Kiến phật kỳ 5: Tìm thấy tự do trong tâm hồn mình

16/11/2018 08:30
Kiến phật kỳ 5: Tìm thấy tự do trong tâm hồn mình

Cả tuần nay tôi đều siêng năng luyện hành thiền Chánh niệm và quan sát phản xạ của mình đối với những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống – nhận biết “có tồn tại bể khổ” và cách để tìm thấy tự do trong tâm hồn mình.

Và tôi cố để mọi sự “đúng là nó” mà không phê phán chính mình để rồi cảm nhận nó tan đi. Tôi đã vui mừng với cách nó tiến triển, cũng như với cảm giác yên bình và sức mạnh nội tại mới mẻ mà tôi trải nghiệm được.

Khi nào thì bể khổ dừng lại

Tôi đang suy ngẫm tới đây thì giọng nói của nhà sư cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi. Nhóm các anh chị thật là tuyệt vời.–Nhà sư mỉm cười.– Tôi rất vui mừng gặp lại các anh chị. Tôi rất hạnh phúc với thời gian cùng các anh chị khám phá Tứ Diệu Đế.

Thầy nhìn quanh mọi người và mỉm cười.

  • Như vậy là chúng ta đã xem xét hai Chân lý Cao thượng đầu tiên, hôm nay chúng ta sẽ đề cập đến Chân lý Cao thượng thứ ba. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại xem các chân lý ấy có thể lắp ráp với nhau như thế nào.

  • Với Chân lý Cao thượng thứ nhất, chúng ta học về sự hiện hữu của bể khổ và cách để thản nhiên nhìn nó, không xem nó thuộc về bản chất của ta mà xem nó như là một hiện tượng ghé ngang qua ta mà thôi. Chúng ta đã học cách trở thành người quan sát, nhìn bể khổ xung quanh và để nó là nó, theo đó ta cho phép nó tự thân tan đi.

Sang đến Chân lý Cao thượng thứ hai, chúng ta nghĩ về nguồn gốc của bể khổ, đó là sự tham ái (tham, sân, si) – thèm khát, căm ghét, hoặc ảo tưởng, để từ đó mỗi khi ta đau khổ, ta có thể hiểu điều gì đang diễn ra. Chúng ta không chỉ nhận thức được nỗi đau của mình mà còn biết được loại tham ái và thèm khát nào gây ra nỗi đau đó. Một lần nữa, ta học cách nhìn chúng, mặc kệ chúng và buông cho chúng đi.

Khi thật sự luyện tập điều này, ta có thể nhận ra khi nào thì một sự ám ảnh, một ảo tưởng hay một nỗi thèm khát đang nhú lên, để kịp thời buông bỏ nó trước khi nó đủ mạnh để phá bĩnh sự yên bình của ta, nhấn ta chìm vào bể khổ.

Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu Chân lý Cao thượng thứ ba, là như vầy:

“Có sự chấm dứt bể khổ

Phải nhận ra sự chấm dứt bể khổ

Đã nhận ra sự chấm dứt bể khổ.”

Quy trình này cần có thời gian. Ban đầu chỉ là một giây buông bỏ ở chỗ này rồi một giây buông bỏ ở kia, sau đó đến một phút, rồi hai phút. Hết giờ này đến giờ khác, ngày này qua ngày kia. Cứ bồi đắp dần dần, bất thình lình một ngày nọ ta nhận ra mình không còn đau đáu nghĩ về một nỗi sầu khổ cụ thể nào nữa. Bể khổ đã dừng lại.

Ảnh Facebook Vân Thùy 

Vạn vật có sinh ắt có diệt

Sự tĩnh lặng bao trùm vì chúng tôi đang căng óc tìm hiểu ý nghĩa những lời thầy nói.

Nhà sư lặp lại:

  • “Vạn vật có sinh ắt có diệt”. Đấy là sự thật của vũ trụ. Mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này xuất hiện, bắt đầu rồi cũng sẽ dừng lại hay chấm dứt, không thể khác.

  • … Trái đất, hành tinh của chúng ta, thậm chí cả vũ trụ này, rồi cuối cùng sẽ kết thúc.

  • Hãy nghĩ đến điều đó. Chẳng phải cuộc đời là chuỗi bắt đầu và kết thúc đó sao? Chúng ta sinh ra, chết đi, thân thể chuyển hóa từng khoảnh khắc, tóc mọc ra, làn da và từng tế bào trong cơ thể ta tự tái tạo.

  • Hãy nghĩ về cuộc sống. Chúng ta lớn lên, đi học, ra trường, vào đại học, đi làm. Ta kết bạn, mất bạn. Ta tìm thấy tình yêu, rồi mất người yêu. Ta trở thành cha thành mẹ, sinh con cái và thấy những giai đoạn cuộc đời lặp đi lặp lại trong một thế hệ mới. Điều duy nhất ta có thể chắc chắn là sự thay đổi, hay còn gọi là “vô thường”.

Tuyên ngôn “Vạn vật có sinh ắt có diệt” cũng có thể đem ứng dụng cho niềm an lạc của chúng ta trong cuộc đời, cũng như cho những suy nghĩ và những cảm xúc, tất cả mọi thứ thuộc về thể xác – tất cả mọi thứ. Vì vậy, nếu ta tham ái bất kỳ cái gì trong thế giới vật chất này, nếu ta bám víu bất kỳ thứ gì, ta biết rằng cuối cùng ta sẽ đau khổ bởi vì nó sẽ thay đổi hoặc sẽ dừng lại.

Nhưng ta không cần phải chịu đựng và không cần đợi đến khi chết thì bể khổ mới chấm dứt. Nếu ta hiểu và tu tập Tứ Diệu Đế, ta có thể tự do và hạnh phúc ngay bây giờ. Đó là món quà vĩ đại mà Đức Phật trao cho ta: tự do thoát khỏi bể khổ.

Ảnh Facebook Vân Thùy 

Nhiều người đấu tranh để đạt tới sự cân bằng giữa cái đầu và con tim, nhất là khi trước đó họ đã từng bị tổn thương. Cơ cấu tự vệ này là “thà đóng cảm xúc lại còn hơn là liều, bị đau tiếp nếu mở lòng ra với tình yêu”.

Làm sao để đạt được sự cân bằng tinh tế – “giữ cho trái tim rộng mở và yêu thương nhưng đừng tham ái”. Khi anh chị yêu ai đó, anh chị phơi mình trước nguy cơ bị tổn thương. Chính vì vậy mà người ta hay nói rằng “đau đớn là cái giá phải trả cho tình yêu”, đúng không? Có ít nhiều sự thật trong đó.

Giáo huấn anh chị đang học là hãy nâng niu điều gì đó thật trọn vẹn… thậm chí hãy hứng thú với nó, tận hưởng nó ngay trong lúc này… nhưng đừng bám víu vào nó… kiểu như tận hưởng vẻ mong manh của hoa hồng mà không thèm muốn hái nó; như nghe chim sơn ca hót mà không thèm muốn nhốt nó vào lồng; như chiêm ngưỡng hình ảnh con bướm bay chấp chới trên đôi cánh cầu vồng mà không thèm muốn bắt nó; như yêu một con người mà không thèm muốn sở hữu họ v.v… 

Chúng ta không thể mang theo những đồ vật của cải của mình khi chúng ta chết. Và chắc chắn ta cũng không thể sở hữu được bất kỳ ai. Nhà thơ Kahlil Gibran đã mô tả điều này thật đẹp trong chùm thơ The Prophet như sau:

“Hãy cứ yêu, nhưng đừng ràng buộc trái tim yêu;

Hãy cứ để nó dịch chuyển giữa biển rộng và các bến bờ linh hồn ta.

Đổ đầy ly cho nhau nhưng đừng uống từ một cốc.

Ảnh Facebook Vân Thùy 

Phải nhận ra sự chấm dứt bể khổ

  • Anh chị cần thực hiện điều đó! Đức Phật đã truyền dạy cho chúng ta cách thực hiện, từng bước một, nhưng chính anh chị cần tự thực hành… và anh chị có thể làm được!

Nhà sư dừng lời, trầm ngâm. Rồi thầy mỉm cười.

  • Đức Phật cũng chỉ dạy “Chúng sinh chỉ mắc hai sai lầm trên con đường đi đến chân lý: một là không đi hết con đường, và hai là không chịu bắt đầu”. Đừng phạm phải những sai lạc này mà bỏ lỡ sự yên bình và niềm an lạc vốn là sở hữu của chúng ta.

Vậy chúng ta hãy đưa Tứ Diệu Đế vào thực tế cuộc sống hàng ngày của mình, rồi nhận thấy sự tham ái sẽ bớt dần và bắt đầu ngưng lại. Điều này vốn luôn xảy ra, tất cả chúng ta đều tự mình trải nghiệm. Chỉ cần mỗi đợt một quãng ngắn thôi, mới đầu chừng một hay hai giây cũng được. Chúng ta biết nó đang xảy ra và khi nào thì sự đau khổ chấm dứt.

Nhà sư ngừng lời một lát, suy nghĩ rồi tiếp tục.

  • Vì vậy, bằng cách trải nghiệm vạn vật có sinh ắt có diệt – khát vọng, của cải vật chất, học thuyết, thiên nhiên, hoa cỏ, muông thú, nhân loại, những người ta yêu thương v.v… hết thảy đều xuất hiện rồi cuối cùng sẽ chấm dứt – bằng cách buông bỏ tham ái những thứ ấy thông qua việc thực hành chánh niệmvà hai Chân lý Cao thượng đầu tiên, chúng ta bắt đầu trải nghiệm Chân lý Cao thượng thứ ba, “chấm dứt bể khổ”. Ở nơi từng là bể khổ, chúng ta có thể tìm thấy sự yên bình – cảm giác tự do và khoáng đạt bên trong bản thân.

Trích sách Kiến Phật


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024