Theo Giám đốc địa điểm khảo cổ Chichen Itza (Mexico), Marco Antonio Santos, các cổ vật được khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi ở tây nam Trung Quốc cho thấy nền văn minh của nước Thục cổ đại - tồn tại cách đây ít nhất 4.800 năm - có những đặc điểm giống với với người Maya.
Nền văn minh Maya đã xây dựng các thành phố của mình vào khoảng năm 200 sau Công nguyên. Thành phố Chichen Itza thời tiền Colombo, một trung tâm nghi lễ quan trọng của người Maya với kim tự tháp Kukulcan nổi tiếng và là biểu tượng quan trọng của người Maya, tồn tại từ khoảng năm 700 đến năm 1200 sau Công nguyên.
Ngày 20.3, các nhà khảo cổ học tại Trung Quốc đã thông báo về những khám phá mới tại di chỉ Tam Tinh Đôi - kinh đô của nước Cổ Thục, nằm ở thành phố Quảng Sơn, cách Thành Đô, tỉnh lỵ của Tứ Xuyên khoảng 60km.
Tam Tinh Đôi được xây dựng vào thời nhà Hạ. Nơi đây bao gồm hệ thống tường thành, khu dân cư, xưởng, nhóm lăng mộ và "hố tế thần" có quy mô lớn, bố cục chặt chẽ và chức năng rõ ràng. Việc khai quật được nhiều cổ vật bằng đồng tại đây cho thấy công nghệ nấu và đúc đồ đồng ở Vương quốc Thục cổ đại đã rất thuần thục. Bên cạnh đó, các tạo tác bằng vàng, ngà voi và ngọc bích có niên đại khoảng 3.000 năm trong sáu hố hiến tế.
Các nhà sử học và khảo cổ học tin rằng, những khám phá mới tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi có thể viết lại cách hiểu chính thống rằng nền văn minh Trung Hoa cổ đại chủ yếu tập trung dọc theo lưu vực sông Hoàng Hà ở phía bắc đất nước.
Chuyên gia khảo cổ Santos nói với Tân Hoa xã rằng tàn tích làm bằng đồng được chôn trong các hố tế thần gợi nhớ đến cây Ceiba thiêng liêng của người Maya. “Đây là những điểm tương đồng rất quan trọng, các biểu tượng của cây cối trong cả hai nền văn hóa cung cấp cho chúng ta một biểu tượng rất giống nhau”, ông nói.
Theo ông, những phát hiện tại khu di chỉ Tam Tinh Đôi, được coi là một trong những khám phá khảo cổ học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cũng cho thấy một khía cạnh mới của nền văn hóa đồ đồng, cho thấy nền văn minh cổ đại đã có kiến thức về các công nghệ được cho là có từ các nền văn hóa sau này.
“Mặc dù khoảng thời gian chênh lệch giữa Vương quốc Thục cổ đại của Trung Quốc và nền văn hóa Maya ở Mexico là rất lớn, nhưng những phát hiện này làm nổi bật sự gần gũi giữa hai nền văn minh”, Santos cho biết và lưu ý rằng, hai nền văn minh phát triển ở những vùng có khí hậu tương đương và phản ánh thế giới quan của họ bằng những biểu tượng tương đồng.
Santos tiết lộ thêm rằng trong số hơn 500 hiện vật được khai quật gần đây ở Tam Tinh Đôi có nhiều mảnh vàng và ngọc bích, là những vật liệu mà người Maya thường sử dụng.