Ngày 16.1.2020, NXB Hà Nội đã có văn bản gửi cho nhà phát hành Omega Việt Nam - đơn vị liên kết phát hành cuốn sách Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) yêu cầu tạm dừng phát hành cuốn sách này.
Lý do đình chỉ phát hành cuốn sách được NXB Hà Nội nêu trong văn bản: “Trong quá trình rà soát lại, Nhà xuất bản Hà Nội nhận thấy một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn”.
Thời gian cuốn sách được phát hành trở lại không được NXB Hà Nội nói rõ, văn bản chỉ nêu: “Sách chỉ phát hành khi đủ điều kiện theo quy định của Luật xuất bản, căn cứ quyết định phát hành của Nhà xuất bản Hà Nội. “
Ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam cho biết, ông khá bất ngờ khi nhận văn bản này của NXB Hà Nội, tuy nhiên người đại diện Omega Việt Nam khẳng định đơn vị sẽ tuân thủ theo yêu cầu của NXB Hà Nội và đang đợi phản hồi cụ thể từ nhà xuất bản.
Bìa cuốn sách Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867)
Trang web của Omega Việt Nam giới thiệu về cuốn sách Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) do hai tác giản Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph.Chanfreau biên soạn: “Qua tác phẩm này, các tác giả muốn góp thêm nhiều tài liệu để hậu thế chúng ta có thêm dữ liệu và căn cứ xem xét thời kỳ gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Phan Thanh Giản, vị đại thần triều Nguyễn có liên quan mật thiết đến bối cảnh thời cuộc vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam”.
Sách Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) được chia làm 3 phân chính gồm: Phần đầu mô tả các sự kiện liên quan cuộc đời Phan Thanh Giản từ giữa năm 1862 đến năm 1867, những sự kiện theo như những gì chúng ta vẫn thường hay nghe được. Phần thứ hai xem xét lại tất cả các công kích nhắm vào Phan Thanh Giản. Phần thứ ba trình bày tất cả các lập luận cho phép phục hồi toàn diện con người Phan Thanh Giản dưới ánh sáng của các tài liệu, phần ít được chú ý đến trong các tranh luận; trong đó hai nhóm tài liệu tham khảo quan trọng là Châu bản triều Tự Đức (1848-1883) và các thư từ trao đổi cá nhân của Phó đô đốc de La Grandière.
Tiểu Vũ