Nhạc sĩ Thế Song tên thật là Nguyễn Thế Song, sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông là một trong những nhạc sĩ có nhiều bản nhạc về người lính, biên giới hải đảo, trong đó Nơi đảo xa là tác phẩm tiêu biểu được công chúng yêu thích nhất.
Các ca khúc Bài ca trên đỉnh Pò Hèn, Tình yêu bên suối và Nơi đảo xa đã mang về cho ông Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Nơi đảo xa được nhạc sĩ Thế Song viết từ năm 1979, thời điểm quân và dân ta đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trên dọc tuyến biên giới phía Bắc. Đó là năm thứ 5 sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19.1.1974 và bị cộng đồng quốc tế lên án.
Năm đó, nhạc sĩ Thế Song có chuyến đi thực tế đến Quảng Ninh, tình cờ gặp các chiến sĩ từ đảo Trường Sa trở về ở trạm X48 quân chủng Hải Quân. Hình ảnh những người lính biển và thực trạng của thời cuộc lúc đó đã thôi thúc ông viết lên ca khúc Nơi đảo xa với thông điệp vừa tha thiết vừa mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền biển đảo và tri ân những người chiến sĩ hải quân đã hi sinh vì đất nước. Bài hát viết ngay trong đêm sau cuộc gặp gỡ với các chiến sĩ hải quân và hoàn thành lời hai không lâu sau đó tại nhà riêng ở phố Hàng Bột (Hà Nội).
“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”. Cứ thế, những lời ca mang nhiều thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước trong giai điệu vừa ngọt ngào vừa tha thiết nhưng một bản tình ca.
Nơi đảo xa của được đánh giá là tác phẩm âm nhạc rất đặc biệt vì nhạc sĩ Thế Song không bị cuốn theo cách viết quen thuộc về người lính bằng những giai điệu hào hùng, thúc giục hiệu triệu như những ca vào thời điểm đó. Nhạc của ông đậm chất tự sự, như lời tâm tình chia của người lính trẻ. Trong đó một nửa hướng về đất liền với bao yêu thương nồng cháy, nửa còn lại hướng về những hòn đảo thiêng của tổ quốc ngoài khơi xa với quyết tâm bảo vệ đến cùng.
Sau khi ra đời vào năm 1979, Nơi đảo xa được phát các phương tiện truyền thông thời đó và công chúng đón nhận nồng nhiệt. Với các chiến sĩ hải quân, Nơi đảo xa được xem như bài hát truyền thống của lực lượng Hải quân Việt Nam.
Chuyện kể rằng, ngày đó nếu có tàu từ đất liền ra thăm đảo Trường Sa cập bến thì các chiến sĩ trên đảo cho phát bài hát Nơi đảo xa trên hệ thống loa phóng thanh như một lời chào đón.
Trong một cuộc trò chuyện trên báo chí, nhạc Thế Hiển, con trai út của ông Thế Song, kể lại: “Năm 1995, bố tôi ra thăm Trường Sa. Khi đó, đảo Trường Sa Lớn chưa có cầu cảng, tàu phải đỗ cách mấy trăm mét, anh em chiến sĩ đã lội ra và cứ hai người công kênh một người vào. Biết có tác giả Nơi đảo xa, các chiến sĩ đã công kênh nhạc sĩ Thế Song đầu tiên trong tiếng nhạc và lời ca của chính ca Nơi đảo xa".
Hơn 40 năm trôi qua, thời cuộc có nhiều biến động, chủ quyền biển đảo của tổ quốc trên Biển Đông chủ gặp nhiều thách thức, nhiệm vụ của các chiến sĩ hải quân trên các hòn đảo ngoài càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Vì điều đó, chúng ta sẽ cảm nhận sâu hơn những gì mà nhạc sĩ Thế Song đã gửi gắm.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Thế Song bị tai biến, liệt nửa người nhưng vẫn dành tình yêu lớn cho âm nhạc cho đến ngày qua đời vào năm 2018 tại quê nhà Hà Nội.
Di sản âm nhạc của nhạc sĩ Thế Song để lại sau khi qua đời gồm gần 600 ca khúc với nhiều chủ thể loại khác nhau. Nhìn lại lại sự nghiệp sáng tác của ông, chúng ta có thể khẳng định gần như Thế Song dành cả cuộc đời cho những ca khúc viết về quê hương biển đảo. Ngoài Nơi đảo xa, ông còn nhiều ca khúc khác như Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng ru...
Riêng với ca khúc Nơi đảo xa sáng tác năm 1979 cho đến nay vẫn còn nguyên sức sống, dường như chưa bao giờ cũ. Bài hát đã truyền lửa cho thế hệ trẻ quyết tâm gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo trên vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.
Mời bạn nghe ca khúc Nơi đảo xa qua giọng ca Trọng Tấn: