Nguyễn Bính: Nhà thơ có tâm hồn 'Hoa cỏ May'

23/07/2018 11:23
Nguyễn Bính: Nhà thơ có tâm hồn 'Hoa cỏ May'

Ngày 21.7, tại TP.HCM, Viện Văn học và Đại học Văn Lang đã tổ chức Buổi hội thảo khoa học "Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 2018)".

Đến dự buổi hội thảo có GS Trần Đình Sử; PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học; PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học; Ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Văn Lang...

Đặc biệt, tại hội thảo còn có sự có mặt của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái của nhà thơ Nguyễn Bính, người thực hiện công trình sưu tầm và ra mắt Nguyễn Bính toàn tập.

Ông Bùi Quang Độ, phát biểu khai mạc Hội thảo "Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 2018)" - Ảnh: Thiên Hà

Nhà thơ Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính) sinh ra trong một gia đình nghèo, không được đi học và chỉ biết chữ qua sự chỉ dạy của cha và anh. Mới hơn 10 tuổi, ông đã cùng anh trai là Nguyễn Mạnh Trức ra Hà Đông ăn học, kiếm sống. Chính những điểm này cho thấy ông là một tài năng thiên phú, khi chỉ mới 13 tuổi ông đã đoạt giải Nhất thi thơ tại phủ Giáp Ba, Vụ Bản.

Tài làm thơ của ông được người đương thời ca tụng là "kẻ xuất khẩu thành chương". Dù phương pháp so sánh tiểu sử ngày nay không còn quá đắc dụng, nhưng nó cũng phần nào cho thấy hành trạng cũng như sự nghiệp văn học của ông.

Thông thường, để nhận xét về một nhà thơ, một thi sĩ tài hoa, thật khó có thể dùng những mô tả của người đời mà ta có thể trông cậy vào sự tự vấn của chính thi sĩ ấy. Với Nguyễn Bính cũng vậy, khi chính ông đã tự nhận mình là người có tâm hồn "Hoa cỏ May".

"Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều gió cả bám đầy áo em".

Rõ ràng tính "hương đồng gió nội" trong thơ của Nguyễn Bính là quá lớn, nó lớn hơn tất cả những thứ khác nhưng nó không phải là tất cả, nó chỉ làm tôn lên hơn vẻ đẹp hiện đại trong thơ của ông mà thôi.

“Phía sau vẻ truyền thống ấy, Nguyễn Bính vẫn là người luôn kiên cường, bản lĩnh và thích bứt phá. Ông như kẻ nằm giữa truyền thống và hiện đại. Đúng hơn, Nguyễn Bính đến với hiện đại từ truyền thống và là nhà thơ hiện đại của truyền thống. Đôi khi cốt cách lãng mạn của ông cũng pha chút phong thái kẻ sĩ lang bạt kỳ hồ, nhưng không nhiều. Cùng được coi là cao thủ thơ tình nhưng Xuân Diệu táo bạo, nhiều câu mệnh lệnh thức, giục giã và chủ động thì Nguyễn Bính nghiêng về... bị động. Thơ ông ăn điểm ở sự e ấp ấy. Tình thân và văn hóa quê hương vừa là điểm xuất phát nghệ thuật, vừa là chốn đi về, nơi trú ngụ của linh hồn, dù thân xác đã lăn lóc nơi gió bụi phương xa...”, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học nhận xét.

Thơ của Nguyễn Bính là một khối thống nhất, hài hòa giữa tính hiện đại và sự "chân quê", nó "chạm đến linh hồn làng mạc" của người đọc, khiến mọi người nhanh chóng, dễ dàng chấp nhận thơ của ông. Chính vì vậy, theo GS-TS Nguyễn Đăng Điệp thì Nguyễn Bính cùng với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận là "tứ bất tử" của phong trào Thơ mới.

“Cha tôi đã là người của ngàn xưa tính đến nay hơn nửa thế kỷ. Sự nghiệp thi ca để lại được thử thách với bao thăng trầm của đời sống nhưng nhân dân trước sau vẫn dành trọn vẹn cho ông một tấm lòng thủy chung, son sắt. Tôi cảm ơn số phận vinh quang và cay đắng đã làm nên nhà thơ Nguyễn Bính sống mãi với thời gian, quê hương đất nước. Ân tình của các thế hệ bạn đọc đã nâng cánh cho thơ cha tôi vượt qua sự hữu hạn của một kiếp người để chạm vào cõi bất tử...”, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu bùi ngùi xúc động nói về sự nghiệp của cha mình.

Chưa hết, thơ Nguyễn Bính còn có một phần cho thấy ông có một tình cảm yêu thương sâu sắc với miền Nam, đó cũng chính là lý do TP.HCM được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện tưởng nhớ 100 năm ngày sinh của ông.

“Điều được ông gửi gắm trong nhiều tác phẩm: Đêm sao sáng, Đôi mắt, Lá thư, Xuân nhớ miền Nam, và đặc biệt bài thơ dài Gửi người vợ miền Nam với rất nhiều kỷ niệm riêng tư và ước mơ đoàn tụ chưa thành đã cho thấy Nam bộ có vị trí đặc biệt trong đời thơ đồ sộ của ông”, PGS-TS Võ Văn Nhơn phát biểu tại hội thảo.

Thông qua buổi hội thảo, những tư liệu mới về hoạt động văn học của Nguyễn Bính cũng như sự đa dạng, phong phú của thơ Nguyễn Bính qua các giai đoạn lịch sử khác nhau và bản sắc văn học trong thơ Nguyễn Bính cũng như tìm hiểu giai đoạn nhà thơ trở ra Bắc và làm báo Trăm hoa… được trình bày, thảo luận và trao đổi.

Nhân Hội thảo lần này, trường Đại học Văn Lang phối hợp với Viện Văn học cũng đã xuất bản cuốn kỷ yếu ''Trăm năm Nguyễn Bính – Truyền thống và hiện đại'' gồm 47 trong số 70 tham luận được chọn để tiếp cận và khám phá những sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bính từ nhiều phương diện (lý luận, phê bình, văn học so sánh, ngôn ngữ…) do NXB Hội nhà văn phát hành.

Thiên Hà


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 2, 16/09/2024