Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Tạo ra thứ gọi là “nhạc của tôi”

08/02/2019 11:10
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Tạo ra thứ gọi là “nhạc của tôi”

Ở tuổi ngoài ba mươi, Hồng Quang đã có một sự nghiệp âm nhạc đáng nể: sáu album và hàng trăm chuyến lưu diễn khắp các nước. Quang dự tính năm 2019 sẽ là năm Quang trở về Việt Nam thêm nhiều lần nữa để tiếp tục hành trình lưu giữ và lan toả âm nhạc dân tộc Việt Nam theo cách của mình.

* Hiện tại anh lưu diễn khắp thế giới cùng với ban nhạc của nghệ sĩ Nguyên Lê và đã ra mắt album thứ sáu của mình trong vòng năm năm qua có tên là Nhìn lại. Sao mới làm mà đã “nhìn lại” rồi?

– Tôi luôn luôn nhìn lại mà (cười). Đấy là album mà tôi kết hợp với nữ giáo sư trẻ Phan Lê Hà sống và làm việc ở Hawaii. Ngay khi gặp chị tôi đã luôn dâng trào một cảm xúc sáng tạo mãnh liệt khi đọc những vần thơ của chị. Tôi đã viết: “Mỗi một ngày qua đi là tôi thấy tâm hồn mình được nuôi nấng, tiếp năng lượng tích cực, được thoả chí tang bồng bay bổng sáng tạo bằng chính sự ẩn nấp trong sâu thẳm của một trái tim nhân hậu, một cá tính thi sĩ, một nguồn sống và sáng tạo vô bờ bến, một đam mê… Chị năng nổ và cũng đi khắp thế giới, chị làm thơ và gởi cho tôi bất kỳ lúc nào. Nhận được là tôi viết nhạc ngay.

* Làm thế nào để bạn đem tiếng nói riêng của dân tộc mình cho những người đang ngồi nghe dưới kia không cùng văn hoá, màu da, chủng tộc… Kể cả những người trẻ ở Việt Nam không có ký ức hay hiểu về âm nhạc dân tộc đã thuộc về quá khứ?

– Tôi nhận thấy, người nước ngoài cảm nhận rất nhanh style âm nhạc của tôi. Ngày trước khi chỉ diễn một chương trình âm nhạc thuần tuý truyền thống, hát theo đúng kiểu vùng miền, những người đi nghe vì lạ chứ không phải vì thích thật sự. Nhưng gần đây khi tôi đưa những yếu tố đương đại kết hợp cùng sự đa dạng âm sắc của các nhạc cụ để mix vào những bài hát dân gian, người ta lại cảm nhận được rất nhanh. Cách đây một tháng, tôi thực hiện một chương trình như vậy cho một trung tâm thiền ở giữa rừng tại một thành phố châu Âu. Đã có 150 người ngồi yên lặng cùng nhau ở không gian âm nhạc của tôi trong vòng một tiếng.

Đối với khán giả trẻ Việt Nam cũng vậy, nếu chỉ hát nhạc truyền thống thì chừng hai, ba bài là họ sẽ buồn ngủ. Từ đó, tôi cũng có được một so sánh khá khách quan rằng, âm nhạc truyền thống thuần tuý thường dành cho những người trong trường nhạc nghiên cứu… nhưng để có thể kết nối với khán giả đại chúng thì cần phải mix với âm nhạc đương đại, những yếu tố âm nhạc mới vào âm nhạc truyền thống.

* Văn hoá bản địa hiện tại nếu để nguyên thì có thể gây chán, nhưng nếu kết hợp mà làm sai, làm ẩu thì lại trở nên nguy hại cho sự tiếp nối truyền thống bị sai lệch và có thể đứt gãy với hiện tại và tương lai…

– Trong thế giới âm nhạc có rất nhiều trạng thái khác nhau, mình hiểu được và có thể sử dụng nó được thì sẽ thành công. Công chúng cũng có nhiều cảm xúc khác nhau, và chúng ta phải hiểu được một cách cặn kẽ rằng sẽ dùng chức năng nào của âm nhạc để tương tác với cảm xúc ấy, và tất nhiên, cũng như thời đại ngày nay, cần phải rất năng động.

* Vậy làm sao mà bạn có thể tạo ra một thứ gọi là “nhạc của tôi” như bạn đã từng nói và trình diễn trên thế giới?

– Tôi từng có viết một bài mang tính Phật giáo cách đây năm năm, tên tiếng Anh là Flow into the External Flow, tên tiếng Việt dịch tạm là nhạc Pháp, viết đúng với tinh thần “của tôi”. Tác phẩm đó xuất phát từ phân tích một vài điểm về âm nhạc và lối hát của cải lương Việt Nam có những làn điệu nằm giữa hai cung rất thú vị. Tôi sử dụng lối tư duy đó viết một tác phẩm âm nhạc đương đại dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt. Bài viết cho mười nhạc cụ, trong đó có chín loại đàn phương Tây và một là đàn bầu đặc trưng của Việt Nam. Tác phẩm đó đã được chọn là một trong mười tác phẩm hay nhất Đông Nam Á do một ban nhạc của Đức chơi.

Hiện tôi đang ấp ủ thực hiện một chương trình vào giữa năm 2019.Tôi sẽ mời chủ yếu là nghệ sĩ để chơi những tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc, nhưng chơi mộc (acoustic). Để tạo ra cái gọi là “nhạc của tôi” sẽ là câu chuyện dài mà có thể sẽ phải học và sáng tác suốt đời để làm việc đó.

Nhưng âm nhạc, bản chất vẫn là mang tiếng nói chung về văn hoá của loài người. Có lần tôi đã hát một bài hát dựa trên chất liệu dân ca của người Mông, bài hát có tên là Gọi em, tôi hát cùng với một nữ nghệ sĩ người Nhật chơi trống Taku. Khi nghe tôi hát, chị đáp lại tôi bằng bài hát của một dân tộc thiểu số vùng núi ở Nhật. Hai bài hát đan xen vào nhau hoà nhịp như là một vậy… chỉ là bằng hai ngôn ngữ khác nhau.

Hay có lần ở nhà một anh người Mông có nuôi hai con chim hoạ mi. Hai con ở hai lồng hai bên. Mỗi lần đi quay phim về, ngồi nghỉ thì hai con chim lại hót líu lo. Giây phút đó làm tôi thật sự hạnh phúc và cảm nhận được một sự kết nối lạ lùng giữa chính mình với hai chú chim. Sau đó tôi đã sáng tác bài Chim hoạ mi cho đàn nhị solo không có lời. Đi điền dã với tôi, là lắng nghe những câu chuyện của người dân ở đây, lắng nghe mọi âm thanh ở nơi mình đến.

* Bạn đã nói sẽ phải học và sáng tác suốt đời, đặc biệt là trong âm nhạc của Quang, nói như nhà báo Kim Hạnh: “Nghe cả tiếng lá rung”?

– Không hiểu sao mỗi khi đứng trước núi non hùng vĩ hay rừng thẳm mênh mông, tôi lại rưng rưng, nổi hết gai ốc. Khi đi học âm nhạc, tôi may mắn là có khả năng bắt được tần số rất nhanh với giai âm của các nhạc cụ. Ngay cả hát, tôi chưa học thanh nhạc bao giờ, hoàn toàn là bản năng.Cuối cùng tôi nhận ra rằng khi mình đi sâu vào thế giới âm thanh và hiểu được chức năng tổ chức âm thanh, hiểu được công năng các tuyến giai điệu, hoà âm… thì có thể tự học được.

Nghệ thuật không đơn giản, nó không chỉ là có tài năng mà còn là sự rèn luyện, bền bỉ và quyết liệt.

Ngân Hà (theo TGTT)


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025