Phố Xương - Hà Nội: Những nét vẽ với lòng thanh thản

10/09/2018 13:26
Phố Xương - Hà Nội: Những nét vẽ với lòng thanh thản

Những người đã sống và xa Hà Nội, dù ở tuổi nào dường như cũng giữ những hình ảnh Hà Nội trong lòng, khó định hình, khó mô tả, nhưng khi bất chợt tìm thấy lại nó ở đâu đó, giật mình bồi hồi cảm động. Triển lãm tranh "Điều kỳ diệu" của họa sĩ Lê Văn Xương cũng vậy, đưa người xem trở về Hà Nội với cõi lòng thanh thản.

Nhân dịp kỷ niệm một trăm lẻ một tuổi của họa sĩ Lê Văn Xương (sinh năm 1917, mất năm 1988), con gái ông, Lê Y Lan muốn giới thiệu 101 tác phẩm của cha mình. Bột màu, sơn dầu, phấn tiên... Đây là một cơ hội tuyệt vời để khám phá Hà Nội qua cái nhìn của họa sĩ Lê Văn Xương và sự gắn bó của ông đối với thành phố này trong các tác phẩm lần đầu được trưng bày.

Họa sĩ Lê Văn Xương thời trẻ

Trong số ấy, ngoài một vài chân dung tự họa hoặc chân dung người thân, phần lớn tranh triển lãm là lời mời khách thưởng ngoạn tìm về Hà Nội những năm 1940 – 1950, hòa mình cảnh đường phố xưa, với các di tích gắn liền thành phố và chìm đắm trong cảnh quan ngoại thành.

Phố phường Hà Nội là một trong những chủ đề được Lê Văn Xương vẽ từ khá sớm, trước Bùi Xuân Phái khá lâu. Sở dĩ người ta dùng chữ "Phố Xương" để nói về những bức tranh vẽ Hà Nội của ông bởi chúng có những đường nét đặc biệt. Hà Nội trong tranh của Lê Văn Xương là hiện thân của Hà Nội băm sáu phố phường, trải những thăng trầm của lịch sử dưới góc nhìn riêng biệt của ông.

Một tác phẩm về Hà Nội của họa sĩ Lê Văn Xương

Họa sĩ Lê Văn Xương người đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh, trong đó gần 100 bức vẽ phố phường Hà Nội, ông vẽ từ giữa thập niên 1940 cho đến ngày qua đời. Năm 1997 ông được trao huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Nhưng để viết tiểu sử đầy đủ của ông chắc chắn người ta sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu vì với giới hội họa Việt Nam ông luôn là người khá bí ẩn bởi ngoài tài vẽ, ông còn chơi được nhiều nhạc cụ như violin, piano, accordeon, mandoline và guitar Hawaii… Lê Văn Xương còn là một kiện tướng về thể thao, ông có giải thưởng và thành tích tốt trong nhiều môn như bơi lội, việt dã, quần vợt, bóng bàn, đấm bốc, đua xe đạp...

Họa sĩ Lê Văn Xương thời trẻ

Lê Văn Xương sinh năm 1917 tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Nam Định. Cha ông là một chủ xưởng mộc, chuyên làm đồ gỗ nội thất, khảm chạm tinh xảo. Năng khiếu về mỹ nghệ và mỹ thuật của Lê Văn Xương bộc lộ ngay giai đoạn này. Quê gốc của ông tại làng Hòa Chanh, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.

Năm 12 tuổi Lê Văn Xương được cha gửi lên thành phố Hà Nội đi học cùng với anh trai ruột là Lê Đức (ông Lê Đức sau này là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Hai anh em ở với gia đình người chị ruột. Với sự giúp đỡ của người anh rể là họa sĩ Lã Chấn Hưng, Lê Văn Xương tiến bộ rất nhanh trong việc học mỹ thuật. Ông không thi ông vào trường mỹ thuật chính quy, mà mời thầy về dạy tại gia.

Ông là bạn của nhiều danh họa Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Thọ… Cùng với nhiều họa sĩ, các ông đi ngao du, thưởng ngoạn, vẽ tranh.

Chùa Trấn Quốc, tranh bột màu trên giấy của họa sĩ Lê Văn Xương

Năm 1939 ông rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng mục đích chính của ông là tìm cảm hứng sáng tác. Năm 1941 lần đầu tiên Lê Văn Xương mở một cuộc triển lãm tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán được một số tác phẩm. Suốt đời, Lê Văn Xương luôn có ý thức về việc bán các tác phẩm, ông rất trân trọng người mua.

Năm 1954, Lê Văn Xương kết hôn với bà Nguyễn Thị Định, con gái một gia đình giàu có vùng Gia Định, Sài Gòn. Ông và bà có với nhau 8 người con, 4 trai và 4 gái, gồm: Lê Minh Trung (trưởng nam), Lê Minh Tuyết (trưởng nữ), Lê Minh Tuấn, họa sĩ Lê Minh Tâm, nghệ sĩ xiếc Lê Trí Tưởng (Phó đoàn xiếc TP.HCM), nghệ sĩ xiếc Lê Như Trang, nghệ sĩ xiếc thú Lê Như Thanh, nghệ sĩ Lê Trí Toàn (Trưởng khoa violin tại Nhạc viện TP.HCM).

Cuối năm 1951 ông và gia đình chuyển về Hà Nội. Cuộc sống sung túc đã cho ông điều kiện đầu tư, thăng hoa trên con đường nghệ thuật.

Họa Lê Văn Xương (giữa) làm trọng tài cho một trận boxing

Năm 1953 Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là một triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ, thu hút được giới chính khách, quan chức, thương nhân và giới yêu thích nghệ thuật. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. Triển lãm có tên "Hà Nội 36 phố phường", giới thiệu 29 tác phẩm, có 9/29 tác phẩm được bán.

Phố Bến nước, tranh bột màu vẽ trên giấy của họa sĩ Lê Văn Xương

Một sự kiệt rất đặc biệt về hội họa Việt Nam gắn liền với tên tuổi Lê Văn Xương, đó năm 1961 ông cho ra đời tác phẩm Kéo pháo lên đồi. Đây là một bức tranh khá độc đáo, vì đã khéo léo đưa không khí của lễ hội truyền thống vào một trận đấu căng thẳng thời hiện đại. Bức tranh có khác biệt về tư duy và tạo hình, nếu so với những tác phẩm nặng tính tuyên truyền thời bấy giờ.

Phố Gầm cầu, tranh bột màu của họa sĩ Lê Văn Xương

Sau khi người vợ đầu qua đời, năm 1970 ông tục huyền với người vợ thứ là bà Trần Diệu Tiên - một họa sĩ, một người làm thơ, viết văn. Hai người chỉ có với nhau một người con gái, là Lê Y Lan – người từng lọt Top 4 Hoa hậu Việt Nam năm 1990, do báo Tiền phong tổ chức. Lê Y Lan cũng là diễn viên và người mẫu. Hiện tại cô là một nhà sưu tập tranh.

Năm 1975 ông Lê Văn Xương chuyển trở vào Sài Gòn sinh sống, sáng tác tranh tượng. Giai đoạn này ông bán rất nhiều tranh dạng lưu niệm cho khách du lịch.

Chân dung tự họa của Lê Văn Xương

Ngày 14.8.988, ông Lê Văn Xương đột ngột qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM. Đây cũng là năm mà nhiều họa sĩ, văn sĩ, học giả tài danh của Việt Nam qua đời, như Đào Duy Anh, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phạm Huy Thông… Lê Văn Xương là bạn của nhiều người trong số này.

Từ ngày 21- 23.9 này, một cuộc triển lãm tranh của ông mang tên "Điều kỳ diệu" (Choses Magnifiques) sẽ được mở tại TP.HCM.

Những bức tranh sơn dầu này tạo ra một bầu không khí yên bình cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân... Qua tranh của Lê Văn Xương người xem có thể bước vào thế giới của những sắc màu cùng nét vẽ tinh tế tài hoa của ông để bắt gặp những nỗi niềm thân quen như trong mạch máu đã chứa đựng sẵn hương sắc Hà Nội. Chỉ cần thoảng qua một niềm cảm xúc là mọi dây tơ đồng cảm cùng nhau rung lên giai điệu xướng ca.

Họa sĩ Lê Văn Xương thời trẻ

Nhận xét về tranh của Lê Văn Xương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê viết: "Lê Văn Xương là họa sĩ kể chuyện, họa sĩ sử thi. Tranh ông thoạt nhìn gợi nhớ những bức tranh quê, giản dị trong thơ của Anh Thơ, Bàng Bá Lân: chiều hôm hóng mát cổng làng, gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi, nhưng Văn Xương vẽ những bức tranh tỉnh, đôi khi không êm đềm của một Hà Nội phố".

Nhưng trên tất cả, đó là thể hiện những diệu kỳ của một nghệ sĩ đã gắn liền tâm hồn vào những nơi chốn lưu luyến nhất. Do đó, tên gọi của cuộc triển lãm này mượn từ tên một tác phẩm thơ của vợ ông, bà Trần Diệu Tiên, là "Điều kỳ diệu".

Qua cuộc triển lãm, người xem tranh sẽ cảm nhận rằng Lê Văn Xương luôn "vẽ với lòng thanh thản".

Tiểu Vũ - Ảnh: Gia đình cung cấp


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 05/11/2024