‘Lẽ sống’ - Nỗi đau khổ đơn độc của một người cũng có tính độc nhất

TRẦN MẶC03/01/2024 08:00
‘Lẽ sống’ - Nỗi đau khổ đơn độc của một người cũng có tính độc nhất

Có bao giờ bạn đặt ra một câu hỏi cho bản thân rằng, liệu sự đau khổ của con người có thể được đo lường hay định giá theo cách so sánh với sự đau khổ của người khác hay không?

Trong cuộc sống, hẳn có không ít lần bạn trải qua đau khổ, khốn cùng. Lúc đó, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tìm cách vượt qua hay là khóc lóc, oán trách số phận của mình và tìm cách so sánh nỗi đau khổ của bản thân với người khác?

Theo Viktor Frankl, sự đau khổ của con người là không thể so sánh được. Những nỗi đau đích thực sẽ khiến một con người trở nên trọn vẹn, lấp đầy toàn bộ bản thể của người ấy.

Ông viết: “Dù sao thì cũng không có nỗi đau khổ nào của con người có thể so sánh được với nỗi đau khổ của bất kỳ ai khác, bởi vì một phần bản chất của đau khổ là thuộc về một con người cụ thể, đó là đau khổ của riêng anh ấy hay cô ấy – mà “trọng lượng” của nỗi đau chỉ phụ thuộc vào chính người đang đau khổ, đó là vấn đề của người ấy; nỗi đau khổ đơn độc của một người cũng có tính độc nhất và cá nhân như chính mỗi con người.”

Do đó, theo Frankl, nếu nói về sự khác biệt trong mức độ nghiêm trọng của nỗi đau khổ thì thật vô nghĩa. Điều thật sự quan trọng là khác biệt giữa nỗi đau khổ có ý nghĩa và nỗi đau khổ vô nghĩa. Sự khác biệt này phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân mỗi con người: chỉ mỗi cá nhân đó quyết định được rằng liệu đau khổ của mình là có ý nghĩa hay không.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, vậy thì nỗi đau khổ của những con người đã tuyên bố rất hùng hồn rằng họ “cũng chịu đau khổ” và họ đã “không biết gì” là như thế nào?

Theo ý kiến của Frankl, chính khẳng định không biết gì đã khiến cho thực tế chịu đựng đau khổ thành ra vô nghĩa. Bởi vì nó xuất phát từ ngộ nhận về mặt đạo đức của tình huống. Nếu xét sâu xa, ta có thể phát hiện rằng việc “không biết” ấy thực tế là “không muốn biết” và lý do ẩn đằng sau là cảm giác muốn trốn tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, như Frankl đã khẳng định: “Cuộc sống không còn hiện diện trước mặt ta như một thứ được trao tặng, mà là một nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta trong từng khoảnh khắc. Do đó, nhiệm vụ càng khó khăn thì cuộc sống càng thêm ý nghĩa.”

Ông cho rằng những gì ta tạo ra, trải nghiệm và chịu đựng trong kiếp này, ta cũng tạo ra, trải nghiệm và chịu đựng trong muôn kiếp. Chừng nào ta chịu trách nhiệm cho một sự kiện nào đó, chừng nào nó là “lịch sử”, chừng đó trách nhiệm của chúng ta sẽ trở nên nặng nề bởi thực tế rằng một khi điều gì đó đã xảy ra thì không thể “biến mất khỏi thế giới”.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024