Làm điều quan trọng Kỳ 1: Câu chuyện của Google Chrome

Sundar Pichai - CEO của Google06/10/2018 10:24
Làm điều quan trọng Kỳ 1: Câu chuyện của Google Chrome

'Làm điều quan trọng' giống như một quyển nhật ký ghi chép lại kinh nghiệm về những trường hợp điển hình đã thành công nhờ phương pháp OKRs (viết tắt của Mục tiêu và Kết quả then chốt, do Andy Grove – cựu CEO Intel - đặt nền tảng).

>> Bấm vào đây, bạn có cơ hội nhận được cuốn sách có chữ ký tặng của dịch giả

Lãnh đạo nhóm Google X đã định nghĩa những mục tiêu mở rộng của mình thật đẹp đẽ – nhóm này đang phát triển dự án Loon và xe hơi tự lái. Astro Teller nói: “Nếu anh muốn xe của mình chạy 50 dặm (khoảng 80 km) tốn 1 gallon (3,8 lít) xăng, cũng ổn. Chỉ cần trang bị lại các bộ phận một chút là được. Nhưng nếu tôi yêu cầu chỉ tốn 1 gallon xăng mà chạy 500 dặm (khoảng 805 km) thì anh phải thiết kế lại từ đầu”.

Năm 2003, Sundar Pichai nhận chức phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm của Google. Khi Sundar và nhóm của anh ấy đưa trình duyệt web Chrome ra thị trường, gần như họ thiết kế lại hoàn toàn sản phẩm này.

Muốn đạt được thành công nhưng cũng không sợ thất bại, họ sử dụng OKRs làm bệ phóng cho sản phẩm Chrome. Hiện tại, theo đánh giá của thị trường, Chrome là trình duyệt web phổ thông nhất cho cả máy tính để bàn và thiết bị di động.

Câu chuyện dưới đây, chúng ta sẽ thấy, luôn có những trở ngại trên con đường phát triển sản phẩm. Larry Page nói: “Nếu anh đặt mục tiêu quá tham vọng và điên cuồng, rồi anh thất bại, anh vẫn đạt được một cái gì đó xuất sắc”. Khi mục tiêu của anh là chinh phục các vì sao trên trời, nếu anh đi chưa tới nhưng ít ra cũng tới mặt trăng trước chứ.

Con đường sự nghiệp của Sundar Pichai chính là một mục tiêu mở rộng được nhân cách hóa. Tháng 10 năm 2015, ở tuổi 43, Sundar trở thành CEO thứ ba của Google. Ngày nay, anh ấy đang vận hành một công ty với hơn 60.000 nhân viên và có doanh thu lên đến 80 tỷ đô la.

-----

Sundar Pichai kể: Lớn lên ở miền Nam Ấn Độ vào thập niên 1980, tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ như chúng ta thấy hôm nay. Tuy nhiên, những thứ chúng tôi có cũng đủ tác động sâu sắc đến cuộc đời tôi.

Cha tôi là một kỹ sư điện ở Chennai, một trung tâm lớn của Ấn Độ, nhưng gia đình tôi sống khá khiêm tốn, giản dị. Muốn lắp một cái điện thoại để bàn – loại quay số analog – phải chờ từ 3 đến 4 năm trong danh sách. Lúc tôi 12 tuổi, cuối cùng, gia đình tôi cũng lắp được một cái. Đó là một sự kiện lớn. Hàng xóm có thể đến chia sẻ sử dụng chung với chúng tôi.

Trước khi có điện thoại, mẹ tôi thường nói: “Con xem giúp mẹ khi nào mẹ có thể đến bệnh viện thử máu?”. Tôi phải đón xe buýt đến bệnh viện, xếp hàng, và thường là họ nói với tôi: “Chưa tới lượt mẹ em đâu, ngày mai lại đến xem sao nhé”. Tôi lại phải đón xe buýt về nhà, mất 3 tiếng đồng hồ. Sau khi lắp điện thoại, tôi có thể gọi đến bệnh viện kiểm tra và biết ngay kết quả.

Giờ đây, chúng ta sử dụng công nghệ như một việc mặc định và công nghệ lại ngày một tiến bộ hơn. Nhưng đối với bản thân tôi, tôi nhận thức được những khoảng khắc khác biệt – trước và sau – mà tôi sẽ không bao giờ quên được.

Tôi đọc bất kỳ cuốn sách nào về máy tính và mạch bán dẫn mà tôi có trong tay. Tôi khao khát một ngày nào đó được đặt chân đến Silicon Valley, nghĩa là bước chân vào đại học Stanford – đó là mục tiêu của tôi – để trở thành một phần của những thay đổi đang diễn ra trên thế giới. Tôi nghĩ rằng mình đã mơ ước quá nồng nàn bởi vì thực tế tại nước tôi có quá ít sự hiện hữu của công nghệ. Tôi bị sức mạnh của trí tưởng tượng dẫn dắt.

Nền tảng của những ứng dụng mới

Tôi làm việc tại công ty Applied Materials ở Santa Clara trong suốt 5 năm trong bộ phận R&D. Thỉnh thoảng, có việc tôi cần sang Intel làm việc và tôi cảm nhận được văn hóa Andy Grove ngay từ khi bước chân vào cửa Intel. Họ có kỷ luật kinh khủng, đến một việc nhỏ nhất (tôi còn ngờ ngợ nhớ là phải trả tiền cho mỗi tách cà phê ngồi uống ở đó).

Trong bộ phận mạch bán dẫn, anh phải có phương pháp thiết lập mục tiêu và giải quyết mục tiêu đó với nỗ lực cao. Vì thế, công việc của tôi tại Applied Materials đã giúp tôi suy nghĩ về mục tiêu với cách nhìn chính xác hơn.

Khi Internet tiếp tục phát triển, tôi đã nhìn thấy vô vàn tiềm năng trước mặt. Tôi đọc tất cả mọi thứ mà Google đang làm. Đặc biệt, tôi rất phấn khích khi họ tung ra sản phẩm gọi là Deskbar – chúng ta có thể tìm thông tin trên web mà không cần mở trình duyệt web.

Deskbar khởi động cùng với hệ điều hành Windows nằm ở một góc nhỏ trên màn hình. Deskbar được xem là một công cụ “mồi” để phát triển về sau, một cách đưa Google đến với nhiều người hơn.

Năm 2004, tôi gia nhập Google làm trưởng phòng sản phẩm, khi đó công ty còn “loay hoay” với công cụ search. Nhưng đó cũng là năm xuất hiện Web 2.0, sự trỗi dậy của khái niệm “nội dung do người sử dụng tạo ra” và một công nghệ mang tên AJAX (một công nghệ web cho phép người sử dụng giao tiếp với máy chủ mà không cần tải lại trang web).

Web ban đầu là một nền tảng để chuyển tải nội dung nhưng nhanh chóng trở thành một môi trường dành cho các ứng dụng. Chúng tôi chứng kiến thời kỳ đầu tiên của sự thay đổi mô hình nền tảng trên Internet và tôi “đánh hơi” được Google có khả năng sẽ là trung tâm của cuộc thay đổi đó.

Nhiệm vụ đầu tiên tôi được giao là mở rộng các ứng dụng và phân phối thanh công cụ của Google gọi là Google Toolbar, có thể đưa thêm vào bất kỳ trình duyệt có sẵn nào để giúp người sử dụng tìm thông tin bằng Google Search.

Theo tôi, đó là một dự án đúng thời điểm. Chỉ trong vòng vài năm, chúng tôi đã mở rộng quy mô từ một toolbar bé nhỏ lên gấp 10 lần. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy sức mạnh của khát vọng – một OKRs mở rộng đầy tham vọng.

Xem xét lại hoàn toàn trình duyệt web

Vào khoảng năm 2006, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về một trình duyệt web đóng vai trò là một nền tảng của ứng dụng, gần giống như một hệ điều hành, để có thể mở đường cho các nhà phát triển viết những ứng dụng chạy ngay trên trình duyệt web. Suy nghĩ có tính chất đột phá này chính là nền tảng để cho ra đời trình duyệt Chrome.

Chúng tôi biết cần có một kiến trúc đa nhiệm (giống như hệ điều hành đa nhiệm) để giúp mỗi tab trên trình duyệt xử lý riêng lẻ như một ứng dụng và vẫn duy trì được thông tin độc lập của dịch vụ Gmail nếu một ứng dụng nào đó bị “tê liệt”. Chúng tôi biết cần phải làm cho JavaScript chạy nhanh hơn rất nhiều so với hiện tại (JavaScript nổi tiếng làm chậm tốc độ duyệt web vì chứa nhiều mã code). Chúng tôi cần xử lý rất nhiều thứ để có thể tạo ra một trình duyệt web tốt nhất có thể.

Eric Schmidt, CEO của chúng tôi biết xây dựng một trình duyệt web từ đầu gian khổ như thế nào: “Nếu đã quyết định làm thì tốt hơn hết nên nghiêm túc với sản phẩm đó”. Nếu Chrome không thể tạo nên sự khác biệt rõ rệt, tốt hơn và nhanh hơn những trình duyệt khác trên thị trường, không có lý do gì chúng tôi phải tiến lên phía trước nữa.

Năm 2008, Chrome xuất hiện trên thị trường, nhóm quản lý sản phẩm đưa ra một mục tiêu cao nhất tạo ra sức ảnh hưởng vĩnh viễn cho tương lai Google: “Phát triển một nền tảng thế hệ tương lai cho các ứng dụng web”. Kết quả then chốt của mục tiêu lớn này: “Chrome sẽ đạt được 20 triệu người sử dụng trong 7 ngày”.

Táo bạo nâng cấp mục tiêu

Trong môi trường OKRs của Google, ai cũng hiểu 70% hoàn thành mục tiêu được xem là một thành công. Không ai cho rằng anh phải luôn đạt màu xanh (mức hoàn thành) cho mỗi mục tiêu anh đưa ra – điều đó cũng không có lợi cho các mục tiêu mở rộng về sau. Nhưng có một áp lực từ bản chất của công ty tạo ra bởi vì anh không thể gia nhập Google trừ phi anh chấp nhận hướng đến sự thành công. Còn trong vai trò một lãnh đạo, anh cũng không muốn, sau mỗi quý, phát hiện rằng mình cầm cây “cờ đỏ” hiện lên trên màn hình trước mắt “bàn dân thiên hạ” và “ngọng ngịu” giải thích tại sao.

Trước áp lực và sự không thoải mái của trải nghiệm này, rất nhiều người trong chúng tôi phải làm nhiều việc “quả cảm” để tránh cầm cờ đỏ. Nhưng cho dù anh thiết lập mục tiêu đúng đắn cho nhóm của mình, đôi khi việc này vẫn không thể tránh khỏi.

Larry Page rất giỏi trong việc nâng cấp OKRs. Ông ấy dùng một số cụm từ như “phấn khích không hề dễ chịu” hay “xem thường những điều không thể”. Tôi cũng thử như vậy với nhóm sản phẩm của tôi, khuyến khích họ can đảm viết xuống một OKRs trông có vẻ rất dễ thất bại, nhưng không còn cách nào khác nếu họ muốn trở thành người vĩ đại. Chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt ra kết quả then chốt 20 triệu người sử dụng – đó là một sự mở rộng cực kỳ kinh khủng – bởi vì Chrome bắt đầu bằng con số 0.

Là một lãnh đạo, anh phải thử đưa ra thách thức cho nhóm của mình mà đừng bao giờ làm họ có cảm giác mục tiêu đó không thể nào đạt được. Tôi nghĩ không chắc là chúng tôi đạt được mục tiêu đúng thời hạn (thẳng thắng mà nói, không có cách nào đạt được). Nhưng tôi cũng nhận thấy mục tiêu đó có thể giúp chúng tôi bứt ra khỏi giới hạn của bản thân.

Đặt ra mục tiêu 20 triệu người sử dụng, tôi biết sẽ có những thứ tốt đẹp xảy ra. OKRs mở rộng này đã cho nhóm chúng tôi một định hướng và một “phong vũ biểu” để đo lường sự tiến bộ; giúp dẹp bỏ tâm lý thỏa mãn; thúc giục ngày nào cũng suy nghĩ về điều mà chúng tôi đang làm. Tất cả những việc đó quan trọng hơn là việc đến ngày hôm đó có đạt được một mục tiêu có thể nói là hơi độc đoán hay không.

Ban đầu, khi Chrome chiếm được 3% thị phần trình duyệt web, chúng tôi nhận được một số tin không vui. Phiên bản dành cho máy Mac không ra kịp so với hoạch định. Mục tiêu đó chỉ còn trông cậy vào người sử dụng hệ điều hành Windows.

Nhưng cũng có tin tốt – người sử dụng có phản hồi tốt về Chrome, giúp tạo hiệu ứng tăng trưởng thật tốt. Tuy vậy, trục trặc nhỏ này cũng giúp chúng tôi nhận diện được cách mới để tiếp cận với dịch vụ web tốt hơn. Khó khăn đã được giải quyết, vấn đề chỉ là thu hút thêm người sử dụng mà thôi và tôi nghĩ chẳng mấy chốc đâu!

>> Làm điều quan trọng Kỳ 2

Lương Trọng Vũ dịch - Trích Làm điều quan trọng


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024