Hồi đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát, mùa phim Tết kéo dài 10 ngày của Trung Quốc - mùa cao điểm quyết định quỹ đạo tăng trưởng cho cả năm - vốn dự kiến mang về 1 tỉ USD tiền vé đã đi tong. Mọi rạp chiếu phim trên toàn quốc đều phải đóng cửa do chính phủ khuyến cáo người dân không tụ tập nơi đông người. Nhiều chuyên gia tin rằng đây là đón giáng nặng nề nhất mà Covid-19 mang lại cho nền công nghiệp giải trí Trung Quốc. Đáng tiếc, với tình hình hiện tại thì thiệt hại có thể lâu dài hơn rất nhiều.
“Dịch bệnh làm giảm số lượng sản xuất vào năm 2021. Tất cả mọi người hoạt động trong lĩnh vực này đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ hậu kỳ, hiệu ứng đặc biệt cho tới diễn viên”, Tony Lu - nhà sản xuất của The Wandering Earth phần tiếp theo – cho biết.
Ảnh: AP
Hai trong số các hãng phim mới nhất và lớn nhất thế giới – Qingdao và Hengdian – án binh bất động, đóng cửa từ cuối tháng 1 để đề phòng sự lây lan của coronavirus tại Trung Quốc. Hàng trăm cơ sở nhỏ hơn cũng rơi vào trường hợp tương tự vì làm theo hướng dẫn của chính phủ và chưa có ngày quay lại làm việc.
Chia sẻ với tờ Variety, một nhà sản xuất phim Trung Quốc cho biết hướng dẫn kèm theo cảnh báo chính phủ đã đẩy công ty của anh vào bờ vực phá sản. “Chúng tôi đang chu cấp cho một đoàn phim gồm 400 người hiện ở một khu nghỉ dưỡng gần Thanh Đảo. Chi phí thức ăn và tiền công đều được trả đầy đủ nhưng không được quay phim. Tiền đang chảy khỏi túi chúng tôi hằng ngày”, Wang Haiyi của công ty HiShow Entertainment cho biết. “Thay vào đó, chúng tôi quay MV để mọi người lên tinh thần”.
Vấn đề lớn nhất ở đây chính là tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu. Một số thành phố của Trung Quốc đã chính thức trở lại làm việc vào ngày 10 tháng 2. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa không thời hạn.
“Không ai có thể chắc chắn rằng dịch Covid-19 đã kiểm soát được dịch bệnh hay chưa. Cho đến lúc đó, bộ phận sản xuất sẽ tê liệt hoàn toàn. Tôi thấy ít nhất là đến tháng Tư sẽ không có bất kỳ bộ phim nào được khởi quay”, Andre Morgan - nhà sản xuất kỳ cựu và người đứng đầu Ruddy Morgan - nói. “Tạm thời, các đoàn làm phim Trung Quốc có thể du lịch nước ngoài và bắt đầu lại công việc ở đó không?”.
Những người khác, bao gồm nhà sản xuất độc lập Shan Dongbing, hy vọng sẽ có phim được quay trước tháng Sáu.
Ảnh: Reuters
Có rất nhiều dự án dang dở khi dịch bệnh bất ngờ bùng phát. Và ai sẽ trả chi phí phát sinh cho họ? Có không ít hãng phim tuyên bố miễn phí tiền thuê đạo cụ cho một số dự án nhưng phí thuê phim trường thì không rõ. Mặc dù vậy, họ sẽ chịu đựng được bao lâu?
Rất ít nhà sản xuất ở Trung Quốc tận dụng bảo hiểm và bảo đảm hoàn thành như ở phương Tây. Điều đó có nghĩa là các công ty sản xuất, và cuối cùng là các nhà đầu tư sẽ phải chịu chi phí. “Các nhà sản xuất không có công ty trái phiếu nào để gánh tổn thất. Đó là lý do tại sao giá cổ phiếu của những công ty này liên tục rớt giá”, Li Chi-an - một nhà sản xuất và biên kịch độc lập - nói.
Đối với các dự án đã bắt đầu trước khi dịch bùng phát, những thành viên của đoàn phim hầu hết được giữ lại nhưng bị cắt giảm lương. Điều này đã xảy ra trong trận dịch SARS vào năm 2003. “Một số người đồng ý giảm lương nhưng nếu điều này diễn ra trong 2-3 tháng tới, ai biết được?”, Li nói.
“Mọi người sợ bệnh và đồng thời cũng sợ nếu họ tiến hành dự án mà xuất hiện ca bệnh nào, cấp trên sẽ phạt”, Li Dan – một chuyên viên tổ chức sự kiện – cho biết.
Nếu các biện pháp chống dịch của chính quyền trung ương và địa phương trở nên kéo dài - đủ lâu để các dự án hiện đang tạm dừng va chạm với mùa phim hè – thì rất nhiều dự án sẽ bốc hơi hoàn toàn.
Không giống các đồng nghiệp ở Hollywood, những nhà sản xuất phim Trung Quốc thường có tầm nhìn ngắn hạn và dồn toàn bộ sức lực vào dự án tiềm năng nhất ngay khi nắm được tiền trong tay.
Covid-19 xuất hiện sau khi ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc chao đảo trong gần 2 năm bởi 2 sự kiện quan trọng.
Đầu tiên, khung thuế mới dành cho nhà sản xuất được thiết lập sau vụ bê bối trốn thuế của Phạm Băng Băng vào năm 2018. Điều này đồng nghĩa hàng trăm công ty đã trả lại 1,7 tỉ USD tiền thuế mà họ không lường trước được.
Thứ hai, chỉ đạo của ban tuyên giáo Trung Quốc dành cho ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình vào năm 2018 chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019. Mặc dù vậy, hệ quả của nó chỉ rõ ràng trong vài tháng gần đây khi hàng loạt phim bị lôi ra khỏi lịch chiếu và các LHP phim. Các nhà sản xuất buộc phải làm phim ca ngợi lòng yêu nước và giá trị dân tộc.
Hai yếu tố trên cộng thêm việc tăng trưởng phòng vé giảm còn 1 con số sau 15 năm tăng mạnh cho thấy số tiền đầu tư có sẵn từ các lĩnh vực như bất động sản đã cạn kiệt.
Ảnh: Reuters
Một số người cho rằng việc phá sản, hợp nhất và rửa sạch các doanh nghiệp nhỏ về lâu dài sẽ cải thiện ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc. Thế nhưng kịch bản đó có vẻ xa vời. Trong khi đó, những người trong cuộc đang tìm cách cải thiện để thích nghi.
“Nếu điều này xảy ra vào 30 năm trước, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ bị tàn phá. Với Internet, chúng tôi đã có thể làm việc dễ dàng hơn. Đặc biệt là với các dự án phim truyền hình, tình hình thật sự không tệ đến vậy”, Li Chi-an nói. “Đội chúng tôi gồm 6 người cùng viết kịch bản trong một tài liệu được chia sẻ trực tuyến. Chúng tôi thảo luận và chúng tôi chỉnh sửa nó. Tất nhiên, tốt hơn là nên có các cuộc họp và thảo luận trực tiếp nhưng videocall là giải pháp không tồi”.
“Chúng tôi vừa quay xong một bộ phim ở Nhật Bản trước Tết. Chúng tôi dự định sẽ thực hiện phần hậu kỳ ngay bây giờ, nhưng nó đã bị gián đoạn bởi virus”, Cao Liuying - đồng sáng lập công ty sản xuất Midnight Blur (hay còn gọi là Parallax Films) – nói. “Các biên tập viên và đạo diễn không thể làm việc tại cùng một nơi do đó việc cung cấp các tệp thô trong đĩa cứng trở thành vấn đề. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch B là làm hậu kỳ tại Đài Loan”.
Mai Thảo