Trong nhiều năm, người mẫu thời trang không phải hình ảnh đại diện cho những phụ nữ thông thường. Họ là hình ảnh đại diện cho phụ nữ "nên trông như thế nào" để được coi là hấp dẫn. Tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ nói chung được tạo ra bởi các người mẫu. Hình ảnh của các người mẫu trên tạp chí được coi là hình mẫu lý tưởng của nhiều cô gái.
Những người mẫu size 0, siêu gầy đã thống trị thế giới thời trang trong nhiều năm và thậm chí nhà thiết kế thời trang huyền thoại như Karl Lagerfeld còn nổi tiếng với tuyên bố: "Không ai muốn nhìn thấy những người mẫu có thân hình đầy đặn".
Ed Razek, cựu giám đốc tiếp thị của Victoria's Secret từng nói rằng buổi trình diễn thời trang của hãng giống như một "ảo ảnh, ảo giác". Vì vậy họ sẽ không đưa người mẫu chuyển giới hoặc thừa cân lên sàn diễn. Mặc dù thương hiệu đã đưa siêu mẫu Barbara Palvin vào buổi trình diễn với tư cách là "người mẫu ngoại cỡ" bởi vì cô mặc váy size 7,5. Tuy nhiên vóc dáng của người đẹp là hoàn toàn bình thường trong cuộc sống.
Trong nhiều năm, các người mẫu đã cố gắng để ép cân và đưa mình về một vóc dáng vô cùng gầy gò. Nhiều người trong số họ mắc chứng rối loạn ăn uống, một số ít thậm chí tử vong vì chán ăn. Nhiều người mẫu có suy nghĩ rằng đây là cách duy nhất để trở thành một người mẫu hàng đầu và với họ, ngay cả việc ăn uống lành mạnh và có cơ bắp cũng là một vấn đề.
Tới năm 2007, thương hiệu Prada đưa ra lệnh cấm đối với các mẫu size 0 và gần 10 năm sau, tập đoàn thời trang LVMH tiếp tục đưa ra lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các mẫu size 0. Tuần lễ thời trang Paris cũng không tuyển những người mẫu gầy gò để xuất hiện trong các show diễn.
Các thương hiệu thời trang "bình dân" cũng nhanh chóng thay đổi hình ảnh khi đưa người mẫu đủ mọi vóc dáng vào ảnh quảng cáo. Điều này cho thấy, các thương hiệu đang cố gắng hết sức để có thể trở thành đại diện hình ảnh cho những người phụ nữ bình thường.
Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, tổng biên tập tạp chí Vogue Anh Edward Enninful nói, ngành công nghiệp thời trang đã đạt được những bước tiến lớn để hướng tới sự toàn diện trong những năm gần đây và người mẫu siêu gầy không còn là chuẩn mực của sự hoàn hảo.
Edward Enninful, vị tổng biên tập có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp thời trang cho biết: "Ít nhất thì khi bạn nhìn vào tạp chí Vogue của tôi, bạn sẽ thấy mọi người mẫu đều được chào đón. Chúng tôi có người mẫu ở mọi hình dạng, mọi kích cỡ và mọi màu sắc".
"Những quy chuẩn nghiêm ngặt kiểu như "kích thước bằng 0 là kích thước hoàn hảo" đã không còn tồn tại nữa", Edward Enninful khẳng định.
Tổng biên tập của tạp chí Vogue Anh nói rằng ngành công nghiệp thời trang đã đi một chặng đường dài và có nhiều thay đổi về chuẩn mực so với thập niên 90 thế kỷ trước. "Có một quan niệm sai lầm cho rằng những người làm thời trang không ăn gì, điều đó không đúng. Ngay cả ý tưởng trở thành người mẫu cũng đã thay đổi. Bạn có thể lùn, bạn có thể béo, bạn có thể là người khuyết tật".
Enninful thừa nhận rằng ngành công nghiệp thời trang không hoàn hảo và nó đang thay đổi từ từ. Phong trào Black Lives Matter (mạng sống của người da đen cũng đáng giá) buộc các thương hiệu phải có trách nhiệm hơn và thuê những người mẫu đa dạng hơn. "Bây giờ đã có những cuộc trò chuyện mà người ta không thể nói cách đây khoảng 10 năm".
Enninful bắt đầu đảm nhận vai trò tổng biên tập tạp chí Vogue Anh vào năm 2017, thay thế vị trí của Alexandra Shulman, người đã dẫn dắt tạp chí này 25 năm trước.
Edward Enninful là tổng biên tập người Ghana của tạp chí Vogue Anh và giám đốc biên tập châu Âu của Condé Nast. Ông được bổ nhiệm làm giám đốc thời trang của tạp chí i-D của Anh khi mới 18 tuổi, vị trí mà ông đã giữ trong hơn hai thập kỷ. Sau đó, ông giữ các vị trí biên tập viên thời trang tại Vogue Italia và Vogue Mỹ cũng như giám đốc thời trang sáng tạo của tạp chí W.
Vĩnh Ngọc
Theo Perspect