Kích hoạt tiềm năng - Nhân viên không rời bỏ công ty, họ chỉ rời bỏ sếp kém

Trí Việt27/03/2021 08:30
Kích hoạt tiềm năng - Nhân viên không rời bỏ công ty, họ chỉ rời bỏ sếp kém

Vào một buổi sáng tháng Một lạnh lẽo ở nhà ga tàu điện ngầm Washington D.C., một người đàn ông ngồi xuống sàn xi-măng lạnh ngắt, tại vị trí hoàn hảo nơi mà mọi hành khách trên đường ra tàu đều phải đi ngang.

 

45 phút và 32 đô-la của nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc nhất thế giới

Người đàn ông mở hộp lấy cây đàn vĩ cầm và đặt hộp đàn rỗng xuống trước mặt, ngầm ý xin thính giả thả vào đó vài đô-la. Và rồi nghệ sĩ vĩ cầm vô danh đó bắt đầu chơi nhạc.

Ông chọn sáu tác phẩm của Johann Sebastian Bach để biểu diễn phục vụ cho những hành khách đi chuyến tàu sáng. Phần biểu diễn của người đàn ông ấy không chê vào đâu được, nhưng chẳng mấy ai để ý.

Người nghệ sĩ biểu diễn suốt 45 phút, và trong khoảng thời gian đó, hàng ngàn hành khách đã đi ngang qua ông. Khi biểu diễn xong, người nghệ sĩ vĩ cầm gom số tiền mình nhận được, thu xếp nhạc cụ, đóng hộp đàn lại và rời đi. Trong 45 phút, ông nhận được 32 đô-la. Không có tiếng vỗ tay hay sự công nhận nào dành cho nỗ lực của ông. 

Đây là một thí nghiệm được tiến hành bởi tờ The Washington Post. Người nghệ sĩ vĩ cầm tại ga tàu lạnh lẽo sáng hôm đó chính là Joshua Bell, một trong những nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc nhất thế giới. Ông đã chơi sáu bản nhạc phức tạp nhất từng được soạn cho đàn vĩ cầm, và ông đã biểu diễn bằng một nhạc cụ trị giá đến ba triệu rưỡi đô-la Mỹ. Chỉ mới trước đó hai đêm, Bell đã biểu diễn trong một buổi hòa nhạc cháy vé tại phòng hòa nhạc Boston, nơi mà giá vé trung bình hơn 100 đô-la.

Thật khó tưởng tượng khi gần cả ngàn người hối hả lướt qua Joshua Bell ngày hôm đó hầu hết đều thờ ơ với phần biểu diễn tài năng đẳng cấp thế giới của ông. Liệu đã có bao nhiêu lần chúng ta lướt qua những tài năng xuất chúng đang hiện diện ngay trước mắt mình?

Cũng như những hành khách ở ga tàu điện ngầm, chúng ta thường bỏ qua những điều vĩ đại và xuất sắc chỉ vì ta không hoàn toàn tập trung hiện diện ở hiện tại. Chúng ta quá bận rộn với những áp lực hàng ngày, với mối lo toan phải hoàn thành công việc hay phải đến một nơi nào đó, đến mức ta phớt lờ hoặc chỉ dành sự công nhận vô cùng hời hợt cho những tài năng xuất chúng ở ngay trước mắt chúng ta.

Hãy nghĩ xem, trong cuộc đời mình, bạn có từng gặp một người lãnh đạo có thể nhận ra trong con người bạn một năng lực mà bản thân bạn không hề nhìn ra? Nếu có, việc đó đã tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào? 

kichhoattiemnang-quote-03.jpg

Có nên phát hiện và đầu tư vào con người?

Tôi từng làm việc với một vị lãnh đạo cấp cao và vị này cho rằng việc phát triển con người cũng như đầu tư vào con người là quá tốn thời gian mà kết quả chẳng đi đến đâu. Ông nói, “Anh dành thời gian và tiền bạc để giúp họ phát triển, và rồi khi học xong những gì cần học, họ rời bỏ công ty”.

Tôi đồng cảm với ông ấy ở điểm này. Thật đáng thất vọng khi chúng ta đầu tư vào con người để rồi họ lại lựa chọn đi đến nơi khác. Nhưng tôi nói với ông, “Hãy nhìn nhận vấn đề này dưới một góc độ khác. Nếu ông không đầu tư vào họ và họ ở lại công ty thì sao? Lúc đó ông sẽ phải làm việc với những con người như thế nào?”.

Thuật lãnh đạo ngày nay đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng một trong những vai trò căn bản của nhà lãnh đạo tài ba là nhìn thấy, nhận ra và sau cùng là khai phóng tiềm năng cũng như thế mạnh của người khác - đồng thời tạo ra sự thu hút để gắn kết những người này với công ty, tránh trường hợp những tài năng và thế mạnh này được phát triển để rồi sau đó rơi vào tay công ty khác giữa môi trường làm việc biến đổi chóng mặt hiện nay.

Có thể bạn từng nghe nói rằng nhân viên không rời bỏ công ty, họ chỉ rời bỏ sếp của mình. Cũng có thể bạn từng nghe nói rằng Thế hệ Thiên niên kỷ (những người được sinh ra vào đầu những năm 1980 đến khoảng năm 2000) là thế hệ dịch chuyển nhiều nhất và rất hay nhảy việc. Trên thực tế, báo cáo từ tổ chức khảo sát Gallup cho thấy Thế hệ Thiên niên kỷ - những người hiện đang chiếm hơn phân nửa lực lượng lao động ở Mỹ - là thế hệ có khuynh hướng thay đổi công việc nhiều nhất, khi 60% trong số họ sẵn sàng đón nhận những cơ hội việc làm mới.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy người tài thuộc mọi thế hệ thường không rời bỏ những nhà quản lý biết quan tâm chân thành và xây dựng được môi trường làm việc toàn diện. Dù thuộc nhóm nhân khẩu học nào thì con người đều muốn có sự kết nối. Họ muốn có cảm giác thuộc về nơi này, cảm giác người lãnh đạo và các thành viên trong nhóm thật sự quan tâm đến họ. Họ muốn cảm thấy được cấp trên giúp đỡ và hỗ trợ để đạt được những mục tiêu quan trọng và tạo ra những đóng góp ý nghĩa.

Những nhà quản lý và lãnh đạo truyền được cảm hứng để xây dựng những mối liên kết như vậy thường tạo nên sự khác biệt giữa một tổ chức thành công và một tổ chức thất bại.

Trích Kích hoạt tiềm năng

Tặng độc giả thân thiết mã ưu đãi giảm thêm 5% khi nhập FHSTD tại Fahasa qua link http://bit.ly/kichhoattiemnang-fhs. Thời gian áp dụng đến 31/03/2021


Gửi bình luận
(0) Bình luận