Theo một cuộc khảo sát nhỏ vào năm 2015 của công ty nghiên cứu thị trường Q & Me Việt Nam, chỉ 4% người Việt Nam có xăm hình. Khảo sát chỉ ra rằng 25% "cảm thấy sợ hãi" với người có hình xăm trên cơ thể.
Nhưng đối với Trần Hà Nguyên, một giáo viên trung học, việc xăm hình là một hành động ăn mừng sau khi ly hôn với người chồng "gia trưởng và cứng nhắc".
"Chồng cũ của tôi kịch liệt phản đối bất kỳ hình xăm nào trên cơ thể tôi", Nguyên nhớ lại. "Mặt khác, tôi sợ rằng mình sẽ mất việc nếu tôi để ai đó nhìn thấy được hình xăm".
Sau khi ly thân, người phụ nữ 41 tuổi nói rằng cô muốn thoát khỏi con người cũ của mình và làm những điều mà mình chưa bao giờ dám làm trước đây.
Cô chọn xăm hình hoa cúc ở đùi, đủ cao để không ai có thể nhìn thấy trừ lúc mặc bikini. "Chỉ là một hình xăm nhỏ nhưng tôi cảm thấy mình đã tìm thấy con người thật của bản thân", Nguyên tâm sự.
Cũng đang hồi phục sau cú sốc cuộc đời, chị Nguyễn Hồng Thái 46 tuổi đã chọn hình xăm bông hoa hồng trên vết sẹo trên bụng và dòng chữ "mãi mãi trong trái tim tôi" trên cánh tay. Chị làm điều đó vài tháng sau khi chồng chị qua đời vì bệnh ung thư phổi.
"Bây giờ anh ấy đã ra đi, tôi nghĩ anh ấy sẽ muốn tôi trở nên mạnh mẽ. Những hình xăm đã cho tôi sức mạnh và sự tự tin (để làm được điều đó)", chị Thái cười rất tươi khi nói.
Nghệ nhân xăm mình, cô Ngọc đã quyết định tập trung công việc xăm hình cho những phụ nữ có sẹo, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cô cho biết nhu cầu (xăm) đang tăng lên - lịch trình của cô ấy luôn kín mít.
Khách hàng của cô tập trung ở Hà Nội, nơi có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng dưới 500 USD, thường sẵn sàng chi gấp đôi số tiền đó cho hình xăm trên cơ thể.
Một trong số đó là cô nhân viên văn phòng 33 tuổi, tạm gọi là Hương. Hương thường mặc cảm về cơ thể của mình kể từ khi trải qua ca phẫu thuật ruột thừa cách đây 14 năm với một vết sẹo dọc “xấu xí”.
“Tôi đã tính đến việc đến một phòng khám để xem họ có thể xóa bỏ vết sẹo hay không. Nhưng sau đó tôi nghĩ: Tại sao tôi không thể có một hình xăm để che giấu nó?"
Đôi mắt nhắm chặt vì lo lắng, Hương nằm dài trên ghế, đợi cho mũi kim xăm bắt đầu đâm xuyên qua da cô. Vài giờ sau, nhìn vào gương và thấy một chuỗi hoa màu hồng trên bụng mình, khuôn mặt Hương đã nở một nụ cười.
“Tôi sợ nếu (gia đình tôi) nhìn thấy hình xăm lớn này, họ sẽ nghĩ tôi là một phụ nữ thích chơi bời. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi sống cho chính mình. Nếu tôi có thể xóa đi mặc cảm xung quanh vết sẹo của mình, cuộc sống sẽ thú vị hơn", Hương tỏ ra mãn nguyện.