Kiến Phật kỳ 4: Nguyên nhân sinh ra bể khổ từ đâu?

09/11/2018 08:30
Kiến Phật kỳ 4: Nguyên nhân sinh ra bể khổ từ đâu?

Một tuần nữa trôi qua, giờ cả nhóm lại có mặt tại nhà tôi. Tất cả chúng tôi đông đủ cả, vào đúng vị trí của mình, ngồi im lặng. Một bầu không khí ấm áp bao trùm – cả nhóm dường như cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nhau, vui mừng khi được gặp lại nhau.

Tôi tự hỏi không biết tuần vừa qua mọi người đã luyện thiền ra sao. Họ có thực hiện hàng ngày hay không, và nó tiến triển thế nào rồi.

Một tuần trải nghiệm về sự bình yên 

Nhà sư nhìn quanh nhóm và mỉm cười, hỏi:

- Các anh chị ổn cả chứ? Tôi hy vọng anh chị bắt đầu tự trải nghiệm sự yên bình và sức mạnh mà chánh niệm và hành thiền mang lại. Tôi cũng hy vọng anh chị đã luyện tập và cảm nhận được những lợi ích này.

Anh chị có câu hỏi nào về việc hành thiền của mình và Chân lý Cao thượng thứ nhất không?

Nhà sư ngừng lời và nhìn quanh nhóm.

- Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại thật nhanh xem cho đến nay anh chị đã học được những gì rồi. Chúng ta đã xem xét Chân lý Cao thượng thứ nhất, rằng “có tồn tại bể khổ; phải hiểu thấu bể khổ; và đã hiểu thấu bể khổ”. Chúng ta đã khám phá ra rằng con đường tìm đến tự do, thoát khỏi bể khổ trước tiên cần là người quan sát bể khổ, sau đó quan sát nỗi đau chúng ta đang cảm nhận mà không bình luận về nó hoặc phán xét nó– hãy buông bỏ nó, mặc kệ nó. Chúng ta biết rằng bể khổ sẽ ra đi, chúng ta sẽ cảm nhận cú kẹp của nó lỏng ra, rồi ta để nó trườn đi khỏi. Cuộc sống cho ta vô số cơ hội để kiểm chứng điều này.

Nhà sư giảng tiếp:

- Nhưng nếu chúng ta có thể tìm được nguyên nhân sinh ra bể khổ thì sao? Vậy có ích lợi gì không? Bao nhiêu lần anh chị tự chất vấn mình câu này “Tại sao chúng sinh lại đau khổ đến vậy?”, “Nguyên nhân gì gây ra bể khổ cho chúng sinh?”. Không lúc này thì lúc khác chúng ta cứ ong ong với câu hỏi “Tại sao, tại sao, tại sao?”, nhưng liệu chúng ta có đi tìm kiếm căn nguyên thật sự gây nên nỗi sầu đau cho mình?

Có thể ta nghĩ đấy là do ông chồng khó tính hay bà vợ trái nết, do nhạc nhà hàng xóm vặn to, hay do tiếng chó sủa đinh tai nhức óc. Rồi do tình hình kinh tế xấu tệ, môi trường làm việc căng thẳng, bệnh thấp khớp hoành hành v.v… bất kể là lý do gì. Nhưng có thật là những thứ đó gây ra nỗi đau khổ cho chúng ta?

Chiếu theo triết lý của Đức Phật thì không hề – Thầy nói và cười lớn – Ngài truyền dạy cho chúng ta cách làm thế nào để tập trung vào nỗi sầu khổ và giảm thiểu nó bằng cách chấp nhận nó, để cho nó đi. Sau đó, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng Chân lý Cao thượng thứ hai nhằm giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân sinh ra bể khổ.

Giống như Chân lý Cao thượng thứ nhất, chân lý này cũng bao gồm ba phạm trù:

Có tồn tại nguồn gốc gây ra bể khổ, gắn với tham ái

Phải buông bỏ dây tham ái

Đã buông bỏ dây tham ái.

Có tồn tại nguồn gốc gây ra bể khổ, gắn với tham ái

- Chúng ta được dạy rằng “Có tồn tại nguồn gốc gây ra bể khổ, gắn với tham ái”; và Đức Phật xác định có ba loại tham ái (tam độc):

  • Thèm muốn nhục dục

  • Thèm muốn trở thành cái gì đó

  • Thèm muốn tống khứ cái gì đó.

  • Đôi khi chúng ta đúc kết ba loại tham ái này thành tham (tham lam), sân (oán hận, chán ghét, bất mãn), si (ngu mờ, mê muội, hoang tưởng). Có thể gọi theo thứ tự khác, nhưng cho dù ta xếp thứ tự như thế nào hoặc gọi chúng là gì, thì tất cả đều là khát khao, thèm muốn. Có thể là thèm muốn, ao ước có cái gì đó, hoặc không muốn, ghét, ghê tởm cái gì đó đến nỗi ta muốn giũ bỏ nó đi. Có thể muốn trở thành cái gì đó hoặc “ảo tưởng” – tức là muốn mọi thứ trở nên khác đi so với bản chất của chúng và không hài lòng với “hiện thực”.

  • Hoặc nói cách khác, tất cả đều gắn với tham ái – khát khao có cái gì đó; khát khao thay đổi cái gì đó; khát khao đừng có cái gì đó, muốn tống khứ nó đi. Cùng một lúc, chúng ta có thể trải qua nhiều hơn một khát khao, chẳng hạn như khát khao tống khứ cái gì đó đi để ta trở thành một cái gì đó khác.

  • “Thầy đang mô tả chính tôi”, tôi nghĩ thế. Tôi luôn sống cuộc đời mình trong tương lai. Cứ muốn cái gì đó, hoặc muốn vứt bỏ cái gì đó để trở nên khác hơn, tốt hơn. Chẳng hạn như, tôi muốn tống tiễn vài ký mỡ thừa ở vòng eo để tôi trông thon thả hơn, và rồi rất tự nhiên, sẽ hạnh phúc hơn. Đúng vậy, tôi khát khao vứt bỏ, cũng như khát khao trở thành và khát khao mọi thứ khác đi.

Nhà sư giải thích:

  • - Không ai phán xét anh chị cái chuyện anh chị muốn, ghét, hay ảo tưởng. Nhưng chính anh chị là người biết khi nào mình đau khổ. Anh chị biết rằng muốn cái gì đó rất khác với khát khao cháy bỏng cái gì đó nhưng không đạt được, xét về khía cạnh đau khổ. Tới đây, chúng ta đã chạm đến bề mặt của vấn đề. Chính mức độ muốn hoặc không muốn mới tạo nên sự khác biệt. Chính khối lượng cảm xúc, hay nói theo cách của Chân lý Cao thượng thứ hai – “gắn với tham ái” – thì khối lượng của sự muốn, sức mạnh của ý muốn, Đức Phật gọi là “mê muội và bám víu”, mới gây nên bể khổ.

Khi ta yêu cái gì đó hoặc cái gì đó làm ta hạnh phúc, ta muốn nó cứ tiếp tục và muốn có nó nhiều hơn nữa. Sau đó, nếu chúng ta không thể có được nó hoặc nó bị lấy đi khỏi chúng ta, thế là ta đau khổ.

Vậy ta có thể làm gì? Đôi khi ta có thể thay đổi những thứ xung quanh mình. Ta có thể thay thế cái gì đó khi nó bị đổ vỡ –như mua xe mới, tìm việc mới, thậm chí tìm bạn đời mới – nhưng nếu ta xem những thứ này là nguồn cung cấp hạnh phúc và yên bình trong tâm, thì ta không thể tin tưởng vào chúng, bởi vì chúng sẽ không ở nguyên trạng là chúng.

Sự thật là không gì giữ nguyên mãi mãi. Cuộc sống không ngừng thay đổi và ta không bao giờ biết điều gì sẽ diễn ra. Đức Phật ám chỉ sự thay đổi chất lượng cuộc sống là “vô thường”. Ngài nhận thấy bất kể thứ gì được sinh ra hoặc được tạo ra thì đến một lúc nào đó sẽ dừng lại, và nếu ta tham ái thì ta sẽ đau khổ.

Nếu ta may mắn có tất cả mọi thứ ta muốn – một ngôi nhà như mơ, một công việc tươm tất, những mối quan hệ thiết thực, thu nhập khủng…– thì ta cũng không thể đóng khung những thứ này cho chúng ở nguyên hiện trạng mãi được. Hoàn cảnh sẽ thay đổi, nếu ta gắn dây tham ái với chúng và chúng thay đổi theo cách ta không mong muốn, thế là ta sẽ đau khổ. Cuộc sống là vậy; chính vì thế mà đời ngập trong bể khổ.

Nhà sư dừng lời.

  • - Nhưng không nhất thiết cứ phải theo cách đó! Ta không thể thay đổi cuộc sống, nhưng ta có thể thay đổi chính bản thân ta và cách ta nhìn nhận sự vật hiện tượng. Ta có thể giải phóng mình khỏi bể khổ; ta có sức mạnh bên trong. Cần phải luyện tập và quyết tâm,nhưng ta có thể thực hiện.

  •  

Phải buông bỏ dây tham ái

Nhà sư dừng lại một chút rồi giảng tiếp:

  • - “Phải buông bỏ dây tham ái”… Đúng, anh chị thấy đấy, có một từ “phải” mà tôi hay khuyên không nên dùng! – Thầy cười.– Nhưng tôi nghĩ nó được phép dùng trong trường hợp này. Anh chị hãy tự suy xét trong khi nghe tôi nói.

  • Vậy là phải buông bỏ dây tham ái. Nếu tham ái khiến ta đau khổ, hãy giải phóng bản thân khỏi bể khổ, chúng ta phải buông bỏ tham ái. Vậy chúng ta làm điều đó bằng cách nào?

  • Bước thứ nhất, như anh chị đã thấy trong Chân lý Cao thượng thứ nhất, là nhận biết những gì đang diễn ra bên trong chúng ta. Trong Chân lý Cao thượng thứ nhất, chúng ta ở “trạng thái quan sát” và công nhận “có tồn tại bể khổ”; chúng ta tập trung vào nỗi đau khổ; chúng ta mặc kệ nó và buông cho nó biến đi.

  • Bây giờ đến Chân lý Cao thượng thứ hai, chúng ta tìm hiểu kỹ hơn tại sao chúng ta phải chịu bể khổ? Khi ở trạng thái người quan sát và nhìn bể khổ, anh chị hãy chú ý tôi nói “bể khổ” thôi chứ không phải “bể khổ của chúng ta”. Anh chị có thể thấy là tôi nhấn mạnh đến nguồn gốc của bể khổ, chứ không nói vòng vo là tham muốn, căm ghét, hay ảo tưởng – mê muội và bám víu.

  • Khoảnh khắc anh chị có thể nhìn nhận bể khổ theo cách như thế, là anh chị đã nới lỏng lực kẹp của nó lên anh chị. Anh chị nhìn nó đúng là nó và như thế là anh chị có thể bắt đầu buông bỏ nó đi. Anh chị tiến đến phạm trù thứ hai của Chân lý Cao thượng thứ hai “phải buông bỏ dây tham ái”.

  • Vậy chúng ta làm thế nào để buông bỏ thứ này? Khi anh chị tự nhận thấy mình tham ái, điều đầu tiên anh chị cần làm chính xác là điều anh chị đã thực hiện với Chân lý Cao thượng thứ nhất – nhìn xem cái gì đang diễn ra. Anh chị nghĩ “Niềm khao khát chiếc xe hơi mới của tôi là tham ái”… Anh chị có thể thay thế bằng nhiều từ khác – chẳng hạn như, công việc tốt hơn, thân hình cân đối hơn, mảnh mai hơn, nhiều tiền hơn, quần áo mốt mới nhất…

  • Bất kể tình huống hay cảm giác gì khiến cho anh chị đau đớn, một khi đã nhận ra nó là loại tham ái nào – tham, sân hay si, hoặc pha trộn giữa ba loại ấy – thì anh chị sẽ có cảm giác nhẹ lòng. Lúc sự căng thẳng trôi đi, anh chị thở hắt ra nhẹ nhõm. Người ta gọi đó là khoảnh khắc “Aha!”.

  • Sau đó anh chị đừng tiếp tục đào sâu nó, mà hãy buông nó đi. Khi anh chị làm vậy, lực kẹp của nó lại càng lỏng ra thêm. Cuối cùng thì nó sẽ đi hẳn (hoặc nó sẽ biến đi ngay lập tức một khi anh chị thật sự có thói quen này). Nó sẽ tan phụt như tuyết dưới ánh mặt trời, trái tim anh chị sẽ rộng mở và anh chị sẽ tự do. Ôi, thật là một cảm giác dễ chịu, giải phóng và thoáng đãng khi sự mê muội và bám víu biến tan.

  • Đã buông bỏ dây tham ái 

  • - Làm thế nào tôi biết được khi nào thì mình đã buông bỏ?

  • Rồi chị sẽ biết. Nhưng đừng lo về nó. Hãy cứ buông bỏ những đau khổ hay thèm muốn. Hãy chấp nhận nó đúng là nó. Đừng phán xét. Và cũng đừng kết tội bản thân vì mình thèm muốn – như chúng ta đã nói ở phần Chân lý Cao thượng thứ nhất. Hãy chấp nhận nó đúng là nó. Buông nó đi. Cho phép nó là nó. Chào nó và rải tâm từ cho nó. Đơn giản là chấp nhận nó chính là nó “Ồ, khát khao thành công đây mà, nó là thế đấy. Cứ buông nó đi”.

Nhà sư nhìn quanh nhóm và mỉm cười.

  • - Vậy là chúng ta đã học khá nhiều điều trong buổi chiều hôm nay.

Thầy nhìn ra khu vườn xanh tươi mời gọi trong buổi trưa hè óng ả. Thầy đề nghị:

  • - Tại sao chúng ta không thực hiện một cữ đi bộ hành thiền ngoài trời cho tỉnh táo nhỉ? Đức Phật đã rất đề cao việc đi bộ hành thiền. Đó là cách chúng ta đưa chánh niệm vào cuộc sống thường nhật, một việc ta có thể làm hàng ngày.

  • Trong thực tế, một khi đã quen, ta có thể đi bộ hành thiền ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào,giống như ta hít thở vậy. Tôi thích câu nói “Nếu ta có thể hít thở thì ta có thể hành thiền”; còn giờ anh chị cũng có thể nói “Nếu ta có thể đi thì ta có thể hành thiền”.

Tôi thích như vậy. Có gì đó cuốn hút tôi tìm hiểu thật nhiều về tính thực tế của Đức Phật, Ngài đã truyền dạy cho chúng ta một phương pháp hành thiền mà không bắt buộc ta phải ngồi trong điện thờ vàng son hay phải quy y ở ẩn, rút lui khỏi trần tục. Ta có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong lúc di chuyển. Nhà sư vẫn đang giảng giải:

  • Nào, manh mối thật sự đúng là nằm ở cái tên. Đi bộ hành thiền tức là ta hành thiền trong lúc ta bước đi. Đó là công cụ hữu hiệu nhất mà chúng ta sở hữu, đó là một phương cách để bình tâm và phục hồi bản thân.

Trích sách Kiến Phật


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024