Nữ đạo diễn Việt kiều Caroline Guiela Nguyễn: Từ hiện thực đến tưởng tượng

22/09/2018 12:55
Nữ đạo diễn Việt kiều Caroline Guiela Nguyễn: Từ hiện thực đến tưởng tượng

Vượt ra khỏi ranh giới của một câu chuyện tự truyện, vở kịch “Sài Gòn” của Caroline Guiela Nguyễn là một tác phẩm phức điệu kể về thân phận của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm, từ 1956 đến 1996. Nhân dịp “Sài Gòn” ra mắt công chúng TP.HCM ngày 21, 22.9, chúng ta hãy cùng làm quen với nữ tác giả.

Nữ đạo diễn “khác thường”

Caroline Guiela Nguyễn sinh năm 1981 tại Nice. mẹ cô là người Việt Nam còn bố là Pháp kiều trở về từ Algérie. Sau khi học về xã hội học và nghệ thuật biểu diễn, cô chuyển hướng theo học ngành đạo diễn sân khấu tại trường Sân khấu quốc gia Strasbourg, Pháp. Tại đây, cô đã gặp gỡ những cộng sự tương lai của cô trong đoàn kịch “Les Hommes Approximatifs” được thành lập vào năm 2009.

Năm 2016, cô đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn Chương và được đề cử giải thưởng Molières năm 2015 cho tác phẩm “Elle brûle” và năm 2018 cho tác phẩm “Sài Gòn”. Caroline cũng là nghệ sĩ thường trực của Nhà hát Odéon, nhà hát Châu Âu, Nhà Văn hóa MC2 Grenoble và là thành viên của nhóm nghệ thuật La Comédie de Valence thuộc Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Drôme-Ardèche.

Caroline từng chia sẻ trên một tờ báo Pháp: “Tôi không có hành trang văn hóa. Cha mẹ có đưa tôi đến Paris hai lần trong đời để xem các vở kịch bình dân như Anh em sinh đôi của Jean Lefebvre. Thật vui như một ngày hội! Tôi cũng chưa bao giờ xem các đạo diễn Luc Bondy hay Patrice Chéreau làm việc, nhưng vậy càng tốt. Thật tuyệt vời vì ở Pháp có các trường như Trường Sân khấu quốc gia Strasbourg, nơi mà “vốn liếng văn hóa” không phải là một tiêu chí đánh giá”.

Chính trường sân khấu quốc gia Strasbourg, nơi cô theo học ngành đạo diễn vào năm 2006, đã chắp cánh cho cô trên con đường nghệ thuật.

“Lúc ấy, tôi phát hiện ra rằng nhà trường không đặt nặng khai thác nguồn gốc xuất thân của các nhân vật. Khi tôi suy nghĩ đến trình độ học vấn của một người giúp việc thì tôi cảm thấy điều đó thật lệch lạc. Chúng tôi được học rằng tâm lý nhân vật mới là quan trọng.” Nữ sinh viên, trước đó đã học qua khoa Xã hội học tại Đại học Nice đã khám phá về nhà xã hội học Bourdieu và thuyết về khác biệt xã hội của ông. Caroline đã ứng dụng thuyết này cho chính mình khi bản thân cô có cha mẹ là những người di dân.

Caroline – nhà giả kim của đời tha hương

Căn bếp tuổi thơ của Caroline đa dạng về hương vị: mẹ cô đã rời Việt Nam năm 1956, còn gia đình cha cô là những Pháp kiều hồi hương từ Algeria theo đạo Do Thái, mỗi thành viên có khẩu vị riêng của mình… “nhưng tất cả đều ngồi cùng bàn ăn!”, Caroline Guiela Nguyễn, sở hữu khuôn mặt duyên dáng cùng mái tóc đen tuyền, thích thú cho biết với một nụ cười luôn nở trên môi. Ở tuổi 36, nữ đạo diễn, nay là thành nghệ sĩ thường trực tại Nhà hát quốc gia Odéon, đã “rèn giũa” tác phẩm của mình như một nhà giả kim với lối dàn dựng tinh tế, phối hợp tất cả các gia vị có trong hai nguồn gốc xuất thân của mình. “Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy cần đưa lên sân khấu tính đa dạng mà tôi quan sát được xung quanh mình. Cách đơn giản nhất để thể hiện sự khác biệt này là kết hợp những người không cùng độ tuổi với nhau, không cùng nền tảng văn hóa và tín ngưỡng”.

Năm 1996, Caroline theo mẹ về Việt Nam lần đầu tiên. Khi ấy, cô mới 15 tuổi. Cô trở về “quê mẹ” trong khi không hề biết tiếng Việt – “tiếng mẹ đẻ”, gặp gỡ những người họ hàng của mẹ, những người có khuôn mặt giống mẹ cô nhưng lại có cuộc sống hoàn toàn khác. Cảm giác vừa gắn bó vừa xa lạ đã đem đến sự xáo trộn mạnh mẽ trong tâm hồn cô gái trẻ. Cha mẹ cô bị ám ảnh bởi sự hòa nhập đến mức họ không dạy cho con cái ngôn ngữ của họ, bởi họ cho rằng, dạy cho con cái tiếng Việt là ngăn cản việc học tiếng Pháp. “Tôi đã tự nhủ một phần cuộc đời của mình thuộc về nơi đó… Mọi chuyện trở nên rất đáng sợ, tôi còn quá trẻ để hiểu được điều này, và tôi đã mất khoảng 20 năm để có thể tự nhủ rằng tôi trở lại nhưng tôi phải làm một điều gì đó. Và thế là “Sài Gòn” ra đời. Cũng may là tôi đã sáng tác vở “Sài Gòn”, bởi vì tôi nghĩ nếu không thì có lẽ tôi sẽ chẳng đến Việt Nam làm gì nữa. Tôi cảm nhận được mình có một sự kết nối với đất nước đó, nhưng khi đến đó, tôi lại thấy mình chẳng giống với những cô gái Việt Nam ở trong nước, và mọi người sống một cuộc sống quá khác với tôi, vì thế mà tôi đã ở trong tình cảnh yêu ghét lẫn lộn với đất nước này, tôi không biết đâu là vị trí của mình ở đó.”

Caroline Guiela Nguyễn đến Sài Gòn vào năm 2015 và 2016, trong khuôn khổ chương trình nghệ sĩ lưu trú Villa Sài Gòn của Viện Pháp tại Việt Nam, để hòa nhập thực tế, tìm hiểu và thu thập chất liệu để sáng tác nên vở kịch “Sài Gòn”. Trong hai năm đó, cô đã nhiều lần đi về Việt Nam, gặp gỡ những nhân chứng ở cả Việt Nam và Pháp. “Chúng tôi đã thu được những câu chuyện, và cả những âm thanh, hình ảnh, không khí và từ tất cả những thứ đó, câu chuyện của chúng tôi ra đời”. Chẳng hạn như cô tìm thấy trên trang bán hàng trực tuyến e-bay những bức ảnh cũ về một buổi vũ hội ở Sài Gòn năm 1955, trong một khách sạn lớn, “có lẽ là Majestic hay Continental, một trong những địa điểm mà các sĩ quan và binh lính Pháp hay lui tới, trong bức ảnh, người ta thấy những phụ nữ lai và rất nhiều người da trắng, câu chuyện được bắt nguồn từ đó”. Với bức ảnh này trong tay, những thành viên trong nhóm đã thu thập những kỷ niệm của người Việt Nam.

Bức ảnh cũ mà Caroline Guiela Nguyen đã tìm thấy trên trang e-bay

Cũng trong thời gian này, cô bắt tay vào việc chọn diễn viên cho vở “Sài Gòn”. Họ là người Pháp, người Việt và người Pháp gốc Việt. Vở kịch có sự tham gia của 4 diễn viên trẻ trường Đại học Sân Khấu và Điện ảnh. Mọi người không làm việc với một kịch bản có sẵn. Các diễn viên ứng tác trên sân khấu để tự đặt lời thoại cho vai diễn của chính mình. Chính khuôn mặt, cơ thể, trí tưởng tượng, những câu chuyện, ngôn ngữ… của họ mới làm cô quan tâm và dẫn dắt cô vào quá trình sáng tác vở kịch.

“Trí tưởng tượng đã giúp tôi đến với hiện thực cũng nhiều như chính hiện thực đã dẫn dắt tôi đến với tưởng tượng.”

Khi biết tên của nữ đạo diễn, Caroline Guiela Nguyễn, nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu vở kịch có phải là tự truyện của chính cô và gia đình cô? Nhưng Caroline luôn khẳng định “Sài gòn” không phải là tự truyện.

Những nhân vật có thật và không có thật, những câu chuyện thật và cả những chuyện hư cấu, tất cả hòa cùng nhau, để cùng cất lên tiếng nói của lịch sử, tiếng nói của những số phận con người. Caroline nói, đôi lúc, chính cô cũng không nhận ra đâu là hư cấu và đâu là thực tế, luôn có điều gì đó mơ hồ khiến cô tìm thấy được sự tự do trong tưởng tượng và cả tự do trong vở kịch của mình.

Caroline thường nói: “Vở “Sài Gòn” là một hành trình đầy nước mắt”. Đấy là những giọt nước mắt của sự trống vắng, những giọt nước mắt của sự ra đi, những giọt nước mắt của những người ở xa, của những người con thiếu vắng.

“Sài Gòn” thành công là vì vừa có tính kịch nghệ sâu sắc, vừa có sự chỉ đạo đối với các diễn viên, đồng thời còn có cảm xúc và lịch sử đan xen. Nhờ sân khấu kịch, khán giả hiểu hơn về những cột mốc lịch sử quan trọng, không phải chỉ để hát lại một ca khúc của quá khứ, mà còn để sống tiếp với hiện tại và hiểu được con người hiện tại. “Có những câu chuyện trong quá khứ mà bạn không bao giờ biết, nhưng chuyện này cũng rất thú vị vì nó cũng tạo nên những lỗ hổng. Những lỗ hổng không chỉ có những vết thương mà là khởi nguồn của trí tưởng tượng. Đó là những thứ mà tôi khám phá ra. Sau cùng thì trí tưởng tượng đã giúp tôi đến với hiện thực cũng nhiều như chính hiện thực đã dẫn dắt tôi đến với tưởng tượng".

Trong những khoảng trống ký ức đó, Caroline Guiela Nguyễn đã tìm được không gian tưởng tượng mà cô tái hiện với những cơ thể, những tiếng nói, những bài hát trên hành trình tìm về những ký ức giàu xúc cảm, ít diễn đạt thành lời nhưng khiến người xem vô cùng xúc động, như thể họ đã thực hiện một chuyến đi, cũng như đã hiểu được một phần của hiện tại.

Tiểu Vũ (Theo Phap.fr)


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025