Dù tuổi đã cao, vợ chồng nhạc sĩ Giao Tiên vẫn nhiệt tình đi từ Cam Ranh, Khánh Hòa, vào TP.HCM dự chương trình. Suốt sự kiện, cả hai luôn quấn quýt và chăm sóc nhau. Bà thi thoảng lấy nước cho chồng uống, luôn theo sát để chăm sóc ông. Cả hai kết hôn năm 1967. Họ có năm người con, một trai, bốn gái và không ai theo nghệ thuật.
Bà Hương Xuân thổ lộ, dù cho đến tuổi bạc đầu vẫn xem nhạc sĩ Giao Tiên như “hoàng tử trong mơ”, là “hoàng tử” của lòng bà. Bà còn yêu ông vì ông sáng tác nhiều nhạc hay và hết lòng thương yêu bà cho đến tận tuổi già.
Vợ Giao Tiên thổ lộ: “Đi gần hết đời vẫn xem chồng như hoàng tử trong mơ”:
Trước khi lấy bà Hương Xuân, vào năm 31 tuổi, nhạc sĩ Giao Tiên có yêu một cô gái, nhưng hoàn cảnh trắc trở, mối tình này đã không trọn vẹn. Vì thương nhớ người yêu, nhạc sĩ đã cho ra đời một chùm 3 ca khúc nổi tiếng: Nhớ người yêu, Thương nhớ người yêu, Lại nhớ người yêu. Giao Tiên thú nhận “ông là người nhạc sĩ suốt đời đi thương nhớ” bởi chùm ca khúc ông viết vào năm 31 tuổi, chỉ cho một mối tình và chỉ dành riêng cho một người.
“Khi hai người yêu nhau mà hoàn cảnh không cho được sum hợp, tôi nhớ thương ray rứt rồi viết bài Nhớ người yêu. Nhưng sau đó xảy ra những tình huống khác làm cho mối tình thêm bi đát, tình yêu đó dằn xé ghê gớm nên tôi tiếp tục viết Thương nhớ người yêu. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục nhớ người ấy sáng, trưa, chiều, tối và lại cho ra đời ca khúc Lại nhớ người yêu để thể hiện sự thương nhớ bất diệt”, Giao Tiên kể lại mối tình không trọn vẹn với một cô gái.
Giao Tiên là một người nhạc sĩ tài hoa sáng tạo nên những giai điệu thật ngọt ngào, đậm đà tình quê hương như: Cô thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Tình đẹp mùa chôm chôm, Con gái của mẹ… Một phần cuộc đời nhiều thăng trầm của Giao Tiên cũng được thể hiện qua những bản tình ca ông viết như: Nhớ người yêu, Lại nhớ người yêu, Mất nhau rồi, Yêu lầm… Người yêu nhạc qua mỗi bài ca ấy có thể biết được người nhạc sĩ này đã có thể vượt qua bao nhiêu thử thách cuộc đời, để luôn sống đẹp, sống tử tế như một nghệ sĩ chân chính. Với gần 50 năm sáng tác, ông đi qua nhiều thăng trầm cuộc đời, và thể hiện mình trong nhiều phong cách âm nhạc khác nhau.
Nói về các ca sĩ trẻ hát nhạc của mình, ông chia sẻ: “Các em hát hay hát dở không thành vấn đề nhưng phải hát đúng lời, đúng nhạc. Các em sử dụng bài hát chính gốc thì tôi yên tâm, còn nếu lấy những bài hát trôi nổi trên mạng, sai lời, sai ý nghĩa, chệch đi tiết tấu là một điều đáng buồn”. Giao Tiên cho biết thời gian qua, ông khó chịu khi nhiều ca sĩ thành danh sửa đi một số lời, hay tiết tấu trong nhạc của ông.
Giao Tiên tiết lộ những năm gần đây ông ít sáng tác, chỉ giúp phổ nhạc cho các nhà thơ mà ông tin tưởng quý mến. Ông cùng nhà thơ Hương Vũ phổ nhạc cho thơ đến 387 bài. Việc phổ nhạc cho thơ khó hơn sáng tác vì giai điệu của thơ khác nhạc nhưng khi hoàn thành tác phẩm, khán giả rất ủng hộ như: Lá số tình, Hương sắc Cà Mau…
Nhắc về việc phổ nhạc, Giao Tiên kể: “Ngày xưa, một vài người bạn ghé thăm và tặng tôi những quyển thơ chép tay. Những bài thơ không có bút danh, tôi cũng không biết tác giả là ai. Tôi phổ 5, 6 bài thành nhạc như bài Hỏi vợ ngoại thành, Bến tương tư, mang đi trình làng, phát hành. Đến tận năm 2014, tôi mới tình cờ phát hiện ra nhà thơ ấy”. Giao Tiên cho biết đây là điều ân hận của cuộc đời ông.
Nhạc sĩ Giao Tiên kể lại điều ân hận nhất của cuộc đời sáng tác:
Lam Anh