Là người nghiên cứu di sản văn hóa, sinh sống, làm việc tại Nam Định, tôi đặc biệt chú ý đến mẫu có ký hiệu NC023 với tên gọi “tác phẩm” là Nàng Phổ Minh của tác giả Nguyễn Lê Vĩnh Tường. Không cần biết tác giả của “tác phẩm” này quê ở đâu, trẻ hay già, điều tôi quan tâm là vì sao người ta lại có thể “bê nguyên xi” một công trình kiến trúc, văn hóa và tôn giáo nổi tiếng của dân tộc, là biểu tượng văn hóa của Nam Định để đưa vào một mẫu thiết kế trang phục phản cảm như thế.
Mẫu thiết kế "Nàng Phổ Minh' của tác giả Nguyễn Lê Vĩnh Tường
Trước hết, vì là người ngoại đạo, tôi không có ý bình luận sâu về chuyên môn của ngành thời trang khi xem mẫu thiết kế ấy, ở đây xin có vài ý kiến của người làm công tác nghiên cứu di sản văn hóa ở Nam Định, nơi có tháp Phổ Minh, công trình kiến trúc Phật giáo thời Trần.
Tôi cho rằng, việc sử dụng các di sản văn hóa của dân tộc để sáng tạo các mẫu thời trang trong các cuộc thi quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay là việc làm rất đáng trân trọng. Song cũng cần phải nói cho rõ, việc sử dụng di sản văn hóa ấy không phải là “copy” toàn bộ công trình, hiện vật... mà nên biết lựa chọn những hoa văn, hoạ tiết mang tính đặc sắc hoặc tiêu biểu để làm nên ý tưởng sáng tạo cho trang phục.
Hơn nữa, việc lựa chọn loại hình di sản văn hóa nào và hình thức thể hiện hay ý tưởng phát triển đến đâu để có sản phẩm tôn vinh được lịch sử, văn hóa và tôn trọng thuần phong, mỹ tục của dân tộc đòi hỏi không chỉ ở năng lực chuyên môn mà còn là trách nhiệm của người làm nghề với lợi ích quốc gia.
Đối với mẫu thiết kế NC023: Nàng Phổ Minh hoàn toàn không đạt được mong muốn trên. Về lịch sử, văn hóa, tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc Phật giáo thời Trần liên quan trực tiếp đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm, người có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử và đời sống Phật giáo Việt Nam. Tại tầng 3 của tháp này (tính từ trên xuống), giới nghiên cứu đã phát hiện đầu rồng tráng men thời Trần, viên gạch có chữ Hán ghi niên đại (1305). Đặc biệt là quách đá có đai đồng, phù hợp với truyền thuyết và lịch sử địa phương cho biết đây là nơi vua Trần Anh Tông đặt một phần xá lỵ của vua cha, Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Thứ nữa, ngôi tháp là một biểu tượng kiến trúc của thời Trần còn khá nguyên vẹn đến ngày nay, thể hiện sự vững bền. Vì thế ngôi tháp không chỉ có giá trị về kiến trúc mà còn hàm chứa giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh, và nó trở thành biểu tượng văn hóa của quê hương Nam Định - cố hương nhà Trần.
Việc đặt tên mẫu thiết kế là Nàng Phổ Minh, tác giả và cả Ban tổ chức cuộc thi tuyển chọn trang phục đã vô tình hay hữu ý đi nữa thì đây là một sự cợt nhả với lịch sử. Khi xem mẫu thiết kế cây tháp được sử dụng sáng tạo thành hình ảnh một cô gái nửa thân hình trên ở trên đỉnh tháp, toàn bộ cây tháp như một chiếc váy của cô gái với tư thế ưỡn ẹo, mềm mại.
Xin thưa rằng, trong lòng tháp theo phát hiện của cơ quan chuyên môn có thể là xá lỵ của Phật hoàng, hơn nữa nó còn là biểu tượng của sự trường tồn, vững chãi những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc và đã trở thành biểu tượng văn hóa Nam Định nên hoàn toàn không thể nghiêng ngả, ẻo lả như chiếc váy của phụ nữ được và càng không thể đưa ra để làm thử nghiệm gọi là sự “sáng tạo” một cách vô lối phản cảm như thế. Sáng tạo cái đẹp là phải vươn tới chân, thiện, mỹ chứ không phải làm cái mới chỉ để tạo sự khác biệt.
Với tư cách và trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đồng thời là một người con Nam Định, tôi bày tỏ sự thất vọng về “tác phẩm” này vì nó không những đụng chạm đến lòng tự ái của những người yêu quý, trân trọng di sản của các bậc tiền nhân, mà còn cợt nhả đến lịch sử, xúc phạm tính biểu tượng của tỉnh Nam Định. Vì thế tôi đề nghị Ban tổ chức cuộc thi tuyển chọn trang phục phải có lời giải thích cặn kẽ, rõ ràng về mẫu thiết kế này. Sở dĩ tôi đề nghị như vậy là bởi Ban tổ chức đã “tung” ra mẫu thiết kế trên để cho bàn dân thiên hạ bình luận, mổ xẻ...
Nhân đây tôi cũng xin đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra và có ý kiến thỏa đáng về việc tác giả đã sử dụng một công trình văn hóa tâm linh có tính biểu tượng với giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo... để gọi là “sáng tạo” nên mẫu thiết kế trang phục phản cảm như thế; đồng thời cũng cần làm rõ trách nhiệm của Ban tổ chức thi tuyển những trang phục này trong việc thẩm định, tuyển chọn các mẫu thiết kế trang phục, để không lặp lại trong tương lai.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thư (Báo Văn Hoá)