Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho việc thiện

21/12/2020 08:00
Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho việc thiện

Trước thử thách chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" hết kinh phí để hoạt động hay bản thân bị vu khống, nhà báo Thu Uyên luôn giữ thái độ điềm tĩnh để làm việc, giống như cách 14 năm qua chị vẫn tận tuỵ, chỉn chu. Hơn thế, dù bất cứ điều gì xảy ra, chị vẫn đặt niềm tin lớn vào lòng người và sự tử tế.

Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho VIỆC THIỆN  - Ảnh 1.

Nhân duyên nào đã gắn kết chị và chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", thưa chị?

Phải nói đúng là ở Việt Nam, trước khi chương trình của chúng tôi xuất hiện, chưa từng có những hoạt động đoàn tụ người thân nào, đơn thuần chỉ có thông báo tìm người thân trên các đài báo mà thôi. Chẳng hạn, có người nhận ra thì họ cũng không biết làm thế nào để liên lạc được với người thân, không có hệ thống chính thức nào xử lí được thông tin tiếp nhận, hỗ trợ người bị thất lạc... 

Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho VIỆC THIỆN  - Ảnh 2.

Tôi thấy việc này cần phải được tiến hành cấp bách. "Như chưa hề có cuộc chia ly" thực tế là một hoạt động xã hội, nhân đạo, không thể biến thành dịch vụ thám tử, cũng không thể chỉ cung cấp thông tin mà phải xử lí thông tin sau đó. Đó là lý do chương trình ra đời.

Năm 2005, tôi đã đề đạt với đài nên "Như chưa hề có cuộc chia ly" tuy ở dưới hình dạng một chương trình truyền hình nhưng hướng phát triển lại không giống một chương trình truyền hình bình thường. Tôi cũng đồng ý với VTV là chương trình sẽ tự vận hành chức năng tìm kiếm.

"Như chưa hề có cuộc chia ly" hiện tại đang kêu gọi hỗ trợ tài chính từ cộng đồng, phải không chị?

Chương trình của chúng tôi luôn luôn nhận được giúp đỡ chứ không phải bây giờ mới được quan tâm và ủng hộ. Những sự giúp đỡ đến từ mọi nơi, bất cứ nơi nào chúng tôi đặt chân đến. Một chương trình có cái tên dài ngoằng, không phải ai cũng xem, nhưng kì lạ là tất cả mọi người đều biết đến. Chúng tôi đi công tác, cứ nói "Như chưa hề có cuộc chia ly" là mọi người giúp đỡ tận tình, đầy yêu thương và ấm áp.

Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại không giống giai đoạn trước. Vì chúng tôi chưa từng công khai đề nghị mọi người giúp đỡ nên có thể nhiều người nghĩ rằng chương trình hoàn toàn thuộc về hoạt động của đài truyền hình hoặc ngân sách từ một tổ chức nào đó. Thực chất, chúng tôi phải tự lo toan, gồng gánh hết.

Bản tính của tôi là rất ngại làm phiền người khác, ngay cả lúc khó khăn. Đến giờ, nhiều bạn bè nói với tôi rằng nếu vẫn giữ quan điểm không muốn nói ra lí do của mình thì chấp nhận cảnh đóng cửa thôi. Cuối cùng, với sự góp sức của mọi người, tôi mới có dũng khí bày tỏ: "Vâng, chúng tôi cần sự giúp đỡ, sự giúp đỡ ấy li ti, cụ thể như từng cái bánh mì một, từng 20.000 đồng vậy".

Khi nói vậy, tôi phải bỏ cái tự ái, nỗi thẹn của mình đi. Tôi hiểu mình đâu có xin cho cá nhân và đặc biệt chẳng làm gì khuất tất, cần phải che giấu cả. Thế nên, mới kêu gọi 6 ngày, chúng tôi đã được mười mấy ngàn người ủng hộ. Có trường hợp ủng hộ mười mấy nghìn đồng, chúng tôi vô cùng trân trọng, thương quý. Tôi cảm nhận được sự ủng hộ ấy lớn và cụ thể đến nhường nào. Nếu mô hình này thành công, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một mô hình mọi người không chỉ giúp nhau lúc cấp bách, bĩ cực như lũ lụt thiên tai, mà có những lúc mọi người cũng giúp nhau ở những nỗi đau dai dẳng hơn, khó nhìn thấy hơn.

Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho VIỆC THIỆN  - Ảnh 3.

Chị mất bao lâu để trút bỏ những "tảng đá" đè nặng trong lòng? 

Tính tôi không thích vay nợ hay xin ai cái gì, bạn bè đều biết cả. Lúc khó khăn nhất, chỉ có một vài người bạn đặc biệt thân thiết hoặc bố mẹ được biết và có thể giúp tôi. Ngay cả việc nhận hoa hay quà cáp đối với tôi cũng là một gánh nặng nên việc đi kêu gọi hãy giúp chúng tôi 20.000 đồng/tháng không hề dễ. Chương trình cũng đã mấy lần hết kinh phí để hoạt động.

Tôi nhớ một lần mình đến quỹ Thiện tâm của Vingroup, tôi rất e thẹn và anh Cường - Chủ tịch quỹ - nói một câu mà tôi ghi nhớ mãi dù quỹ không giúp được: "Cô đi xin tài trợ, cô đừng bao giờ xấu hổ. Không việc gì phải thẹn cả vì cô đi xin cho hoạt động nhân đạo của cô mà. Đang đi làm thiện nguyện, phải bỏ tâm bỏ sức, thì tại sao cô phải ngượng? Cô có thể nói, có thể bày tỏ để người khác cùng tham gia."  

Dần dần, 2 năm sau, tức là tới bây giờ, tôi mới áp dụng lời dặn từ người thầy của mình. Tôi luôn nhắc nhở về tư thế, tâm thế của mình: mình đi xin nếu cho cá nhân thì rất nhục nhưng mình đang xin cho một hoạt động mà, trong đó có rất nhiều người được hưởng lợi - những người nếu không có "Như chưa hề có cuộc chia ly" thì sẽ không có ai giúp họ. Mình đang làm việc tốt; thêm nữa, bạn bè nói với tôi rằng trời cho tôi được cái may mắn làm chương trình này, người khác muốn mà đâu có được!

Tôi luôn ghi nhớ. Cũng nhiều người muốn xin làm cái này cái kia trong chương trình, tôi nói luôn: "Chỗ bọn chị không có tiền, không ai thuê các em cả. Nếu các em tham gia ở đây thì bọn chị chỉ có thể tặng lại em việc tham gia thôi". Vậy đấy, bây giờ tôi được tham gia vào "Như chưa hề có cuộc chia ly" là may mắn của tôi và những người được tham gia cũng là may mắn cho họ nếu họ cảm nhận được. 

Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho VIỆC THIỆN  - Ảnh 4.

Sự xuất hiện của các chương trình giải trí ngày càng nhiều và cũng được quan tâm hơn trên sóng truyền hình, liệu có khi nào chị cảm thấy tủi thân chưa?

Tôi chả tủi thân đâu vì ngay từ đầu tôi đã nói với đài truyền hình là "cho em giờ phát sóng này để thực hiện "Như chưa hề có cuộc chia ly". Hơn nữa, vì là chương trình hoạt động xã hội nên tôi phải đảm bảo nó tự sống được chứ. Ngay từ đầu có cam kết như thế nên tôi chả có gì tủi thân.

Tôi rất tự hào là mình làm trong đài truyền hình, tuy không phải cứ nghĩ ra chương trình nào là được sử dụng kinh phí của đài để thực hiện, nhưng tôi lại được làm điều mà mình thích, việc mình thực sự quan tâm, việc mình thấy có ích. VTV đối với tôi rất tử tế, ngần ấy năm, không hạn chế tôi một việc gì, không bắt tôi họp hành, không đe nẹt về kịch bản, dành cho tôi sự tin cậy, tín nhiệm. Bạn biết không, một chương trình phát sóng trực tiếp có thể gặp rất nhiều chuyện bất ngờ. Ấy vậy mà tôi được làm live từ ngày đầu đến bây giờ. Tôi thực lòng rất biết ơn. 

Tôi chỉ tủi thân là mình phải nói ra thì mới có người hiểu. Nhiều lúc mình quá bận để đi tìm kiếm thông tin, kết nối dữ liệu từng những mảnh ghép mơ hồ, mình không nói ra nên chẳng ai hiểu. Về niềm tin, nói thật, có những lúc tôi rất bi quan vào lòng người. Tôi thấy rằng người ta thích tin vào điều xấu, thích tin vào sự vội vã, một kẻ nói xấu tôi dù trơ trẽn đến thế nhưng vẫn có người thích bôi ra, vẫn tin vào. Bản thân tôi không có thời gian, và cũng không đủ tầm cỡ để cất công giải thích những điều đó. Tôi chẳng quan tâm người ta nói gì về mình đâu, tôi sống sung sướng với cuộc sống riêng của mình. Nhưng động đến "Như chưa hề có cuộc chia ly" giống như động đến con ngươi của tôi vậy. Vì thế, tôi sẽ phải có cái cách xử lí nhưng cách của tôi đường hoàng chứ không bẩn thỉu như những người muốn nghĩ xấu về cá nhân tôi hay chương trình.

Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho VIỆC THIỆN  - Ảnh 5.

Nhân tiện, đã có không ít lời chỉ trích, phàn nàn trong hành động Thủy Tiên giúp đỡ bà con ở vùng rốn lũ miền Trung. Bản thân chị có suy nghĩ gì không?

Trước tiên, phải nói, thông qua đợt lũ lụt miền trung đó, tôi thấy được người Việt Nam quá giàu tinh thần tương thân tương ái. Tôi rất xúc động khi con số quyên góp cứ tăng lên từng ngày. Với một con số như vậy, tôi đánh giá, thật vĩ đại! Con số 170 tỷ làm tôi kính phục người Việt Nam hơn rất nhiều, cho tôi lấy lại niềm tin, giúp tôi đánh giá lại nhiều cái mình đã quên đi trong tính cách hay cách hành xử của người Việt Nam. 

Còn về Thủy Tiên, cá nhân tôi rất nể phục bạn ấy - một người dấn thân giữa bão lũ thiên tai, giữa bão tố của lòng người nhưng vẫn chăm chú, tập trung làm tròn trách nhiệm mà bạn ấy tự đặt ra cho mình. Người như thế là một người kiên định, đáng kính trọng. Khi nhìn một người làm được việc tốt như vậy, tôi hay tự hỏi là "Trời, mình có làm được không? Mình thật xấu hổ khi thấy những người khác ra tay nghĩa hiệp còn mình vẫn ở đây." Giai đoạn ấy, tôi đang chuẩn bị cho "Như chưa hề có cuộc chia ly". Tuy nhiên, tôi rất ghét những người ngồi nhà mà cứ bôi xấu những việc đó ra. Lòng tốt cần được nuôi dưỡng chứ, chẳng lẽ lòng tốt sinh ra là để bị soi mói rồi để nó chết à?

Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho những việc thiện. Nếu mình làm việc tốt thì mình phải tốt với những người đang làm việc tốt đã.

Nếu mình chưa làm mà đã nghĩ tới những khía cạnh xấu của việc đấy thì tôi đảm bảo mình sẽ chẳng bao giờ làm được việc tốt cả. Nếu mình không chuyển khoản thì làm sao mình biết nó đến đúng tay người cần nhận hay không. Còn nếu bạn đã chuyển khoản rồi và bạn nghi ngờ không đến tay người cần nhận thì đó là lựa chọn của bạn mà. Thế sao bạn lựa chọn mà bạn lại còn nghi ngờ sự lựa chọn của bạn?

Tôi thực lòng kính trọng tất cả những người làm việc tốt. 

Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho VIỆC THIỆN  - Ảnh 6.

Cá nhân chị có tin vào nhân quả không, thưa chị?

Tôi chưa bao giờ hỏi mình về câu hỏi ấy. Tôi không muốn ai bị trừng phạt, tôi chưa căm giận ai đến mức mà "Ồ rồi mày sẽ gặp quả báo". Tôi đơn giản không quan tâm, thế là hết. Đối với tôi, đó là hình phạt lớn nhất rồi. Cho nên tôi không nghĩ đến nhân quả, khái niệm đó không nằm trong tầm mắt của tôi.

Từ khi bắt đầu vào nghề, chị đã bao giờ thay đổi quan điểm về công việc chưa?

Trong nghề báo, tôi được mài sắc thêm những gì mình đã nghĩ. Tôi cho rằng những sản phẩm báo chí phải là những sản phẩm có ích cụ thể. Những gì mình viết nên chỉ để cho có viết hoặc chỉ vì niềm vui cá nhân thôi thì đó không phải sản phẩm báo chí. 

Quan điểm về nghề của tôi không thay đổi, tôi luôn trung thành với một quan điểm về báo chí và cũng từng nói nhiều lần: báo chí phải giúp cho những tiếng nói nhỏ nhất đến được với nhiều người. Ví dụ, tiếng nói nhỏ nhất có thể xuất phát từ một người đã rất nổi tiếng nhưng mình khai thác được khía cạnh mà người ta khó nói, chứ không nhất thiết cần phải là những người chưa bao giờ lên truyền thông. Cái gì chưa được nói nên tìm cơ hội để nói, tìm cách để nói ra. Những nỗi đau cũng vậy, và nỗi đau ly tán thể hiện rõ việc người ta không có chỗ để nói, không nghĩ đến việc cần nói.

Nhà báo Thu Uyên: Những người chỉ soi mói mới chính là người khó mở hầu bao cho VIỆC THIỆN  - Ảnh 7.

Chị quan niệm thế nào về hạnh phúc và nỗi đau?

Tôi không quá bận tâm thế nào là hạnh phúc. Tôi là người dễ hạnh phúc. Và tôi chỉ thấy nỗi đau sờ sờ trước mắt thì mình phải cảm nhận ngay. Bất cứ một ai có trái tim, có sự nhạy cảm đều không cần định nghĩa về nỗi đau mà người ta nhìn thấy nó rõ.

Còn hạnh phúc, mỗi người một cảm nhận, tôi không bình phẩm. Trong công việc của tôi, sự đoàn tụ, sum họp chính là hạnh phúc. Trong cuộc sống, hạnh phúc của tôi đơn giản lắm. Tự dưng hôm nay trời nắng đẹp, hôm nay tôi trồng một cái cây, con mèo nhà tôi khỏe hay những người tôi quan tâm đều khỏe mạnh là tôi dạt dào hạnh phúc rồi…

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Ninh Linh.
Thiết kế: Hoài Linh.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024