Đỉnh Manaslu là đỉnh núi được người Nepal và dân leo núi gọi là The Killer (Sát thủ) vì yếu tố phức tạp của thời tiết cũng như độ khó. Vì thế, khi lên với đỉnh này tôi xác định tâm lý thoải mái nếu không chinh phục được ngọn núi thì cũng chinh phục được chính mình.
“Tôi muốn tìm một thử thách lớn hơn”
Trong hành trình của mình, anh Nguyễn Mạnh Duy đồng hành cùng Temba Bhote, một hướng dẫn viên leo núi bản địa (sherpa) ở dãy núi Himalaya có nhiều kinh nghiệm khi đã 10 lần leo đỉnh Everest. Họ đã chinh phục thành công đỉnh núi "khó nhằn" một mạch từ ngày 19/9 mà không cần rotation (không trải qua quá trình thích nghi độ cao).
Cơ duyên và động lực để anh Duy muốn thử sức mình với ngọn Manaslu 8163m cao thứ 8 thế giới đó là cả một quá trình trước đó anh đã thử sức với nhiều mức trekking và leo núi khác nhau.
“Từ chục năm trước tôi đã đi lên các vùng cao của Nepal nói riêng và Himalaya nói chung, tôi yêu các vùng đất của xứ sở này, càng ở trên cao văn hoá của người dân bản địa càng riêng biệt. Các ngọn núi từ 6500 đến gần 7000m trong đó có những đỉnh núi khó như Mt Ama Dablam tôi đều đã đi lên đỉnh thành công”- anh Duy chia sẻ.
Khi đã từng chinh phục nhiều đỉnh núi cao khác nhau, anh Duy muốn tìm một thử thách lớn hơn cho mình và Mt Manaslu là ngọn núi quá nổi tiếng ở Nepal, ngọn núi trong văn hoá người bản địa rất quan trọng. Anh cũng muốn Manaslu là sự chuẩn bị quan trọng cho Everest vào sang năm.
Chia sẻ về hành trình để chinh phục được đỉnh Manaslu là một hành trình dài đi từ mốc độ cao trên dưới 2000m.
Đầu tiên chúng tôi mất 4 ngày để đi đến Trại chính Base Camp của Manaslu nơi năm nay có tới gần 400 người leo núi từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về để thử sức với ngọn núi này. Hành trình đi dần lên cao là một hành trình đẹp, cảnh sắc thiên nhiên thay đổi, khí hậu và con người cũng đổi khác theo từng mốc độ cao.
Anh Duy chia sẻ, con người vẫn luôn khiến anh ấn tượng nhất trong suốt hành trình ấy. Từ mốc Base Camp đi lên đỉnh lần này anh có một quyết định khá tạo bạo thậm chí có thể coi là liều lĩnh, đó là đi thẳng lên đỉnh trong 4 ngày mà không quay vòng (rotation). Quay vòng là một thuật ngữ trong leo núi trong đó người leo đòi hỏi phải có quá trình lên chưa tới đỉnh (camp 2, camp 3) sau đó quay lại về Base camp để có thời gian thích nghi độ cao. Đi thẳng từ Base Camp 5000m lên đỉnh 8163m là rất khó vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đã thành công với chiến thuật không quay vòng, anh Duy không khuyên những người khác leo núi làm theo việc này.
“Tôi may mắn và thành công với kế hoạch đi táo bạo này nhưng lần leo núi tiếp theo chắc chắn tôi cũng sẽ không lặp lại việc đi quá nhanh như vậy. Cảm giác chạm đỉnh là cảm giác rất khó tả nhưng tôi có thể dùng hai từ "Tái sinh" để nói về sự kì diệu của cảm xúc khi đã vượt qua được chính mình”- anh Duy chia sẻ.
Đoạn này trên đường Camp 1 đến Camp 2 Manaslu hơi giống với Everest |
Sẽ đi Everest- nóc nhà thế giới vào mùa xuân năm 2025
Sau khi hoàn thành hành trình Manaslu, Nguyễn Mạnh Duy chia sẻ, đây là một đỉnh núi không chỉ cao 8163m, thứ 8 thế giới, mà còn rất khó chinh phục vì nhiều tuyết. “Ngay hôm chúng tôi đi lên đỉnh chúng tôi cũng gặp mưa tuyết nhẹ có những đoạn tuyết rơi dày đến nửa cẳng chân rơi rất khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi phải đi xuyên từ chiều hôm trước đến tối muộn hôm sau hơn 24 giờ liên tục trong ngày để lên đỉnh. Việc lên đỉnh đã khó nhưng xuống còn gian nan hơn vì xuống là lúc thông thường các nhà leo núi bị kiệt sức” .
Nói về kế hoạch tiếp theo, anh Nguyễn Mạnh Duy chia sẻ, đỉnh núi tiếp theo mà anh sẽ đi là Everest nóc nhà thế giới vào mùa xuân năm 2025, cũng chỉ khoảng 6-7 tháng nữa là mùa leo Big E diễn ra.
Chia sẻ kinh nghiệm về những chuyến leo núi cao hàng nghìn mét thực sự khó leo, anh Nguyễn Mạnh Duy cho rằng, để chuẩn bị cho những đỉnh núi trong nhóm 14 summit (14 đỉnh núi cao trên 8000m của thế giới) cần có một quá trình làm quen với môn leo núi độ cao từ việc trekking lên các độ cao trên dưới 5000m trước. Tiếp theo đó có thể tăng dần độ khó với các mốc 6000-7000m là những mốc bắt đầu yêu cầu phải dùng các công cụ dụng cụ chuyên biệt để leo núi. Tuy vậy, điều cần chuẩn bị kĩ nhất vẫn là tâm lý, tâm thế cũng như tích luỹ kinh nghiệm một cách từ tốn nhất, chậm chắc nhất.
“Leo núi đúng là môn thể thao yêu cầu nhiều yếu tố trong đó đề cao sự chiến thắng, vượt qua chính mình. Đỉnh Manaslu là đỉnh núi được người Nepal và dân leo núi gọi là The Killer (Sát thủ) vì yếu tố phức tạp của thời tiết cũng như độ khó. Vì thế, khi lên với đỉnh này tôi xác định tâm lý thoải mái nếu không chinh phục được ngọn núi thì cũng chinh phục được chính mình”- anh Duy nói.
Việc trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục Manaslu của Nguyễn Mạnh Duy sẽ truyền cảm hứng đến những ai yêu thích và muốn chinh phục những đỉnh núi cao của thế giới.
Anh Duy tin những người trẻ Việt Nam trong những năm tới sẽ ngày càng tìm đến môn leo núi nhiều hơn và học được rất nhiều từ leo núi vì hiện tại phong trào trekking và du lịch trải nghiệm ở trong nước đang phát triển.
"Học từ thiên nhiên và con người bản địa là bài học mà tôi luôn cố gắng hoàn thiện sau mỗi chuyến đi điều đó mang lại cảm hứng và tình yêu dành cho các ngọn núi và các vùng đất. Và từ tình yêu đó thì chúng ta tự tìm đến và đi để học được những kĩ năng"- anh Duy chia sẻ.