Nhà hoạt động nhân quyền 17 tuổi được đề cử ‘Giải thưởng Nobel nhi đồng’

08/03/2019 17:57
Nhà hoạt động nhân quyền 17 tuổi được đề cử ‘Giải thưởng Nobel nhi đồng’

Nada Al-Ahdal đã bỏ chạy để tìm kiếm sự an toàn. Cô lẻ loi chống chọi với gia đình, những người đã cố gắng gả cô bằng vũ lực khi cô chỉ mới 10 tuổi. Cô mang giày của cha mình và bỏ lại quá khứ đau khổ phía sau, mà không biết rằng cô sẽ là lý do cho chuyện giải phóng các cô gái Yemen khỏi các hủ tục.

Nada Al-Ahdal, người sống ở thành phố Al-Hodeidah, là đứa trẻ Yemen đầu tiên chống lại hôn nhân vị thành niên trên toàn cầu. Cô đã giành được thiện cảm trên toàn thế giới và gần đây, được đề cử Giải thưởng Nhi đồng thế giới (World's Children's Prize), thường được truyền thông gọi là “Giải thưởng Nobel Nhi đồng” (Children’s Nobel Prize). Nỗi đau khổ của Nada bắt đầu khi gia đình cô quyết định vào năm 2013 gả cô cho người đàn ông, người mà chị gái cô đã từ chối lấy làm chồng sau khi tự thiêu.

Nada Al Ahdal với các bạn học sinh tại một trường học Yemen

Năm 11 tuổi, cô quyết định trốn khỏi nhà để tìm đến chú Abdel Salam Al-Ahdal, người mà cô thấy là vị cứu tinh duy nhất của mình. Thật không may, Nada đã không tìm thấy chú do chú đang đi du lịch vào thời điểm đó. Cô quyết định đến nhà bạn và quay một đoạn video dài 2 phút gửi cho chú để thông báo với ông ấy về những áp lực mà gia đình đã tròng vào người cô. Video được đăng trên YouTube, nhận được 8 triệu lượt xem và được dịch sang 40 ngôn ngữ chỉ trong 3 ngày.

Nada Al Ahdal với chú của mình, Abdel Salam Al Ahdal

Sau đó, Nada biết gia đình cô đã nộp đơn kiện nói rằng cô bị bắt cóc, vì vậy cô đã nhờ đến Bộ Nội vụ ở thành phố Sana’a yêu cầu bảo vệ. Sau khi chú cô xem video, ông khẩn trương đến Sana’a để tìm Nada. Hợp đồng hôn nhân bị hủy bỏ và ông buộc gia đình cô phải ký một văn bản không gả Nada trước khi cô 18 tuổi. Cô cũng được chú giám hộ.

Nada Al Ahdal trong video đăng trên YouTube

Nada đã tìm cách thay đổi hiện tượng kết hôn ở trẻ vị thành niên thông qua sự kiên trì và không tuân theo các truyền thống man rợ. Cô được khuyến khích thành lập Quỹ Nada để bảo vệ quyền trẻ em. Nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi đã xuất bản một cuốn sách “Nada Al Ahdal” nhằm chia sẻ câu chuyện của cô. Cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ba Lan và dự kiến ​​sẽ được dịch sang 7 ngôn ngữ khác.
Mê Linh - Ảnh: Internet


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 14/09/2024