`Suy nghĩ của ông Young-wook không chỉ riêng cá nhân, mà chung cho hầu hết các bậc phụ mẫu xứ sở kim chi.
Cuối tháng 3/2021, Hàn Quốc khiến thế giới bất ngờ vì báo cáo bất thường từ văn phòng thống kê quốc gia. Họ cho thấy, 54,8% người thuộc độ tuổi 30 – 40 chưa lập gia đình vẫn sống cùng nhà với cha mẹ.
54,8% nam nữ độc thân tuổi 30 – 40 Hàn Quốc vẫn "ở bám" nhà cha mẹ
Xét riêng trong độ tuổi 30, con số này cao đến 62,3%. Ở độ tuổi 40 thì thấp hơn, nhưng vẫn chiếm tới 44%.
Chưa hết, trong số những nam nữ độc thân "ở bám" này, 42,1% còn không có việc làm. Nói cách khác, họ không chỉ "ở bám" mà còn tiện thể "ăn bám". Xã hội Hàn Quốc gọi các đối tượng này là "Bộ lạc Kangoroo", ám chỉ "những đứa con đã trưởng thành vẫn phụ thuộc cả tài chính lẫn cảm xúc vào cha mẹ".
Trong số các phụ nữ độc thân vẫn sống cùng cha mẹ, 61,6% còn không quan tâm đến chuyện hẹn hò, kết hôn và sinh con. Họ tuyên bố, chỉ cần có cha mẹ là đủ.
61,6% chị em chưa chồng còn muốn khỏi kết hôn, sống với cha mẹ cả đời
Trước con số trên 50% nam nữ thành niên độc thân Hàn Quốc "ở bám", bạn đọc khắp châu lục suy đoán "lỗi tại Covid-19". Tuy nhiên, lùi về năm 2017 và xem lại báo cáo khảo sát cùng chủ đề do Ủy ban Lao động và Thu nhập Hàn Quốc (Korean Labor & Income Panel - KLIP) thực hiện, tất cả không khỏi ngỡ ngàng.'
Gần một nửa "Bộ lạc Kangaroo" còn là người thất nghiệp, sống dựa cha mẹ
Trong năm này, KLIP đã tiến hành khảo sát 6,3 triệu thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi 20 – 34. Họ cho biết, có đến 56,8% thuộc "Bộ lạc Kangaroo" và 25% là NEET (không bằng cấp, không việc làm, không thu nhập).
Đối với các bậc phụ huynh Hàn Quốc, che chở và chăm sóc con cái bất chấp tuổi tác là chuyện đương nhiên. Dù đứa con của họ còn bé hay đã đến tuổi tự lập, cũng không có ngoại lệ. "Nói thật lòng, làm sao mà tôi có thể để cậu quý tử của mình vất vả cho được," - Lee Young-wook, người cha 61 tuổi, sống tại Bundang, ngoại ô Seoul, bộc bạch. Con trai ông, Lee Jeong-kyu, 31 tuổi, vẫn sống cùng cha mẹ trong căn hộ chật hẹp, chỉ vừa đủ cho 3 người chui ra chui vào.
"Kangaroo" Lee Jeong-kyu, 31 tuổi và cha mẹ đã ngoài 60
"Bộ lạc Chuột túi vừa gây định kiến lên xã hội Hàn Quốc, vừa khiến kinh tế chậm phát triển hơn," - Kim Ji-gyeong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia (National Youth Policy Institute) than thở. Từ khi Hàn Quốc rơi vào cảnh thiếu thốn việc làm, các bậc phụ huynh lại càng bao bọc con cái, sẵn sàng trợ cấp từ ăn đến ở.
Theo Viện Giáo dục & Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc (Korea Institute of Child Care & Education), số lượng cha mẹ hỗ trợ tài chính cho con em trưởng thành liên tục tăng qua các thập niên. Mấy năm gần đây, dưới ảnh hưởng của Covid-19, số lượng thành viên "Bộ lạc Chuột túi" còn gia tăng chạm nóc.
Truyền thông đại chúng Hàn Quốc bày tỏ sự quan ngại trước thực trạng "ăn ở bám cha mẹ". Họ đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, clip những cha mẹ già vất vả, âu lo và đứa con trưởng thành vô tâm, lười nhác.
Xã hội Hàn Quốc thương cảm cha mẹ "Bộ lạc Chuột túi", trách móc những đứa con trưởng thành vô tâm
Có điều, khi đi sâu tìm hiểu thế giới "Bộ lạc Chuột túi", người ta nhận thấy một sự thật sáng sủa và đáng trân trọng hơn nhiều.
"Cha mẹ tôi lo sợ, sống bên ngoài quá nguy hiểm đối với con gái một thân một mình," - Song Jung-hyun, 36 tuổi, lên tiếng. Jung-hyun là giáo viên trung học, giảng dạy ở trường công lập trong thủ đô. Cô có cả công việc lẫn sự độc lập về tài chính, chỉ thiếu chưa lấy chồng. Cha mẹ Jung-hyun bảo con gái phải sống chung nhà, cho đến khi tìm được người đàn ông phù hợp và kết hôn.
Cô giáo Song Jung-hyun, 36 tuổi, độc lập tài chính tuyên bố "sống cùng cha mẹ là hạnh phúc"
Tương tự với Nang Yoon-jin, 33 tuổi, cô giáo khác ở Thủ đô Seoul. "Mẹ tôi vẫn gọi tôi dậy và bắt phải ăn sáng no nê rồi mới cho đi làm," – Nang Yoon-jin kể. So với thời sinh viên, cuộc sống ở chung với cha mẹ của Yoon-jin chỉ khác ở chỗ "phải đóng tiền sinh hoạt và điện nước". "Mẹ lúc nào cũng nhắc nhở, tôi phải lo tiết kiệm tiền bạc cho sau này lập gia đình," - cô nói thêm.
Cả Jung-hyun lẫn Yoon-jin đều thừa nhận, sống chung với cha mẹ thì cũng có lúc thấy tù túng. Tuy nhiên, họ khẳng định không quá để tâm vấn đề này. "Cha mẹ giúp tôi tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc," - Jung-hyun cho biết. "Khi tôi cần lời khuyên hay có chuyện muốn bàn bạc, tôi cũng chỉ cần gõ cửa một cái là họ có mặt ngay".
Nhờ ở cùng mẹ, Nang Yoon-jin, 33 tuổi, không cần thấp thỏm "mẹ già như chuối chín cây"
Trên tất cả, ở cùng cha mẹ cho phép Jung-hyun và Yoon-jin an tâm tuyệt đối. Nhờ luôn bên cạnh, họ theo dõi tình hình sức khỏe, hướng dẫn và giúp đỡ những việc cha mẹ chưa biết, không làm được, ví dụ như sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến…
"Ngày nay, độc lập về kinh tế và nơi ở là chuyện vô cùng khó," - Lee Chul-hee, giáo sư Đại học Quốc gia Seoul, giải thích. "Kể từ năm 2000, giá nhà khắp Hàn Quốc liên tục tăng mạnh, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Ngược lại, thị trường việc làm thì bất ổn, thu nhập cũng không tăng là bao. Chúng khiến cho những người thuộc độ tuổi 30 – 40 gặp vô vàn trở ngại, dẫn tới khó có thể dọn ra ngoài sống một mình".
"Vợ chồng tôi muốn mình là ngọn núi vững chãi để con cái an tâm tựa vào," – Young-wook kết thúc câu chuyện. Ông hiểu rõ thực tế khắc nghiệt, tin tưởng quyết định bao bọc con trai đã ngoài 30 là lựa chọn đúng đắn. Nhờ tình yêu thương này của cha mẹ, Jeong-kyu không bị áp lực phải tự lập đè nặng. Anh có thể theo đuổi công việc yêu thích, từ từ nghĩ đến chuyện kết hôn và ra ở riêng.
Tham khảo: Nbcnewzs
Pháp luật và bạn đọc