Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 – 1991), là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc.
Bắt đầu sáng tác khi 18 tuổi, phần nhiều những nhạc phẩm của Phạm Đình Chương được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam và cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này, các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như: Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng dân chài… Sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân…
Thời trai trẻ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương từng có cuộc hôn nhân “đẹp như mơ” với ca sĩ – diễn viên Khánh Ngọc, ngôi sao nức tiếng Sài Gòn. Ca sĩ Khánh Ngọc không chỉ sở hữu vẻ ngoài cuốn hút mà còn có giọng ca say mê lòng người và là mục tiêu săn đón của không ít đại gia thời ấy.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc lại kết thúc trong tai tiếng sau đó ít lâu. Báo chí Sài Gòn từng chấn động vì câu chuyện vị nhạc sĩ tài hoa đau đớn phát hiện người vợ đầu gối tay ấp ngoại tình với chính anh rể của mình và sau đó quyết định ly hôn, nhận nuôi con trai chung của hai người.
Chia sẻ về quãng thời gian tăm tối của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sau khi ly hôn, danh ca Phương Dung cho biết: “Tôi có mối quan hệ thân thiết với Hoài Bắc nên phần nào hiểu được cuộc sống riêng tư của ông. Giai đoạn những năm 1954-1956 là thời kỳ tăm tối nhất của Hoài Bắc. Khi đó ông không sáng tác gì chỉ chìm đắm trong đau khổ vì cuộc hôn nhân với người vợ cũ. Sau khi vợ bỏ đi Mỹ, ông một mình nuôi con, chỉ giao tiếp với gia đình và những người thân. Tôi thực sự ái ngại cho ông trong giai đoạn đó”.
Quãng thời gian đau khổ này của nhạc sĩ Phạm Đình Chương kéo dài khoảng 10 năm. Sau đó, nhờ bạn bè, người thân, nhạc sĩ Phạm Đình Chương dần nguôi ngoai. Đặc biệt, sự xuất hiện của người vợ mới đã khiến cho con tim Phạm Đình Chương vui trở lại:
“Thời gian là liều thuốc tốt nhất để chữa lành mọi vết thương của con người. Với một người yêu vợ thương con, hết lòng với gia đình như Hoài Bắc thì liều thuốc ấy phải uống khá lâu – 10 năm mới lành. Đặc biệt, sau khi gặp được người vợ mới, Hoài Bắc như tái sinh. Ông dần trở lại với cuộc sống. Được biết, vợ mới ông là một người rất đẹp người, đẹp nết và thương cảm cho hoàn cảnh của ông. Hai người sau đó sống hạnh phúc và có thêm mấy người con”, danh ca Phương Dung cho biết.
Tuy nhiên, có lẽ vì vết thương cũ vẫn hằn sau trong lòng, cho nên sau này, dù đã nguôi ngoai và có cuộc sống mới, Phạm Đình Chương vẫn khó quên được những nỗi đau cũ. Ông đem những kỷ niệm buồn về cuộc hôn nhân cũ vào các sáng tác sau này. Giai đoạn này ông viết được khá nhiều ca khúc như: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau…
Đặc biệt, Phạm Đình Chương cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)… Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca bất hủ là Hội trùng dương - viết về ba con sông Việt Nam: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Về người vợ mới sau này, danh ca Phương Dung cho biết, hai người sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên, có lẽ hài lòng với cuộc sống bình yên nên ông không viết tặng bà bất kì ca khúc nào.
Phan Phan