Ngồi thẳng trên ghế hoặc chiếu thiền, giữ cột sống thẳng, đầu thẳng, cằm hơi gập lại.
Hít vào…tập trung cảm nhận hơi thở đi vào qua lỗ mũi… rồi thở ra.
Hít thở đều, nhận biết không khí đi vào rồi đi ra qua lỗ mũi.
Đếm hơi thở nếu muốn – hít vào, đếm “một”, rồi thở ra…tiếp tục hít vào, đếm “hai”,rồi lại thở ra… cứ thế.
Hoặc có thể đếm “một- hít vào” khi hít vào, và “một - thở ra” khi thở ra. Tiếp tục đếm “hai - hít vào” khi hít vào, và “hai - thở ra” khi thở ra. Cứ thế đếm đến mười. Sau đó quay trở lại đếm từ đầu, hoặc cứ tiếp tục đếm.
Khi đếm, hãy hít thở bình thường – không nín thở, hoặc kìm giữ hơi thở dưới bất kỳ hình thức nào.
Vì đang chánh niệm nên ta có thể nhận thấy hơi thở thay đổi, trở nên chậm hơn và sâu hơn. Có thể có điểm dừng ở cuối mỗi nhịp hít thở trước khi bắt đầu nhịp hít thở khác… cứ để tự nhiên.
Tiếp tục đếm. Ta có thể đếm theo chu kỳ 10 nhịp, và khi đếm đến 10 thì bắt đầu lại, hoặc đếm tiếp… Có người thích đếm theo cách này, có người thích đếm theo cách khác, và thường xuyên thay đổi tùy theo mỗi lần hành thiền.
Hãy thực hiện theo cách nào mà mình cảm thấy tự nhiên và bình thường… hít thở đều…
Nhà sư ngừng giảng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hành thiền. Thời gian trôi qua. Tôi cố giữ sự tập trung vào hơi thở. Đó là một trải nghiệm thú vị. Tôi không chắc đó là do tôi đang thiền chung với một nhóm người, hay đó là vì phần lớn thời gian tôi không đấu tranh chống lại tâm của mình, mà cứ việc hướng tâm trở lại hơi thở mỗi khi tôi nhận thấy nó lảng đi; tôi không tức giận với bản thân – cứ mặc kệ mọi thứ. Điểm đáng chú ý là tôi dần dần thích nó và không hề cảm thấy thời gian trôi qua thật lâu cho đến khi nhà sư gõ chuông báo hiệu kết thúc quãng hành thiền.
Không ai cử động trong một hay hai phút. Tôi nhìn khắp nhóm. Tất cả mọi người đều đang rất thanh thản và yên bình. Tôi tự hỏi họ đã thực hiện như thế nào, tâm của họ có lay động như tâm của tôi không.
- Anh chị thấy thế nào? Có ai hỏi gì không? –Nhà sư hỏi.
Tâm của tôi trống không. Mặc dù nó đã hăm hở đi lan man trong suốt quá trình hành thiền, nhưng giờ tôi lại chẳng nghĩ ra được cái gì để hỏi. Im lặng một thoáng. Sau đó Suzi bày tỏ:
- Tôi rất muốn hành thiền và tôi hiểu nó hữu ích như thế nào, nhưng vấn đề của tôi là tôi không tập trung được. Tâm của tôi cứ lảm nhảm suốt thời gian vừa rồi.
- Tôi không thể chắc chắn bản thân tôi làm khá hơn cô ấy. Và tiếng lầm rầm đồng cảm của cả nhóm vang lên khắp lượt.
Nhà sư mỉm cười.
- À, đó là bản chất tự nhiên của tâm, đúng không nào? Tâm luôn luôn là như thế. Ta không bao giờ giữ tâm yên tuyệt đối được.
Tiếng òa ngạc nhiên thốt lên trước khám phá này từ một số người trong nhóm. Tôi phải thú thật rằng tôi là một người trong số đó.
- Thật ư? – Rodney bật kêu lên.–Tôi cứ tưởng mục tiêu của hành thiền Chánh niệm là rèn cho tâm yên tuyệt đối để ta có thể an bình chứ. Chắc chỉ có Đức Phật mới làm được như thế phải không? Hay Đức Đạt Lai Lạt Ma mới làm được thôi?
Nhà sư mỉm cười, lắc đầu.
- Tất nhiên tôi không thể nói thay cho Đức Phật hay Đức Đạt Lai Lạt Ma về điều đó. – Thầy bật cười lớn. – Làm sao mà được hả, Rodney. Những suy nghĩ luôn hiện hữu, vấn đề là ta không để cho những suy nghĩ làm ta xao lãng. Ta đừng bị cuốn theo chúng, cứ đơn thuần nhận ra chúng mà không bị lôi kéo về phía chúng. Như vậy ta mới có thể tìm thấy yên bình nội tại, vượt lên những suy nghĩ, vượt lên cả những tiếng líu lo của tâm.
Ôi trời, điều này khiến tôi kinh ngạc. Thì ra những suy nghĩ không bao giờ đi hẳn, nhưng ta có thể đạt đến trạng thái không bị chúng bắt giữ… Tôi không có ý nói là ta cứ gà gật rồi ngủ luôn. Quả là một khám phá mới mẻ đối với tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy như thể mình có thể đi tới đâu đó nhờ hành thiền. Tôi cảm thấy hăng hái hẳn.
Tất cả mọi người trong nhóm đều im lặng, cứ như thể chúng tôi đang tiêu hóa cái sự khám phá rằng ý nghĩ không bao giờ biến mất. Suzi bật hỏi:
- Thưa thầy, sự khác biệt giữa hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma và của… của tôi là gì? Tôi hành thiền làm chi nữa nếu những ý nghĩ không bao giờ biến mất?
Cả nhóm bật cười. Sự so sánh khập khiễng giữa Suzi tóc đỏ đầy hình xăm trên bắp tay với diện mạo bình thản của Đức Đạt Lai Lạt Ma thật quá buồn cười. Nhà sư nói:
- Chuyện là, cô Suzi à, khi cô tích lũy nhiều trải nghiệm thiền hơn thì cô sẽ nhận biết được dòng suy nghĩ của mình mà không bị cuốn theo chúng. Cô cảm thấy như mình đang là người quan sát những suy nghĩ của mình – chỉ nhìn chúng thôi, chứ không bị chúng thao túng. Suy nghĩ xuất hiện như những đám mây trôi bồng bềnh. Ta nhìn chúng trôi qua, rồi chúng biến mất, và ta thấy bầu trời quang quẻ trở lại. Khoảng trống giữa những luồng suy nghĩ sẽ dài hơn, sự yên bình và an lạc ta cảm nhận được giữa quãng trống đó sẽ càng lúc càng sâu đậm.
Nhà sư ngừng giảng. Cứ như thầy đang mơ màng trong khi nói. Đột nhiên thầy phá lên cười, nói nhanh:
- Vào một ngày đẹp trời, đúng vậy.
Tất cả cùng cười lớn. Rồi mọi người im lặng. Có người trông có vẻ lo lắng – tôi nhìn bảng tên thì thấy đề là Sam.
- Có điều này khiến tôi bối rối một chút. Đó là, làm thế nào biết được tôi đang hành thiền thật sự, và khi nào thì không… chỉ có…ngồi đấy thôi?
Lại xáo động, rần rần trong nhóm. Câu hỏi của anh dường như đánh trúng điểm thắc mắc của nhiều người.
- Đôi lúc tôi cũng tự hỏi như thế.– Dan tiếp lời.
Nhà sư suy nghĩ một chút, rồi nói:
- Nếu anh chị ngồi xuống với chủ ý hành thiền và nỗ lực chánh niệm thân, hơi thở và môi trường xung quanh thì đó là anh chị đang hành thiền.
Lại một khoảng yên lặng trong lúc tất cả chúng tôi tiêu hóa thông tin này.
- Nhưng xem ra chẳng có gì đang xảy ra cả.– Sam nói.
Chúng ta hãy cùng suy ngẫm điều này nào. –Nhà sư nói – Anh có ngồi thẳng lưng ở một nơi yên tĩnh tránh xa chỗ bị quấy rầy không?
- Có.
- Rồi anh làm gì tiếp?
- Tôi nhắm mắt lại và làm như thầy hướng dẫn…hít thở đều, nhận biết không khí đi vào và đi ra, hoặc cố… – Giọng anh trượt nhỏ đi chốc lát, rồi anh nói tiếp – Nhưng tôi cứ suy nghĩ mông lung hoài. Cuối cùng tôi tự hỏi mình có tập được gì không đây?
Nhà sư mỉm cười.
- Như tôi vừa mới giải thích. Tất cả chúng ta đều bị những suy nghĩ len vào trong khi hành thiền, bởi vì suy nghĩ luôn tồn tại. Mà tất cả chúng ta cứ hay hành thiền trong khi tâm đang rất động. Tôi gọi đó là “hành thiền cùng với danh sách mua hàng”.
Với rất nhiều người trong chúng ta, lần đầu hành thiền không hề dễ dàng – đơn giản thì có, nhưng dễ dàng thì không. Nhưng rất đáng cho ta luyện tập, bởi vì thể nào rồi nó cũng trở nên dễ dàng, tôi cam đoan với anh chị là vậy. Ta cần tiếp tục luyện. Chẳng mấy chốc anh chị sẽ hưởng được lợi ích của nó, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Anh chị biết đấy, có hai phạm trù trong hành thiền: những gì đang diễn ra với thân thể và những gì đang diễn ra trong tâm – có thể gọi đó là con người bên trong và con người bên ngoài của ta, trong hành thiền ta tập trung vào cả thân và tâm.
Ta đặt thân thể vào vị trí thoải mái nhất và có lợi nhất cho hành thiền – lưng thẳng, đầu thẳng nhưng thư giãn, cằm hơi gập lại và mắt nhắm nhẹ nhàng, ta ngồi im lặng một khoảng thời gian. Khi hành thiền, đó là những thứ đầu tiên ta cần phải kiểm tra. Thân thể đang nghỉ ngơi; khi ta thở, tất cả các tế bào đang tái tạo, đang phục hồi, đang thay đổi và đang chuyển hóa về nhiều phương diện.
Còn đối với tâm, cứ hình dung ta đang hướng ánh nhìn vào bên trong. Mặc dù nhắm mắt, nhưng chúng ta hướng sự chú ý vào bên trong chính mình. Thường thì, hầu hết người tập thiền thích nhắm mắt lại hơn, và tôi cũng khuyến khích người mới nên nhắm mắt lại trong khi tập thiền. Như thể chúng ta đang nhìn qua đôi mắt nhắm, một cách thư thái, bình thản, hoặc như thể ta đang nhìn xuyên qua trán mình. Cảm giác giống như khi ta đang ngủ, nhưng ở đây ta không gục đầu xuống. Ta vẫn có cảm giác dịu nhẹ, nhìn thấu vào bên trong. Trong trạng thái này, chúng ta tập trung vì chúng ta đi theo hơi thở.
Những suy nghĩ tự ùa đến rồi tự biến đi, nhưng chẳng bao lâu sau, ta nhận ra mình đang suy nghĩ, ta liền hướng sự tập trung trở lại hơi thở – cứ như thế và như thế mãi. Thực hiện được như vậy một thời gian, ta bắt đầu cảm thấy như mình là người quan sát những suy nghĩ ở trong đầu.
Ta nhận ra còn nhiều thứ trong ta hơn là chỉ có thân thể và bộ não; ta cảm thấy có một phần tinh tuệ hơn, yên bình hơn, sâu thẳm hơn, mạnh mẽ hơn ẩn bên dưới tâm và những suy nghĩ của ta. Và rồi, khi điều đó xảy ra, ta không còn nghi ngờ là mình đang hành thiền. Nhưng hiện thời, hãy cứ đặt niềm tin vào những gì mình đang làm và cứ tiếp tục làm.
Nhà sư ngừng giảng:
- Như vậy đã trả lời được câu hỏi của anh chưa, Sam?
- Rồi, cảm ơn thầy. – Sam đáp.
Nhà sư ân cần nói thêm:
- Tôi cảm nhận là anh chị đang làm tốt. Hãy tin vào bản thân. Hãy tin vào quy trình thực hiện của mình. – Nhà sư nghĩ một chút rồi nói tiếp. – Hãy tử tế hơn với bản thân.
Vẻ mặt Sam kinh ngạc, trong nhóm lại lao xao.
- Tử tế hơn với bản thân? – Sam hỏi.
Nhà sư nói:
- Đúng vậy. Tôi nói nghiêm túc. Anh chị biết rằng nhiều người rất khắt khe với bản thân – tôi phải làm cái này, tôi phải làm cái kia, tôi đã xáo tung mọi thứ, tôi đã quên cái này, tôi đã bỏ lỡ cái kia. Ta nói với mình “Trời ơi, tôi ngu quá, tôi vô dụng quá. Tôi hậu đậu quá. Tôi vô tâm quá, tôi là đồ bất tài, nếu thông minh hơn thì tôi đã không làm điều đó…”. Lời độc thoại nội tâm toàn là những lời chỉ trích và chỉ trích không ngơi.
Tiếng cười lớn nổi lên khắp nhóm. Nhiều người nhận thức đầy đủ ý nghĩa trong lời nói của nhà sư. Thầy hỏi tiếp:
- Anh chị nghĩ xem lời độc thoại có ích lợi gì không? Anh chị cảm thấy như thế nào khi ta nói những điều như thế với chính mình?
Nhà sư nhìn khắp lượt.
- Căng thẳng. – Ai đó hô lên.
- Thất vọng về bản thân. – Người khác nói.
- Những lời như thế chẳng bao giờ dẫn dắt ta đến thành công. – Ai đó nữa thêm vào.
- Chính xác. – Nhà sư chỉ ra. – Tự chỉ trích bản thân chẳng hề khơi nguồn cảm hứng cho ta cố gắng chút nào, đúng không?
Nhà sư ngưng chút rồi giảng tiếp.
- Ông rất đúng, Rodney à, khi nói tự chủ là phẩm chất quan trọng trong những lời răn dạy của Đức Phật. Chúng ta cần tự chủ để đạt thành tựu trong cuộc sống và đó là một trong những lý do Đức Phật ủng hộ việc hành thiền thường xuyên. Bởi vì hành thiền giúp ta có kỷ luật, không chỉ trong hành thiền mà trong cả cuộc sống. Nhưng đôi khi người ta quên mất hoặc không nhận ra rằng đi kèm với sự tự chủ đó là Tâm từ, điều đó cũng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của ta.
Tôi sẽ giảng giải sâu hơn về tâm từ, cùng với chánh niệm, là một trong hai cột móng trong hệ thống giáo lý của Đức Phật. Nhiều người học giáo huấn của Đức Phật thông qua chánh niệm, đến nỗi nó trở thành câu nói cửa miệng trong đời sống thường nhật, nhưng hầu như nó không còn ý nghĩa thâm sâu như nguyên thủy nữa. Bị tách ra khỏi ngữ cảnh mà cụm từ này khởi sinh thì hầu như nó không còn sức mạnh.
>> Kiến Phật kỳ 4: Nguyên nhân sinh ra bể khổ từ đâu?
Trích sách Kiến Phật