Mỗi thứ hai, Jeong Jae-bong - làm việc trong lĩnh vực quản lý tài sản - đến văn phòng làm việc ở Seoul và nhắn tin cho khách hàng, người nhà, bạn bè vài lời tư vấn về các quỹ cùng cổ phiếu mới. Anh chia sẻ: “Mọi người ngày nay đều muốn biết làm thế nào để họ có được cuộc sống tốt hơn. Nhiều khách hàng của tôi nói tiền là cách thức duy nhất thông qua đầu tư cổ phiếu, bitcoin hay bất động sản”.
Câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và liệu tiền có mang lại hạnh phúc hay không có lẽ đã rất cũ. Nhưng tại Hàn Quốc, quan niệm xem trọng vật chất đang dần phổ biến rộng rãi.
Trong một khảo sát gần đây, Trung tâm nghiên cứu Pew khảo sát người dân tại 17 xã hội phát triển về việc họ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ đâu. Nằm trong số câu trả lời hàng đầu là gia đình với 14 xã hội lựa chọn, Đài Loan chọn xã hội, Tây Ban Nha chọn sức khỏe. Chỉ có Hàn Quốc đặt tình trạng vật chất tốt lên hàng đầu - câu trả lời khiến người ngoài khó hiểu nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với nhiều người Hàn Quốc (đặc biệt thế hệ trẻ).
Theo giới chuyên gia xã hội học, đây là kết quả của việc toàn bộ Hàn Quốc - từ xã hội đến cá nhân - ưu tiên kinh tế hơn gia đình suốt nhiều thập kỷ. Điều này bắt nguồn từ chính sách kế hoạch hóa gia đình thập niên 60 kèm theo thông điệp hạn chế sinh để giàu có sung túc.
Chi phí sinh hoạt tăng cao hiện nay càng khiến giới trẻ tin vào thông điệp nêu trên hơn. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng cùng thị trường bất động sản không kiểm soát được giá cả, đã biến việc mua nhà trở thành việc nằm ngoài tầm với của nhiều người, trừ tầng lớp giàu có. Thế hệ trẻ Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài ưu tiên sự nghiệp để kiếm đủ tiền tạo dựng một gia đình.
Trong bối cảnh như vậy, những người như Jeong ra sức đầu tư. Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc thống kê được tính đến năm nay, nước này có 50 triệu tài khoản ngân hàng - thể hiện rõ hoạt động đầu tư nhộn nhịp.
“Chúng tôi chẳng thể làm gì vì chúng tôi sống trong một xã hội tư bản - nơi chất lượng sống thay đổi theo số tiền có được”, Jeong nói.
Sự ra đời của chủ nghĩa vật chất
Vào khoảng thời gian số trẻ sinh ra tăng nhanh sau Chiến tranh Triều Tiên (những năm 1950) - tỷ suất sinh vượt quá 6, giới chức Hàn Quốc phải đau đầu tìm cách nuôi sống dân số ngày một mở rộng.
Dựa trên học thuyết của Malthus về dân số (dân số tăng theo cấp số nhân còn của cải vật chất chỉ tăng theo cấp số cộng), họ đề ra chiến dịch kế hoạch hóa gia đình vào năm 1962. Cùng với kế hoạch hóa gia đình còn có thông điệp “sinh quá nhiều con ảnh hưởng đến sự giàu có của gia đình”, Chủ tịch Hiệp hội Gia đình và Sức khỏe Hàn Quốc Kim Jee-youn cho biết.
Ông nói thêm: “Đất nước còn cho phép phá thai vì sự giàu có. Thúc đẩy kiểm soát sinh đẻ để vượt qua đói nghèo phản ánh rõ quan niệm xem trọng vật chất”. Chính sách này đã đạt thành công vượt trội: tỷ suất sinh thập niên 70 giảm xuống mức 4,5 và đến giữa thập niên 80 hạ xuống dưới mức 2.
Mới đây, tờ Chosun Ilbo đã đăng một bài xã luận nêu ra yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa vật chất trong thời hiện đại: giá bất động sản mất kiểm soát. Báo viết: “Giá bất động sản khiến những người không có khả năng mua căn hộ ngay cả khi họ gom góp mọi khoản tiền để dành được không vui, vì họ nghe thấy thông tin người khác trở nên giàu có hơn nhờ mua cổ phiếu, căn hộ hoặc tiền điện tử”.