Muôn kiếp nhân sinh: Gieo nhân nào, gặt quả nấy! Nhân quả đừng đợi thấy mới tin!

03/03/2021 08:30
Muôn kiếp nhân sinh: Gieo nhân nào, gặt quả nấy! Nhân quả đừng đợi thấy mới tin!

Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng tại sao có những người sinh ra trong một hoàn cảnh vô cùng giàu có, trong khi đó người khác lại sinh ra trong một hoàn cảnh nghèo khổ bần cùng. Tuy có vẻ khó tin, nhưng Luật Nhân Quả là có thật.

 

Không có chuyện gì trên thế gian này xảy ra một cách ngẫu nhiên, chúng đều có nguyên nhân của chúng. Ai cũng biết rằng làm việc thiện đều mang đến một cuộc sống an nhàn và hạnh phúc, tuy nhiên có biết bao nhiêu người đã làm được điều này. Mỗi ngày trôi qua đều có những tin tức bạo động hay chiến tranh, dần dần thế giới chúng ta đang sống dần trở thành một “bãi chiến trường”, nơi mọi người đều tìm cách đấu đá nhau. Muôn Kiếp Nhân Sinh của Nguyên Phong sẽ mang đến cho bạn đọc một bức tranh phác họa toàn bộ quá trình của Luật Nhân Quả tác động đến chúng ta như thế nào, từ đó tự rút ra cho mình những bài học riêng.

Tác giả Nguyên Phong ( Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968. Ông từng là Kỹ sư trưởng, CIO của Tập đoàn Boeing ở Mỹ. Ông được biết đến là Giáo sư John Vu - nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin.

Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã viết phóng tác các tác phẩm bất hủ Hành trình về phương Đông năm 24 tuổi (1974). Các tác phẩm của ông được mọi người biết đến như: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Minh triết trong đời sống, vv.

“Muôn kiếp nhân sinh” là tác phẩm do Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong viết từ năm 2017 và hoàn tất đầu năm 2020 ghi lại những câu chuyện, trải nghiệm tiền kiếp kỳ lạ từ nhiều kiếp sống của người bạn tâm giao lâu năm, ông Thomas – một nhà kinh doanh tài chính nổi tiếng ở New York. Những câu chuyện chưa từng tiết lộ này sẽ giúp mọi người trên thế giới chiêm nghiệm, khám phá các quy luật về luật Nhân quả và Luân hồi của vũ trụ giữa lúc Trái Đất đang gặp nhiều tai ương, biến động, khủng hoảng từng ngày.

“Muôn kiếp nhân sinh” là một bức tranh lớn với vô vàn mảnh ghép cuộc đời, là một cuốn phim đồ sộ, sống động về những kiếp sống huyền bí, trải dài từ nền văn minh Atlantis hùng mạnh đến vương quốc Ai Cập cổ đại của các Pharaoh quyền uy, đến Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày nay.

| ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI TỐT XẤU RA SAO LÀ DO CHÍNH HỌ TẠO RA QUA NHIỀU KIẾP SỐNG |

Trải qua nhiều kiếp sống, con người sẽ học được những bài học họ cần phải học. Có người học nhiều, cũng có người không học được gì nhưng chung quy lại thì họ sẽ phải học những gì phải học. Có người tu tâm dưỡng tánh, luôn hoàn thiện chính mình thì kiếp sau họ sẽ có một cái “quả” tốt hơn. Còn nếu kiếp này, họ tàn nhẫn, độc ác thì kiếp sau họ sẽ phải gặp báo ứng và phải học bài học thông qua sự đau khổ.

Thông qua từng kiếp sống và trải nghiệm từ người bạn tâm giao lâu năm Thomas kể lại, từ nền văn minh Atlantis đến Ai Cập huy hoàng và các vị vua Pharaoh quyền lực, chúng ta có thể thấy rằng mỗi một kiếp sống, con người đều rơi vào trầm luân đau khổ, phần lớn là do lòng tham và dục vọng dẫn lối, từ đó gây ra đau khổ triền miên.

Con người phải trải qua rất nhiều kiếp sống và học hỏi từ sự đau khổ cho đến khi trở nên tốt đẹp. Nhưng đã mấy ai tin rằng có nhiều kiếp sống và con người chết đi rồi tái sinh như thế?

Theo ông Kris, nhân vật chủ nhà đã từng cứu giúp gia đình Thomas trong một trận lở tuyết trên con đường đi đến khu nghỉ dưỡng ở Colorado cho rằng:

Tại sao con người sinh ra để rồi chết đi? Đời sống có ý nghĩa gì nếu chỉ có một đời sống duy nhất và chết là hết? Tại sao có người sinh ra đã là sung sướng trong khi người khác lại sinh ra trong hoàn cảnh bần cùng? Tại sao có người lại sinh ra ở những quốc gia thịnh vượng, văn minh, được hưởng thụ những tiện nghi vật chất trong khi người khác lại sinh ra ở những quốc gia nghèo đói, chiến tranh liên miên, thường xuyên xảy ra thiên tai hay dịch bệnh? Khong ai có thể trả lời những câu hỏi này nếu người ta không tin vào Luật Nhân Quả và Luân hồi.

Thuyết “tiền định” cho rằng mọi sự hay số mạng đều được định trước bởi một “ đấng cao cả” nào đó. Điều này có nghĩa là con người không có quyền tự do quyết định số phận của mình và chỉ bị sai khiến mà thôi. Như vậy, đời sống này có ý nghĩa gì với chúng ta khi chỉ biết sống như một “con rối”?

Khác với thuyết tiền định này, chúng ta luôn có quyền lựa chọn mình sống theo cách này. Không có ai hay một đấng nào có thể trừng phạt con người. Những người được hưởng sung sướng và những người không may mắn cũng là do những yếu tố trong quá khứ mà không mấy ai nhớ được. Ngoại cảnh có thể tác động, nhưng cuối cùng chính chúng ta mới là người quyết định số phận của mình

Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là do chính cá nhân đó tạo ra cho chính mình chứ chẳng ai trừng phạt ay ban thưởng gì cho họ.

Chính vì chúng ta trải qua nhiều kiếp sống khác nhau, chúng ta của hôm nay là do những trải nghiệm, những nghiệp quả đã gieo rắc trong nhiều kiếp trước tạo nên. Khi một tư tưởng, hay một lời nói và hành động gây ảnh hưởng đến người khác, khi chúng ta độc ác, hiếu sát, thích đánh đập hay giết hại sinh vật thì thường chịu đựng bệnh tật đau đớn, khổ sở, khó có thể sống lâu được. Những người trộm cắp tài sản của người khác, thì kiếp sau thường tái sinh vào những nơi bần cùng nghèo khổ.

Nền văn minh Ai Cập đã từng một thời rất huy hoàng, nhưng vì đã gây ra bao nhiêu hành động tội lỗi, giết chóc và đô hộ những nước láng giềng, dẫn đến cả một nền văn minh bị sụp đổ trong suốt nhiều năm.

 

|CON ĐƯỜNG HÀNH ĐỘNG - KARMA YOGA|

Karma Yoga và Yoga khác nhau như thế nào?

Các môn Yoga hiện thời chỉ là những phương pháp tập luyện để giúp chúng ta có một thân thể khỏe mạnh và xả giãn. Còn đối với Yoga cổ xưa, có thể chia thành ba con đường hay ba khuynh hướng triết lý. Con đường Minh triết, con đường Sùng tín và con đường Hành động - Karma Yoga.

Con người sống theo nhiều kiếp sống, trải qua nhiều trải nghiệm, bi kịch cũng như hài kịch. Trong mỗi kiếp, họ đều phải học những bài học cần phải học, có người học ít, có người học nhiều, song cũng có người không chịu học hoặc không học được. Đây là một quá trình gian nan kéo dài vì có rất nhiều ảo tưởng gây ra bởi khí lực vô mình gọi là guna.

Khí lực đầu tiên là sự bất động (tamas), nó sai khiến con người không làm gì cả. Chúng ta có thể thấy có những người lười biếng, thẫn thờ không muốn làm gì hết. Lúc nào họ cũng chìm trong trạng thái bất động và u mê. Hay nói cách khác, họ sống rất thụ động, không mục đích, không mục đích, không ý thức mà chỉ biết ăn hay ngủ và chỉ muốn yên thân trong một hoàn cảnh đó. Hoặc có những người đã đi được rất xa nhưng lại quay ngược lại về vạch xuất phát vì họ bị ảnh hưởng bởi các dược chất như bia rượu hay ma túy, nghĩa là bản thân họ ham muốn sự bất động.

Karma Yoga khuyến khích con người hoạt động thay vì bất động. Trên con đường hành động này, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều ham muốn và dục vọng để thúc giục họ hoạt động thông qua một khí lực khác. Khí lực này gọi là sự hoạt động hay náo động (rajas).

Khí lực này tạo ra những ham muốn, dục vọng để thúc đẩy con người hoạt động. Vì tham vọng quá mức, đa số những người này đều tham lam và ích kỷ vì họ chỉ biết đi tìm những thứ bên ngoài, họ thu thập, vơ vét, gom góp tích trữ cho thật nhiều vì họ nghĩ rằng họ sẽ sung sướng với những thứ vật chất đó. Nhưng lòng tham vô đáy, sẽ không bao giờ họ có thể thỏa mãn những thứ vật chất bên ngoài và ảo ảnh vô minh đó.

Trong nhiều kiếp sống, họ sẽ phải trải nghiệm khổ đau bởi chính hành động của mình. Họ mới nhận thức được rằng lúc nào họ cũng bất mãn, buồn phiền và đau khổ. Có nhiều thì lại lo mất, không có thì lại muốn có nhiều.

Càng thu nhập nhiều bao nhiêu, sự lo lắng, buồn phiền càng nảy sinh nhiều bấy nhiêu cho đến lúc họ thấy mệt mỏi, chán chê, cay đắng và hiểu được rằng không bao giờ họ có thể thỏa mãn với của cải vật chất.

 Vì vậy, Karma Yoga khuyến khích con người hành động thay vì tránh né, vì chỉ có hành động thì con người mới có thể học hỏi, thay đổi để trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Họ vẫn làm việc như mọi người, hành động như mọi người nhưng trong tâm đã biết buông xả, dứt bỏ mọi ràng buộc. Họ có thể giàu có, tài sản đầy nhà nhưng họ không tha thiết với nó. Những người này hành động vì quyền lợi chung chứ không phải vì mục đích ích kỷ cá nhân.

Theo quan niệm của Ấn giáo thì vạn vật đều trở về nguồn cội. Từ ngàn xưa, trong mọi hoàn cảnh, dù dưới tên gọi này hay tên gọi khác, dưới hình thức này hay hình tướng khác, vạn vật đều tìm về nguồn sống thiêng liêng, nơi chúng xuất phát ra. Khoa học ngày nay gọi là tiến hóa, hay là sự chuyển hóa để trở nên tốt đẹp hơn, rồi tiến đến chỗ tuyệt hảo. Nguồn gốc thiêng liêng này chúng ta có thể gọi là “Thượng Đế”, Phật giáo gọi là “Phật tánh”, và khoa học gọi là “năng lượng uyên nghiêm” ( primal energy).

Trên con đường hành động này, qua nhiều kiếp sống con người liên tục học hỏi và biết làm chủ mọi hành động của mình để chuyển hóa các tập tính xấu và trở thành những bậc hiền triết, thánh nhân trên tiến trình trở về với cội nguồn thiêng liêng. Vì bản chất qua nhiều kiếp sống, con người lại có thêm nhiều khổ đau, họ cần phải biết chuyển hóa chúng và trở nên tốt đẹp hơn để không bị tham lam và lòng đố kỵ điều khiển và chi phối.

Karma Yoga nghĩa là con đường của hành động. Nhưng cần lưu ý rằng, karma không phải là bất cứ hành động nào, mà ám chỉ sự chủ tâm trong mọi hành động. Không những chủ tâm trong hành động, mà còn cả trong tư tưởng, lời nói và hành động.

 

Nếu như chúng ta để ý, hành động với sự chủ ý và hành động làm lúc vô thức sẽ mang đến những kết quả khác biệt. Bất cứ điều gì chúng ta làm với sự chủ tâm đều mang lại một hệ quả, vì đã có cân nhắc trước khi hành động. Tư tưởng có trước lời nói và hành động, nó là nguyên nhân của hành động. Vì thế, con người cần biết cảnh giác với hành động của mình. Thiền định là cách để bạn làm chủ tư tưởng hay suy nghĩ của mình. Khi làm bất cứ một việc gì, hãy suy nghĩ đến hậu quả của nó.

 

| SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG |

Sức mạnh của tình yêu thương ở chỗ chúng có thể xóa tan mọi oán hờn, hận thù và chữa trị mọi bệnh tật trên thế gian. Chỉ cần chúng ta có một trái tim chân thành và lòng yêu thương vô hạn thì bất cứ giới hạn nào cũng có thể vượt qua.

Trong một chuyến đi kinh sát và thăm thú tình hình bên ngoài của dân chúng, vua Akhon (Thomas đang trong hình hài là vua của kiếp này tại Ai Cập) đã lầm lũi đi qua những khu chợ khuya tấp nập, nơi một số dân chúng vẫn còn tụ họp buôn bán dưới những bó đuốc thắp sáng chập chờn. Tình cờ, ông bắt gặp một thiếu nữ duyên dáng, đang dịu dàng bế một đứa bé, đi qua đi lại trước cửa căn nhà có vẻ xiêu vẹo kia. Cô ấy tên là Cihone, và trong căn nhà cùng ở là một ông lão đang bào chế thuốc với những chậu thuốc đầy thảo dược.

Cihone là con gái nuôi của ông, cô có nhiệm vụ săn sóc và chăm non những đứa trẻ bị bệnh tật khi có người cần đến sự giúp đỡ của cô. Mỗi khi gặp một trường hợp khó khăn với một đứa trẻ bất kỳ mà mọi phương pháp đều vô vọng thì Cihone luôn thành công trong việc điều trị cho các bé.

Phương thuốc không có gì quá lớn lao, chỉ là Cihone đang dùng tình thương để chữa lành cho mọi đứa trẻ.

Phần lớn bệnh của trẻ con đều do thiếu săn sóc hay thiếu tình thương mà ra. Đa số cha mẹ của những đứa trẻ này đều bận rộn với sinh kế, mấy ai có thời giờ săn sóc cho chúng đâu, nhất là những đứa bé mới sinh. Tuy chỉ là bệnh thời khí (bệnh theo mùa) nhưng nhiều đứa bé vẫn chết, mà nguyên nhân chỉ là thiếu sự chăm sóc.

Tình yêu thương là thứ có thể hóa giải mọi khổ đau, tuy nhiên vì trong thời đại này các vị Pharaoh luôn ôm giấc mộng về một thế giới sau khi chết, liên tục cho xây dựng lăng tẩm, đền đài, hầu hết các bậc cha mẹ đều tham gia vào việc xây cất những công trình này, không mấy ai có thời gian để chăm sóc cho những đứa trẻ.

Dĩ nhiên, đối với trẻ nhỏ, chúng cần thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể, nhưng thỏa mãn nhu cầu ăn uống vẫn không đủ vì còn có một nhu cầu quan trọng hơn, giúp chúng có sức mạnh và đề kháng chống lại bệnh tật, đó là tình thương. Đối với chúng, được yêu thương chăm sóc là một điều kiện tất yếu cho sự sống, trưởng thành. Thiếu tình thương, chúng rất dễ mắc các bệnh và không thể chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo.

Chúng ta có thể thấy rằng, khi một cá nhân không được chăm sóc và quan tâm trong một thời gian dài, khi trưởng thành họ sẽ rất dễ trở thành những kẻ hung ác, vô cảm và ích kỷ. Nếu như ngay từ nhỏ, chính đứa trẻ ấy được cha mẹ thương yêu thì cuộc đời chúng sau này rất đáng sống, nhưng trong trường hợp chúng hay bị đánh đập và thiếu tình thương thì chúng chỉ biết sống một cách vô ý thức.

Làm sao nó có thể yêu ai được khi nó không hề được ai yêu? Làm sao nó có thể thông cảm với nỗi khổ của người khác khi khả năng yêu thương đồng cảm của nó đã bị thui chột? Làm sao nó có thể thương ai được nếu đó giờ nó chưa được ai thương? Đầu óc của những đứa trẻ này sẽ chỉ giới hạn trong những mối lợi nhỏ nhen, những thú vui vật chất tầm thường, những thói tham lam, ích kỷ chứ không thể làm những việc lớn được.

Khi nói đến tình thương, chúng ta có thể nghĩ đến nhiều khía cạnh từ tình yêu thương gia đình, vợ chồng, tình yêu thương với các nước láng giềng, yêu đồng bào và yêu Tổ quốc. Nhưng, trên thực tế mấy ai có thể thấu hiểu điều này? Mỗi giây mỗi phút, những vụ khủng bố, chiến tranh vũ khí, hạt nhân xảy ra liên miên, hàng trăm cuộc biểu tình, bạo lực và chống đối liên tục xảy ra. Điều này cho thấy, chúng ta chưa thật sự dùng tình thương để cảm hóa nhau.

Một khi xã hội được xây dựng trên nền tảng của sự yêu thương, nó sẽ có năng lực gắn kết mạnh mẽ, có thể khắc phục mọi sự. Một xã hội được xây dựng trên sự oán ghét, hận thù thì khó mà tồn tại vì nó có thể phá hủy tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, hiện nay đã mấy người biết thương yêu hay tha thứ như thế?

Đôi khi chúng ta quá thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Chúng ta “ném đá”, chỉ trích người khác không thương tiếc trong khi chưa biết rõ sự thật câu chuyện như thế nào. Chúng ta bài xích những người mà chúng ta ghét hay có thành kiến trong quá khứ. Thế giới đầy rẫy chiến tranh chính bởi vì chúng ta chưa biết lắng nghe và thấu hiểu nhau, thay vào đó là sự thù hằn và lòng đố kỵ. Thế giới này luôn cần một lời tử tế và sự rộng lượng nơi bạn để khiến chúng tốt đẹp hơn. Thay vì lan tỏa sự tiêu cực, hãy là người mang đến niềm vui và sự hy vọng tích cực cho người khác.

Lời kết

Luật Luân Hồi và Nhân Quả luôn song hành cùng nhau. Không sớm thì muộn, con người sẽ phải trả giá cho những hành động và nghiệp nhân mình đã gây ra. Đừng đợi thấy mới tin, quy luật vũ trụ trước giờ không bao giờ sai. Nếu đã sinh ra là kiếp người, xin hãy cố gắng hết sức sống trọn vẹn, làm việc thiện lành và không ngừng loại bỏ những tạp niệm và tập tính xấu để trở nên hoàn thiện hơn. Cuộc sống sẽ có vô số những ham muốn và dục vọng khiến chúng ta không thể kháng cự lại, nhưng hãy hành động vì những gì tốt đẹp và gieo rắc hạt giống thiện lành cho nhân gian.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy

Hình ảnh: Tuyết Sơn - Bookademy


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024